7. Kết cấu của luận văn
1.2.1. Sự phát triển có tính khách quan
Tính khách quan của sự phát triển biểu hiện trong nguồn gốc của sự vận động và phát triển. Đó là quá trình bắt nguồn từ sự vận động nội tại của bản thân sự vật, hiện tượng; là quá trình tự giải quyết mâu thuẫn trong bản thân của sự vật, hiện tượng; làm cho chính bản thân sự vật luôn có sự tác động và biến đổi, chuyển hóa không ngừng và quá trình vận động đó có tính khách quan, độc lập với ý muốn với con người, độc lập với các lực lượng siêu nhiên. Đó là quá trình giải quyết liên tục những mâu thuẫn nảy sinh trong sự tồn tại và vận động của sự vật, hiện tượng.
Chính sự tác động của quá trình giải quyết liên tục các mâu thuẫn đã phá vở sự cân bằng tương đối của sự vật, làm cho sự vật phát triển. Quá trình phá vở sự cân bằng lại làm nảy sinh những mâu thuẫn mới và kết quả của sự giải quyết mâu thuẫn chính là sự thay đổi của sự vật với những mặt, những yếu tố cản trở, những yếu tố không còn phù hợp với sự vật bị thủ tiêu và biến mất. Chỉ những cái phù hợp, tiến bộ, những yếu tố không gây ra sự ngăn cản cho quá trình tiến lên của sự vật được giữ lại. Trong quá trình phát triển của mình, bản thân sự vật
sẽ dần hình thành những quy định mới cao hơn về chất, sẽ làm thay đổi các mối liên hệ, cơ cấu, chức năng, phương thức tồn tại và vận động vốn có theo chiều hướng ngày càng hoàn thiện hơn. Sự phát triển có thể coi là khuynh hướng tất yếu của sự vật.
Chúng ta có thể thấy rằng sự vận động là một mâu thuẫn: Ngay cùng lúc, mỗi sự vật vừa chính là nó vừa không phải là nó. Vì vậy, chính sự vận động, sự tác động thông qua các mối liên hệ ràng buộc, phụ thuộc, tác động, chuyển hóa lẫn nhau đã làm cho mâu thuẫn xuất hiện thường xuyên và cũng được thường xuyên giải quyết. Mâu thuẫn tồn tại là khách quan, do vậy sự phát triển cũng mang tính khách quan. Điều này, đòi hỏi khi xem xét sự phát triển của sự vật, chúng ta phải nhìn thấy được các mâu thuẫn, cũng như sự vận động của các mối liên hệ trong bản thân sự vật, tránh cách nhìn phiến diện, cô lập như Ăngghen đã nói về các nhà triết học siêu hình trong tác phẩm “Chống Đuyrinh”:
Chừng nào chúng ta xem xét các sự vật như là đứng im và không có sinh khí, cái nào riêng cho cái ấy, cái này bên cạnh cái kia và hết cái này đến cái kia, thì chúng ta sẽ không thấy sự mâu thuẫn nào trong sự vật. Chúng ta tìm thấy trong đó một số thuộc tính phần thì giống nhau, phần thì khác nhau, thậm chí mâu thuẫn với nhau nữa. Nhưng trong trường hợp này, các thuộc tính đó lại phân ra trong những sự vật khác nhau, như vậy thì trong các thuộc tính đó cũng không chứa mâu thuẫn. Trong giới hạn của lĩnh vực này, chúng ta dùng phương pháp tư duy thông thường, phương pháp siêu hình, cũng có thể giải quyết được nhưng tình hình sẽ khác nếu chúng ta xem xét sự vận động trong sự tự thân, trong sự biến đổi, sự sống, sự tác động lẫn nhau của chúng [1, tr.200 - 201].
Việc giải quyết các mâu thuẫn của sự vật theo phương thức phủ định biện chứng ở đây không phụ thuộc vào ý thức con người mà nó phụ thuộc vào tính chất, đặc điểm của sự vật, hiện tượng. Sự tác động biện chứng đó diễn ra trong hiện thực,
tuỳ theo hình thức tồn tại cụ thể của các dạng vật chất. Chính vì vậy, mỗi loại sự vật có phương thức phủ định riêng của nó, do đó mà có sự phát triển.
Tóm lại, quan điểm duy vật biện chứng khẳng định nguồn gốc của sự phát triển nằm trong chính bản thân sự vật; phát triển là quá trình giải quyết liên tục những mâu thuẫn nảy sinh trong tồn tại và vận động của sự vật, do đó, cũng là quá trình tự thân của mọi sự vật. Vì vậy, sự phát triển mang tính khách quan.