Nhà nước kiểu mới là Nhà nước có hiệu lực mạnh mẽ, có sự phân

Một phần của tài liệu Xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa việt nam hiện nay (Trang 25 - 28)

6. Kết cấu của đề tài

1.2.1.4.Nhà nước kiểu mới là Nhà nước có hiệu lực mạnh mẽ, có sự phân

và phối hợp giữa các nhánh quyền lực lập pháp, hành pháp, tư pháp

Ngay từ khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, việc xây dựng một Nhà nước kiểu mới của dân, do dân, vì dân đã được đặt ra. Nhà nước kiểu mới tất yếu phải có một cơ cấu tổ chức và một cơ chế hoạt động tương ứng. Kế thừa tư tưởng tam quyền phân lập trong Nhà nước pháp quyền tư sản, nhất là học thuyết phân quyền của Môngteckơ (1689-1775), trong học thuyết này Môngteckơ chủ trương, quyền lực Nhà nước phải được phân chia thành ba hình thái quyền lực cơ

bản là: lập pháp, hành pháp và tư pháp. Quyền lập pháp giao cho nghị viện (có đại biểu quý tộc và tư sản), quyền hành pháp giao cho chính phủ (vua phải chịu trách nhiệm trước nhân dân mà đại biểu là giai cấp tư sản), quyền tư pháp giao cho tòa án (cơ quan dân cử được bầu theo định kỳ). Để chống độc đoán, lạm quyền thì ba quyền này phải được tổ chức sao cho chúng có tính độc lập và kiềm chế lẫn nhau. Trong khi đó, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh không nhắc đến tam quyền phân lập, nhưng tư tưởng phân quyền đã được thể hiện sâu sắc trong Hiến pháp 1946. Theo đó, nghị viện nhân dân là cơ quan có quyền lực cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, còn Chính phủ là cơ quan hành chính cao nhất của toàn quốc. Trong Hiến pháp 1946 các quyền được phân định rõ, quyền đó là của nhân dân và được nhân dân giao quyền. Nhân dân giao quyền mà không mất quyền, các cơ quan, các viên chức Nhà nước được giao quyền mà không tiếm quyền. Vì vậy, cần phải có một thiết chế phân quyền để kiểm tra, kiểm soát, kiềm chế sự lộng quyền, lạm quyền của các cơ quan, viên chức Nhà nước. Hiến pháp năm 1946 cũng đã quy định mối quan hệ giữa Chính phủ và Quốc hội là mối quan hệ phối hợp và kiểm soát lẫn nhau thông qua cơ chế chất vấn, quyền tín nhiệm hay không tín nhiệm đối với Nội các hoặc cá nhân Bộ trưởng, về trách nhiệm của Chủ tịch nước, của Thủ tướng Chính phủ. Cơ quan tư pháp được tổ chức và hoạt động độc lập với cơ quan lập pháp và hành pháp. Không một cơ quan nào được can thiệp vào hoạt động xét xử của cơ quan tư pháp.

Như vậy, tư tưởng Hồ Chí Minh về cách thức tổ chức quyền lực thể hiện qua Hiến pháp 1946 phù hợp với tư tưởng phân quyền trong Nhà nước pháp quyền. Với cách tổ chức đó đã tạo cho từng nhánh quyền lực phát huy ở mức độ tốt nhất khả năng của mình, đồng thời giảm thiểu được những tiêu cực của nhân viên Nhà nước.

1.2.1.5. Nhà nước kiểu mới có một nền pháp luật dân chủ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân trên thực tế

Trong quá trình hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đầu tiên chủ trương đấu tranh để đòi thực dân Pháp đưa pháp luật vào trong đời sống xã hội

cho dân An Nam. Trong bản yêu sách tám điểm gửi tới hội nghị Vécxây, Người đã đòi: “Thay chế độ ra các sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật” [39, tr.436]. Chúng ta biết rằng, ngày nay dân chủ là một điều kiện để thúc đẩy cho sự phát triển xã hội, nhưng một nền dân chủ thực sự cần phải có một nền tảng pháp luật làm chỗ dựa. Vì vậy, dân chủ và pháp luật phải luôn đi đôi với nhau, song hành với nhau, nương tựa vào nhau để đảm bảo cho chính quyền mạnh mẽ. Không thể có dân chủ nằm ngoài pháp luật, mà ngược lại, trong dân chủ đã chứa đựng pháp luật, pháp luật là bà đỡ của dân chủ. Trong quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dân chủ là quyền tự nhiên của con người, con người biến quyền tự nhiên trở thành ý chí của con người. Để bảo vệ quyền tự nhiên đó là pháp luật và khi đó pháp luật cũng trở thành pháp luật dân chủ. Có thể thấy rằng, pháp luật dân chủ thì nó bảo vệ quyền tự do, dân chủ rộng rãi cho nhân dân lao động. Mọi quyền dân chủ của người dân phải được thể chế hóa bằng Hiến pháp và pháp luật, ngược lại, hệ thống pháp luật phải đảm bảo quyền tự do, dân chủ của người dân được tôn trọng trong thực tế. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, một Nhà nước có hiệu lực mạnh là Nhà nước quản lý đất nước theo pháp luật và làm cho pháp luật có hiệu lực trong thực tế. Trong đó, mọi quyền dân chủ của người dân phải được tôn trọng và phải được thể chế hóa bằng pháp luật.

Khi nói đến vai trò của pháp luật ở nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Pháp luật của chúng ta là ý chí của giai cấp công nhân, pháp luật của chúng ta hiện nay bảo vệ quyền lợi hàng triệu người lao động, pháp luật của ta là pháp luật thật sự dân chủ, vì nó bảo vệ quyền tự do dân chủ rộng rãi cho nhân dân lao động” [68, tr.187]. Trong tác phẩm Dân vận, Người viết: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân” [43, tr.698]. Vì vậy, khi xây dựng các đạo luật, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều xuất phát từ dân, Người coi luật là ý chí chung của toàn dân, do nhân dân đóng góp xây dựng, vì quyền lợi của đại đa số nhân dân là công lý của xã hội. Tất cả các bộ luật chỉ có thể hoàn thiện khi nó được nhân dân kiểm nghiệm, thu hút được

trí tuệ của toàn dân và được nhân dân thừa nhận.

Trong suốt cả cuộc đời cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành không ít tâm trí, nghị lực để xây dựng một Nhà nước kiểu mới của dân, do dân, vì dân. Từ rất sớm Người đã nhìn thấy “luật pháp của ta chưa đầy đủ nên yêu cầu mọi người có trách nhiệm góp phần làm cho yêu cầu của luật pháp của ta tốt hơn, càng ngày càng phong phú hơn. Phải cố gắng làm cho luật pháp dân chủ ngày càng nhiều hơn, tốt hơn” [43, tr.187]. Bên cạnh việc ban hành pháp luật, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chăm lo đến việc tuyên truyền pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống, tạo ra cơ chế cho pháp luật được thi hành, đồng thời tạo ra cơ chế kiểm tra, giám sát thi hành pháp luật trong các cơ quan Nhà nước và trong nhân dân.

Cũng như C.Mác, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nói “pháp luật vì con người”, phục vụ và bảo vệ con người. Tuy nhiên, Người không chỉ đề cao tính nghiêm minh của pháp luật, mà còn chỉ rõ, pháp luật đó phải kết hợp chặt chẽ với đạo đức, với tình thương và sự khoan dung vốn là giá trị truyền thống của dân tộc. Như vậy, quan điểm về pháp luật theo tư tưởng Hồ Chí Minh là xây dựng Nhà nước kiểu mới của dân, do dân, vì dân, đồng thời hình thành pháp luật phục vụ quyền lợi nhân dân, bảo đảm quyền con người, quyền công dân trên thực tế.

Tóm lại, mặc dù, trong tư tưởng Hồ Chí Minh chưa nhắc đến khái niệm Nhà nước pháp quyền, nhưng tư tưởng của Người về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa lại rất phong phú, thể hiện rõ nét trong các tư tưởng về dân chủ, Nhà nước, pháp luật và nhân quyền. Đó là những tư tưởng cơ bản mà Đảng ta vận dụng và phát huy trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Một phần của tài liệu Xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa việt nam hiện nay (Trang 25 - 28)