(Heo may, gió lộng)
Một câu văn ngắn, chỉ là một so sánh nhưng phải chăng vì thế mà ấn tượng, hình ảnh vô cùng gợi. Ở đây tác giả không chỉ ra yếu tố cơ sở so sánh nhưng nhờ vào yếu tố chuẩn so sánh, người đọc vẫn có thể cảm nhận đuợc yếu tố cơ sở so sánh mà tác giả đã cố tình giấu đi. Tất nhiên, do trong vế cơ sở so sánh đã ngầm ẩn nên người đọc có thể đồng sáng tạo cùng tác giả. Nói cách khác, vế cơ sở so sánh được hiểu như thế nào là tuỳ vào cảm nhận của mỗi người đọc. Chẳng hạn, có thể hiểu "nắng lung linh như dát vàng", "nắng rực rỡ như dát vàng", "nắng sáng lạn như dát vàng",…
Hay ở một ví dụ khác:
- Và mùa xuân lại đến như mặt người thiếu nữ xinh tươi [3, tr 87]. (Người thợ bạc ở phố cũ) Mùa xuân đến đẹp như mặt người thiếu nữ xinh tươi hay trẻ trung, căng tràn sức sống như mặt người thiếu nữ xinh tươi? Bao nhiêu chiều liên tưởng là có bấy nhiêu ý nghĩa được hiện diện. Câu văn lúc này như một lược đồ còn bỏ trống, người đọc có thể thả sức liên tưởng. Sức ám gợi của câu văn cũng bật lên từ đó. “Mùa xuân” là trừu tương, “mặt người con gái xinh tươi”, nghe thì có vẻ cụ thể nhưng lại không cụ thể chút nào vì hình ảnh có tính gợi mở, đa chiều, tùy theo cảm quan của mỗi người mà có cách liên tưởng khác nhau.
Như vậy ta có thể thấy những so sánh khuyết yếu tố 2 (yếu tố cơ sở so sánh) đều là sự sắp xếp có chủ ý của tác giả nhằm tạo ra những liên tưởng nhiều chiều cho người đọc, tạo nên một độ mở nhất định cho văn bản.
+ Đảo vị trí các yếu tố trong cấu trúc so sánh
Trong truyện ngắn của Ma Văn Kháng, loại so sánh này xuất hiện rất ít, và khi xuất hiện, yếu tố được đảo thường là yếu tố thứ hai, tức yếu tố chỉ cơ sở so sánh. Yếu tố này có thể được đảo lên đầu nhằm tạo ra ấn tượng mạnh trong lòng độc giả. Chẳng hạn, để diễn tả vẻ dị hình dị dạng của nhân vật Khun trong Vệ sĩ của Quan Châu, Ma Văn Kháng đã đưa yếu tố chỉ cơ sở so sánh (tớn) lên trước:
Khun ngẩng lên, đưa tay quệt mồ hôi trán, tớn hai vành môi như môi ngựa [7, tr 10].
(Vệ sĩ của Quan Châu) Ngược lại, trong nhiều trường hợp khác, tác giả đảo vị trí yếu tố thứ 2 xuống cuối. Đây là điều khá đặc biệt trong cách sử dụng so sánh của Ma Văn Kháng. Đối chiếu với một số công trình nghiên cứu về phần so sánh của các tác giả khác như Nam Cao (So sánh tu từ trong truyện ngắn Nam Cao, Khoá luận tốt nghiệp của Mai Thị Hồng Hà, ĐhV, 2006), hay Sơn Nam Và Nguyễn Ngọc Tư (Từ ngữ và biện pháp tu từ trong Hương rừng Cà Mau và Cánh đồng bất tận, Luận văn thạc sĩ ngữ văn, Lê Thị Thu Hằng, ĐhV, 2009), chúng tôi nhận thấy kiểu so sánh này không được các tác giả đang nói sử dụng phổ biến trong các tác phẩm truyện ngắn của họ. Riêng với Ma Văn Kháng, khi cần phải diễn giải một cảm giác, một tâm trạng phức tạp, tinh tế nào đó một cách rõ ràng hơn thì đó là lúc ta thấy ông dùng biện pháp so sánh kiểu này. Ví dụ:
- Và bỗng dưng mặt anh như có hơi men, nóng bừng khó chịu [25, tr 115].
- Chiến tranh như mưa rào, ào ào rồi tạnh [9 tr 338].
+ Kiểu so sánh thay đổi số lượng của các yếu tố trong cấu trúc so sánh
Đây là điểm thể hiện sự linh hoạt trong việc sử dụng cấu trúc so sánh của Ma Văn Kháng. Thông thường người ta chỉ đem một sự vật đi so sánh với một sự vật khác, nhưng có những lúc tương quan này lại có sự thay đổi, một sự vật được so sánh với nhiều sự vật hiện tượng khác (một A nhiều B) hoặc ngược lại nhiều sự vật hiện tượng được so sánh với một sự vật hiện tượng khác (nhiều A một B).
Một A nhiều B: Trong số những so sánh biến thể được sử dụng trong truyện ngắn Ma Văn Kháng, loại cấu trúc so sánh này chiếm số lượng lớn nhất. Đây là kiểu so sánh được Ma Văn Kháng sử dụng chủ yếu trong số những cấu trúc so sánh biến thể. Nó tạo nên một nét riêng cho việc sử dụng biện pháp so sánh tu từ trong truyện ngắn của Ma Văn Kháng.
Ví dụ: