7. Kết cấu của luận văn
1.3.1. Khái niệm chung về tổ chức cơ sở Đảng
TCCS Đảng là khái niệm thành phần của đảng chính trị. Vì thế để thống nhất cách hiểu khái niệm này, cần đặt nó trong tổng thể hiện tượng đảng chính trị. Đảng chính trị là sản phẩm tất yếu của cuộc đấu tranh giai cấp trong tiến trình
phát triển của lịch sử nhân loại. Khi xã hội đã phân chia thành giai cấp, có mâu thuẫn về lợi ích giai cấp là có đấu tranh giai cấp. Đấu tranh giai cấp phát triển theo quy luật từ tự phát đến tự giác, từ hình thức thấp đến hình thức cao. Đấu tranh chính trị là hình thức đấu tranh cao nhất vì nó giải quyết vấn đề quyền lực chính trị thuộc về giai cấp nào. Giai cấp nào giành được quyền lực nhà nước sẽ trở thành giai cấp thống trị về chính trị đối với xã hội. Đấu tranh giai cấp phát triển đến một trình độ nhất định là đấu tranh chính trị thì các đảng chính trị mới có khả năng ra đời.
Đảng chính trị là một phạm trù lịch sử. Nó là một tổ chức chính trị bao gồm những phần tử tích cực nhất, tiêu biểu nhất của một giai cấp hay các tập đoàn hợp thành giai cấp, nó là công cụ quan trọng nhất để đấu tranh cho quyền lợi của giai cấp mình, là một tổ chức chính trị thể hiện những lợi ích của một giai cấp hay tầng lớp trong xã hội, liên kết nhiều đại biểu tích cực nhất của giai cấp hay tầng lớp ấy lãnh đạo họ đạt tới những mục đích và lý tưởng nhất định.
Do đặc điểm chính trị của mỗi nước chi phối, nên số lượng và tên gọi các đảng chính trị cũng như cách thức tổ chức, hoạt động của các đảng chính trị trên thế giới không hoàn toàn giống nhau. Nhưng với tính cách là lực lượng cầm quyền, đảng chính trị nào cũng có trách nhiệm đối với vận mệnh quốc gia, dân tộc.
Ở Việt Nam hiện nay, Đảng Cộng sản là lực lượng duy nhất lãnh đạo, thực hiện quyền thống trị và chính trị của giai cấp công nhân để xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân và quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội. Giai cấp công nhân, nhân dân lao động và cả dân tộc thông qua đội tiên phong của mình là Đảng Cộng sản tiến hành công cuộc xây dựng và phát triển đất nước theo những phương hướng, mục tiêu đã lựa chọn.
Những tư tưởng, quan điểm về vị trí, vai trò của TCCS Đảng của Đảng Cộng sản đã được Mác - Ăngghen nêu lên đầu tiên và được thể hiện trong quá trình xây dựng, lãnh đạo “Liên đoàn những người cộng sản” - một tổ chức cộng sản đầu tiên được thành lập vào tháng 12/1847. Trong Điều lệ của “Liên đoàn
những người cộng sản”, hai ông nói đến các chi bộ của “Liên đoàn” được thành lập dưới hình thức các hội bí mật trong các hiệp hội công nhân, “Chi bộ gồm ít nhất là ba và nhiều nhất là ba mươi hội viên của liên đoàn” [59, tr.494]. Chi bộ là nơi kết nạp hội viên mới, quản lý hội viên, nơi tuyên truyền giác ngộ lý tưởng cộng sản, lãnh đạo công nhân đấu tranh với giai cấp tư sản nhằm lật đổ ách thống trị của chúng, thiết lập nền chuyên chính vô sản.
Điều lệ “Liên đoàn những người cộng sản” cũng xác định: “Về cơ cấu, Liên đoàn gồm những chi bộ, khu bộ, tổng khu bộ, Ban Chấp hành Trung ương và Đại hội” [52, tr.132]. Như vậy TCCS Đảng là một bộ phận cấu thành nên Đảng, sự vững chắc từ nền tảng của Đảng là bảo đảm cho sự vững chắc của toàn Đảng. Tuy chưa dùng thuật ngữ “Tổ chức cơ sở Đảng” nhưng tư tưởng và quan điểm của Mác và Ăngghen về vị trí, vai trò quan trọng của TCCS Đảng đã được nêu ra và phát triển trong quá trình xây dựng, lãnh đạo tổ chức “Liên đoàn những người cộng sản”.
Lênin đã kế thừa, phát triển những tư tưởng của Mác và Ăngghen trong quá trình đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội trên lĩnh vực tổ chức và tiến hành xây dựng một Đảng kiểu mới của giai cấp công nhân và ông đã đưa ra khái niệm
“Tổ chức cơ sở Đảng” lần đầu tiên tại Đại hội III, Đảng Công nhân Dân chủ - Xã hội Nga (25/4/1905). Đại hội xác định mỗi tổ chức Đảng cho tới chi bộ công nhân cơ sở của Đảng phải được xác định thành phần và nhất định phải ổn định những mối liên hệ đều đặn với Trung ương. Sau đó trong bài “Tiến tới thống nhất”, Lênin chỉ rõ “Những điều kiện khách quan đòi hỏi rằng những chi bộ công nhân phải làm cơ sở của Đảng” [52, tr.448]. Ông còn nói rõ: “Các tổ chức cơ sở đảng là hạt nhân tổ chức cơ bản của Đảng” [49, tr.77].
Trong bài báo “Bước vào con đường đúng”, Lênin coi các TCCS Đảng là nền tảng của Đảng trong quần chúng, nơi Đảng liên hệ chặt chẽ với quần chúng lao động, là hạt nhân chính trị của các tập thể lao động, giáo dục, dẫn dắt quần chúng thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng. Người còn đưa ra
quan điểm: “TCCS Đảng là “điểm tựa” để Đảng làm chủ trong mọi tình huống, là điều kiện cụ thể khi đảng tiến hành tuyên truyền, cổ động và thực hiện đường lối, chủ trương của mình” [51, tr.258 - 259].
Hồ Chí Minh, người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, trong quá trình lãnh đạo cách mạng đã luôn nhấn mạnh việc phải tổ chức chặt chẽ trong Đảng, phải có tổ chức thống nhất từ Trung ương đến cơ sở, có mối liên hệ mật thiết với quần chúng. Vì vậy tổ chức Đảng phải được thành lập, tổ chức tại các đơn vị cơ sở. Người nói: “Ở mỗi xưởng máy, hầm mỏ, xí nghiệp, cơ quan, trường học, đường phố, nông thôn, đại đội - có 3 đảng viên trở lên thì lập một chi bộ” [63, tr.242].
Với tinh thần đó, khái niệm “Tổ chức cơ sở Đảng” được ghi rõ trong Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam và qua các kỳ đại hội luôn có sự điều chỉnh và từng bước hoàn chỉnh về nội dung và ý nghĩa của nó. Điều 21, Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam được thông qua Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI ghi rõ:
1. Tổ chức cơ sở Đảng (chi bộ cơ sở, đảng bộ cơ sở) là nền tảng của Đảng, là hạt nhân chính trị ở cơ sở.
2. Ở xã, phường, thị trấn, cơ quan, hợp tác xã, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, đơn vị cơ sở trong quân đội, công an và các đơn vị cơ sở khác có từ ba đảng viên chính thức trở lên, lập tổ chức cơ sở đảng; nếu chưa đủ ba đảng viên chính thức thì cấp uỷ cấp trên trực tiếp giới thiệu đảng viên sinh hoạt ở tổ chức cơ sở Đảng thích hợp.
3. Tổ chức cơ sở đảng dưới ba mươi đảng viên, lập chi bộ cơ sở, có các tổ chức đảng trực thuộc.
4. Tổ chức cơ sở đảng có từ ba mươi đảng viên trở lên, lập đảng bộ cơ sở, có các chi bộ trực thuộc đảng uỷ.
5. Những trường hợp sau đây, cấp uỷ cấp dưới phải báo cáo và được cấp uỷ cấp trên trực tiếp đồng ý mới được thực hiện:
- Lập đảng bộ cơ sở trong đơn vị cơ sở chưa đủ ba mươi đảng viên. - Lập chi bộ trực thuộc đảng uỷ cơ sở có hơn ba mươi đảng viên.
- Lập đảng bộ bộ phận trực thuộc Đảng uỷ cơ sở [36, tr.35 - 37]
Như vậy, TCCS Đảng gồm chi bộ cơ sở hoặc đảng bộ cơ sở. Việc lựa chọn mô hình tổ chức nào (chi bộ cơ sở hoặc đảng bộ cơ sở) phụ thuộc vào số lượng đảng viên chính thức và phải được cấp uỷ cấp trên trực tiếp quyết định.
Chi bộ là nền móng của đảng, chi bộ tốt thì mọi việc sẽ tốt. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phân tích vị trí, vai trò nền tảng của TCCS Đảng ở những khía cạnh, những mặt chủ yếu như: Quan hệ với việc xây dựng nội bộ và nâng cao chất lượng của Đảng, với vai trò và chất lượng lãnh đạo thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước ở cơ sở, với mối quan hệ mật thiết giữa Đảng và quần chúng, với niềm tin yêu của quần chúng đối với Đảng.
Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh chất lượng của TCCS Đảng có quan hệ mật thiết với chất lượng của toàn Đảng, là nhân tố quan trọng cấu thành chất lượng của Đảng, muốn lãnh đạo cách mạng thì Đảng phải mạnh, Đảng mạnh là do chi bộ tốt. Chi bộ kém là những khâu yếu của Đảng. Vì thế, Người luôn nhắc nhở xây dựng chi bộ cho tốt, cho vững mạnh là một việc vô cùng quan trọng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra vai trò nền tảng của TCCS Đảng còn được thể hiện trong mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với quần chúng. Đây là lý do, là cơ sở, điều kiện để Đảng tồn tại và có sức mạnh. Sự đồng tình, ủng hộ của quần chúng luôn luôn là nguồn sức mạnh vô địch và vô tận của Đảng. Sự ăn sâu, bám chắc của các TCCS Đảng trong quần chúng làm cho đường lối, chính sách đúng của Đảng nhanh chóng được quần chúng tiếp nhận và thực hiện. Chi bộ là gốc rễ của Đảng ở trong quần chúng và TCCS Đảng không phải là một tổ chức thụ động, theo đuôi quần chúng mà là tổ chức lãnh đạo. Vai trò lãnh đạo của TCCS Đảng được thể hiện ở những điểm chủ yếu sau đây: Vận động, tập hợp, tuyên truyền, giáo dục quần chúng thấu hiểu sự đúng đắn của đường lối, chính sách của Đảng, chủ động tìm giải pháp lãnh đạo, tổ chức quần chúng thực hiện, uốn nắn kịp thời những lệch lạc trong nhận thức và hành động của quần chúng, là hạt
nhân, trung tâm đoàn kết, củng cố niềm tin thực tế của quần chúng đối với Đảng. Vai trò hạt nhân lãnh đạo của TCCS Đảng còn được thể hiện trong mối quan hệ nhân quả giữa chất lượng TCCS Đảng với chất lượng thực hiện đường lối, chính sách của Đảng ở cơ sở. Trong đó chất lượng của TCCS Đảng là nguyên nhân quan trọng, trực tiếp còn chất lượng thực hiện đường lối, chính sách của Đảng ở cơ sở là kết quả đồng thời là chuẩn mực, là thước đo để đánh giá chất lượng của TCCS Đảng.
Các TCCS là nền tảng của Đảng, là hạt nhân chính trị ở cơ sở. TCCS Đảng là cầu nối giữa Đảng và nhân dân; là nơi giáo dục, rèn luyện, kết nạp và sàng lọc đảng viên, nơi đào tạo cán bộ cho đảng; nơi xuất phát để cử ra cơ quan lãnh đạo các cấp của Đảng; nơi trực tiếp đưa đường lối, chính sách của Đảng vào quần chúng và tổ chức, thực hiện đường lối, chính sách ấy.