CCC: Chiều cao cây cuối cùng; CDCC1: Chiều dài cành cấp 1 đầu tiên; SLXTCKTH: Số lá xanh còn lại trên thân chính khi thu hoạch
3.3. Biện luận kết quả nghiên cứu
Qua kết quả nghiên cứu của đề tài chúng tôi thấy các tính trạng của một giống đều tương tác và chịu tác động bởi điều kiện môi trường. Kết quả này hoàn toàn phù hợp với các nghiên cứu trong nước và ngoài nước. Tuy nhiên để đánh giá chính xác tính ổn định và thích nghi của giống chúng ta phải phân tích tính ổn định và tương tác kiểu gen - môi trường. Thật sự sai lầm nếu chúng ta đánh giá tính ổn định bằng mắt thường hay chỉ so sánh LSD và năng suất giữa các giống qua các địa điểm hay mùa vụ (môi trường) khác nhau.
Để đánh giá tính ổn định và thích nghi của cây trồng nhiều tác giả đã nghiên cứu với nhiều phương pháp khác nhau. Lewis (1954) dùng phương pháp
tính toán sự ổn định kiểu hình, Plaisted và Peterson (1959) dùng phương pháp khảo nghiệm số lượng giống khá lớn trên nhiều điểm, nhiều năm, Wricke (1962) sử dụng phương pháp phân tích phương sai để ước tính giá trị tương đồng về môi sinh với chỉ số sinh thái Wi, Eberhart và Russel (1966) với phương pháp hồi qui tuyến tính, Perkins, 1972 với phương pháp phân tích thành phần chính ... Trong đề tài nghiên cứu của chúng tôi đã sử dụng phương pháp của Eberhart và Russel; bởi vì đây là phương pháp mang tính thống kê và sinh học hợp lí để giải thích và mô tả phản ứng năng suất của kiểu gen đối với môi trường khác nhau. Để phân tích rõ hơn tương tác kiểu gen – môi trường, chúng tôi sử dụng phương pháp phân tích AMMI. Mô hình này phát triển hơn các mô hình khác về ảnh hưởng chính có tính chất bổ sung đối với giống thử nghiệm và môi trường bằng phân tích tương tác đa phương. Theo đó chúng ta có cái nhìn toàn diện hơn về tương tác giữa kiểu gen – môi trường qua giản đồ bilot.
Phương pháp đánh giá của chúng tôi hoàn toàn tương tự với nghiên cứu của Trần Thanh Sơn (2007) khi đánh giá tính ổn định tỉ lệ bạc bụng và hàm lượng amylose của hạt gạo ở tỉnh An Giang. Tác giả đã đánh giá tính ổn định và tính thích nghi hai tính trạng này thông qua chỉ số ổn định S2
di và chỉ số thích nghi bi (theo phương pháp Eberhart và Russel), đồng thời phân tích tương tác kiểu gen – môi trường qua mô hình phân tích ảnh hưởng chính có tính chất bổ sung và tương tác đa phương AMMI đã có kết luận rất chắc chắn và thuyết phục về tính ổn định của tỉ lệ bạc bụng và hàm lượng amylose của hạt gạo ở tỉnh An Giang. Hay nghiên cứu của M. Adomou và CS khi phân tích tính ổn định về năng suất hạt và các chỉ tiêu sinh lý của các giống lạc ở Bắc Benin – Nigieria. Tác giả đã phân tích tính ổn định qua chỉ số ổn định S2
di , chỉ số thích nghi bi và phân tích tương tác giống và môi trường qua đồ thị thể hiện tương quan giữa giống với trục đồ thị là các chỉ tiêu nghiên cứu và giá trị môi trường [45].
Nghiên cứu của Vũ Đình Hòa khi phân tích tương tác kiểu gen – môi trường, tính ổn định năng suất và các yếu tố cấu thành năng suất củ khoai lang đã phân tích được tương tác kiểu gen môi trường bằng phương pháp phân tích phương sai của Wricke (1962). Từ đó tác giả kết luận giá trị tương tác đều có ý nghĩa thống kê với các tính trạng năng suất và chất lượng. Kết quả này tương tự kết quả đánh giá tương tác kiểu gen – địa điểm, kiểu gen – mùa vụ/năm ở khoai lang của các tác giả khác như Carpena và CS, 1980 [29]; Collin và CS, 1987; Nasayao và Saladaga, 1988 [46]; Gruenberg và CS, 2004 [40]. Trong nghiên cứu này tác giả sử dụng giá trị sinh thái Wi để đánh giá tính ổn định và thích nghi. Điểm hạn chế trong các nghiên cứu này ở chỗ không đánh giá tính ổn định và thích nghi dựa vào chỉ số ổn định S2
di và chỉ số thích nghi bi nên chưa có kết luận đầy đủ và chính xác mức độ ổn định của khoai lang qua các địa điểm, mùa vụ và các năm khác nhau. Tương tự nghiên cứu của E. J. Oliveira và J. Godoy (2006) về tính ổn định về năng suất hạt của các giống lạc bò. Tác giả đã phân tích rất tốt tương tác kiểu gen – môi trường theo AMMI và sử dụng giản đồ biplot để biện luận tính ổn định của giống. Nhưng nghiên cứu này chưa phân tích rõ nét tính ổn định của 20 giống qua 10 môi trường thông qua chỉ số thích nghi và chỉ số ổn định theo mô hình của Eberhart và Russell (1966).
Nghiên cứu của Lê Quí Tường đã phân tích tính ổn định và thích nghi của các giống ngô theo phương pháp của Eberhart và Russell (1966). Tác giả đã biện luận tính ổn định của các giống ngô một cách thuyết phục qua chỉ số thích nghi và chỉ số ổn định. Tuy nhiên điểm hạn chế trong nghiên cứu này là chưa phân tích được tương tác kiểu gen - môi trường để có cách nhìn tổng thể hơn về mức độ thích ứng của các giống ngô. Tương tự như nghiên cứu của Trần Đình Long về tính ổn định kiểu hình và sự khác biệt di truyền của 15 giống đậu tương qua chỉ số thích nghi và chỉ số ổn định, chưa phân tích được ảnh hưởng của giống
đậu tương ở các môi trường khác nhau nên chưa thấy rõ sự tương tác giữa giống với các môi trường khác nhau.
Lê Xuân Thái và Nguyễn Bảo Vệ khi đánh giá tính ổn định phẩm chất gạo của 8 giống lúa cao sản ở ĐBSCL đã sử dụng giá trị F để kiểm tra sự khác biệt giữa các giống (F = MSt/MSe). Hạn chế của nghiên cứu này là chưa đánh giá tính ổn định và thích nghi thông qua chỉ số ổn định và chỉ số thích nghi; chưa phân tích tương tác kiểu gen – môi trường nên chưa có kết luận đầy đủ và chính xác về tính ổn định của các tính trạng phẩm chất hạt gạo.
Như vậy để đánh giá tính ổn định và thích nghi của các giống cây trồng, chúng ta nên đánh giá theo phương pháp của Eberhart và Russel, đồng thời phân tích tương tác kiểu gen – môi trường theo phương pháp AMMI để thấy được mức độ thích ứng của từng giống đối với từng môi trường riêng biệt. Để lựa chọn được một giống phù hợp với từng điều kiện cụ thể, chúng ta phải đánh giá khách quan và có cái nhìn tổng hợp các phương pháp nhằm tăng tính hiệu quả của chọn lọc.