7. Cấu trúc của luận văn
3.3.1. Giọng chua chát, táo tợn, từng trải
Cuộc sống vốn muôn màu muôn vẻ, không ít những sắc thái cung bậc tình cảm khác nhau, có vui, có buồn, có hạnh phúc, có đau khổ. Giờ đây, khi viết về cuộc sống xô bồ với những mặt trái của xã hội, những nỗi đau khổ của con người, giọng điệu truyện ngắn không chỉ dừng lại ở giọng cảm thương đau xót. Thay vào đó, các tác giả viết về nó bằng một giọng chua chát, táo tợn, từng trải. Đây cũng chính là sự quan tâm khắc khoải của các tác giả về sự hoàn thiện nhân cách trong những ngõ ngách tận cùng của đời sống cá nhân con người. Đó là sự băn khoăn day dứt về môi trường nhân tính đang giảm sút, giá trị đạo đức bị băng hoại.
Ở truyện ngắn Kịch độc của Lương Văn Chi người đọc nhận thấy giọng điệu vừa chua chát vừa táo tợn trong những lời lẽ của Thuần để giành lại danh tiếng cho gia đình và dòng họ cô: “Tôi làm điếm đã là tuyên thệ với mình, chấp nhận đàn ông toàn thế giới. Già, trẻ, lớn, bé, da trắng, da đen, da đỏ, da vàng. Sẵn sàng xuyên lục địa bán thân! Còn ông, tốt đẹp cái nỗi gì! Từ ngày đất nước mở cửa, ông sa đọa trác táng, không từ một loại đàn bà nào, thậm chí đến con điên ở chợ ông cũng không tha, trở thành một loại đĩ đực, chơi gái thành thần (…). Để có nó - Thuần tiếp - ông có biết tôi phải vần trên bụng bao nhiêu thằng không? Thuần vung tay xòe cả năm ngón trước mặt người chú - năm trăm thằng! Ông biết đếm chứ! Năm trăm thằng! Gấp đôi đàn ông cái làng nay! Tôi sẽ viết giấy ủy quyền! Nó là của ông với điều kiện: Ông chứng minh được chúng ta là người dưng!”[55;32]. Đây không phải là giọng nói bình thường của những người giao tiếp với nhau mà đây là lời của kẻ đang muốn giành giật lại sự sống cho chính mình và đứa
em của cô. Qua đoạn đối thoại trên ta cảm nhận được sự táo tợn của Thuần đối với người chú: “Sao, không dám bước qua ngưỡng à! Bản lĩnh người hùng một thời soi ếch đâu rồi? (…) Làm đi, được hai thứ đấy! Nhất chơi lưỡng lợi. Đại lộc còn gì!”[55;25]. Câu nói đểu cáng mang tính chuyên nghiệp kiểu đĩ điếm thị thành, sặc mùi thách đố, cá cược của đứa cháu gái như mũi dao sắc lạnh đâm suốt vào trái tim tự tôn bề trên nhưng vẫn còn trong tiềm thức của người chú.
Với mơ ước có được cuộc sống sung túc ở trốn thị thành mà Khương đã đạp lên tất cả để đạt được mục đích cá nhân của mình. Bất chấp luân thường đạo lý, bất chấp tình cảm vợ chồng cô đã đánh mất đi những gì đã có. Khương đã rất táo tợn khi cải lại chồng được Ma Văn Kháng miêu tả rất rõ trong truyện ngắn Con dâu tôi:
“- Hôm chủ nhật vừa rồi, cô đến nhà ai ở Xuân Đỉnh suốt một buổi chiều?
- Tôi đi liên hệ với khách hàng! Tôi đi làm việc!
- Đừng có vờ vĩnh. Váy áo, giày dép, son phấn, mua sắm tùm lum thế tiền ở đâu?
- Tiền tao làm ra! Mày có quyền gì mà tra hỏi tao? - A! Gái đĩ già mồm, hả?
- Này, nói cho mày biết nhé! Tao làm ra tiền, tao mua sắm, đó là quyền của tao.
- Mày làm cái gì ra tiền? hả! Mày không thú nhận tao đánh tuốt xác ra. - Bà thách mày đấy. Nói cho mày biết, cái gì bà có trên người là của bà. Bà có quyền cho đứa nào thì bà cho!”[54;141].
Với các cách xưng ngôi của người vợ đối với chồng ta cũng thấy được sự xuống cấp về đạo đức của cô. Ban đầu xưng tôi, sau đó xưng tao, cuối cùng xưng là bà. Đó là sự táo tợn của người phụ nữ xem nhẹ cuộc sống gia
đình nói chung và cuộc sống vợ chồng nói riêng. Cô đã chà đạp lên tất cả để đi theo cuộc sống sung sướng ở nơi thị thành. Những con người như vậy kết cục cũng không có gì là tốt đẹp là hạnh phúc là sung sướng mà hoàn toàn ngược lại. Với truyện ngắn Cuộc tình ngắn ngủi của Nguyễn Minh Thủy là câu chuyện viết về cuộc sống của những cô cậu sinh viên xa nhà sống buông thả. Để thể hiện cho sự buông thả của nhân vật nhà văn đã tạo cho nhân vật của mình giọng điệu rất táo tợn: “Em là Thanh à? Anh có thể đáp ứng nhu cầu của em. Gặp em ở đâu được đây? (…) Em ơi lấy giá vừa vừa thôi nhé. Anh nghèo nhưng anh sẽ làm cho em thấy thỏa mãn mọi nhu cầu đấy”[54;320].
Truyện ngắn 2008 - 2009, giọng kể thường không mang tính chất răn dạy mà chỉ đơn giản là thuật lại, một thứ giọng kể có vẻ nghiêm túc nhưng thật chua chát, vừa coi điều mình kể là thành thật, vừa coi như chẳng có gì là quan trọng. Tính chất nửa đùa nửa thật ấy không chỉ làm tăng sự phong phú và vẻ thoải mái, lôi cuốn của giọng kể mà còn làm nhòa đi những đối lập triệt để về nghĩa, về tư tưởng. Do đó nó làm giàu thêm nội dung tinh thần của tác phẩm. Có thể bắt gặp trong nhiều truyện ngắn giọng điệu thản nhiên bất cần không quan trọng hóa bất cứ điều gì thậm chí đến mức suồng sã, bỡn cợt, phá vỡ vẻ mực thước trang trọng quen thuộc của văn xuôi. Người ta dể dàng tìm được những câu văn như lời trò chuyện sinh động, tự nhiên. Ở nhân vật Ngân trong truyện ngắn Người vợ trinh trắng của Nguyễn Quỳnh ta thấy có sự chua chát về giọng điệu của một người vợ khi chuyện chăn gối vợ chồng không được như ý muốn: “Thằng gay nào cũng giống anh thì hời quá nhỉ (…). Đêm nay tôi ở khách sạn với một kẻ được gọi là đàn ông” [54;258]. Những lời lẽ này làm cho người đọc tưởng như Ngân đang muốn phá rào để đi tìm sự thỏa mãn riêng của mình: “Ôi! Một thằng gay đạo đức… Người yêu anh cấm không cho anh làm tình với vợ dù chỉ một lần à?”
[54;262] Lời nói của cô mang một sắc thái thật chua chát của một người vợ trong cuộc sống gia đình.
Lần theo truyện ngắn 2008 - 2009, giọng điệu chua chát, táo tợn đã góp phần thể hiện tính cách của con người. Truyện ngắn Thầy dạy toán của Ma Văn Kháng kể về mối quan hệ của thầy Đôi với cô học trò mà theo lời thầy Tín thì: “Cái Đăng xinh xẻo, học lớp mười đã vàng đeo đầy tay, đầy cổ, nhưng sành sỏi đường buôn bán trục lợi, lăng loàn đanh đá, thô tục, khinh người. Họa có mầm lấy nó thì thầy làm vợ, nó làm chồng đấy, thầy Đơ ạ” [53;153]. Thế nhưng sao Chổi Ha lây thì người ta có thể tính toán được ngày giờ xuất hiện còn ái tình thì không thể tính trước được. Cô học trò Đăng cười phe phé và tuyên bố: “Cái lão Tín cười ha hả như vả vào l. bà, có nói nữa thì lão Đôi cũng đừng hòng thoát khỏi tay tao” [53;155]. Một học trò mới lớp mười mà phát ra ngôn ngữ vừa thô tục lại vừa táo tợn. Thoạt nghe người đọc tưởng như đây là giọng của những người đầu đường xó chợ. Cuối cùng thầy Đôi cũng không thoát khỏi tay cô học trò táo tợn này. Sau hôm tân hôn bà chủ ba toa cười he he với các bà bán thịt: “Thằng cha đúng là hâm đơ dở người thật! Cởi được cái quần dài của vợ rồi thì ngây tán tản ra chẳng biết làm gì tiếp nữa. Chờ sốt cả ruột, nhổm lên hỏi thì ối ông giáo toán số một với ông nhà giáo ưu tú ơi, ông còn loay hoay như chú học trò đứng trên bảng chưa biết giải bài toán thế nào! Ai đời, si líp kiểu mới thắt dây ở bên cạnh mà cũng không biết lối cởi thì có là người đời không chứ!” [53;165]. Sau những lời đó khiến người đọc phải suy ngẫm về một học trò lớp mười mà phát ngôn như thế. Đây vừa là lời nói táo tợn, có phần nào đó chua chát nhưng cũng là lời đay nghiến thầy Đôi. Vì thế, đoạn văn chứa đầy giọng điệu chua chát của người vợ muốn trách chồng là người vô tích sự mà thầy Đôi không hề hay biết. Qua đây, tác giả còn gióng lên hồi chuông cảnh
tỉnh đối với những cô cậu học trò đang ngồi trên ghế nhà trường phải biết suy nghĩ trước khi đưa ra phát ngôn của mình.
Các nhà văn trong truyện ngắn 2008 - 2009 là những người rất có trách nhiệm và luôn ý thức được việc sáng tác của mình. Do vậy mà các tác phẩm của họ đã phản ánh muôn mặt của đời sống, không hề né tránh hoặc dấu diếm những gì tưởng như khó nói trên từng trang viết. Với việc phản ánh muôn mặt của đời thường vào trong sáng tác của mình họ đã phần nào tạo nên giọng điệu táo bạo, từng trải xuất phát từ ngôn ngữ đời thường, kể cả khi phản ánh những điều tế nhị nhất. Chẳng hạn trong truyện ngắn Thầy dạy toán của Ma Văn Kháng đã viết: Ngày cơm no đêm cưỡi bò, sướng như tiên không biết, lại loe ngoe như nghe mọc ngược, tự dưng giữa trưa nứng quá, đuổi theo tớ đòi hỏi, bị vập mặt vào cột nhà, không mù là may!”[53;159]. Giọng điệu ấy chỉ có thể xuất phát bởi những ngòi bút muốn phô bày tất cả những hiện thực của cuộc sống lên các trang viết của mình.
Với giọng điệu chua chát, táo bạo các tác giả đã không để cho nhân vật của mình chìm trong những suy tư nội tâm. Vì thế, nó đã tạo cho dòng kể của họ luôn sôi động tuôn chảy. Đó chính là sự tuôn chảy về câu chữ làm cho người đọc có cảm giác tốc độ truyện diễn ra nhanh thoáng, ít điểm dừng, mọi vấn đề được giải quyết nhanh chóng, ít vòng vo. Như vậy, viết về sự phức tạp, xô bồ của cuộc sống và con người thời kinh tế thị trường các nhà văn ít đi vào lột tả tâm trạng nhân vật mà chủ yếu đi vào miêu tả cách ứng xử của con người trong thời đại mới. Do vậy, truyện ngắn của họ hấp dẫn người đọc ở độ căng của truyện với giọng điệu chua chát, táo tợn, từng trải mà các nhà văn đã thể hiện trong các tác phẩm.