Nguyên nhân hạn chế

Một phần của tài liệu Một số giải pháp quản lý nâng cao chất lượng hoạt động thư viện ở các trường trung học phổ thong công lập trên địa bàn thành phố hồ chí minh (Trang 59 - 63)

8. Cấu trúc luận văn

2.3.2. Nguyên nhân hạn chế

Theo kết quả khảo sát có 18,2% thư viện trường chưa đạt chuẩn theo 5 tiêu chuẩn quy định về tiêu chuẩn thư viện trường phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành: 1- Tổ chức kho sách báo; 2- Cơ sở vật chất; 3- Nghiệp vụ thư viện; 4- Tổ chức và hoạt động; 5- Quản lý thư viện.

Có thể nói những nguyên nhân sau dẫn đến tình trạng một bộ phận thư viện trường THPT không đạt chuẩn và chậm phát triển:

- Các văn bản, cơ chế chính sách về lĩnh vực thư viện chưa thật đầy đủ và kịp thời, kinh phí đầu tư cho thư viện còn hạn hẹp, dẫn đến việc bổ sung sách, tài liệu, đặc biệt là sách tham khảo, báo, tạp chí không đáp ứng được nhu cầu bạn đọc, giảm mức độ hài lòng của bạn đọc thư viện trường.

- Ngoài những khó khăn, hạn chế về cơ sở vật chất thư viện, kinh phí cho thư viện, chế độ chính sách cho cán bộ thư viện còn những khó khăn khác nữa như hiệu trưởng thiếu thời gian cho công tác quản lý thư viện, thiếu sự hợp tác của các tổ chức trong nhà trường... (Bảng 2.3). Qua khảo sát thực tế, chúng tôi nhận thấy thường ở trường nào hiệu quả quản lý công tác thư viện được đánh giá là thấp thì thư viện nơi đó cũng không đạt chuẩn (Bảng 2.7). Có thể kết luận, một số nguyên nhân cơ bản các thư viện trường THPT công lập chưa đạt chuẩn trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh như sau:

- Cán bộ quản lý trường chưa nhận thức hết tầm quan trọng của công tác quản lý thư viện, dẫn đến tình trạng hiệu trưởng chưa coi trọng công tác thư viện trong nhà trường, chưa dành thời gian thích đáng cho quản lý thư viện, tạo nên những khó khăn, trở ngại cho thư viện phát triển như chưa tạo động lực cho cán bộ thư viện, chưa dành kinh phí thích đáng cho hoạt động thư viện, thiếu quan tâm chỉ đạo quản lý kịp thời... (Bảng 2.3);

- Theo kết quả khảo sát, hiện nay trung bình mỗi trường THPT trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh có một cán bộ thư viện. Trong số đó 70% cán bộ thư viện chuyên trách và 30% cán bộ thư viện kiêm nhiệm. Thực tế phần lớn cán bộ thư viện trường phổ thông không được hưởng chế độ đãi ngộ theo thông tư 26/2006/TT-BVHTT ngày 21/02/2006 về chế độ phụ cấp độc hại cho cán bộ, công chức, trong đó có cán bộ thư viện vì không biết văn bản quy định này

hoặc biết thì cho rằng “làm thư viện không có gì là độc hại, nguy hiểm cả”. Nếu là giáo viên giảng dạy kiêm thư viện (Cán bộ thư viện kiêm nhiệm) thì ngoài lương cơ bản còn được hưởng phụ cấp giáo viên và phụ cấp thâm niên nhà giáo. Nếu làm cán bộ thư viện chuyên trách (Có hoặc không có bằng nghiệp vụ thư viện, không tham gia giảng dạy) thì không được hưởng các khoản phụ cấp này. Trong cùng một ngôi trường mà chế độ ưu đãi khác nhau dẫn đến sự so sánh, bức xúc, không khích lệ được tinh thần làm việc. Từ đó giáo viên thư viện chuyên trách không an tâm công tác hoặc chỉ làm chiếu lệ. Đây là một nguyên nhân chủ yếu dẫn đến số giáo viên thư viện kiêm nhiệm còn nhiều (30%) và là nguyên nhân thư viện trường THPT chậm phát triển.

Kết luận chương 2

Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm giáo dục lớn của Việt Nam với hệ thống giáo dục đa dạng các ngành học từ bậc giáo dục mầm non, phổ thông đến cao đẳng, đại học. Là địa phương dẫn đầu cả nước, được Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá cao. Một trong những nhiệm vụ của giáo dục thành phố là đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện theo hướng hiện đại, coi trọng giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống, ý thức trách nhiệm xã hội cho học sinh, sinh viên; đầu tư phát triển nâng cao chất lượng các cơ sở giáo dục công lập, đảm bảo vai trò chủ đạo của giáo dục công lập trong hệ thống giáo dục quốc dân, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập của thành phố. Với nhiều giải pháp đồng bộ, chất lượng giáo dục trung học đã không ngừng tăng lên, từng bước rút ngắn khoảng cách giữa giáo dục ngoại thành và giáo dục nội thành. Hoạt động chuyên môn tại các trường trung học tiếp tục phát triển theo định hướng đổi mới phương pháp dạy học, chú trọng “Dạy học cá thể”, đảm bảo chuẩn kiến thức, kỹ năng chương trình. Năm học 2010 – 2011 vừa qua, bậc

trung học phổ thông có 170 trường, trong đó có 94 trường công lập với 3.589 lớp, 154.187 học sinh . Giáo dục THPT công lập thành phố Hồ Chí Minh được đánh giá là đạt chất lượng hàng đầu so với các địa phương trong cả nước. Thư viện ở trường THPT công lập trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đã góp phần tạo nên thành tích của nhiều nhà trường, góp phần tạo nên chất lượng dạy và học được đánh giá khá cao. Không có nhiều trường THPT có thư viện 200 chỗ ngồi với 15.000 đầu sách các loại và phòng máy tính như thư viện trường Trường THPT chuẩn Quốc gia Võ Trường Toản, quận 12. Không có nhiều thư viện trường đáng tự hào như của trường THPT Lê Hồng Phong, quận 5; THPT Lê Quý Đôn, quận 1; THPT Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3; THPT Nguyễn Thượng Hiền, quận Tân Bình…vẫn còn không ít trường THPT có thư viện chật hẹp, sách báo tài liệu nghèo nàn, thiếu cán bộ thư viện chuyên trách, thư viện không đạt chuẩn. Thư viện trường THPT nói chung vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập về cơ sở vật chất thiết bị, kinh phí ít ỏi, cán bộ thư viện chưa thực sự an tâm công tác. Vấn đề đặt ra là làm sao để thay đổi hình ảnh kho chứa sách cũ

của thư viện trường học, để thư viện trường là một trong những mối quan tâm hàng đầu giữa bộn bề công việc của người hiệu trưởng khi thực thi công việc quản lý nhà trường.

Với tất cả sự cố gắng của mình, chúng tôi đã tìm hiểu, khảo sát và phân tích thực trạng thư viện trường THPT công lập trên địa bàn thành phố với mong muốn tìm ra một số giải pháp quản lý nhằm nâng cao chất lượng hoạt động thư viện.

CHƯƠNG 3

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HOẠT ĐỘNG THƯ VIỆN

Ở TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG CÔNG LẬP

TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

3.1. Cơ sở đề xuất giải pháp quản lý nâng cao chất lượng hoạt động thư viện

Một phần của tài liệu Một số giải pháp quản lý nâng cao chất lượng hoạt động thư viện ở các trường trung học phổ thong công lập trên địa bàn thành phố hồ chí minh (Trang 59 - 63)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(91 trang)
w