Trịnh Tạc con thứ hai Trịnh Tráng, khi làm thế tử được phong tước Tây Định Vương.
Tháng tư năm Đinh Sửu (1657), Trịnh Tạc nối ngôi cha, giao binh quyền cho thế tử là Trịnh Căn thống trị đạo Nghệ An.
Tháng 6 năm ấy, Trịnh Căn chia quân làm ba đạo: sai Hoàng Nghĩa Giao và Trịnh Thế Công làm tả hữu quân Tướng quân, còn Lê Hiến thì sai làm Tướng trung quân tiến đánh quân Nguyễn.
Tướng Nguyễn là Nguyễn Hữu Tiến biết trước, phòng bị nên quân Trịnh thua, bị vây may có Trịnh Căn tiếp ứng, mới rút về được.
Từ đó hai bên cứ giữ nhau ở sông Lam Giang, thỉnh thoảng đánh nhau một trận, không chia bên nào thua, bên nào được. Mãi đến tháng chạp năm Mậu Tuất (1658) Trịnh Căn thắng một trân to ở làng Tuần Lễ ( huyện Hương Sơn ).
Năm Ất Hợi niên hiệu Vĩnh Tộ thứ hai (1659), tháng chín vua Lê Thần Tôn gia phong cho Trịnh Tạc làm chức Thượng Sư Tây Vương.
Ngày 11 tháng 9 năm Canh Tí (1660), Trịnh Căn chia quân làm hai đạo, sai Hoàng Nghĩa Giao và Phan Kiêm Toàn lĩnh một đạo sang sông Lam Giang, còn một đạo sai Lê Hiến cùng Mậu Văn Liên thống lĩnh xuống phía Hội Thống rồi sang sông.
Đến nửa đêm, hai đạo nghe hiệu cùng tiến đánh.
Hoàng Nghĩa Giao gặp quân Nguyễn Hữu Dật, hai bên đánh nhau một trận dữ dội. Quân Hoàng Nghĩa Giao bị vây ngặt lắm, may Trịnh Căn cho binh đến cứu nên quân Nguyễn phải chạy.
Quân Lê Hiến và Mậu Văn Liên đánh nhau với quân Nguyễn ở làng Tả Ao. Mậu Văn Liên tử trận nhưng quân Nguyễn phải bỏ về đóng ở Nghi Xuân.
Tháng 11 năm ấy, Trịnh Căn chia đạo tiến đánh quân Nguyễn bị thua ở làng An Điềm và Phù Lưu, Trịnh Căn thừa thắng đuổi quân Nguyễn thẳng đến cửa bể Nhựt Lệ.
Từ bấy giờ bảy huyện ( Kỳ Hoa, Thạch Hà, Thiện Lộc, Nghi Xuân, La Sơn, Hương Sơn, Thanh Chương ) của Nguyễn chiếm cứ ở phía nam sông Lam Giang nay lại thuộc về đất Bắc.
Vua Lê được tin thắng trận, sai đưa ngân sách đến chỗ quân thứ, phong Phú Quận Công Trịnh Căn làm Khâm Sai Tiết Chế thủy bộ mọi dinh kiêm Tổng quyền chính trong nước, hàm Thái úy, tước Nghi quốc công, mở phủ Lý Quốc.
Năm Tân Sửu (1651), Trịnh Căn sai Đào Quang Nhiêu ở lại trấn thủ đất Nghệ An và kiêm lĩnh cả đất Bắc Bố Chính, đề phòng giữ mọi nơi rồi rước cờ toàn thắng kéo quân về kinh.
Tháng 10 năm ấy, Trịnh Tạc cử đại binh, rước xa giá vào đánh quân Nguyễn. Trịnh Căn làm thống lĩnh, Đào Quang Nhiêu làm Tổng xuất, Lê Hiến và Hoàng Nghĩa Giao làm Đốc xuất, Lê Sĩ Triết và Trịnh Tế làm Đốc thị đem binh sang sông Linh Giang đến đóng trước thành Đồng Hới.
Tướng Nguyễn là Nguyễn Hữu Dật trấn thủ đất Nam Bố Chính chia quân đắp lũy giữ gìn mọi nơi rất là chắc chắn. Quân Trịnh đánh luôn mấy tháng không được, sức đã kiệt. Tháng ba năm Nhâm Dần (1662), Trịnh Tạc thu quân và rước vua Lê về Bắc.
Tháng 9 năm ấy, vua Lê Thần Tôn mất. Trịnh Tạc lập thái tử là Duy Vu lên làm vua, đổi niên hiệu là Cảnh Trị, tức vua Lê Huyền Tôn.
Năm Giáp Thìn (1664), vua Lê Sắc cho Trịnh Tạc vào chầu không phải lạy, sở tấu không viết tên, đặt giường ngồi bên tả long sàng.
Năm Bính Ngọ (1666), Trịnh Tạc đi tuần phía Tây hỏi han đến các ông trưởng lão, ban cho tiền lụa có thứ tự.
Nhà Thanh lên làm vua Trung Quốc cho sứ sang dụ An Nam triều cống Trịnh Tạc cho sứ đem đồ cúng lễ sang Yên Kinh. Năm Đinh Mùi (1667), vua Khang Hi nhà Thanh sai sứ sang phong vua Lê Huyền Tôn làm An Nam quốc vương. Từ đấy hai nước vẫn giao thông với nhau. Tuy có lôi thôi về việc giặc cướp hay phân giới nhưng trù liệu xong cả.
Mạc Kinh Khoan mất năm Mậu Dần (1638), con là Mạc Kinh Vũ tự xưng làm vua, chiếm cứ đất Cao bằng thỉnh thoảng đưa quân về cướp mạn Thái Nguyên.
Năm Đinh Mùi (1667), Trịnh Tạc sai con là Trịnh Căn đem binh lên đánh đất Cao Bằng. Mạc Kinh Vũ phải bỏ chạy sang Tầu. Họ Trịnh treo bảng chiêu an và đặt quan cai trị Cao Bằng lại được thái bình như cũ.
Năm Mậu Thân (1668) kéo cờ thắng trận về, Trịnh Tạc được tôn làm Thượng phu Minh thành Tây vương.
Mạc Kinh Vũ sau khi trốn sang Tầu cùng vàng bạc đút lót quan nhà Thanh, xin bàn với vua bắt họ Trịnh giả lại đất Cao Bằng. Vua Thanh sai sứ sang điều đình với nhà Trịnh. Sau khi Trịnh Tạc bằng lòng trả Cao Bằng cho họ Mạc bốn châu Cao Bằng (Thạch Lâm, Quảng Uyên, Thượng Lang và Hạ Lang) và triệu quan đốc trấn Cao Bằng là Vũ Linh về.
Về sau Ngô Tam Quế phản nhà Thanh ở Vân Nam và Quảng Tây. Mạc Kinh Vũ theo hiệu Ngô Tam Quế giúp cho lương thực. Khi Tam Quế mất rồi, họ Trịnh muốn trừ nhà Mạc, bèn sai sứ sang kể tội họ Mạc với nhà Thanh và cho quân lén đánh đất Cao Bằng. Tháng 8 năm Đinh Tỵ (1667), tướng Trịnh là Đinh Văn Tá lấy lại được bốn châu Cao Bằng. Mạc Kinh Vũ cùng họ hàng chạy sang Long Châu lại bị quân nhà Thanh bắt trả nhà Trịnh.
Đến đây, họ Mạc mất hẳn. Dòng dõi nhà Mạc hoặc về hàng hoặc bị bắt, phần nhiều được tha hoặc làm quan với họ Trịnh.
Năm Tân Hợi niên hiệu Cảnh Trị thứ 9 (1671), tháng 10 ngày 15, vua Lê Huyền Tôn băng hà, thọ 78 tuổi ở ngôi 9 năm.
Trịnh Tạc dựng Hoàng Đệ Duy Hội làm vua Lê Gia Tôn đổi niên hiệu là Dương Đức.
Năm Nhâm Tí (1672), Trịnh Tạc dẹp yên họ Mạc, bèn đem 10 vạn quân và rước xa giá vua Lê Gia Tôn vào Bắc bố chính để đánh nhau với Nguyễn. Trịnh Căn là Nguyên súy. Cuối năm ấy, đóng quân ở Bắc bố chính, sau rời sang đóng ở hữu ngạn sông Linh Giang từ Quảng Khê đến Lý Hòa. Đoạn, Trịnh Căn bèn chiêu dụ dân hai tỉnh Thuận Hóa và Quảng Nam nên theo chính thống vua Lê.
Em thứ tư chúa Hiền Vương là Hiệp làm Nguyên súy, đem binh ra cự địch. Quân Nguyễn đóng sau thành Đồng Hới, Trấn Ninh và Sa Phụ, ở hữu ngạn sông Nhật Lệ.
Quân Trịnh đánh lũy Trấn Ninh rất hăng, đã sắp phá được thì gặp thời tiết mưa rét và Trịnh Căn bị bệnh nặng, nên Trịnh Tạc sai Lê Hiến ở lại trấn thủ Nghệ An và Lê Sĩ Triết làm đô đốc đóng ở Hà Trung để giữ các nơi hiểm yếu.
Trịnh Tạc lấy sông Linh Giang mà phân giới hạn Nam Bắc rồi rước xa giá và rút quân thủy bộ về Thăng Long.
Trận đánh này là lần thứ bảy lại là lần cuối cùng nhà Nguyễn vẫn độc lập ở xứ Nam Thành ra hai bên thế lực ngang nhau, không làm gì được nhau.
Năm ấy (1672), là thời kỳ thứ nhất Nam, Bắc thôi việc chiến tranh.
Năm Giáp Dần (1674), tháng 8, Nghi quốc công Trịnh Căn sau khi đuổi được quân nhà Nguyễn ra khỏi đất Nghệ An được phong làm Nguyên súy Tổng quốc chính Định Nam Vương.
Ngày 3 tháng 4 năm Ất Mão (1675), niên hiệu Đức Nguyên thứ 2 vua Lê Gia Tôn băng hà, Trịnh Tạc dựng hoàng đệ Duy Hạp làm vua Hi Tôn đổi niên hiệu là Vĩnh Trị.
Tháng 8 năm Nhâm Tuất niên hiệu Chính Hòa thứ 3 (16820, Trịnh Tạc mất thọ 77 tuổi, làm chúa 25 năm, miếu hiệu là Hoằng Tổ Dương Vương.
CHÍNH TRỊ
Trịnh Kiểm, Trịnh Tùng, Trịnh Tráng, phía Bắc phải đánh họ Mạc rồi chống lại với họ Nguyễn ở phía Nam cho nên trong thời kỳ ấy và bàn việc chiến tranh mà công việc trong nước không sửu sang được mấy.
Sau khi chiến tranh đã yên, trong nước bình trị, Trịnh Tạc sửa sang và chỉnh đốn lại việc binh, việc hình, việc học, việc hộ, thuế khóa, vân vân.
Quan chế: Quan chế có thay đổi ít nhiều, trên 6 quan thượng thư giữ 6 Bộ (Lại bộ, Hộ bộ, Binh bộ, Hình bộ, Công bộ, Lễ bộ) có đặt thêm quan Tham tụng và quan Bồi tụng coi việc chính trị, năm Giáp Thìn (1664), Trịnh Tạc đặt thêm Trưởng thủ sự và Thủ phủ sự để coi việc binh chính.
Bên nhà vua gọi là triều đình, bên chúa gọi là phủ liêu. Quan thì chia ra văn ban, vũ ban, giám ban (các quan nội gián thường được tuyển làm quan coi việc triều chính).
Việc gì cũng ở bên phủ liêu quyết định cả.
Mấy năm các quan phải khảo hạch lại một lần. Ai không xứng chức thì phải giáng.
Quan viên nào hưu trí thì được ăn dân lộc, tùy theo phẩm trật.
Trịnh Tạc phải cấm các quan viên không được lập trang trại ở chỗ mình làm quan vì phần nhiều ủy quyền thế uy hiếp lấy ruộng đất của nhân dân, nuôi quân gian ác làm thủ hạ để quấy nhiễu lương dân, làm cho lắm nơi dân phải siêu tán. Như thế đỡ hại dân và giữ liêm cho quan.
Thi cử: Năm Giáp Thìn (1664), Trịnh Tạc định lại quy thức thi hội.
Năm Mậu Ngọ (1678) định lại quy thức, tiền lệ thi Hương. Ba năm một lần thi Hương. Thanh Hóa, Nghệ An, Sơn Nam, Sơn Tây, Kinh Bắc, Hải Dương , Thái Nguyên, Hưng hóa, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Yên Quang đều có trường thi.
Làm quốc sử: Năm Ất Tỵ (1665), Trịnh Tạc sai quan Tham tụng Phạm Công Trứ soạn sách Đại Việt sử ký toàn thư kể từ lúc khởi thủy nhà hậu Lê cho đến đời vua Lê Thần Tôn (1662), chia làm 23 quyển. Năm Bính Thìn (1676), ông sai Hồ Sĩ Dương chép nối bộ Đại Việt sử ký toàn thư.
Nhưng đến năm Tân Dậu (1681), ông ấy mất, lại sai ông Lê Hi và ông Nguyễn Quý Đức chép nối từ niên hiệu Cảnh Trị đầu năm vau Lê Huyền Tôn
(1663) cho đến niên hiệu Đức Nguyên thứ 2 vua Lê Gia Tôn (1675) thêm vào 13 quyển gọi là sử ký tục biên.
Ông Hồ Sĩ Dương mất sớm, tuy chưa kịp chép nối bộ Đại Việt sử ký toàn thư, nhưng năm Bính Thìn (1676) đã soạn được bộ Đại Việt Lê triều Đế vương trung hưng công nghiệp thực lục, có hai quyển, ba chương chép từ vua Lê Trung Tôn (1548) đến vua Lê Huyền Tôn (1671).
Hình luật: Ngũ hình là: xuy, trượng, đồ, lưu và tử. Trước thì tội gì cũng chuộc được. Trịnh Tạc định lại: Ai phạm tội thì cứ chiếu theo nặng nhẹ mà luận hình, không được phép chuộc nữa.
Trịnh Tạc chia việc kiện tụng thành 2 thứ:
1. Những việc mưu, sát, đạo, kiếp, điền thổ, vân vân gọi là đại tụng;
2. Những việc hộ, hôn, ẩu đả, hủy bang, mạ lỵ, các việc tạp tụng, vân vân gọi là tiểu tụng.
Năm thứ 3 niên hiệu Cảnh Trị (1664), Trịnh Tạc định rằng:
1. Quan xử các việc đại tụng thì phải giáng một trận, nhưng có thể chuộc tiền như sau này:
Các quan thẩm phán nhất phẩm phải chuộc 100 quan Các quan thẩm phán nhị phẩm phải chuộc 75 quan Các quan thẩm phán tam phẩm phải chuộc 50 quan Các quan thẩm phán tứ phẩm phải chuộc 30 quan Các quan thẩm phán ngũ phẩm phải chuộc 25 quan
Các quan thẩm phán lục và thất phẩm phải chuộc 20 quan Các quan thẩm phán bát và cửu phẩm phải chuộc 10 quan
2. Các quan và chức dịch sử, các việc tiểu tụng không hợp luật phải phạt tiền như sau này:
Lý trưởng các làng phải phạt 5 quan Các quan phủ, huyện phải phạt 10 quan
Các quan thừa ti, hiến ti, phủ doãn, đề lĩnh, trấn tủ, cai đạo phải phạt 15 quan Giám sát và đề lĩnh phải phạt 15 quan
Năm ấy, Trịnh Tạc lại định rằng:
Những việc xử đúng luật rồi, mà những người đi kiện còn chống án lên tòa trên thì phải phạt tiền để đền danh giá cho các quan thẩm phán như sau này:
1. Việc đại tụng:
Đối với quan thẩm phán nhất phẩm phải phạt 100 quan Đối với quan thẩm phán nhị phẩm phải phạt 75 quan Đối với quan thẩm phán tam phẩm phải phạt 50 quan Đối với quan thẩm phán tứ phẩm phải phạt 30 quan Đối với quan thẩm phán ngũ phẩm phải phạt 25 quan
Đối với quan thẩm phán lục và thất phẩm phải phạt 20 quan Đối với quan bát và cửu phẩm phải phạt 15 quan
Hiến sứ thì chánh lục, thất phẩm Tri phủ thì chánh lục, thất phẩm
Tri châu, Tri huyện thì chánh thất phẩm là những quan chức thừa hành luôn thời bấy giờ.
Những việc áng mạng, trộm cướp, ẩu đả, ma lỵ, hủy báng, hộ, hôn, điền thổ công hay tư thì phải theo thứ tự mà xét. Việc án mạng, quan phủ, huyện xét rồi thì đệ lên để thừa ti và hiến ti hội đồng xét lại. Nếu không xong ngự sử đài xét lại rồi lên đến hội đồng, chính đương chung thẩm. Việc trộm cướp ở Kinh đô thì quan đề lĩnh xét lại; ở các trấn , quan trấn thủ xét lại.
Các việc đại tụng, tiểu tụng mà ở huyện, phủ hay là ở thừa ti, trấn ti xử không xong thì đến hiến ti xét lại, hiến ti không xét xong thì đến giám sát. Ở giám sát và đề lĩnh không xong thì đến ngự sử đài xét lại. Trừ những việc quan trọng mà ngự sử đài không xét xong mới đến hội đồng chính đương.
Những việc nhân mạng thì hạn bốn tháng, việc hôn nhân, ẩu đả thì hai tháng phải xét chứ không được để lâu làm mất công việc của dân.
Trịnh Tạc lại đặt ra thời hạn chống án, những việc hộ, hôn, điền thổ, trộm, cướp, uy hiếp các việc tạm tụng thì hạn 6 tháng bắt đầu từ ngàu tuyên án, việc nhân mạng thì hạn 1 năm.
Mỗi tháng quan phủ phải khám văn án của quan huyện rồi đệ 1 tờ bẩm dính theo 1 tờ loát bộ lê. Thừa ti khám văn án của quan phủ rồi bẩm lên hiến ti, đề lĩnh, phủ doãn khám tòa dưới rồi bẩm lên ngự sử đài. Thừa ti, hiến ti và ngự sử đài phải xét rất kỹ lưỡng các tờ bẩm của tòa dưới trình lên.
Tiền phí tổn ăn đường giả công sai đi thu các thứ tiền ăn phí, tiền chuộc, tiền tạ, tiền đền, tiền phạt, thì người đương sự phải chịu. Muốn tránh những sự nhũng nhiễu dân quê, các quan phải chọn những người công sai thực thà, trung hậu để mang các công văn và đi thu tiền ăn phí cùng các thứ tiền khác.
Những tổng lý khám xét việc án mạng đều được phụ cấp 1 quan tiền, 10 thước lụa trắng và một quan tiền thưởng gọi là Thiết tỏa lễ (Lễ khỏa sắt. Các quan Phủ, Huyện khám xét việc ấy cũng được cấp 1 quan 5 tiền và 15 thước lụa trắng. Không kể tiền ấy, ngoài ra các quan và chức dịch còn được tiền phụ cấp nộp bản 1 quan 5 tiền nữa. Khi lĩnh tiền phụ cấp, các lý trưởng phải phát thẻ để làm tờ khai gia sản của pháp nhân.
Thuế đinh: Năm Kỷ Dậu (1663), đặt ra binh lệ; sổ đinh nhất định 1 lần, rồi làng nào phải đóng thuế bao nhiêu suất đinh cứ theo như thế mà đóng mãi, đẻ thêm cũng không kể, chết đi cũng không trừ.
Đong lường: Năm Giáp Thìn (1661), lấy ống Hoàng Trung Quân làm chừng. Ống ấy đựng được 1.200 hạt thóc gọi là 1 thược, 10 thược làm 1 hạp, 10 hạt làm 1 thăng, 10 thăng làm 1 đấu, 10 đấu làm 1 hộc.
Việc mua bán: Niên hiệu Cảnh Trị thứ 6 (16670, Trịnh Tạc định rằng:
Các quan viên nào thừa hành mua các quý vật hoặc hàng hóa, trước phải lấy ở công khố đủ tiền trả cho người bán được vừa lòng. Nếu làm điều gì trái phép, hại đến quyền lợi người bán, người bán được phép truy tố. Xét được tình trạng, can phạm sẽ bị trọng phạt tùy theo tội nặng nhẹ.
Đối với việc truyền giáo: Năm Quý Mão (1663), Trịnh Tạc bắt đuổi các giáo sĩ và cấm không cho người An Nam theo đạo Gia Tô.