7. Cấu trúc của luận văn
2.1.2.1. tài tình yêu
Tình yêu là đề tài vĩnh cửu của văn chương nói chung và truyện ngắn nói riêng. Nó là đối tượng khai thác không bao giờ cạn kiệt trong cảm hứng sáng tạo của văn học. Có thể nói ở đâu có cuộc sống thì ở đó có tình yêu. Nhưng tình yêu lại là thứ tình cảm thầm kín riêng tư nhất mà không phải ai và lúc nào cũng có thể bộc bạch thành thực. Trong lịch sử văn học, không phải thời kỳ nào đề tài tình yêu cũng được quan tâm như nhau. Trước cách mạng tháng Tám, tình yêu là đề tài lớn của văn học lãng mạn đặc biệt là tiểu thuyết của Tự lực văn đoàn. Nó góp phần chứng minh sự phát triển quan trọng của tư tưởng nhân văn trong văn học nước ta. Các nhà văn nổi tiếng của thời kỳ này như Nhất Linh, Hoàng Đạo, Khái Hưng, Xuân Diệu, Nguyễn Bính… đã có những tác phẩm đứng ở vị trí trang trọng trong trái tim người đang yêu, để nói hộ cho những cảm xúc, những nỗi niềm trong những tình huống, những thời khắc, những biến tấu muôn vẻ của tình yêu.
Thế nhưng, tình yêu vẫn in đậm dấu ấn của con người trong mọi thời đại. Nó cho thấy đời sống tinh thần, đời sống tư tưởng tình cảm của một thế hệ. Tình yêu trong văn học lãng mạn 1932 - 1945 chủ yếu là tiếng nói của tầng lớp thanh niên tiểu tư sản chưa tìm thấy hướng đi tích cực cho cuộc đời mình và tình yêu trở thành cứu cánh giúp họ trốn tránh hoặc lãng quên thực tại buồn chán. Lần đầu tiên cuộc cách mạng tháng Tám đã giải phóng dân tộc khỏi xiềng xích nô lệ. Đồng thời cũng giải phóng biết bao lứa đôi ra khỏi những cuộc đời chật hẹp, tối tăm, của những giấc mơ nhỏ nhoi không lối thoát. Truyện ngắn 2008 - 2009 lại không đơn thuần chỉ là những câu chuyện lãng mạn, thấm đậm nước mắt mà còn là cái cớ để các tác giả nói về niềm ao ước có được tình yêu mãnh liệt và bất tử, về khát vọng hạnh phúc giữa những xô bồ phồn tạp của cuộc sống. Truyện ngắn 2008 - 2009 đã khám phá đầy đủ các cung bậc của tình yêu: Những dư vị ngọt ngào, sự dữ dội, ngang trái, nỗi đau đớn xót xa, cả khát vọng lẫn sự chối bỏ trong tình yêu…
Tình yêu của Cường và nhân vật Tôi trong truyện ngắn Dịu dàng như cỏ của Trần Thùy Mai là một mối tình hết sức đẹp đẽ, tưởng như không có thật ở trên đời. Mười năm họ lấy nhau, họ sống hạnh phúc trong ngôi nhà ở lưng chừng đồi, từ cổng đến nhà thoai thoải con dốc nhỏ. Những bậc đá trắng viền xanh, lấm tấm hoa tím sau nhà là một vườn nho trĩu quả. Cuộc sống của họ thật lãng mạn. Cuờng suốt ngày tất bật với công việc không còn cả thời gian để quan tâm đến vợ. Nhưng nhân vật tôi - vợ anh lại hiểu và thông cảm cho anh. Sau những lần bị té êm ru trong vườn nho sau nhà, nằm lịm luôn vài giờ mới tỉnh, Cường mới sực nhớ đến lời hứa ngày xưa là cho vợ đi học đàn. Tình yêu của Cường là sự cứu chuộc cho những nhọc nhằn của cuộc sống đời thường mà anh đã quên đi. Chính tình yêu này đã nâng đỡ họ trong cuộc sống. Nhân vật tôi chăm chỉ tập đàn và cuối cùng cô cũng thể
hiện được kết quả của mình trong một buổi văn nghệ kỷ niệm hai mươi năm quan hệ ngoại giao tốt đẹp. Cô đã thành công nhờ sự động viên an ủi của Cường, nhờ sự dạy bảo tận tình của thầy Rudolph. Trong truyện tác giả đã hướng theo nhu cầu tình cảm và khát vọng của nhân vật để xây dựng lên một không gian của tình yêu mang sắc màu huyền thoại. Không gian học đàn của nhân vật tôi được tác giả miêu tả rất tỉ mỉ chi tiết nhưng bao giờ cũng đẹp, cũng lung linh, hư ảo bởi nó được soi chiếu qua nội tâm nhân vật.
Khác với tình yêu của Cường thì tình yêu của Tuấn trong Ngẩng đầu lên đi em (Đỗ Tiến Thụy) lại không dám vượt qua bệnh tật của Nga ngày xưa để đi đến với tình yêu đích thực của mình. Anh là một chàng trai ngốc nghếch, không đoán được tôi đang nghĩ gì. Tuấn Anh đã được đọc lại quá khứ của Nga bằng những dòng chữ do chính cô viết ra và anh đã rời xa Nga, không tìm lại Nga nữa. Vậy đó có phải là một tình yêu đẹp không? Còn Nga được sự động viên an ủi của cô giáo Nhâm, Nga đã lấy lại được bình tĩnh tự tin và luôn “Ngẩng đầu lên” để bước những bước đi dứt khoát nhằm hướng bến xe để lại trở về với công việc thường nhật của mình.
Có thể nói, ở một phương diện nào đó truyện ngắn hay 2008 – 2009 là những câu chuyện tình, những không gian hò hẹn, những kỷ niệm đôi lứa thường được nhìn từ những hoài niệm đã được chính nhân vật huyền thoại qua lăng kính tâm tưởng. Truyện ngắn Ngày anh im lặng được Cấn Vân Khánh dựng lên để thể hiện những kỷ niệm đẹp về một thời tuổi trẻ. Tuy không đến được với nhau, họ ra đi trong im lặng nhưng hai người vẫn để lại trong nhau những dấu ấn tốt đẹp của một thời. Hay huyền thoại về những nữ thần trong lịch sử như Thần nữ đi chân không của Trần Thùy Mai. Cũng có những mối tình được tác giả miêu tả ở thời hiện đại. Những mối tình như những sợi xích níu giữ nhân vật, biến thực tại thành dư âm của đau khổ, dằn vặt. Đường vòng của tình yêu là câu chuyện về một mối tình như vậy.
Nhân vật K trong Đường vòng của tình yêu là một người thông minh biết tận dụng những lợi thế mình có. Biết mình là người trẻ tuổi lại là con trai độc nhất trong một gia đình khá giả nên mọi quyết định của K đều được mọi người trong gia đình tán thành đồng ý. Sau một lần vào Đà Nẵng đi công tác anh quyết định sẽ lấy L ở trong đó. Theo K thì L là một người sôi nổi, thông minh. Tiếng Anh thì khỏi phải bàn. Sau khi mẹ K ra viện K đã mua vé máy bay vào Đà Nẵng, Không báo trước cho L để gây sự bất ngờ. Nhưng khi đến ngõ nhà L thì thấy chiếc xe của tay trưởng phòng đang ở đó, lại nghe tiếng hai người âu yếm nhau. K giật mạnh cửa thì gã trưởng phòng lao mạnh vào người chàng, chàng bị ngất đi, khi tỉnh dậy người đầu tiên chàng nhìn thấy là M một người hàng xóm tính ra đã hai mươi mốt năm nay. Cuối cùng chàng cũng nhận ra được một điều là “anh bây giờ mới nhận ra là đời anh không thể sống thiếu em”. Chàng đưa ra một câu như chân lý nói về tình yêu. “Nói chung để nhận ra tình yêu đích thực cũng phải qua thử thách”. Quá khứ tình yêu của họ thật ly kỳ, hấp dẫn, nhưng chính nó đã giúp họ tồn tại để trải nghiệm những đau khổ và hạnh phúc của một kiếp người.
Đọc những câu chuyện tình yêu trong truyện ngắn 2008 - 2009 người đọc được sống trọn vẹn trong không gian, thời gian, trong hơi thở mang đậm tính cổ tích, lung linh huyền ảo. Phải chăng chính điều đó đã làm cho truyện ngắn về tình yêu trong hai năm nay hấp dẫn hơn. Người tình phố huyện của Đức Hậu đan cài giữa công việc thời buổi kinh tế thị trường và mối tình cũng được đong đếm bằng tiền. Hùng là một cai thầu các công trình xây dựng, một tay cũng thuộc dạng anh chị trong giới giang hồ, anh đã đút lót ông Thuyên chủ tịch huyện một trăm triệu để trúng gói thầu này nhưng không được, tiền cũng bị mất. Anh quyết định phải có cách mổ mèo lấy cá
như các cụ dạy. Anh ngồi ở quán cà phê đợi Cốm (Lệ Diễm) một gái nạ dòng nằm trong những phụ nữ có nhan sắc, sống tự do, được mệnh danh là
đội săn bắt sếp. Họ cùng trao đổi giá cả với nhau cho người vợ hờ sẽ ra mắt ông chủ tịch huyện vào chiều nay. Chiều đến, ông chủ tịch huyện ngỡ ngàng, ông toát hết mồ hôi khi đi cùng Lệ Diễm là Hùng và họ đã là vợ chồng của nhau. Ông gói đủ số tiền trả lại cho Diễm. Sau khi ra về Diễm còn quay lên vòi ông thêm một số tiền lớn nữa để trả giá cho những lần ngủ qua đêm với ông. Ông chủ tịch huyện thì mồ hôi ướt đầm mặt và tóc còn Diễm và Hùng thì cười khanh khách. Mặc dù đóng hờ là người tình của nhau nhưng trong thâm tâm họ vẫn suy nghĩ về việc mình đã làm “vì ông ấy buộc chúng ta phải làm thế, chứ anh cũng chẳng muốn thế”.
Nét riêng trong truyện ngắn viết về đề tài tình yêu trong truyện ngắn 2008 - 2009 là tình yêu luôn gắn với định mệnh. Định mệnh xui khiến, sắp đặt những cuộc gặp gỡ tình cờ để họ làm tình với nhau say đắm, định mệnh cũng sắp sẵn những giới hạn không thể vượt qua trong mỗi đời người khiến những người yêu nhau phải biệt ly, xa cách. Trong quan niệm của người Phương Đông, định mệnh là cái trời định sẵn, không thể chống đối, trốn chạy hay vượt thoát. Có lẽ điều này lý giải được vì sao truyện ngắn 2008 - 2009 viết về tình yêu lại đẹp như vậy, nhưng hầu hết kết thúc lại là con đường hai ngả, là dang dở, phân ly. Đọc những truyện ngắn: Người yêu bé nhỏ của Hoàng Phủ Ngọc Tường, Người vợ trinh trắng của Nguyễn Quỳnh,
Phải lòng của Đặng Thiều Quang … ta thấy đó đều là những mối tình ở ngoài cánh cửa hôn nhân nhưng rất trong sạch, không vướng chút dục vọng bản năng nào. Nó không nghiêng về những kiểu tình yêu trần trụi, vô luân, đậm màu sắc tính dục mà là những mối tình lãng mạn, đằm thắm như thuở ban đầu. Cuộc sống hôn nhân thiếu sự cảm thông chia sẻ, gây những chán nản vu vơ, rồi những cuộc gặp gỡ định mệnh làm nảy sinh tình yêu… Sau hôn nhân, nhân vật trong truyện ngắn 2008 - 2009 tìm thấy ở người mình yêu niềm cảm thông chia sẻ, là đời sống tinh thần lãng mạn, đẹp đẽ mà trong
hôn nhân họ không thể có được chứ hoàn toàn không có chút toan tính vụ lợi hay chỉ đơn thuần là sự sống cuồng si thể xác. Đa số các nhân vật khi gặp tình yêu định mệnh đều có sự băn khoăn, day dứt giữa khát vọng và thực tại để rồi cuối cùng có sự lựa chọn cần thiết cho cuộc sống của mình. Dù lựa chọn chưa hẳn đã đúng với mọi người và nhiều khi nhân vật phải tự dập tắt khao khát hiện sinh cháy bỏng trong lòng.
Nhân vật Hằng trong Lông ngỗng trắng của MC Ammond Nguyễn Thị Tú đã không thể vượt qua được những ham muốn của con người để thực sự vươn đến chân trời riêng của chính cô. Hằng nhận được một bức thư của một vị giáo sư do gửi nhầm email. Cô lập tức viết lại cho ông, mục đích thực tập Tiếng Anh. Đã từ lâu cô luôn ao ước được ra nước ngoài và làm việc tại đó. Cô đã dựng lên mọi chuyện trong lá thư xin việc là có một người chú tật nguyền. Hằng muốn học hỏi tu dưỡng và thực hiện nỗi khát khao cống hiến của mình. Cô được bà Anapha tuyển dụng và sang Canađa làm trong tổ chức nhân đạo nhằm giúp đỡ người bị chứng bệnh tâm thần. Ở môi trường làm việc cô vẫn “sống nghệ thuật” mà trong con người của cô không hề có. Cô luôn làm hài lòng tất cả mọi người, kể cả người yêu. Hằng yêu Tôi một người sinh ra trong một vùng quê nghèo ven bờ biển nhưng với anh thì lòng trung thực và đạo đức của con người luôn đặt lên hàng đầu “Nói dối là nói dối. Bất kỳ nhỏ hay to. Đây là đạo đức”. Còn Hằng thì luôn ủng hộ việc nói dối miễn là không phá hại đến người khác. Do những lần tranh cãi, hờn giận như vậy nên trong lòng anh đã xuất hiện một thứ cảm giác hoang mang khó tả. Chàng nhìn cặp nhẫn cưới nhưng trí óc lại hiện lên hình ảnh câu chuyện thần thoại bà ngoại kể: “Những lời nói dối cũng như những sợi lông ngỗng ấy. Chúng có thể bay đi những ngõ ngách xa, rất xa, chẳng bao giờ lấy lại được”. Chính Hằng đã đánh mất đi tình yêu của mình bằng những lời nói dối. Tình yêu trong truyện ngắn 2008 - 2009 hầu hết là dang dở, là
không thành, là ngắn ngủi, là cách ngăn. Nhưng nó lại là thứ để khát khao, thậm chí để ngưỡng vọng và tôn thờ. Vì thế những câu chuyện tình trong truyện ngắn này thường gợi cho người đọc những suy nghĩ, trăn trở về con người hiện đại lưỡng diện, vừa khát khao “xé rào” để tìm đến với tình yêu, lại vừa không dám sống với tình yêu. Bởi “những giới hạn không thể nào vượt qua” mà họ tin rằng đó là định mệnh.
Với đề tài tình yêu, truyện ngắn 2008 - 2009 là những câu chuyện mang màu sắc hư ảo, luôn hướng tới niềm khát khao một tình yêu vĩnh cửu, tình yêu vô biên tuyệt đỉnh giữa cuộc sống đa chiều và phức tạp. Chính điều đó, khiến cho những cuộc tình không đơm hoa kết trái và nó trở thành biểu tượng để nâng niu và ngẫm ngợi thậm chí là để ngưỡng vọng tôn thờ. Bằng tinh thần nhân văn, truyện ngắn 2008 - 2009 đã gieo vào lòng người đọc niềm khát khao hy vọng vào tình người vào cái thiện, cái đẹp, cái đạo đức, vào hạnh phúc của tình yêu.