Vị trí, vai trò, chức năng và nhiệm vụ của Nhà nước trong hệ thống chính trị của nước ta

Một phần của tài liệu Xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa việt nam hiện nay (Trang 36 - 41)

6. Kết cấu của đề tài

1.2.3.Vị trí, vai trò, chức năng và nhiệm vụ của Nhà nước trong hệ thống chính trị của nước ta

chính trị của nước ta

Hệ thống chính trị là một bộ phận của kiến trúc thượng tầng xã hội, bao gồm các tổ chức, các thiết chế hợp pháp, có quan hệ về mục đích và chức năng thực hiện hoặc tham gia thực hiện quyền lực chính trị, quyền lực Nhà nước. Đó là hệ thống công cụ tổ chức đắc lực để giai cấp lãnh đạo trong xã hội tác động mạnh đến sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Hệ thống chính trị bao giờ cũng ra đời, tồn tại và phát triển trong sự tương tác qua lại với những yếu tố kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội; là sản phẩm tất yếu của xã hội có giai cấp.

Hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa là toàn bộ các thiết chế chính trị gắn bó hữu cơ, tác động lẫn nhau cùng thực hiện quyền lực chính trị của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Qua các văn bản của Đảng và Nhà nước chúng ta thấy rằng hệ thống chính trị Việt Nam bao gồm: Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh,

Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Hội Cựu chiến binh Việt Nam.

* Vị trí, vai trò của Nhà nước trong hệ thống chính trị ở nước ta

Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có vị trí, vai trò quan trọng trong hệ thống chính trị được quy định bởi chức năng và nhiệm vụ của nó trong hệ thống chính trị, trong đời sống xã hội và được thể hiện trong mối quan hệ giữa Nhà nước với Đảng và các tổ chức chính trị - xã hội trong hệ thống chính trị. Nhà nước biểu hiện tập trung của quyền lực nhân dân và tổ chức hữu hiệu để thực hiện quyền lực ấy, là một thiết chế trung tâm của hệ thống chính trị.

Trong hệ thống chính trị nước ta, Nhà nước là trung tâm, trụ cột, là công cụ sắc bén nhất để thực hiện chuyên chính vô sản, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, đảm bảo sự thắng lợi của cách mạng. Nhà nước là tổ chức tập trung quyền lực của nhân dân, đại diện cho ý chí, nguyện vọng, lợi ích của nhân dân. Nhà nước có nhiệm vụ thể chế hóa những chủ trương, đường lối của Đảng thành pháp luật, chính sách làm công cụ quản lý Nhà nước đối với mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Nhà nước thay mặt nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân quản lý toàn bộ hoạt động của đời sống xã hội. Mặt khác, Nhà nước chịu sự lãnh đạo và thực hiện đường lối chính trị của Đảng. Đảng lãnh đạo Nhà nước thực hiện và đảm bảo đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân. Vì vậy, việc xác định đúng đắn vị trí của Nhà nước và phát huy hiệu lực của Nhà nước trong hệ thống chính trị ở nước ta là vấn đề có ý nghĩa quan trọng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay.

Nhà nước ta là chủ sở hữu đối với những tư liệu sản xuất quan trọng của xã hội. Vì vậy, thông qua việc nắm giữ các tư liệu sản xuất đó, Nhà nước thực hiện sự điều tiết vĩ mô đối với nền kinh tế, đảm bảo cho nó phát triển vì lợi ích của nhân dân. Nhà nước nắm trong tay nguồn cơ sở vật chất, tài chính to lớn. Từ nguồn vật chất, tài chính này tạo điều kiện không chỉ cho sự vận hành của bộ máy Nhà nước mà còn bảo đảm cho các tổ chức chính trị xã hội hoạt động. Địa vị chính trị - pháp lý của Nhà nước bắt nguồn từ bản chất của nó, đó là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; tất cả quyền lực thuộc về nhân dân. Bản chất này đã thể hiện ở tính giai cấp và tính xã hội của nó. Trong đó, tính giai cấp công nhân và tính nhân dân của Nhà nước ta là thống

nhất với nhau, vì lợi ích cơ bản của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động, giai tầng xã hội khác và lợi ích của toàn thể dân tộc là thống nhất.

Nhà nước ta là tổ chức chính trị - pháp lý quản lý Nhà nước đối với mọi mặt của đời sống xã hội. Nhà nước tác động đến tất cả các lĩnh vực và đối tượng xã hội. Trong đó, mọi tổ chức và cá nhân đều chịu sự quản lý về mặt Nhà nước. Đồng thời, Nhà nước bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức và cá nhân. Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật. Nhà nước có hệ thống các cơ quan đại diện được tổ chức chặt chẽ từ Trung ương đến địa phương. Hệ thống cơ quan đại diện bao gồm Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp.

Nhà nước ta là công cụ chuyên chính của một giai cấp - giai cấp công nhân. Song, lợi ích căn bản của giai cấp công nhân và nhân dân lao động là nhất trí nên ở đây có sự thống nhất giữa tính giai cấp và tính nhân dân, giữa chức năng giai cấp và chức năng xã hội. Nhà nước của giai cấp khác, về cơ bản, chức năng thống trị giai cấp đối lập với lợi ích của quảng đại quần chúng; chức năng xã hội nhằm phục vụ cho sự thống trị giai cấp. Có thể khẳng định, dù có tính chất thống trị hay trấn áp thì bởi bản chất “nửa Nhà nước”, quyền lực chính trị, quyền lực Nhà nước ta bao giờ cũng vận động theo hướng cải hóa các bộ phận nhân dân dần dần thành chủ thể đích thực tự quản trong Nhà nước. Tất nhiên, để đạt đươc điều đó phải dựa trên cơ sở của một nền kinh tế phát triển cao, một cách tổ chức xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhà nước ta còn có vai trò thực hiện quyền lực nhân dân bởi vì Nhà nước là đại diện cho các giai cấp và tầng lớp trong xã hội.

Nhà nước ta giữ vị trí và có vai trò quan trọng như vậy, bởi nó có một số điều kiện như sau: Nhà nước Việt Nam đại diện cho mọi lợi ích chung của người lao động, cho nên Nhà nước có thể dựa vào cơ sở quần chúng rộng rãi để triển khai nhanh chóng và thực hiện tốt những quyết định chính sách của mình; Nhà nước là chủ thể quyền lực chính trị, có một bộ máy đặc biệt bảo vệ thành quả cách mạng, tổ chức và quản lý xã hội; Nhà nước ban hành ra pháp luật, một hệ thống quy tắc xử sự thống nhất có tính chất bắt buộc mọi người phải tuân theo. Nhờ có pháp luật, mọi chủ trương chính sách của Nhà nước được triển khai một cách rộng rãi và thống nhất trên quy mô toàn xã hội; Nhà nước có những điều kiện và phương tiện vật chất cần thiết để vừa hoàn thiện được

nhiệm vụ của mình vừa có thể bảo trợ cho các tổ chức khác trong hệ thống chính trị. Vì vậy, nhận thức đúng đắn vị trí và vai trò của Nhà nước trong hệ thống chính trị là một trong những điều kiện để đề xuất các giải pháp hoàn thiện tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị. Nhà nước là tổ chức chính trị có chủ quyền. Về mặt pháp lý, đó là quyền lực tối cao của Nhà nước trong việc quyết định các vấn đề đối nội và đối ngoại của đất nước. Đồng thời, Nhà nước là tổ chức duy nhất của hệ thống chính trị được coi là chủ thể của công pháp quốc tế.

* Chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước trong hệ thống chính trị nước ta

Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, mang bản chất giai cấp công nhân và do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo có chức năng, nhiệm vụ cơ bản như: cung cấp các loại dịch vụ công ích, những hàng hóa công cộng thuần túy. Nhà nước cung cấp các loại dịch vụ đem lại lợi ích cho mọi người dân sống trên lãnh thổ của mình, đó là hệ thống an ninh, quốc phòng; đảm bảo xây dựng một hệ thống pháp luật và duy trì tật tự xã hội để mọi người dân được thực hiện các quyền và nghĩa vụ công dân của mình. Đồng thời, Nhà nước đảm trách nhiệm vụ cung cấp những yếu tố nền tảng cho sự phát triển của xã hội, đó là hệ thống cơ sở hạ tầng, bảo vệ môi trường, đảm bảo cho sự phát triển bền vững…Nhà nước còn cung cấp các loại dịch vụ sự nghiệp, các loại dịch vụ mà Nhà nước chịu trách nhiệm cung cấp là y tế, bảo hiểm xã hội, giáo dục… Nhà nước tiến hành các hoạt động trợ cấp cho những nhóm người thường gặp khó khăn trong xã hội như trẻ lang thang, người già cô đơn…Việc cung cấp các loại dịch vụ này, vừa giúp cho Nhà nước chủ động trong việc điều tiết vĩ mô chính sách phát triển quốc gia, vừa giúp cho Nhà nước thực hiện công bằng xã hội trong quá trình phát triển. Ngoài ra, Nhà nước cung cấp dịch vụ hành chính công, Nhà nước có trách nhiệm cung cấp cho người dân các loại giấy phép, giấy chứng nhận…tạo điều kiện cho các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa của người dân. Các hoạt động của dịch vụ này rất đa dạng, từ việc cấp giấy khai sinh, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép đăng ký kinh doanh…cho đến cấp giấy phép làm nhà, kết hôn, ly hôn…Có thể thấy rằng, Nhà nước cung cấp nhiều loại hình dịch vụ trong xã hội, nhằm đem lại lợi ích cho người dân, cũng như đảm bảo cho sự ổn định và phát triển xã hội. Trong điều kiện nước ta hiện nay, hai chức năng chính trị và xã hội còn thống nhất với nhau, do lợi ích của giai

cấp công nhân và nhân dân lao động là thống nhất.

Trong quá trình đổi mới hiện nay, Nhà nước ta thực hiện chức năng chính trị của mình thông qua những nhiệm vụ chủ yếu như: phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; quản lí kinh tế, xây dựng và phát triển kinh tế, cải thiện không ngừng đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; không ngừng mở rộng dân chủ chủ cho nhân dân. Chế độ xã hội chủ nghĩa là chế độ do nhân dân làm chủ, do vậy, Nhà nước của chế độ này có nhiệm vụ tạo điều kiện cho nhân dân tham gia một cách tích cực và rộng rải vào tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; trấn áp với kẻ thù và những kẻ chống lại luật pháp xã hội chủ nghĩa, bảo vệ độc lập chủ quyền đất nước, giữ vững an ninh trật tự xã hội; mở rộng quan hệ hợp tác hữu nghị bình đẳng, tin cậy lẫn nhau, tôn trọng lẫn nhau cùng có lợi vì sự phát triển tiến bộ xã hội đối với nhân dân các nước trên thế giới. Nhà nước thực hiện chức năng xã hội thông qua việc hoạch định và thực thi chính sách phát triển xã hội, khoa học - công nghệ và bảo vệ môi trường; xây dựng và phát triển các cơ sở hạ tầng xã hội thiết yếu, thực hiện xóa đói giảm nghèo; quản lí văn hóa, xây dựng nền văn hóa xã hội chủ nghĩa, thực hiện giáo dục đào tạo con người mới xã hội chủ nghĩa, phát triển hoàn thiện chăm sóc sức khỏe cho nhân dân;…Ở nước ta, các chức năng của Nhà nước quy định, ràng buộc lẫn nhau, đó là sự liên hệ giữa các yếu tố trong cùng một hệ thống chức năng của Nhà nước trong việc thực hiện quyền làm chủ của nhân dân về mọi mặt của đời sống xã hội.

Như vậy, việc xác định đúng vị trí, vai trò và nhiệm vụ của Nhà nước trong hệ thống chính trị có ý nghĩa lý luận và thực tiễn trong quá trình đổi mới hệ thống chính trị, khắc phục sự chồng chéo, lấn sân giữa các thành tố trong hệ thống chính trị, nhất là trong mối quan hệ giữa Đảng và Nhà nước ở nước ta trong điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế. Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay xuất phát từ tất yếu kinh tế, là một nhu cầu chính trị khách quan. Thông qua xây dựng Nhà nước pháp quyền, Nhà nước ta mới có thể xác định đúng chức năng và nhiệm vụ, vị trí và vai trò của mình trong hệ thống chính trị nói riêng và trong đời sống chính trị nói chung. Đến nay, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã được định hình trên những nét cơ bản và trở thành trụ cột của hệ thống chính trị nước nhà. Trong quá trình đổi mới hệ thống

chính trị, cùng với việc xây dựng và chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ then chốt, cần xác định xây dựng và hoàn thiện Nhà nước là nhiệm vụ trọng tâm. Bởi vì, Đảng và Nhà nước có vị trí và vai trò quan trọng trong hệ thống chính trị nước ta, cũng như chi phối đến các yếu tố cấu thành của hệ thống chính trị. Đảng lãnh đạo Nhà nước và toàn xã hội, quy tụ sức mạnh của toàn dân tộc để làm cho đường lối, quan điểm của Đảng giữ vai trò chủ đạo đối với sự phát triển xã hội. Còn Nhà nước là bộ máy do nhân dân lập ra để thực hiện quyền lực Nhà nước, do nhân dân ủy quyền vì lợi ích của nhân dân và xã hội. Bộ máy Nhà nước được sự ủy thác của nhân dân thay mặt nhân dân để quản lý xã hội. Vì vậy, trước yêu cầu, nhiệm vụ của tình hình mới, việc xác định hai nhiệm vụ trên là hoàn toàn đúng đắn để xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay.

Một phần của tài liệu Xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa việt nam hiện nay (Trang 36 - 41)