2.2.1.1. Khái niệm
Ngôn ngữ là phương tiện, là chất liệu mang tính đặc trưng của văn học. Mục đích của ngôn ngữ nghệ thuật (thơ, tiểu thuyết, truyện ngắn…) không chỉ đơn thuần là thông báo về nghệ thuật. Chủ trương viết tác phẩm văn học chỉ bằng một thứ ngôn ngữ chuẩn mực duy nhất (ngôn ngữ toàn dân) là không đúng vì nó làm cho ngôn ngữ văn học bị nghèo nàn, mất đi sắc thái gợi cảm. Thực tế cho thấy, không có ngôn ngữ đặc trưng riêng của nhân vật, không có màu sắc địa phương, ngôn ngữ trong tác phẩm văn học sẽ mất đi tính hiện thực, tính chân thực của nó. Từ địa phương với hai đặc điểm cơ bản là biến thể của ngôn ngữ toàn dân và là lớp từ có phạm vi sử dụng hạn chế. Điều đó cho ta thấy không thể xếp từ địa phương vào lớp từ mang phong cách viết, phong cách sách vở, mà nó gần hơn với phong cách khẩu ngữ, nó là loại từ làm nên tính khẩu ngữ cho tác phẩm.
Lâu nay, giới phương ngữ học có nhiều quan niệm khác nhau về từ địa phương. Người ta lập ra những tiêu chí khác nhau để xác lập định nghĩa phương ngữ. Tuy nhiên ở đây chúng tôi chỉ trình bày một định nghĩa về từ địa phương mà chúng tôi tâm đắc và đi theo đó là định nghĩa về từ địa phương của
nhóm tác giả Nguyễn Nhã Bản, Hoàng Trọng Canh, Nguyễn Hoài Nguyên và Phan Mậu Cảnh. Các tác giả cho rằng “Từ địa phương là vốn từ cư trú ở một địa phương cụ thể có sự khác biệt với ngôn ngữ văn hoá hoặc địa phương khác về ngữ âm và ngữ nghĩa” [3; 29].
2.2.1.2. Từ địa phương trong truyện ngắn Ma Văn Kháng
Từ địa phương được đưa vào tác phẩm không những làm phong phú hơn cho vốn từ tiếng Việt, biểu thị sắc thái văn hoá của vùng miền mà nó còn có khả năng biểu đạt riêng mà đôi khi từ toàn dân không thể hiện được. Truyện ngắn Ma Văn Kháng sử dụng ít yếu tố địa phương, chỉ với 254 lượt từ địa phương xuất hiện chiếm 14.5% tổng số từ ngữ mang phong cách khẩu ngữ. Lớp từ này so với các truyện ngắn của Sơn Nam là 5,12% [19; 40] tổng số từ các loại trong truyện của ông là rất ít nhưng những từ địa phương được dùng trong truyện ngắn của Ma Văn Kháng là những từ rất đắt, không những nó phù hợp cho đối tượng miêu tả mà còn có thể có tác dụng tạo nên ấn tượng riêng về nhân vật.
Mặt khác thông thường mỗi nhà văn thường neo đậu hồn mình với một địa danh, một quê hương mình gắn bó. Việc lấy phương ngữ quê hương làm phương tiện biểu đạt trong tác phẩm là một hướng đi quen thuộc của các nhà văn. Đọc Sơn Nam ta thấy cả một kho tàng phương ngữ Nam Bộ, đọc Tô Hoài ta thấy phảng phất hình bóng của đất kinh kì Tràng An ngàn năm văn hiến, đọc Trần Thuỳ Mai ta thấy cái giọng điệu mặn mà nặng mà sâu của người Miền Trung đặc biệt là xứ Huế. Còn với Ma Văn Kháng nhà văn không dụng tâm thể hiện ngôn ngữ vùng miền cụ thể nào mà với sự hiểu biết phong phú về nhiều vùng quê tuỳ theo nhân vật trong mỗi truyện ngắn, khi cần nhà văn sẽ lựa chọn cho mình một phương ngữ để thể hiện cho phù hợp. Bởi vậy đọc truyện ngắn Ma Văn Kháng ta thấy có cả cái giọng nói nhẹ nhàng của người Miền Bắc, cái ngọt ngào trong lời của người Miền Nam và cả cái mặn mà của người Trung Bộ.
Trong truyện ngắn Ma Văn Kháng có một điều đặc biệt là từ địa phương chỉ xuất hiện trong những đoạn đối thoại của nhân vật, nó xuất hiện trong lời nhân vật chứ không phải lời của nhà văn. Tác giả dùng từ địa phương như vậy là nhằm tạo nên ấn tượng về tính chân thực, gần gũi đời sống hiện thực của nhân vật. Vì vậy số lượng từ địa phương xuất hiện không nhiều trong truyện ngắn Ma Văn Kháng cũng là điều dễ hiểu.
Ví dụ:
- Trông thấy con trâu nghênh nghênh sừng cũng hãi [25, tr 162].
- Giời không chịu đất thì đất phải chịu giời, mình ở thế yếu mờ [7, tr 158]. (Heo may, gió lộng) Những từ địa phương Bắc Bộ nghe nhẹ nhàng, thoang thoảng như gió như sương. Hãi là sợ, giời là trời, mờ là mà nhưng dùng sang từ địa phương như vậy dường như có cảm giác thân mật hơn, gần gũi, chân thật sống động hơn, nó phù hợp hơn với đối tượng là một người phụ nữ thuần nông, chất phác.
- Thế mới biết nàm ông thầy nà khó nắm! [12, tr 473].
(Thầy Khiển) Ở câu Thế mới biết nàm ông thầy nà khó nắm! bên cạnh việc tái hiện thực trạng nhầm lẫn l - n trong phương ngữ Bắc Bộ, ta còn thấy một sự mỉa mai châm biếm sâu cay dành cho ông Sự, khi ông đi huấn thị về tư cách làm thầy của thầy Khiển trong chính câu nói của ông - Một ông cán bộ giáo dục còn không nói chuẩn tiếng Việt văn hoá, nói sai chính tả trong nhà trường mà còn lên giọng dạy đời.
- Anh nói: mình đi bộ quen, lên dốc xuống dốc mần chi đều thấy bình thường, còn đi xe, lên dốc thì nhọc, xuống dốc thì mỏi chân phanh [2, tr 440]
Tiếng mần của người xứ Nghệ nghe nặng ân tình, nó dân dã, chân chất, thật thà như chính con người anh Rư. Mần chi có nghĩa là làm gì, anh Rư mặc dầu là một ông giáo nhưng hệt như một lão nông tri điền - mà thực sự anh là một lão nông tri điền mẫn cán cả ngày quần quật với đồi nương đã quen với cái khổ cái mệt đến nỗi sướng cũng không quen mà còn thấy nhọc hơn bình thường. Thời chiến tranh lửa đạn có được cái xe đạp phượng hoàng đã là nhất rồi vậy mà anh Rư không sử dụng vì không quen dùng.
- Chào bà, xin bà ít nác nhé [11, tr 562].
- Bà ơi, nước này đàn bà con gái tắm thì thành tiên, bà hỉ! [18, tr 562]. (Đất màu) Đây là hai câu nói của anh chàng nhân viên khí tượng người Nghệ Tĩnh sống và làm việc ở vùng núi phía Bắc, ta thấy có một sự thú vị trong cách dùng từ của anh chàng nói giọng trọ trẹ này đó là cùng diễn đạt một khái niệm nhưng câu trên thì anh ta dùng từ địa phương gọi nước là nácnhưng câu dưới anh ta lai dùng từ toàn dân gọi là nước. Điều này cho thấy sự không nhất quán, thường xuyên trong cách sử dụng từ của nhân vật và sự không nhất quán này hoàn toàn có thể lí giải được bởi anh ta không sống ở quê mà xa quê sống với người vùng khác nên ngôn ngữ đã có sự pha tạp. Trong đối thoại lúc nhớ, lúc quên anh ta dùng từ địa phương một cách vô thức, nhưng dù dùng thế nào thì từ địa phương đã trở thành một thói quen, một dấu ấn không thể bỏ. Bằng chứng là câu sau anh ta dùng từ toàn dân cho từ nước nhưng lai không quên dùng thêm một từ cảm thán hỉ có nghĩa là nhỉ. Dùng từ địa phương để miêu tả ngôn ngữ nhân vật như vậy, Ma Văn Kháng không những tạo được tính khẩu ngữ cho câu nói mà qua đó nó còn gợi nên đặc điểm về nguồn gốc và môi trường sống của nhân vật.
- Chèn đéc ơi! Tui là người tỉnh bên mà nghe cũng không hiểu chi hết trọi[6, tr 719].
- Hổng được! [4, tr 731].
- Tui biểu: Anh lui ra đi [6, tr 731].
(Lênh đênh sông nước Miền Tây) Truyện ngắn Lênh đênh sông nước Miền Tây là truyện ngắn sử dụng nhiều từ địa phương nhất trong các truyện ngắn của Ma Văn Kháng, với 131 lượt dùng từ địa phương trên tổng số 254 lượt dùng, đây quả thật là con số không nhỏ, chiếm hơn một nửa lượt dùng của tất cả các truyện. Sở dĩ truyện ngắn này dùng nhiều từ địa phương như vậy là bởi truyện này có nhiều đoạn đối thoại của nhiều nhân vật mà các nhân vật đó chủ yếu là những người nông dân sống ở miền Tây chân chất thật thà. Ngôn ngữ của họ còn bình dị, thuần nhất và tự nhiên, họ có sao nói vậy không chú tâm lựa chọn từ ngữ. Hầu hết từ địa phương trong truyện ngắn này là từ địa phương Nam Bộ, đúng như giới hạn địa lý mà nhan đề truyện ngắn đã đề cập. Phải nói là Ma Văn Kháng quả thực là nhà văn có vốn hiểu biết vô cùng sinh động, vốn từ ngữ vô cùng phong phú. Ông không chỉ là nhà văn Hà Nội viết rất hay về miền núi mà còn là nhà văn viết rất hay về miền Nam. Ngôn ngữ Nam Bộ hiện lên trong truyện ngắn rất tự nhiên và sinh động, với nhiều phân lớp từ, từ từ tình thái như:
chèn đéc ơi!, nè, chi. Hay từ xưng hô như: tui, mầy, ổng, ảnh và cả các từ thuộc nhóm danh - động - tính như: biểu (bảo), chưởi (chửi), nhơn đức (nhân đức), chém (chặt), xỉn (say), đổ quạu (nổi cáu), dòng chẩy (dòng chảy), hết trọi (hết trơn)…Thậm chí có những từ rất độc không mấy người biết đến như câu chửi mà ông Ba Đệ dẫn:
- Nè nó chưởi: Cà đui mè ngẩy, chờ moong múc anh[4, tr 719]. - Câu trên có nghĩa là: Mẹ mầy, nhớ cái mặt tao nhé!
Với vốn từ ngữ chung phong phú và khả năng vận dụng ngôn địa phương ngữ tinh tế Ma Văn Kháng đã dựng nên bức tranh ngôn ngữ các vùng
miền trên đất nước thật sự chân thật sinh động và tinh tế. Nó thể hiện được lối nói địa phương thuần chất, giản dị.