2.2.2.1. Khái niệm
Theo G.S Đỗ Thị Kim Liên trong giáo trình ngữ pháp tiếng Việt thì từ tình thái, hay còn gọi là tình thái từ “Là những từ biểu thị sắc thái tình cảm, cảm xúc của người nói” [36; 68].
Tình thái từ là những từ hư gồm thán từ như: ôi, ối, á…và ngữ khí từ (còn gọi là tiểu từ tình thái) như: à, ư, nhỉ, nhé…Những từ này đứng trong câu nhưng không phụ thuộc vào bất cứ thành phần nào của câu. Tuỳ vào vị trí trong câu mà từ tình thái đảm nhiệm những nội dung cảm xúc khác nhau.
Do tình thái từ là những từ biểu thị tình cảm, thái độ cho nên lớp từ này thuộc vào phong cách khẩu ngữ. Qua lớp từ tình thái, người nói, người viết gửi gắm cảm xúc, thái độ của mình trước những vấn đề của cuộc sống.
2.2.2.2. Từ tình thái trong truyện ngắn Ma Văn Kháng
Tập trung vào khai thác cuộc sống thế sự đời tư cho nên nên Ma Văn Kháng rất chú tâm khai thác những cung bậc tình cảm, những hỉ - ái - nộ của con người. Trong truyện ngắn của mình ông sử dụng từ tình thái như một phương tiện hữu dụng để thể hiện những cung bậc cảm xúc ấy.
Khảo sát 35 truyện ngắn Ma Văn kháng chúng tôi thu được 865 từ tình thái, chiếm 49.5% tổng số từ mang phong cách khẩu ngữ. Đây là con số không nhỏ. Như vậy ta thấy từ tình thái là lớp từ chiếm số lượng nhiều nhất trong số những lớp từ mang phong cách khẩu ngữ. Điều này nó thể hiện sự lựa chọn của tác giả khi miêu tả con người trong cuộc sống không thể bỏ qua những cảm xúc, thái độ của con người với con người, của con người với cuộc sống. Cuộc sống càng hiện đại, càng đa tạp thì cảm xúc của con người càng phong phú, phức tạp. Do vậy thể hiện thái độ con người trên trang giấy là một vấn đề tất yếu. Trong
truyện ngắn Ma Văn Kháng đây là lớp từ được sử dụng đều đặn, trong 35 truyện ngắn được khảo sát không có truyện nào là không có từ tình thái. Tuy nhiên số lượng nhiều hay ít lại khác nhau trong từng truyện. Những truyện sử dụng nhiều từ tình thái nhất là: Bồ nông ở biển, với 52 từ, Cái Bống với 48 từ, những người đàn bà, với 47 từ, lênh đênh sông nước Miền Tây, với 44 từ, trái chín mùa thu,
với 41 từ… Sở dĩ những truyện này sử dụng nhiều từ tình thái hơn cả là bởi đây là những truyện tác giả tập trung miêu tả nhiều đối thoại, độc thoại của con người trước những vấn đề của cuộc sống, nhưng chủ yếu là thái độ của con người với con người với những quan hệ chính thống và lắt léo.
Chẳng hạn:
- Hoa ơi! Con có trách mẹ không? Bằng tuổi con, các bạn còn được học hành vui chơi. Thế mà con đã phải đi làm giúp mẹ nuôi các em [15, tr 494].
(Cái Bống) Tình thái từ ơi đứng đầu câu thể hiện sự gọi - đáp, nhưng trong câu văn này ngoài sự hô gọi ta như còn cảm thấy một niềm thương xót, đau đớn, xót xa, bất lực của người mẹ khi không lo nổi cho con mình bằng bạn bằng bè. Tiếng Hoa ơi nghe sao thân thương mà ngậm ngùi đau đớn.
- Bà ơi, sao sống khổ thế, chết khổ thế bà ơi! [16, tr 196].
(Bồ nông ở biển)
Tình thái từ ơi! được dùng đến hai lần ở câu này nó không còn mang chức năng gọi - đáp thông thường mà nó chỉ là từ gọi nhưng không phải để đáp mà để cảm thán. Bà ơi được đặt ở cả đầu câu và cuối câu, vừa là sự lặp lại của cảm xúc vừa là sự tự đáp lại đầy đau đớn của người con trước cái chết của mẹ mình.
- Chao ôi! Đến khi biết là bị nó lừa, thì nó đã vào ngồi trong nhà tù và Thạch chỉ còn biết ngửa mặt kêu trời [1, tr 496].
Cũng đứng đầu câu nhưng tình thái từ chao ôi! là để biểu thị cảm xúc ngậm ngùi, đau đớn, xót xa đến tận đáy tâm hồn. Không xót xa sao khi toàn bộ cơ nghiệp và hi vọng đổi đời đã tan thành bọt nước mà không thể làm gì được nữa.
- Trời! Sao bác biết rõ thế ạ?
(Người thợ bạc ở phố cũ)
Trời vốn là danh từ chỉ khoảng không gian ở trên cao, nhưng ở đây, trời
lại là tình thái từ thể hiện sự ngạc nhiên pha lẫn thích thú, khâm phục đến cực độ. Ạ là từ đáp thể hiện tình thái lễ phép tôn trọng của người nghe với người nói.
Khác với những câu nói chỏn lỏn, văng tê trong nhóm từ thông tục, những từ tình thái thường thể hiện sự lễ phép trong giao tiếp và những cung bậc cảm xúc: buồn, vui, ngạc nhiên, thất vọng, đau đớn, xót xa, bực tức, tiếc thương. Trong truyện ngắn Ma Văn Kháng hai cung bậc cảm xúc được lặp lại nhiều nhất là cảm xúc ngạc nhiên và đau đớn
Ngoài ra, trong truyện ngắn Ma Văn Kháng còn có một nhóm không ít những từ tình thái đứng cuối câu biểu thị sắc thái tình cảm: nghi vấn, cảm xúc, ngạc nhiên…tạo câu nghi vấn và câu mệnh lệnh, cầu khiến như: à, ơi, nhỉ, nhé, hả…
Ví dụ:
- Hồng Lâu Mộng ấy à? [12, tr 221].
(Thanh minh trời trong sáng)
À? đặt cuối câu biểu thị tình thái nghi vấn.
- Không được phản bội, cấm được yêu ai nữa đấy nhé! [2, tr 287]. (Chọn chồng)
Nhé! đặt cuối câu biểu thị tình thái mệnh lệnh, cầu khiến.
- Nhớn, vớ được cô em thơm thịt nhẩy! [7, tr 533].
Trong số ít những từ địa phương xuất hiện trong truyện ngắn Ma Văn Kháng có một bộ phận từ mang nghĩa tình thái. Nhẩy là một từ địa phương miền Bắc, có nghĩa như nhỉ. Trong câu này, từ nhẩy được dùng biểu thị tình thái nghi vấn.