Đạo đức Nho Gia đối với việc xây dựng gia đình Việt Nam mới.

Một phần của tài liệu Về những giá trị tư tưởng triết học cơ bản của nho gia trong xã hội việt nam ngày nay (Trang 42 - 46)

Nói đến quan hệ cơ bản nhất, cốt thiết nhất giữa người với người theo quan điểm Nho Gia, chúng ta thường hay nghĩ đến tam cương, ngũ luân chi phối đất nước ta từ hàng nghìn năm trước cho đến triều đại Nhà Nguyễn. Trong tam cương thì có hai cương thuộc về phạm vi gia đình. Trong năm luân thì gia đình bao gồm ba luân. Theo các thánh hiền đạo Nho các đức tốt trong lĩnh vực chính trị xã hội, các điều quyết định nhất đưa tới chỗ trị quốc, bình thiên hạ đều bắt nguồn từ những đức tính cơ bản nhất trong đời sống gía đình hay trong công cuộc tề gia.

Ngày nay tiến hành đổi mới cuộc sống và xã hội chúng ta cần thực hiện đổi mới đời sống gia đình và trong công cuộc đổi mới đời sống gia đình thì không thể coi thường ảnh hưởng của Nho Gia hàng ngàn năm qua. Trước khi đi vào phân tích những ảnh hưởng cụ thể trong quan niệm gia đình Nho Gia trong đời sống xã hội Việt Nam tôi nói qua về một số mặt tích cực chủ yếu của Nho Gia trong tư tưởng gia đình.

Không như các tôn giáo khác khuyên răn con người đi tìm những giải thoát huyền bí ở bên ngoài cuộc sống nhân gian. Khổng Giáo kiên trì gắn bó con người với cộng đồng từ nhỏ đến lớn, từ thấp đến cao. Theo Khổng Mạnh, tình nghĩa và trách nhiệm của con người đối với gia đình là sâu sắc nặng nề

đồng thời cũng là đầu mối của tình cảm cũng như trách nhiệm đối với nước và thiên hạ.

Khổng Giáo tích cực nêu lên ý nghĩa của giáo dục gia đình, có thể nói rằng ở nước Trung Hoa cũng như nước ta thuở trước, nói chung trong các gia đình “thường thường bậc trung” trở lên nhất là các gia đình nho sỹ, có mạng lướí giáo dục trải rộng hầu khắp đất nước với nội dung và phương pháp thống nhất. Chính mạng lưới ấy tạo nên một quốc phung chung cho cả nước trên một nền chung là Nho phong. Khổng Tử cho rằng đức nhân là đức cao quý nhất chứa đựng nhiều ý nghĩa tốt đẹp. Tinh tuý chủ nghĩa nhân đạo của Khổng Tử là ở chỗ đó và cũng bắt đầu thể hiện trong quan hệ gia đình, lòng cha mẹ yêu thương con cái là đức từ, lòng con yêu thương cha mẹ là đức hiếu, lòng anh em yêu thương nhau là đức lương. Để đạt được đức nhân, con người không chỉ thân thương “Riêng cha mẹ mình là cha mẹ” mà mọi người phải có sự thân thương nhau, người già phải thương trẻ nhỏ như con và ngược lại người trẻ phải coi người già như cha mẹ mình và những người cùng thế hệ với nhau thì “bốn bể như anh em”. Và muốn có kỷ cương trât tự của xã hội thì phải bắt đầu từ gia đình. Có tề gia thì mới trị quốc được, có trị quốc mới bình được thiên hạ. Bên cạnh những mặt tích cực đó Nho Gia còn chứa đựng rất nhiều mặt tiêu cực trong quan hệ gia đình như: chủ nghĩa vị kỷ, chế độ gia đình trị, tác phong gia trưởng và những bất công trong pháp luật thể chế. Trải qua hàng ngàn năm hai mặt tích cực và tiêu cực của Nho Gia không tách rời nhau. Vạch ra ranh giới dứt khoát cho mọi biểu hiện là không dễ dàng. Nhưng dù sao những nhận định ở mặt này hay mặt kia đều là cần thiết để giải quyết các vấn đề một cách cơ bản và hoàn chỉnh.

Như chúng ta đã biết điểm đặt biệt quan trọng trong quan hệ gia đình của Nho Gia là quan hệ giữa nhà và nước. Nho Gia đã nhiều lần khẳng định “Nhà là gốc của nước”. Nhưng từ xưa đến nay các nhà nho biết rõ trong Kinh Thư vốn đã có câu “Dân là gốc của nước” rõ ràng đây là mâu thuẫn không thể

giải quyết. Trong tư duy chính trị cũng như thực tế sinh hoạt chính trị lấy “Dân làm gốc” luôn mờ nhạt bên cạnh lấy “Nhà làm gốc”.

Ơ thời đại này sự nghiệp cách mạng Việt Nam, từ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân đã và đang chuyển dần sang cách mạng xã hội chủ nghĩa. Gắn chặt với thành tựu độc lập đã giành được, dân chủ xã hội chủ nghĩa là mục tiêu rực rỡ của nhân dân .Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Thực tiễn ngày càng đem thêm nội dung mới cho khái niệm Dân. Từ đại hội IV của Đảng nguyên lý lấy ‘Dân làm gốc” dần dần được sáng tỏ hơn. Đồng thời nắm được quan điểm “Dân là gốc của nước” những nhà yêu nước và cách mạng cũng quan niệm “gia đình là tế bào của xã hội”. Ai cũng biết rằng từ bao đời nay các thế hệ chúng ta nói đến đức “hiếu” là chỉ nói theo nghĩa : “con hiếu với cha mẹ”. Vận dụng Nho Gia một cách khoa học và cách mạng hơn Hồ Chủ Tịch đã giáo dục thanh niên, quân độ ta “Hiếu với dân”. Nói như thế không có nghĩa thanh niên quân đội ta không có hiếu với bố mẹ mà Bác Hồ đã nhìn thấy được mối tương quan giữa nghĩa vụ gia đình và nghĩa vụ xã hội. Cái mới trong câu nói của Hồ Chí Minh là sự vận dụng chữ hiếu từ phạm trù gia đình ra phạm vi đất nước, xã hội mà nâng cao lòng nhiệt tình yêu quý và phục vụ nhân dân, đồng thời xoá sạch tàn dư của các tư tưởng “thờ vua”, “thờ bề trên” do hệ ý thức phong kiến để laị dưới mọi biến dạng.

Nho Gia là trường phái triết học đề cao chữ hiếu đối với cha mẹ. Với hai nội dung chủ yếu chính là phụng dưỡng cha mẹ khi sống, và tang ma thờ cúng khi cha mẹ chết. Trong gia đình truyền thống Việt Nam xưa kia do tính tiếp thu sâu sắc thuyết lý gia đình Nho Gia, đã có nhiều tấm gương về chữ hiếu đáng quý, như ông Nguyển Đình Chiểu trên đường từ trường thi về để chịu tang mẹ đã khóc thương mẹ loà cả đôi mắt. Ngày xưa chữ hiếu là dựa trên cơ sở kinh tế nông nghiệp thủ công gia đình phụ quyền . Người cha người mẹ nhắm mắt chưa yên khi chưa lo cho mỗi đứa con trai vài mẫu ruộng, gian nhà. Ngày nay trong nền kinh tế thị trường, kinh tế hộ gia đình, kinh doanh buôn bán, sản xuất hàng hoá, nhận đất, nhận rừng, bố mẹ già cả không lao

động được. Chữ hiếu rơi vào tình trạng không có cơ sở kinh tế. Vậy thì chữ hiếu đối với cha mẹ ngày nay ra sao?. Chúng ta đã nhiều lần giật mình bàng hoàng khi chứng kiến hoặc nghe thấy những đứa con phản phúc đối với cha mẹ hơn cả thú vật, đánh đập, bỏ đói, bố mẹ già, cho họ là “của nợ”. Tình trạng người già ngày càng bị bỏ rơi cô đơn trong trại dưỡng lão trong thời đại xô bồ này đã được phản ánh rất nhiều, nó như tiếng chuông cảnh báo chúng ta. Vì thế chữ hiếu đối với cha mẹ ngày nay mang một nội dung sâu sắc đó là chăm sóc người già cả. Nho Gia đã nói rằng đối với cha mẹ không chỉ nuôi nấng mà còn phải hết lòng thương yêu kính trọng. Các cụ già cần đời sống văn hoá và cần được nghỉ nghơi, không nên quan niệm hiếu là phải ba bốn thế hệ cùng ngồi ăn chung một mâm. Dân ta vẫn có câu “trẻ tham ăn, già xấu nết”, “già sinh tật, đất sinh cỏ” phải để các cụ vui với sở thích riêng của mình...

Muốn thực hiện chính sách gì cũng phải có hai khía cạnh, đó là điều kiện kinh tế và nhận thức xã hội. Trên bình diện kinh tế, ngoài việc nhà nước lập ra nhà dưỡng lão, trao tặng nhà tình nghĩa, sổ tiết kiệm mỗi gia đình phải tạo thói quen trong nếp sống: các cụ già một đời vất vả kiếm sống, phải tự chú ý tạo vốn dưỡng già cho mình và con cái phải tạo điều kiện cho bố mẹ làm việc đó. Trên bình diện nhận thức, gây thói quen nhận thức xã hội về đạo lý làm người. Sống là phải nhớ về cội nguồn, mà cội nguồn trực tiếp nhất là “Vô Phụ Mẫu tự kỷ sinh” không có cha mẹ tự mình sinh ra được sao. Khi mình còn bé phải cậy vào sự giáo dưỡng của cha mẹ, thì khi cha mẹ già yếu mình phải chăm sóc cha mẹ là lẽ đương nhiên. Và làm con phải “Phụ mẫu chi niên, bất khả bất tri giã, nhất đắc dĩ hỷ, nhất đắc dĩ cụ” (tuổi cao của cha mẹ, làm con không thể không biết đến, vừa để mừng tuổi cho cha mẹ, vừa để lo tuổi cha mẹ đã ở cuối dốc bên kia mà chăm lo phụng dưỡng mẹ cha)

Tiếp thu những quy tắc ứng xử của Nho Gia trong quan hệ gia đình hoàn toàn không phải là không có lý. Nhưng chúng ta phải tiếp thu nó dưới nhận thức mới, phải lấy phong cách, đạo đức, tình cảm của con người xã hội chủ nghĩa để trao dồi đạo đức, phong cách và tình cảm của con người mới

trong quan hệ gia đình. Một công dân gương mẫu là một người phải đặt danh dự hạnh phúc lợi ích của đất nước xã hội lên trên danh dự, hạnh phúc lợi ích của gia đình cũng như bản thân và phải tự giác phấn đấu không ngừng góp phần vào sự nghiệp chung đưa cả nước,xã hội và gia đình vững bước tiến lên theo tinh thần đổi mới và cách mạng.

Học tập những điểm tích cực nhưng chúng ta phải kiên quyết loại bỏ những hạn chế trong quan hệ gia đình mà Nho Gia vạch ra như: chế độ vị kỷ gia đình, luôn mưu cầu tư lợi bằng đủ mọi mánh khoé bất chính hại dân, hại nước để giành phần lợi riêng về cho gia đình mình, hoặc tác phong gia trưởng sinh ra thói phán quyết một cách độc đoán thiếu khoa học và tệ hại hơn nữa là thái độ phục tùng, bảo thủ mê muội nó sẻ cản trở tệ hại trong công cuộc phát huy sáng chế trong con đường tiến hóa và cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Khổng Tử và các học trò của ông đã xây dựng những quy tắc ứng xử bảo đảm cho những mối quan hệ thuỷ chung tình nghĩa giữa cha con, vợ chồng, anh em. Nếu như gạt bỏ được quan hệ bất bình đẳng trong gia đình phong kiến, tính ích kỷ trong gia đình tư sản thì chúng ta trên tinh thần mới có thể xây dựng những quan hệ tốt đẹp nhất cho gia đình mới. Với tấm gương của Khổng Tử, chúng ta có thể trả lại cho gia đình vai trò to lớn của nó trong cuộc sống lành mạnh của mỗi thành viên cũng như lợi ích chung của toàn xã hội.

Một phần của tài liệu Về những giá trị tư tưởng triết học cơ bản của nho gia trong xã hội việt nam ngày nay (Trang 42 - 46)