Từ láy là một lớp từ có khả năng biểu đạt cao. Tuy nhiên dù có khả năng biểu đạt cao thế nào thì một mình nó cũng không thể làm nên giá trị mà nó được nổi bật, được nhấn mạnh là nhờ vào khả năng kết hợp của nó với những từ khác. Ở phần này chúng tôi trình bày một số kết hợp quen thuộc và kết hợp lạ khẳng định sự tìm tòi, sáng tạo của nhà văn trên phương diện từ ngữ nói chung và trong từ láy nói riêng trong truyện ngắn Ma Văn Kháng.
“Danh từ là lớp từ có ý nghĩa phạm trù sự vật, biểu thị những đơn vị có thể nhận thức được trên cơ sở tồn tại của chúng dưới hình thức những hiện tượng trong tự nhiên và xã hội hoặc trong sự suy nghĩ của con người” [36; 44].
Trong truyện ngắn Ma Văn Kháng chúng tôi nhận thấy phần lớn từ láy được kết hợp với danh từ, nó bổ sung ý nghĩa, làm tăng khả năng biểu đạt cho danh từ.
Những kết hợp như thế rất nhiều trong truyện ngắn của Ma Văn Kháng, ví dụ:
- Ôi, cái thói đời điên đảo, lọc lừa [13, tr 83].
(Người thợ bạc ở phố cũ) Danh từ cái thói đời kết hợp với những từ láy điên đảo, lọc lừa đã khẳng định một cách tuyệt đối cái bản chất quen thuộc của cuộc đời. Nói quen thuộc bởi vì nhà văn đã sử dụng từ thói, thói đời chứ không phải cuộc đời, thói là cái quen thuộc, thường xuyên, nó ăn sâu vào bản chất và trở thành một phần không thể tách rời, nó thường mang hàm ý chê. Vì vậy danh từ cái thói đời và từ hai từ láy điên đảo, lọc lừa làm định ngữ là một sự chọn lựa phù hợp, nó bổ sung ý nghĩa cho nhau làm nổi bật được vấn đề miêu tả một cách rõ ràng nhất.
- Oái oăm quá, cô Nhàn trắng trẻo xinh tươi bao nhiêu thì cô Bịu đen đủi, xấu xí bấy nhiêu [11, tr 96].
(Trung du chiều mưa buồn) Truyện ngắn Trung du chiều mưa buồn thực sự là một bức tranh buồn thảm về tình người ở ngay cái quan hệ gần gũi nhất là quan hệ máu mủ ruột rà. Ở truyện ngắn này Ma Văn Kháng đã dựng nên hai bức chân dung của hai chị em với những nét hoàn toàn trái ngược. Trong câu văn trên chúng ta thấy được cái hình dáng đối chọi của hai chị em. Cô Nhàn trắng trẻo, cô Bịu đen đủi, xấu xí. Từ nét phác hoạ về ngoại hình ấy đã hé mở một phần về số phận của hai chị em. Như chính tác giả cũng đã phải thốt lên sau đó “Ông trời sao
mà bất công vậy. Bao nhiêu cái may mắn ông dồn cả cho bà Nhàn. Còn cô em sao ông nỡ giáng xuống toàn những thiệt thòi, rủi ro?” Nhưng chính cái khác biệt về số phận đấy nó càng nổi rõ hơn cái bất nhân của cô Nhàn với cô em thiệt thòi khốn khổ.
Một cách kết hợp từ láy với danh từ nữa ta bắt gặp trong truyện ngắn của Ma Văn Kháng đó kểu kết hợp ngược đưa từ láy lên trước danh từ. Kiểu kết hợp này tuy không nhiều nhưng hiệu quả nghệ thuật mà nó mang lại là rất lớn. Cái đặc điểm của đối tượng được miêu tả được nhấn mạnh, gây được sự chú ý ở ngay cái nhìn đầu tiên về nó.
Ví dụ:
- Mặt trời ra khỏi vầng mây màu xà cừ, tung toé tia sáng [22, tr 239]. (Những người đàn bà) Đọc câu văn lên không chỉ có hình ảnh thiên nhiên kì ảo như đang hiện ra trước mắt ta, mà cái quan trọng hơn cả là cách đặt từ láy tung toé. Từ láy
tung tóe có nghĩa là một sự buông toả không thể kìm giữ, không giới hạn. Sự
tung toé tia sáng lúc này như một sự ban phát của thiên nhiên trời đất, sau sự kìm giữ, che khuất của những đám mây giờ đây mặt trời cũng bung toả mình với một lực không gì ngăn nổi mà cách đặt từ tung toé lên đầu đã khẳng định rõ điều đó.
2.1.2.2. Kết hợp từ láy với động từ
Động từ là những từ miêu tả hoạt động có quá trình. Đặt từ láy bên cạnh động từ và cụm động từ là cách kết hợp nhằm mang lại những sắc thái ý nghĩa cần biểu đạt cho những hoạt động đang miêu tả đồng thời qua đó thể hiện ý đồ nghệ thuật của nhà văn. Từ láy dùng với động từ vừa là sự phối hợp bổ sung nghĩa cho động từ tạo âm hưởng mạnh mẽ hơn. Vừa cụ thể hơn, biểu trưng hơn cho một diễn đạt cụ thể, ấn tượng. Đọc câu văn có những hành động, trạng thái được bổ nghĩa bằng những từ láy chúng ta sẽ thấy được cái
sinh động mà nó mang lại. Không chỉ tạo cái sinh động mà còn góp phần tạo nên một sắc thái mới cho các hành động, trạng thái được miêu tả.
Những kết hợp loại này tuy không nhiều bằng kết hợp láy với danh từ nhưng cũng không hề ít, ta dễ dàng bắt gặp nó trong những trang truyện ngắn của Ma Văn kháng.
Ví dụ:
- Ốm nằm lệt bệt mới thấy mình già rồi [19, tr 157].
(Heo may gió lộng)
Lệt bệt vốn là từ hay được dùng để chỉ đặc điểm vận động của chân khi đi không nhấc nổi khỏi mặt đất, khi dùng kết hợp với động từ nằm đã gợi nên hình ảnh người ốm đuối sức đến mức không nhấc nổi khỏi giường, không có sức làm được việc gì. Lệt bệt là một từ động nhưng khi kết hợp ốm nằm lệt bệt thì lại làm cho người ta hình dung người ốm không vận động được, làm nổi bật hơn cái bi đát, cái bất lực của người già khi ốm, cảm giác mệt mỏi khi tuổi già đến trên đầu.
- Gã cười khình khịch và hau háu nhìn bầu ngực nở bồng bềnh của nàng [13, tr 354].
(Nhiên, nghệ sĩ múa) Đây là câu văn rất độc đáo trong cách kết hợp từ ở từng vị trí. Câu văn có ba động từ đi liền với nó là ba từ láy, nhưng cái hay, cái độc đáo chính là ở cách sắp xếp vị trí kết hợp của mỗi từ. Nó làm nổi bật cái dâm ô, đểu cáng của gã nhà văn tỉnh lẻ cái tài không có mà cái dâm thì nhiều.
Cười khình khịch là một tiếng cười đểu cáng, hau háu là nhìn không chớp với vẻ rất thèm muốn. Cái nhìn này bộc lộ rõ nhất sự dâm ô của gã, từ láy
hau háu được đảo vị trí đưa lên đầu câu đã nhấn mạnh không những hành động mà còn cả cái bản chất của gã. Một người đàn ông tế nhị, tử tế không bao giờ nở một nụ cười đểu cáng và hau háu nhìn như thế vào khuôn ngực
của người đàn bà mà anh ta thích. Rõ ràng gã chỉ là một kẻ dâm ô không hơn không kém, và sự tán tỉnh của y chỉ có một mục đích duy nhất là để thoã mãn dục tình. Và cái tát của Nhiên dành cho gã sau đó là một hành động tất yếu.
- Lát sau ông ấn gọng kính vào sát mắt, mở tráp lôi cuốn hoá đơn, loạt xoạt giở, chăm chú nhìn, lẩm nhẩm đọc rồi thở một hơi dài kín đáo [9, tr 75].
(Người thợ bạc ở phố cũ) Câu văn với lối kết hợp ngược chiều đã mang đến một hiệu quả độc đáo. Hành động của ông lão Chư được miêu tả rất kĩ, liên tiếp nhiều hành động và có quá trình. Loạt xoạt giở, chăm chú nhìn và lẩm nhẩm đọc . Dùng liên tiếp ba từ láy kết hợp với ba động từ theo trật tự đảo, tác giả dường như muốn nhấn mạnh đặc điểm, trạng thái của hành động hơn là nhấn mạnh hành động. Nó cho thấy cái quá trình của hành động từ giở đến nhìn và cuối cùng là đọc, và biểu hiện của những từ láy cho thấy một sự tỉ mẩn trong từng hành động của ông lão.
Cũng là cách kết hợp đưa từ láy lên trước động từ như vậy, tác giả viết:
- Tả gật khậc cái đầu, rồi phăm phăm bước [25, tr 60].
(Giàng Tả, kẻ lang thang)
Phăm phăm bước không chỉ là bước mà là cách thức, trạng thái bước.
Phăm phăm gợi nên trạng thái hành động nhanh và mạnh mẽ dứt khoát bất chấp cản trở. Cách thức bước đi đó rất thích hợp để dùng miêu tả hành động của Giàng Tả - một con người khoẻ mạnh hừng hực ý chí, khẳng khái, ngay thẳng và dũng cảm.
2.1.2.3. Kết hợp từ láy với tính từ
Tính từ là những từ có nghĩa chỉ tính chất, màu sắc. Phần lớn từ láy trong tiếng Việt là tính từ hoặc động từ. Nên khi kết hợp các từ láy bên cạnh, các tính từ như được tăng thêm tính chất sinh động nhấn mạnh đặc trưng của sự vật.
Kiểu kết hợp này trong truyện ngắn Ma Văn Kháng tuy không nhiều nhưng nó thực sự là “quý hồ tinh bất quý hồ đa”. Đây là kiểu kết hợp thể hiện rõ nhất sự sáng tạo của tác giả về phương diện từ ngữ nói chung và trong từ láy nói riêng. Bên cạnh cách kết hợp xuôi chiều và ngược chiều quen thuộc như ở hai kểu kết hợp trên, trong cách kết hợp giữa từ láy với tính từ còn có một số kết hợp lạ. Chẳng hạn:
- Mặt sông vẫn trắng lặng choi chói nhưng nhìn về phía núi mờ xa, có một đoạn sông lấp lánh như khảm xà cừ, ở đó có một chiếc thuyền đinh đang lừng lững đi [12, tr 111].
(Trái chín mùa thu)
Trắng lặng là từ ghép biểu thị màu sắc và trạng thái, tính từ này được kết hợp với từ láy choi chói chỉ mức độ chiếu sáng, làm loá mắt. đây là những từ được dùng rất lạ, trắng lặng là từ ít được dùng nhưng dùng với choi chói rất phù hợp, nó dùng tả cái sắc trắng làm loá mắt của mặt sông. một từ tả màu sắc một từ tả mức độ sáng của màu sắc.
- Vú nó to chôm chổm[24, 138].
(Ngẫu sự)
Chôm chổm là một từ lạ, to chôm chổm là một kểu kết hợp lạ, sáng tạo, miêu tả hình dáng khuôn ngực người đàn bà với trạng thái động, nó không chỉ gợi được hình dáng quá khổ, nhô ra phía trước mà còn gợi được cả cái chuyển động của nó cùng với chuyển động của cơ thể. Ma Văn Kháng là nhà văn không ưa dùng những chữ mòn, bên cạnh những từ quen thuộc được dùng rất đắt nhà văn còn sáng tạo nên những từ mới làm phong phú hơn cho vốn từ tiếng Việt.
- Hôm sau, sẩm tối, trời giá buốt ngăn ngắt, thấy mẹ về, bỏ cái xe đấy, mệt nhọc nằm nhoài trên giường bừa bộn chăn chiếu, nó liền bật điện, bê mâm cơm ra giữa nhà [10, tr 275].
Ngăn ngắt là từ láy biểu thị mức độ cao của màu sắc hay tính chất, tuy nhiên dùng ngăn ngắt với giá buốt là một kiểu kết hợp lạ, từ ngắt thì dùng để tả tính chất cao của sự vật như chán ngắt, đắng ngắt, lạnh ngắt… nhưng từ láy
ngăn ngắt thì chỉ thường dùng để chỉ màu sắc xanh ngăn ngắt. Người ta ít dùng là đắng ngăn ngắt hay chán ngăn ngắt…Vì vậy dùng giá buốt ngăn ngắt
nó vừa đáp ứng được mục đích miêu tả cái lạnh giá ở mức độ cao nhất vừa tạo được cái lạ trong sử dụng từ ngữ, gây được sự chú ý của người đọc.
- Cô Miền tóc tai rũ rượi, hai ống quần xốc xếch ướt rười rượi, đang ấp cái khăn quàng len vào cổ, ngửa mặt lên trời, gào thảm thiết [1, tr 709].
(Lũ tiểu mãn ngập bờ)
Ướt rười rượi lại là một kết hợp lạ, rười rượi là từ láy biểu thị vẻ buồn ở mức độ cao, cũng từ đó nó được phát triển lên tả tính chất ở mức độ cao như mát rười rượi. Tuy nhiên dùng là ướt rười rượi thì ít người sử dụng cả trong ngôn ngữ nói hàng ngày lẫn trong ngôn ngữ nghệ thuật. Ở đây Ma Văn Kháng sử dụng ướt rười rượi không những tạo được ấn tượng lạ hoá cho câu văn mà nó còn thu được hiệu quả cao về phương diện biểu đạt. Một mặt từ
ướt rười rượi vừa tả được tính chất mức độ cao của trạng thái ướt, mặt khác do từ láy rười rượi chủ yếu biểu đạt trạng thái buồn do vậy dùng ướt rười rượi nó cũng toát lên một nỗi buồn - nỗi đau đớn của chính cô Miền trước cái chết đau đớn của cô My.
- Nồm nam từ mặt sông phất lên như quạt, rười rượi mát [11, tr 107]. (Trái chín mùa thu) Lại một kiểu kết hợp nữa của từ rười rượi. rười rượi mát là một kết hợp ngược, từ láy rười rượi đặt lên đầu nhằm nhấn mạnh cái cảm giác mát rượi dễ chịu do làn gió mang lại. Lúc này từ láy rười rượi là từ láy chỉ mức độ của tính chất ở mức cao.