Điều kiện ở nước ta hiện nay

Một phần của tài liệu Xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa việt nam hiện nay (Trang 41 - 47)

6. Kết cấu của đề tài

1.3.1. Điều kiện ở nước ta hiện nay

* Điều kiện kinh tế - xã hội

Theo quan điểm chủ nghĩa Mác - Lênin, cơ sở hạ tầng có mối quan hệ biện chứng với kiến trúc thượng tầng, trong mối quan hệ đó cơ sở hạ tầng đóng vai trò quyết định; Nhà nước chính là một bộ phận của kiến trúc thượng tầng. Do đó, điều kiện kinh tế - xã hội chính là nền tảng vật chất cho việc xây dựng Nhà nước. Sự phát triển kinh tế trong từng giai đoạn có ảnh hưởng sâu sắc đến Nhà nước trong giai đoạn đó. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa chỉ có thể ra đời và phát triển khi điều kiện kinh tế - xã hội đã phát triển đến một trình độ nhất định. Vì vậy, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam không thể tách rời điều kiện kinh tế - xã hội. Việc đặt vấn đề xây dựng Nhà nước pháp quyền khi thực hiện sự chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là đúng đắn và phù hợp với thực tiễn nước ta. Tuy nhiên, cần nhận thức rằng việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là quá trình lâu dài, phải được tiến hành từng bước, chia thành nhiều giai đoạn và mỗi giai đoạn tương ứng với mức độ phát triển của kinh tế - xã hội. Có như vậy, việc xây dựng Nhà nước pháp quyền ở nước ta mới đạt được những kết quả cao.

Hiện nay, nền kinh tế nước ta tăng trưởng nhanh và đạt được nhiều kết quả cao. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Quan hệ sản xuất đã có những bước đổi mới phù hợp hơn với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất và đã thúc đẩy sự hình thành nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, nước ta có quan hệ kinh tế với hầu khắp các nước trên thế giới, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế. Trong lĩnh vực xã hội cũng đạt được những kết quả quan trọng. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện và nâng cao rõ rệt. Trình độ dân trí, chất lượng nguồn nhân lực và tính năng động trong xã hội được nâng lên đáng kể. Những kết quả đạt được về mặt kinh tế - xã hội là nền tảng quan trọng cho việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay.

Tuy nhiên, những thành tựu và tiến bộ đã đạt được về mặt kinh tế - xã hội trong thời gian qua chưa tương xứng với tiềm năng của đất nước. Kinh tế phát triển chưa bền vững. Chất lượng tăng trưởng, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh nền kinh tế thấp, các cân đối vĩ mô chưa vững chắc. Lạm phát tuy có xu hướng giảm nhưng vẫn ở mức cao. Công tác quy hoạch, kế hoạch và việc huy động, sử dụng các nguồn lực còn hạn chế, kém hiệu quả, đầu tư còn dàn trải; quản lý Nhà nước đối với doanh nghiệp còn nhiều yếu kém, việc thực hiện chức năng chủ sở hữu đối với doanh nghiệp Nhà nước nhiều bất cập. Lực lượng sản xuất còn thấp, quan hệ sản xuất có mặt chưa phù hợp, hạn chế việc giải phóng và phát triển lực lượng sản xuất. Tăng trưởng kinh tế vẫn dựa nhiều vào yếu tố phát triển theo chiều rộng, chậm chuyển sang phát triển theo chiều sâu. Trong lĩnh vực xã hội có một số mặt yếu kém chậm được khắc phục, nhất là về giáo dục đào tạo và y tế; đạo đức, lối sống trong một bộ phận xã hội xuống cấp. Đời sống một bộ phận nhân dân còn nhiều khó khăn, số lao động chưa có việc làm và thiếu việc làm còn nhiều. Thể chế kinh tế thị trường, chất lượng nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng vẫn là những điểm nghẽn cản trở sự phát triển. Nền tảng để Việt Nam trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa được hình thành đầy đủ. Vẫn đang tiềm ẩn những yếu tố gây mất ổn định chính trị - xã hội và đe dọa chủ quyền quốc gia. Từ những hạn chế, khuyết điểm đó, đòi hỏi chúng ta phải sớm khắc phục, nếu không nó sẽ

cản trở và làm chậm quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền ở nước ta. Bởi vì, điều kiện kinh tế có vai trò quan trọng và chi phối đến các yếu tố khác trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Trong mối quan hệ kinh tế và chính trị thì kinh tế giữ vai trò quyết định đối với chính trị. Vai trò quyết định của kinh tế đối với chính trị được thể hiện ở chỗ: kinh tế là gốc, là cơ sở để xuất hiện chính trị và những biến đổi căn bản trong kinh tế trước sau sẽ dẫn đến những biến đổi căn bản trong chính trị. Kinh tế quy định trình độ phát triển của chính trị. Kinh tế là thước đo tính hợp lý của chính trị, khi kinh tế phát triển thì chính trị tiến bộ còn khi kinh tế khủng hoảng thì chính trị chứa đựng nhiều bất cập và đòi hỏi phải có sự thay đổi, điều chỉnh. Kinh tế là yếu tố quy định và chi phối đến chính trị - xã hội, và nguyên nhân trực tiếp trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội. Vì vậy, đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục đưa ra những chính sách kinh tế đúng đắn, phù hợp để phát triển đất nước và khắc phục những hạn chế còn tồn tại. Có như vậy, mới tạo cơ sở vững chắc để xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay.

* Điều kiện về chính trị

Trong hệ thống chính trị Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam vừa là người lãnh đạo, vừa là bộ phận của hệ thống đó. Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội (Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên) là những bộ phận cấu thành cơ bản. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của mặt trận có vai trò rất quan trọng trong hệ thống chính trị ở nước ta. Các tổ chức này tập hợp mọi lực lượng trong xã hội để tạo nên sức mạnh tổng hợp cho hệ thống chính trị, bảo đảm thực hiện và phát huy dân chủ trong điều kiện có một Đảng duy nhất lãnh đạo mà không cần phải đa nguyên, đa đảng. Do đó, việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam phải đặt trong bối cảnh đồng bộ các thành tố cơ bản của hệ thống chính trị, trong mối quan hệ tác động qua lại giữa Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị. Những thành tựu trong quá trình đổi mới, củng cố vai trò lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị, đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên trong hệ thống chính trị trong thời gian vừa qua đã tạo

tiền đề, môi trường chính trị - xã hội đặc biệt quan trọng trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Có thể khẳng định rằng, đường lối, chủ trương đổi mới chính trị ở Việt Nam, trong đó có đổi mới hệ thống chính trị đã đi vào cuộc sống và đạt nhiều thành quả như sau: dân chủ xã hội chủ nghĩa có tiến bộ, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc được nâng cao, nhân dân tham gia quản lý Nhà nước, quản lý xã hội hiệu quả hơn; Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân phát huy tốt hơn vai trò tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố mở rộng tổ chức, triển khai nhiều hoạt động thiết thực; quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa được đẩy mạnh, hiệu lực và hiệu quả được nâng lên; Quốc hội tiếp tục được kiện toàn về tổ chức, có nhiều đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động; Chính phủ đã điều chỉnh tổ chức bộ máy, cải tiến cơ chế quản lý, điều hành, tập trung hơn vào quản lý vĩ mô và giải quyết những vấn đề lớn, cải cách hành chính tiếp tục được thực hiện; các cơ quan tư pháp có đổi mới về tổ chức và hoạt động; công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng được tăng cường và đã đạt được một số kết quả tích cực.

Từ khi thành lập đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng chính trị duy nhất lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Trong quá trình lãnh đạo, Đảng đã mang lại phong trào quần chúng tính tự giác cao trong việc xây dựng nền dân chủ, Đảng thực hiện sự lãnh đạo và tổ chức để người dân làm chủ, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, làm cho người dân ngày càng có khả năng thực hiện quyền dân chủ của mình. Từ thực tiễn đó, Đảng Cộng sản Việt Nam được nhân dân tin tưởng, suy tôn là lực lượng lãnh đạo duy nhất đối với xã hội và Nhà nước ta. Do đó, có thể khẳng định, sự nhất nguyên về chính trị và dân chủ trong xã hội xã hội chủ nghĩa không đối lập và không loại trừ nhau mà trái lại, sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản là điều kiện tiên quyết cho sự ra đời, phát triển nền dân chủ trong xã hội mới. Đồng thời, chế độ một Đảng Cộng sản cầm quyền đảm bảo cho xã hội luôn ổn định về chính trị, thực hiện được sự thống nhất quyền lực giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Vì vậy, nhân dân luôn tin vào sự lãnh đạo của Đảng trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Hiện nay, so với tình hình chung của nhiều nước trên thế giới thì nước ta là một trong những nước luôn ổn định về chính trị, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển mọi mặt

của đất nước. Có thể thấy rằng, điều kiện chính trị ở nước ta là phù hợp và đảm bảo cho việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay.

Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, vẫn còn nhiều âm mưu chống phá Nhà nước ta, trên cơ sở lợi dụng tôn giáo và nhân quyền gây mất ổn định chính trị - xã hội, tình hình đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Trước tình hình đó, Đảng và Nhà nước ta cũng đã kịp thời chỉ đạo và đấu tranh nhằm làm thất bại và ngăn chặn âm mưu của kẻ thù đảm bảo ổn định chính trị - xã hội để xây dựng và phát triển đất nước. Nhất là, tạo môi trường chính trị ổn định để xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân.

* Điều kiện về văn hóa

Nền văn hóa Việt Nam là thành qủa của hàng ngàn năm lao động sáng tạo, đấu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Đó cũng là kết quả của quá trình giao lưu, chọn lọc, tiếp thu và phát triển những giá trị, tinh hoa văn hóa của nhân loại. Tuy nhiên, trong quá trình hài hòa văn hoá trên cơ sở giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay là một nhiệm vụ thiết yếu của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

Phát triển văn hóa đồng bộ và tương xứng với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Hiện nay, chúng ta đang xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đó là một nền văn hóa thống nhất trong đa dạng; phải làm cho văn hóa thấm sâu vào toàn bộ đời sống và hoạt động xã hội, vào từng người, từng gia đình, từng tập thể và cộng đồng, trong mọi lĩnh vực và sinh hoạt của con người. Để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội, phải làm cho chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần xã hội; kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của tất cả các dân tộc trong nước; tiếp thu những tinh hoa văn hóa của nhân loại; xây dựng một nền văn hóa văn minh lành mạnh vì lợi ích chân chính và phẩm giá con người, với trình độ tri thức, đạo đức, thể lực, lối sống và thẩm mỹ ngày càng cao; phê phán những cái lỗi thời, thấp kém và đấu tranh chống những tư tưởng và hành vi phi văn hóa, phản văn hóa, những khuynh hướng sùng ngoại, lai

căng, mất gốc, sùng bái đồng tiền, bất chấp đạo lý; bảo vệ nền văn hóa dân tộc trước sự xâm lăng văn hóa trong điều kiện kinh tế thị trường và giao lưu quốc tế mở rộng. Cùng với việc tăng cường đầu tư của Nhà nước, cần thực hiện xã hội hóa các hoạt động văn hóa. Hiện nay, quá trình toàn cầu hóa đang diễn ra, dẫn đến sự du nhập của nhiều nền văn hóa trên thế giới đòi hỏi chúng ta phải tiếp thu có chọn lọc những giá trị văn hóa của các nước thế giới; mặt khác, phải loại bỏ những văn hóa không phù hợp với truyền thống của đất nước ta. Ở nước ta, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là một trong những nền tảng quan trọng cho việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay.

Văn hóa có ảnh hưởng rất sâu sắc đến quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nhất là văn hóa pháp lý. Văn hóa pháp lý là một trong những tiêu chí để đánh giá về trình độ dân chủ, về sự chặt chẽ của kỷ cương, pháp luật trong mỗi quốc gia. Văn hóa pháp lý được hợp thành từ: ý thức pháp luật; hệ thống pháp luật; hành vi, lối sống theo pháp luật của từng cá nhân, cộng đồng và cách thức, trình độ sử dụng các công cụ pháp luật của Nhà nước trong quá trình quản lý Nhà nước và xã hội. Có thể thấy rằng, văn hóa pháp lý Việt Nam đang trong quá trình hoàn thiện để vừa mang tính tiên tiến, vừa thể hiện bản sắc dân tộc, góp phần quan trọng và việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ở góc độ quan hệ giữa văn hóa pháp lý với việc đảm bảo tính tối cao của luật đã biểu hiện rõ sự tác động và ảnh hưởng trực tiếp của văn hóa pháp lý tới hoạt động lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Sau hơn 25 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân ta được nâng cao, mở rộng, phong phú, đa dạng hơn nhiều. Nhưng cũng phải thừa nhận rằng, bên cạnh những mặt tích cực đó, thì nhiều mặt tiêu cực đời sống xã hội nẩy sinh như: môi trường văn hóa bị xâm hại, lai căng, thiếu lành mạnh, trái với thuần phong mỹ tục; nhiều chuẩn mực xã hội không còn được tôn trọng; nhiều tệ nạn chưa ngăn chặn được; sự xâm nhập của các sản phẩm và dịch vụ độc hại làm suy đồi đạo đức của một bộ phận cán bộ và nhân dân, nhất là trong thanh, thiếu niên. Những tiêu cực này cần sớm được khắc phục, bởi vì, sự

lan tỏa của nó khá nhanh gây ảnh hưởng xấu đến đạo đức, nhận thức và lối sống của con người. Nhất là, sự nhận thức của con người về Nhà nước pháp quyền sẽ bị hạn chế, làm cản trở đến quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Một phần của tài liệu Xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa việt nam hiện nay (Trang 41 - 47)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(98 trang)
w