8. Cấu trúc luận văn
2.3.1. Nguyên nhân thành công
Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh, giai đoạn 2005-2010, cấp THPT có 86,04% (111/129) thư viện trường học đạt chuẩn. Trong đó có 22 thư viện xuất sắc, 53 thư viện tiên tiến, 36 thư viện đạt chuẩn, 18 thư viện chưa đạt chuẩn.
Theo thống kê kết quả khảo sát năm học 2010 – 2011 của chúng tôi có 81,8% thư viện trường THPT đạt chuẩn (81,8% tổng số phiếu hỏi). Trong đó có 57 thư viện xuất sắc, 50 thư viện tiên tiến, 63 thư viện đạt chuẩn, 38 thư viện chưa đạt chuẩn (Bảng 2.7). Như vậy, tỷ lệ này tương đương với tỷ lệ thư viện đạt chuẩn giai đoạn 2005 – 2010 (86,04% và 81,8%)
Tỷ lệ thư viện đạt chuẩn 81,8% là khá cao so với tỷ lệ 18,2% thư viện chưa đạt chuẩn. Qua phân tích kết quả khảo sát, chúng tôi nhận thấy nguyên nhân thành công của các thư viện trường THPT công lập đạt chuẩn trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh là do các yếu tố sau đây:
- Cán bộ quản lý (Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng) và giáo viên nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác quản lý thư viện trong nhà trường. Không có đối tượng nào cho rằng công tác quản lý thư viện không quan trọng (Bảng 2.1). Đáng chú ý, tỷ lệ nhận thức công tác quản lý thư viện rất quan trọng của cán bộ thư viện là cao nhất (79,5%). Nhận thức đúng định hướng cho những hành động đúng, thường mang lại kết quả công việc tốt hơn khi nhận thức chưa đầy đủ;
- Kế hoạch thư viện trường có tính khả thi cao (Bảng 2.2) là cơ sở cho cán bộ thư viện hoàn thành tốt công tác thư viện;
- Hiệu trưởng (Phó hiệu trưởng) chỉ đạo công tác thư viện đồng thời kiểm tra đánh giá và kịp thời điều chỉnh công tác thư viện về mọi mặt theo hướng đạt chuẩn như chỉ đạo ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác thư viện, tổ chức hoạt động thư viện hỗ trợ dạy học, bổ sung sách báo mới cho thư viện, khuyến khích động viên cán bộ thư viện... (Bảng 2.4);
- Mặc dù còn tồn tại những khó khăn về cơ sở vật chất thư viện, một số điều chưa hợp lý về chế độ chính sách cho cán bộ thư viện trường, một bộ phận cán bộ thư viện kiêm nhiệm thiếu thời gian cho công việc và thiếu chuyên môn nghiệp vụ thư viện. Nhưng đa phần cán bộ thư viện trong nhà trường có nhiều cố gắng trong công việc phục vụ bạn đọc với thái độ thân thiện, nhận được sự hài lòng và đánh giá cao của bạn đọc (Bảng 2.5).