3 Tình hình xuất khẩu và khả năng cạnh tranh của giày dép Việt Nam
3.1.3 Kim ngạch xuất khẩu
Giày dép nằm trong nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam (bao gồm dầu thô, dệt may, thuỷ sản, giày dép, gạo, điện tử máy tính, rau quả, cà phê, hạt điều, cao su...). Không chỉ có kim ngạch xuất khẩu cao mà điều đặc biệt đối với mặt giày dép là có tốc độ tăng trưởng cũng rất cao. Với tốc độ tăng trưởng là 13,35 lần trong 9 năm, đây là mặt hàng tăng trưởng gần như cao nhất so với các mặt hàng chủ lực khác trong thời gian tương ứng. Ta hãy cùng xem xét các số liệu về kim ngạch xuất khẩu và tốc độ tăng trưởng của mặt hàng này trong khoảng thời gian 9 năm từ 1993 đến 2001 để có được những đánh giá khách quan về những thành tựu mà ngành giày đã đạt được trong giai đoạn này.
Bảng 9 : Kim ngạch xuất khẩu giày dép và tốc độ tăng trưởng qua các năm 1993 - 2001
Năm 1993 1994 1995 1996 1997 1998 1999 2000 2001 Kim ngạch (triệu USD) 118 275 383 534 966 1001 1334 1468 1575 Tốc độ tăng trưởng (%) - 142 35,8 58,4 65,4 6,71 23,3 10,0 7,29
Nguồn : Báo cáo về chiến lược phát triển tổng thể ngành da giày Việt Nam đến năm 2010 của Tổng công ty da giày
Bảng 9 cho thấy rằng liên tục từ khi bắt đầu xuất khẩu giày dép, kim ngạch xuất khẩu năm sau luôn cao hơn năm trước. Năm 2001 so với 1993, kim ngạch tăng lên 13,35 lần. Đặc biệt vào năm 1994, kim ngạch tăng tới gần 2,5 lần, và cũng tăng hơn 1,5 lần vào các năm 1996, 1997. Bắt đầu có giày dép xuất khẩu vào năm 1991, chỉ đến 1993, tổng giá trị xuất khẩu đã đạt hơn 100 triệu USD, rồi hơn 500 triệu USD vào 2 năm sau đó, năm 1995. Vào năm 1998, lần đầu tiên xuất khẩu giày dép đạt 1 tỉ USD. Dự kiến ngành giày sẽ nâng con số này lên gấp đôi vào năm 2003 tới.
Những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng của ngành giày có xu hướng giảm, chỉ đạt 23,2% vào năm 1999; 10% năm 2000 và giảm xuống 7,29% năm 2001. Nguyên nhân là từ phía khách quan, cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ trong khu vực và trên thế giới năm 97 đã làm giảm mạnh nhu cầu nhập khẩu giày dép ở hầu hết các thị trường trong năm 2 năm 1998 và 1999. Năm 2000 với sự mất giá của đồng Euro, năm 2001 trong bối cảnh thế giới nhiều biến động do vụ khủng bố ở Mỹ ngày 11 - 9, sự kiện Mỹ và các nước liên minh phát động cuộc chiến chống khủng bố tại Afganistan,... Vượt qua tất cả những khó khăn đó, ngành giày vẫn tiếp tục tăng trưởng, vẫn đóng góp rất nhiều cho nền kinh tế quốc dân. Từ năm 1997 đến nay, xuất khẩu giày dép luôn chiếm trên 10% tổng giá trị sản lượng xuất khẩu của cả nước.