Trịnh Cương là con Tấn quang vương Trịnh Bính, cháu Lương mục vương Trịnh Vịnh, chắt Chiêu tổ Khang vương Trịnh Căn.
Năm Kỷ Sửu (1709), nối ngôi Trịnh Căn làm chúa, được gia phong tước An đô vương.
Vua Lê Dụ Tôn truy phong tổ phụ Trịnh Cương tước Lương mục vương và Thân phụ Trịnh Cương tước Tấn quang vương.
Năm Canh Tí (1720), đổi niên hiệu là Bảo Thái.
Trịnh Cương được tôn làm Thượng phụ Thượng sư An vương: con là Trịnh Giang được dựng làm thế tử.
Trịnh Cương rất siêng năng việc chính trị, thường cùng quan Tham tướng Nguyễn Công Hãng bàn soạn công việc, từ đầu canh năm đến mặt trời lặn mới thôi.
Phàm các công việc trong nước như việc binh, việc hình, việc học,việc hộ, việc dịch lộ, việc phẩm phục, thuế ruộng, thuế muối, thuế dung, thuế điệu, cho đến lễ nhạc nhà tôn miếu, Trịnh Cương đều sửa đổi đầy đủ cả.
Năm Giáp Thìn (1724), vua Lê Dụ Tôn bị bệnh ở chân, Trịnh Cương phải thay vua làm chủ tế Nam Giao.
Năm Đinh Mùi (1727), thế tử Trịnh Giang được phong làm chức Tiết chế kiêm xét việc nước, hàm Thái úy, tước Trịnh Quốc Công, mở phủ Diện quốc.
Tháng chạp năm ấy, Trịnh Cương dựng hành cung ở Cổ Bi. Năm Kỷ Dậu (1729), Trịnh Cương đi chơi cung Cổ Bi rồi mất ở đấy ngày 28 tháng 11, thọ 44
tuổi, làm chúa 22 năm. Quan nội giám Nguyễn Huân rước linh cữu về cung mới phát tang, tôn làm đức Nhân Vương, miếu hiệu là Hy Tổ.
Tháng 10 năm Kỷ Dậu niên hiệu Vĩnh Khánh năm đầu (1729), Trịnh quốc công Trịnh Giang được phong làm tước Uy Nam vương thay quyền Vương phủ.
CHÍNH TRỊ
Việc thi cử: Trịnh Cương thấy việc thi Hương bấy giờ còn hồ đồ không được nghiêm ngặt, bèn đặt ra lệ: ai thi phải nộp tiền minh kinh, để lấy tiền làm nhà trường và khoản đốn quan trường.
Quan chế: Trịnh Cương cấm các quan viên không được lập xã thôn dưới quyền mình quản trị vì thế dễ khiến cho dân đinh trốn thuế, trốn phu đãi tạp dịch và tránh khỏi phải ra lính trong thời biến loạn.
Năm Mậu Tuất (1718), Trịnh Cương đặt ra lục phiên ở phủ Liêu cũng như lục bộ (Lại bộ, Hộ bộ, Lễ bộ,Binh bộ, Hình bộ, Công bộ) bên nhà vua. Từ đó việc gì cũng ở bên Lục phiên cả. Lục bộ không có quyền gì nữa.
Niên hiệu Bảo Thái năm đầu (1720), các quan văn tại chức được cấp “ngụ lộc”: Quan văn tri sĩ được cấp “ân lộc” hay “huệ lộc” và quan võ được cấp “chế lộc”.
Các quan Hiến ti, mỗi năm được 130 quan tiền và 200 bát gạo của một làng. Các quan Thừa ti, mỗi năm được 80 quan tiền và 150 bát gạo của một xã Theo thứ tự như thế mà cấp “ngụ lộc”.
Năm Thái Bảo thứ 5 (1721) các quan Chánh sứ được cấp 5 năm mẫu điền ruộng, 15 mẫu cấy lũy còn lấy thuế 40 mẫu kia. Phó sứ được hưởng 45 mẫu điền lộc.
Trường Vũ bị: Trịnh Cương mở Trường Vũ bị đặt quan Giao thu dạy cho con cháu các quan võ chiến. Mỗi tháng một lần triệu tập, ba tháng một lần thi tập. Xuân thu thi tập võ nghệ (múa võ): Đông hạ thi tập võ kinh (học võ giảng theo sách).
Ba năm một lần thi võ. Thi về bắn cung, múa giáo, múa gươm,vừa phi ngựa vừa bắn cung, vừa chạy bộ vừa bắn cung. Sau cùng quan trường hỏi nghĩa sách để xét học lực, hỏi phương lược để xét tài năng.
Hình luật: Trước can phạm đã phải tội lưu, còn phải chịu thêm tội chặt tay nữa. Trịnh Cương bỏ luật chặt tay và đổi lại: Tội phải chặt hai bàn tay và phải lưu viễn châu thì phải đổi làm tội đồ trung thân; phải chặt một bàn tay và phải lưu ngoại châu thì cải sang 12 năm tội đó; phải chặt hai ngón tay trỏ và phải lưu cận châu thì dổi làm tội đồ 6 năm. Những việc đạo thiết không kể vào các trường hợp ấy.
Trịnh Cương lại đặt ra lệ giám sát các văn án. Cứ thứ tự các thẩm quan xét xử rồi đưa hồ sơ lên tòa trên xét lại. Năm nào đầu tháng Chạp, ngự sử đài cũng phải đệ trình hội đồng chính đương các sổ sách của mình và các tòa dưới để hội đồng duyệt y.
Ngoài các điều luật bổ khuyết nói ở trên, Trịnh Cương còn đặt thêm quyền hạn về việc kháng cáo và cho thi hành phương pháp làm giảm bớt các việc kiện tụng, cho dân đỡ hại: Lại cấm các quan chức, các trấn không được uy hiếp dân đóng góp để lấy tiền dâng vua, lễ chúa, nếu trái lệnh sẽ bị nghiêm trị mà lễ vật thời trả lại cho dân sự.
Trịnh Cương tuy không làm riêng thành một quyển dân luật nhưng các điều luật đặt ra phần nhiều cũng chú trọng về các việc dân sự tố tụng.
Việc hộ: Trịnh Cương đặt ra việc đạc điền và bắt làm lại sổ địa bạ. Các quan phủ, huyện, thừa chính, Hiến sát phải trông nom việc ấy. Lại đặt ra các quan Nông sứ để thanh tra việc canh nông, tìm cách khuyến khích cho việc giồng giọt, cầy cấy được thịnh vượng.
Thuế công điền và công thổ chia ra làm ba hạng: 1. Hạng nhất, mỗi mẫu đồng niên đóng một quan; 2. Hạng nhì phải đóng 8 tiền;
3. Hạng ba 6 tiền.
Những sưu dịch như là việc tế tự trong đền vua phủ chúa, việc sửa sang trường thi, việc làm cầu cống, tắc đương sá, giữ đê điều thì cứ tùy nghi mà cho các suất đinh để lấy tiền mà dùng cho đủ.
Hai cửa bể Nghệ An và Thanh Hóa mở mang rộng rãi để tiện đường thương mại.
Năm Quý Mão (1723), thuế điền, thuế đinh và sưu dịch sửa đổi như sau này: