MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM PHÁT TRIỂN HOẠT ĐỘNG SX-KD CỦA CÁC DOANH NGHIỆP GỐM BIÊN HÒA ĐẾN NĂM
3.2.1.3 Giải pháp liên kết:
a/ Mục tiêu
Nâng cao năng lực cạnh tranh cho các DN gốm Biên Hòa thông qua việc vừa cạnh tranh lành mạnh, vừa hợp tác với các DN gốm trong khu vực, trong vùng và bảo vệ quyền lợi chung cho sự phát triển bền vững của ngành gốm sứ Việt Nam, đồng thời chủ động khai thác nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương. Giải pháp này được triển khai thực hiện trong giai đoạn tìm kiếm đối tác liên kết từ 2011-2014 và đi vào ổn định từ 2015 – 2020 [PL 9].
b/ Nội dung
Trong thời gian qua, mặc dù các DN gốm Biên Hòa có những đóng góp đáng khích lệ trong việc bảo tồn ngành nghề truyền thống và đem lại nguồn ngoại tệ lớn cho địa phương, tuy nhiên do quy mô nhỏ, công nghệ lỗi thời, vốn ít, lực lượng lao động chưa đủ năng lực và kiến thức quản lý trong công cuộc tái cấu trúc tổ chức và hoạt động SX-KD, vì vậy nếu không liên kết cùng nhau hợp tác thì khó có thể cạnh tranh với các DN cùng ngành trong nước và nước ngoài. Để đạt được mục tiêu lâu dài, các DN gốm Biên Hòa cần thực hiện kiên trì giải pháp liên kết như sau:
Liên kết giữa các DN gốm Biên Hòa
Phát triển quan hệ liên kết và hợp tác giữa các DN gốm Biên Hòa là một giải pháp có ý nghĩa chiến lược trong việc tăng cường năng lực cạnh tranh. Để đẩy mạnh hơn nữa trong việc liên kết hợp tác để cùng phát triển, các DN gốm Biên Hòa cần:
Thúc đẩy hình thành liên kết theo hình thức chuỗi giá trị, đây là hình thức liên kết giữa các DN lớn và DN nhỏ trong cùng khu vực địa lý. Hình thức liên kết này
được xây dựng trên cơ sở quy trình chuyên môn hóa khép kín, bắt đầu từ khâu cung cấp nguyên vật liệu đầu vào (khai thác, chế biến nguyên liệu đất, men màu…), các giai đoạn của quá trình sản xuất (tạo bán thành phẩm mộc, thiết kế mẫu mã, trang trí men..) và quá trình tiêu thụ, phân phối sản phẩm.
Đặc trưng của hình thức liên kết này được tổ chức trên cơ sở DN lớn là hạt nhân, các DN nhỏ là các vệ tinh, từ đó xây dựng các cam kết chung về khai thác nguyên liệu, giá gia công sản phẩm tại các công đoạn sản xuất, tiền lời chia sẻ về các đơn hàng tùy theo thế mạnh của các cơ sở vệ tinh.
Liên kết với nhà cung cấp, nhà đầu tư
Đứng trước nguy cơ về khan hiếm nguồn nguyên liệu chính, để ổn định về số lượng và chất lượng nguyên liệu nhằm đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững, Các DN gốm cần tập trung một số biện pháp liên kết như sau:
Nguồn nguyên liệu đất sét trắng có hàm lượng kaolin phục vụ cho sản xuất gốm mỹ nghệ trước mắt và lâu dài vẫn tranh thủ liên kết các nguồn cung ứng từ Bình Dương (Đất Cuốc, Chánh Nghĩa). Tuy nhiên, để không bị động khi nguồn cung ứng này gặp khó khăn cần phải sớm tổ chức khảo sát, điều tra đánh giá trữ lượng và chất lượng của từng vùng, từng khu vực tại các điểm mỏ kaolin sẵn có ở địa phương được phát hiện chỉ mới được phổ tra, tìm kiếm sơ bộ nên trữ lượng và chất lượng ở mức độ dự báo.
Thu hút các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài kết nối với DN gốm trong lĩnh vực xây dựng nhà máy tại điểm mỏ đất kaolin địa phương với dây chuyền khép kín từ việc khai thác, chế biến tẩy rửa phân loại tạp chất để làm giàu thành phần đất kaolin, vì theo tài liệu địa chất thì nguồn đất có hàm lượng kaolin của Đồng Nai có chất lượng không đồng đều, thường lẫn các tạp chất. Sự liên kết hợp tác này sẽ tạo lợi thế cạnh tranh từ nguồn nguyên liệu sẵn có và giúp các DN gốm Biên Hòa chủ động đáp ứng đủ số lượng và chất lượng đất kaolin cho sản xuất sản phẩm gốm trong dài hạn mà không bị lệ thuộc khi nguồn nguyên liệu này bị khan hiếm.
Liên kết hợp tác với các DN gốm sứ trong vùng
Nhằm đẩy mạnh mối liên kết giữa các DN gốm cũng như khắc phục tình trạng phâ tán họat động dẫn đến việc cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN sản xuất gốm trong tỉnh và ngoài tỉnh, các DN gốm Biên Hòa nên phát triển mối quan hệ vừa cạnh tranh lành mạnh vừa hợp tác với làng gốm sứ trong vùng, cụ thể như:
Thời gian qua, các DN gốm Biên Hòa đã và đang cạnh tranh gay gắt giữa các DN gốm sứ Bình Dương, nơi có những ưu thế về nguyên liệu, đất đai, chủng loại sản phẩm... với giá bán thấp hơn để thu hút khách hàng. Sự cạnh tranh trên đã tạo động lực cho các DN gốm Biên Hòa phải lựa chọn con đường liên kết để học hỏi kinh nghiệm trong đổi mới công nghệ, quản lý quá trình SX-KD nhằm nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm, phát huy ưu thế của mình về bí quyết công nghệ phối liệu để tạo ra sản phẩm gốm mỹ nghệ đa dạng với nét đặc thù riêng biệt.
Để ngăn chặn tình trạng khách hàng nước ngoài lợi dụng sự cạnh tranh giữa các DN để ép giá bán sản phẩm gây thiệt hại lợi ích kinh tế cho các doanh nghiệp gốm trong vùng, các DN gốm Biên Hòa cần có sự hợp tác trong cạnh tranh để hợp lực cùng vươn lên, chi phối được thị trường trong và ngoài nước. Thực hiện được yêu cầu trên, trong giai đoạn đầu cần thiết phải có sự tác động của Nhà nước để giúp sự gắn kết các DN trong vùng, nhằm tạo cơ sở cho việc hình thành mô hình hiệp hội gốm sứ vùng do chính các DN gốm trong vùng quyết định.
Liên kết với hiệp hội làng nghề Việt Nam, các ngành gốm sứ mỹ nghệ trong nước để dễ dàng chuyển giao công nghệ và chủ động tìm nguồn hỗ trợ để thực hiện những đơn hàng lớn.
c/ Hiệu quả
Giải pháp liên kết giữa cac DN gốm sẽ tạo ra sản phẩm gốm có chất lượng và giá thành ổn định từ việc chuyên môn hóa trong chuỗi giá trị giữa các DN lớn và DN nhỏ trong cùng khu vực địa lý có chung tiềm năng, thế mạnh và cùng liên kết tạo lợi thế cạnh tranh để phát huy tay nghề chuyên môn, nâng cao hoạt động SX-KD, tăng doanh thu, tăng lợi nhuận.
Thông qua liên kết với các nhà đầu tư, các DN gốm Biên Hòa sẽ giảm áp lực về tìm nguồn vốn đầu tư đồng thời tranh thủ vốn, công nghệ, học tập kinh nghiệm và hệ thống quản lý của các đối tác trong qua trình khai thác nguồn nguyên liệu Kaolin sẵn có tại địa phương trong dài hạn
Sự liên kết với các các doanh nghiệp cùng ngành trong vùng và hiệp hội làng nghề sẽ tạo điều kiện các DN gốm Biên Hòa sẽ tiết kiệm được chi phí tìm kiếm, dịch vụ tư vấn bên ngoài trong việc khai thác và chuyển giao công nghệ mới hợp lý và mang lại hiệu quả cao đồng thời hỗ trợ khi ký kết và thực hiện các hợp đồng có số lượng lớn.