Trịnh Tráng là con thứ hai Trịnh Tùng. Ngày 20 tháng 6 năm Quý Hợi niên hiệu Vĩnh Tộ thứ 5 (1623), nối nghiệp cha làm Chúa.
Được tin Trịnh Tùng mất ở quận Thanh Xuân, Trịnh Tráng mới rước về Ninh Giang phát táng, rồi đem linh cữu về Thanh Hóa.
Dư đảng Trịnh Xuân đương làm loạn nên Trịnh Tráng rước giá về Thanh Hóa. Vua Lê Thần Tông phong cho Trịnh Tráng làm Thái úy Thanh quốc công. Tiết chế thủy bộ mọi dinh.
Nhân dịp Trịnh Xuân làm loạn. Mạc Kinh Khoan cháu Mạc Kinh Cung trước đã bị quân Trịnh đánh thua mấy trận phải ẩn nấp ở đất Cao Bằng, nay đem quân vào đánh kinh thành. Tháng 8 năm Quý Hợi (1623), Trịnh Tráng từ Thanh Hóa thân đốc quân sĩ đến sông Nhị Hà đánh vỡ được quân nhà Mạc: Mạc Kinh Khoan lại phải chạy về Cao Bằng kinh đô lại được bĩnh tĩnh như cũ.
Trịnh Tráng giẹp yên nhà Mạc lại vào rước xa giá về kinh đô. Ngày 21 tháng 11 năm Quý Hợi (1623) vua Lê Gia Kim sách phong Trịnh Tráng làm Nguyên súy, Thống quốc chinh Thanh Đô Vương.
Năm Giáp Tí (1624) vua Lê truy phong Bình an vương Trịnh Tùng làm Triết vương miếu hiệu là Thành Tổ.
Năm Ất Sửu (1625), Trịnh Tráng sai con là Trịnh Kiều đem quân lên đánh Cao Bằng. Mạc Kinh Cung bị bắt giết, còn cháu là Mạc Kinh Khoan chạy sang Tàu, rồi cho người về dâng biểu xin hàng.
Kinh Khoan được phong làm Thái úy Thống quốc công cho giữ đất Cao Bằng.
Tháng 10 năm Kỷ Tị niên hiệu Đức Long thứ ba (1629), vua Lê gia phong Trịnh Tráng làm Sư phụ Thanh Vương.
Năm Quý Mùi (1631) vua Lê Thần Tôn truyền ngôi cho Hoàng thái tử, gọi là vua Chân Tôn đổi niên hiệu là Phúc Thái rồi lên làm Thái Thượng Hoàng.
Năm Nhâm Thân (1632) Yên Kinh Tàu bị quân Lý Tự Thành vây đánh. Tướng nhà Minh là Ngô Tam Quế đang chống với quân nhà Thanh ở Sơn Hải Quan phải đem binh về cứu viện, song mới đến nửa đường đã được tin Yên Kinh thất thủ. Tam Quế trở lại Sơn Hải Quan xin hàng nhà Thanh để viện binh đánh Lý Tự Thành.
Lý Tự Thành thua, phải bỏ Yên Kinh chạy, vua Thế Tổ nhà Thanh vào kinh làm vua Trung Quốc, đổi niên hiệu là Thuận Trị.
Dòng dõi nhà Minh là Quế Vương xưng đế ở đất Quảng Tây để mưu sự khôi phục, có ý muốn cầu cứu nước Nam. Trịnh Tráng sai Trịnh Đồng tiến quân lên Cao Bằng để dương thanh thế cho quân nhà Minh.
Năm Kỷ Sửu (1648) vua Lê Chân Tôn mất, không có con nối nghiệp. Trịnh Tráng xin đức Thái thượng hoàng lại lên ngôi đổi niên hiệu là Khánh Đức.
Năm Thân Mão thứ ba (1654), vua Quế vương nhà Minh chạy sang thành Nam Ninh, sắc dụ Trịnh Tráng giúp cho voi, ngựa súng ống. Tháng 10 nhà Minh sai sứ đem sắc sang phong cho vua Thần Tôn nhà Lê lam An Nam Quốc Vương và phong Trịnh Tráng làm An Nam phó Quốc Vương.
Tháng tám năm Nhâm Thìn (1652), thế tử Trịnh Tráng là Trịnh Tạc tiến phong tước Tây định vương.
Từ khi Nguyễn Hoàng về Thuận Hóa, vẫn có ý định độc lập, hàng ngày luyện tập quân lính, xây thành, đắp lũy, để chống với họ Trịnh.
Năm Đinh mão (1627), Trịnh Tráng sai quân vào Thuận Hóa đòi tiền thuế hai tỉnh Thuận Hóa và Quảng Nam tử năm 1620 chưa nộp. Sãi vương Nguyễn Phúc Nguyên tiếp sư nhưng không chịu nôp thuế, thác cớ là dân mất mùa. Trịnh Tráng lại sai sứ mang sắc vua Lê Thần Tôn vào dụ Sãi Vương cho con ra chầu và nộp 20 con voi cùng 30 chiếc thuyền để đưa cống nhà Minh. Sãi Vương cũng không chịu.
Trịnh Tráng thấy vậy bèn quyết chí đánh họ Nguyễn sai Nguyễn Khải và Nguyễn Danh Thế đem 5.000 quân đi tiên phong rồi tự xuất đại binh, rước vua Lê vào đánh phía Nam.
Sãi Vương sai cháu là Nguyễn Phúc Vệ làm tiết chế cùng với Nguyễn Hữu Dật đem binh mã trấn thủ các nơi hiểm yếu. Hai bên đánh nhau trên sông Nhựt Lệ (Đồng Hới ). Trịnh Tráng không đánh được phải rút quân về Bắc.
Ba năm sau (1630), nhà Nguyễn tiến quân chiếm cứ đất Nam bố chính ( phía nam tỉnh Hà Tĩnh bây giờ).
Năm Quý Dậu (1633), người con thứ ba Sãi Vương là Ánh trấn thủ đất ở Quảng Nam đưa thư ra Thăng Long, xin Chúa Trịnh đem binh vào đánh: ngoài bắn súng làm hiệu, trong Ánh sẽ nội ứng.
Trịnh Tráng liền đem đại binh đóng ở cửa Nhựt Lệ ( Đồng Hới ). Tướng nhà Nguyễn là Nguyễn Văn Thăng và Nguyễn Hữu Dật đem quân ra chống giữ.
Quân họ Trịnh đợi hơn 10 ngày, không thấy tin tức gì của Ánh bèn lui quân ra để chờ.
Quân lính đợi lâu ngày sinh ra chán nản, bị quân Nguyễn xuất kỳ bất ý, đổ ra đánh đuổi.
Trịnh Tráng thấy sự không thành, rút quân về Bắc để Nguyễn Khắc Loát và một đạo quân ở lại giữ đất Bắc Bố Chính (Quảng Trạch bây giờ ).
Năm Ất Hợi (1635), Sãi Vương Nguyễn Phúc Nguyên mất, con là Nguyễn Phúc Lan nối nghiệp Chúa: tức là Công Thượng Vương.
Ánh ở Quảng Nam nghe tin Sãi Vương mất, anh lên nối nghiệp bèn phát binh làm phản. Công Thượng Vương đánh bắt được Ánh gần Cửa Hàn đem về Thuận Hóa giết đi: đoạn rồi bỏ ngục bốn người em ruột Ánh để phòng nội biến.
Trịnh Tráng thấy anh em họ Nguyễn tranh nhau sai đem quân đánh đất Nam Bố Chính, giết được tướng họ Nguyễn là Bùi Công Thắng, rồi đóng quân ở cửa Nhựt Lệ.
Năm Canh Thìn (1640), chúa Nguyễn đem binh lấy đươc đất Bắc Bố Chính, rồi định tiến lấy Bắc Hà; hàng ngày bắt quân chuyên luyện vũ bị và thân chính đến trường tập để mục kích tướng tá luyện quân. Một hôm chúa Nguyễn đi tuần tiễu ở Cửa Nọn ( sông Hương Giang chảy ra bể Trung Quốc ) thấy thủy quân trễ biếng bèn truyền cho ba huyện Hương Trà, Quảng Diên và Phúc Vinh phải lập một trường tập ở xã Hoàng Phác ( ngày nay là Hồng Phúc thuộc Phú Vinh ), cho thuỷ quân. Trong vòng bảy tháng, thủy quân tập chiến lược, vừa chèo thuyền, vừa bắn súng. Quân nào tập giỏi đều được thưởng vàng lụa. Vì vậy mà sĩ tốt nhà Nguyễn rất am hiểu việc binh bị.
Đến năm Quý Mùi (1643), Trịnh Tráng đem đại quân và rước vua Lê vào đất Bắc Bố Chính. Quân Nguyễn phải bỏ chạy. Nhưng bấy giờ đương giữa mùa hạ,
quân Bắc không quen nóng nực chết hại rất nhiều. Trịnh Tráng phải rút quân về Bắc.
Năm Mậu Tý (1648), Trịnh Tráng sai đô đốc Tiến Quận Công Lê Văn Hiểu đem thủy bộ quân vào đánh chúa Nguyễn: Quân bộ đóng ở đất Bắc Bố Chính, còn thủy quân vào đánh cửa Nhựt Lệ, thắng được nhiều trận nhỏ. Quân Trịnh đánh rất hăng, xông pha phá lũy Trường Dục. Đạn bắn như mưa, quân Nguyễn bỏ chạy quá nửa.
Bấy giờ Trấn thủ lũy Trường Dục là Trương Phúc Phấn liều chết cố sức chống giữ. Hai cha con ung dung ngồi trước lũy, đánh trống, phất cờ, thúc quân cự lại. Chung quanh tên đạn như mưa, quân sĩ chết ngổn ngang mà Phúc Phấn cứ trơ như đá, vững như đồng. Quân Bắc tưởng một vị thần có phép lạ nên không dám tiến gần. Nhờ cái can đảm ấy mà lũy Trường Dục tuy bị phá ít nhiều nhưng không đến nỗi mất, lại đủ thì giờ cho quân cứu viện tiếp ứng.
Được tin quân Trịnh đương phá lũy Trường Dục, tình thế rất nguy cấp, chúa Nguyễn sai con là Nguyễn Phúc Tấn dùng một trăm voi canh năm xông vào trại quân Trịnh đánh phá. Quân Trịnh không kịp chống giữ, thua to chạy về Bắc.
Trịnh Tráng thấy quân mình thua, sai Lê Văn Hiểu, Trần Ngọc Hầu, Lê Hữu Đức, Vũ Lương và Phạm Tất Hoàn đem binh trấn thủ các cửa bể và các nơi hiểm yếu đề phòng bị quân Nguyễn.
Lúc bấy giờ, trong Nam, Công Thượng Vương mất, con là Nguyễn Phúc Tấn lên nối nghiệp gọi là Chúa Hiền Vương.
Từ đó trong vòng bảy năm trời, hai bên tạm đình chiến.
Đến năm Ất Vị ( Mùi ) (1655), quân Trịnh lại vào đất Bắc Bố Chính đánh Nguyễn. Hiền Vương mang quân ra Nam Bố Chính đối địch. Tướng Trịnh là
Phạm Tất Toàn về hàng Nguyễn. Quân Nguyễn nhân thế tiến lên Hoành Sơn, rồi thừa đánh đến đồn Hà Trung. Tướng Trịnh là Lê Văn Hiểu và Lê Hữu chống không nổi phải rút quân về giữ An Tràng ( Nghệ An bây giờ ).
Trịnh Tráng thấy bọn Lê Văn Hiểu bại binh ở Hà Trung bèn sai sứ vào triệu về kinh, rồi cho Trịnh Trượng làm Thống lĩnh kinh lược đất Nghệ An.
Lê Văn Hiểu bị đạn ở chân, về đến nửa đường thì chết. Bọn Lê Hữu Đức, Vũ Lượng đều phải giáng chức cả.
Trịnh Trượng tiến binh đóng ở Lạc Xuyên. Nguyễn Hữu Dật đem thủy binh ra đánh ở cửa Kỳ La, đều thừa thắng tiến binh chiếm cứ được đồn Lạc Xuyên. Binh tướng họ Trịnh phải chạy về An Tràng ( Nghệ An ).
Tướng nhà Nguyễn bèn yết bảng chiêu dụ nhân dân nên phục tùng nhà Nguyễn. Người xin quy phụ mỗi ngày một tăng nên chẳng bao lâu bảy huyện: Kỳ Hoa, Thạch Hà, Thiện Lộc, Nghi Xuân, La Sơn, Thanh Chương và Hương Sơn ở phía Nam sông Lam Giang ( sông Cả bây giờ ) đều thuộc về Nguyễn.
Trịnh Tráng được tin quân mình thua ở Lạc Xuyên, bèn giáng Trịnh Trượng xuống làm Đô đốc, rồi sai con là Trịnh Tạc làm Thống lĩnh đất Nghệ An để chống giữ với Nguyễn. Trịnh Tạc thân xuất chư tướng đem quân ra đánh, đóng ở làng An Tràng ( huyện Trân Phúc ).
Nhưng bấy giờ ngoài Bắc lắm việc, Trịnh Tráng phải gọi Trịnh Tạc về, để tướng là Đào Quang Nhiêu ở lại trấn thủ Nghệ An cùng Trấn Văn Quang và Mậu Văn Liên chống giữ các nơi. Vũ Văn Thiêm đóng thủy quân ở sông Khu Dực ( huyện Nghi Xuân ).
Năm Bính Thân (1656) quân họ Nguyễn đến đánh quân Trịnh, bọn Trần Văn Quang bỏ chạy. Quân Nguyễn thừa thế tiến lên đánh phá thủy binh của Vũ Văn
Thiêm, sau lại gặp quân của Đào Quang Nhiêu. Hai bên đánh nhau một trận giữ dội bên sông Chế Giang: Đào Quang Nhiêu thua chạy về An Tràng dâng biểu tạ lỗi xin viện binh.
Trịnh Tráng sai con út là Tả đô đốc Ninh quận công Trịnh Toàn vào làm Thống lĩnh trấn thủ đất Nghệ An, để chống với quân họ Nguyễn.
Trịnh Toàn vào đến Nghệ An chia đạo tiến ra địa phương Kỳ Hoa, quân Nguyễn phải lui. Trịnh Toàn thắng được một trận to ở địa hạt Đại Nại.
Triều đình bàn đến chiến công trận đánh Đại Nại, phong cho Trịnh Toàn làm chức Tiết Chế thủy bộ mọi dinh kiêm chức Phó đô tướng đạo Nghệ An, hàm Thái úy, tước Ninh quốc công, mở phủ Dương Uy.
Tháng hai năm Bính Thân (1656), Thế tử của Tây Định Vương Trịnh Tạc là Trịnh Căn được phong làm Phó đô tướng, tước Phú quận công, mở dinh Tả Quốc.
Tháng sáu năm ấy, Trịnh Tạc sai con là Trịnh Căn thống lĩnh chư tướng vào Nghệ An hiệp đồng cùng Trịnh Toàn đánh quân nhà Nguyễn.
Bấy giờ Trịnh Toàn đóng đồn ở Quảng Trị; Trịnh Căn đóng đồn ở Bạt Trạc. Trịnh Toàn vì ý riêng lui quân về An Tràng. Trịnh Căn thấy thế làm nghi kỵ, đem quân đóng đồn ở Phú Long sửa sang thành lũy, để xem Trịnh Toàn làm ăn ra sao?
Năm Đinh Dậu niên hiệu Thịnh Đức thứ 5 (1657), ngày 16 tháng 4, Trịnh Tráng mất, miếu hiệu là Văn Tổ Nghị Vương, thọ 81 tuổi, làm chúa 35 năm.
Trịnh Toàn từ khi vào trấn thủ đất Nghệ An, hậu đãi tướng sĩ, yêu mến quân dân, lòng người đều quy phụ. Gặp lúc Trịnh Tráng mất, thủ hạ khuyên Trịnh
Toàn mưu làm phản. Trịnh Toàn không nghe nên chúng đều su phu với dinh Tả Quốc ( Trịnh Căn ), lại có kẻ phao ngôn cho Trịnh Toàn có trí làm phản. Trịnh Toàn mới sai người đưa voi, ngựa, khí giới của bộ ngũ mình đến dâng nộp ở Cửa quân. Trịnh Căn bảo rằng: “ Sự thể đã như vậy, phải nên đến Cửa Quyết chờ lệnh vua xem sao?”.
Trịnh Toàn về kinh, Trịnh Tạc phó cho đình thần tra hỏi, xét được tình trạng (vì có kẻ ghen ghét làm chứng buộc tội trạng ). Trịnh Tạc nghĩ Trịnh Toàn là người trí thần không nỡ xử tử, đặc án cho khóa bạc, bắt giam trong ngục.
Năm Bính Tí (1660), Trịnh Toàn mất rồi trong họ có người khiếu oan nên Trịnh Toàn được khai phục chức cũ mà con cháu được ăn lương tôn thất và tùy tài bổ dụng.
CHÍNH TRỊ
Trịnh Tráng vì bận việc chiến tranh nên việc trong nước không sửa đổi được mấy.
Việc giao thiệp với người ngoại quốc: Năm Định Sửu (1637), Trịnh Tráng cho người Hòa Lan đến mở cửa hàng ở phố Hiến ( gần tỉnh lỵ Hưng Yên ), về sau ở đấy có người Nhật Bản, ngưởi Trung Hoa, người Xiêm La, người Bồ Đào Nha đến buôn bán làm thành một nơi rất tấp nập. “ Thứ nhất kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến”, là một câu truyền tụng từ thời bấy giờ.
Việc mua bán: Niên hiệu Đức Long thứ 6 (1634), Trịnh Tráng định rằng: Việc mua bán trong các chợ Kinh thành mục đích là dễ lưu hành các hàng hóa vẫn thường dùng. Các nhà quan trưởng hoặc các công sở không được phép cho người ra chợ uy hiếp lấy không hàng hóa hay đồ vật của khách thương mại. Nếu trái phép, Xá Nhân ( Tuần thành ở kinh đô ) có quyền xét hỏi, lấy đủ chứng cứ
và tang vật rồi đệ hồ sơ lên quan trên chung thẩm. Nếu xét quả thực, can phạm sẽ bị trọng phạt.
Việc sát sinh: Từ trước vẫn hạn chế việc sát sinh trâu bò. Trâu bò còn khỏe mạnh béo tốt, cấm không được đem giết để ăn thịt.
Năm thứ 6 niên hiệu Đức Long (1634), Trịnh Tráng định rằng:
Riêng xã Nghiêu Kỵ thuộc huyện Gia Lâm, Bắc Ninh được phép mua các bò gầy giết thịt bán còn da để chế các đồ dùng cho nhà nước.
Niên hiệu Phúc Thái thứ 1 (1643), định thêm cho hạng Mực ở Đồng Xuân cầu mỗi ngày được giết một con trâu và bò để lấy da nấu keo làm mực.