Thứ nhất, lãi suất có mối tương quan nghịch chiều với tỷ giá hối đoái. Một sự tăng
lên trong lãi suất sẽ có tác dụng làm giảm tỷ giá hối đoái (tăng giá nội tệ). Tác động của lãi suất cho thấy công cụ lãi suất thực sự có hiệu quả ở độ trễ 4, tức phản ứng của tỷ giá đối với lãi suất là tương đối lâu.
Thứ hai, lạm phát cũng có mối quan hệ tuyến tính đến tỷ giá hối đoái. Tuy nhiên,
khi phân tích mối quan hệ tác động của tỷ giá và lạm phát, chúng tôi nhận thấy đây là tác động đa chiều theo thời gian. Trong mô hình này, ở hai độ trễ 3 và 7, sự tác động của lạm phát đến tỷ giá hối đoái cũng có sự tác động theo hai hướng tăng giảm khác nhau. Ở chiều ngược lại, tỷ giá cũng có ảnh hưởng mạnh đến lạm phát, và mức độ phù hợp của mô hình cũng là khá cao (điều này cũng phù hợp với kiểm định Granger khi kiểm định này chỉ ra mối quan hệ giữa tỷ giá và lạm phát là mối quan hệ hai chiều). Đây là cơ sở để chúng tôi xem xét sự tác động của tỷ giá hối đoái đến các yếu tố vĩ mô sẽ được đề cập ở phần sau.
Thứ ba, thu nhập cũng thực sự có ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái theo đúng như lý
thuyết đã đề cập, đây là một mối quan hệ nghịch chiều. Cũng cần lưu ý rằng, theo kiểm định Granger đã đề cập ở phần trên, mối quan hệ giữa tỷ giá và thu nhập là mối quan hệ hai chiều và dường như, khi tỷ giá là nguyên nhân để giải thích sự biến động trong tổng thu nhập thì kết quả mô hình cho thấy sự phù hợp hơn.