7. Cấu trúc của luận văn
3.2.2. Xây dựng nhân vật qua miêu tả tâm lý
Một trong những phương diện thử thách tài năng, nắm bắt và lý giải đời sống, cũng như bộc lộ rõ quan niệm về con người của người nghệ sỹ là phương diện miêu tả thế giới nội tâm, thế giới tâm lý và tinh thần của nhân vật. Hầu như khi sáng tác các nhà văn đều chú ý tới nhân vật, cố len lỏi vào thế giới bên trong của nhân vật ấy xem nhân vật nói năng, nghĩ ngợi, hành động như thế nào cho đúng. Do vậy, miêu tả tâm lý không chỉ là một yếu tố của chỉnh thể hình thức nghệ thuật mà còn là nội dung cơ bản thể hiện chiều sâu tính cách nhân vật. Trong truyện ngắn 2008 - 2009 với việc xây dựng nhân vật qua miêu tả tâm lý, các nhà văn đã giúp độc giả đi sâu vào khám phá vào đời sống tinh thần của nhân vật đồng thời cũng giúp nhà văn thể hiện được những quan niệm, tư tưởng về cuộc đời.
Nếu việc miêu tả ngoại hình, ngôn ngữ của nhân vật tạo nên vóc dáng bên ngoài và biểu đạt một phần bản chất, tính cách nhân vật thì miêu tả tâm lý nhân vật lại là linh hồn làm nên sức sống lâu bền cho nhân vật. Để đạt được nhưng trang viết về phân tích tâm lý nhân vật một cách sắc sảo đòi hỏi nhà văn phải có tài và phải sống cùng nhân vật. Bởi vì, mỗi con người là một tiểu vũ trụ đầy những bí ẩn. Thế giới bên trong ấy của con người biểu hiện ra bên ngoài rất ít. Do vậy mà cần phải thâm nhập vào thế giới nội tâm, tâm lý con người.
Có nhiều cách để miêu tả tâm lý nhân vật. Nhà văn có thể trực tiếp miêu tả tâm lý hoặc gián tiếp miêu tả các biểu hiện bên ngoài như ngoại hình, hành động của nhân vật. Nhưng cách miêu tả tâm lý phổ biến nhất là độc thoại nội tâm và đối thoại trong nội tâm nhân vật. Đây là cách nhân vật nói với chính mình thể hiện trực tiếp qúa trình diễn biến tâm lý, mô phỏng cảm xúc, suy nghĩ của mình trong dòng chảy trực tiếp của nó.
Với một tâm hồn nhạy cảm và luôn hướng tới thế giới bên trong tâm hồn của con người, các nhà văn đã khám phá thành công trong khi thể hiện diễn biến tâm lý nhân vật. Bởi vì các nhà văn luôn có ý thức xem yếu tố tâm lý như một đối tượng không hề đơn giản, khó nắm bắt. Để đột nhập vào thế giới nội tâm của nhân vật, khai thác dòng suy tư của họ các nhà văn đã sử dụng phương pháp độc thoại nội tâm. Độc thoại nội tâm là tiếng nói, ý nghĩ thầm kín trong tâm hồn, là sự tự đối diện với chính mình của con người. Qua độc thoại nội tâm, các tác giả thường sử dụng những suy tư riêng, cách cảm cách nghĩ riêng của nhân vật. Tuy nhiên không phải ở nhân vật nào, tác phẩm nào cũng được các tác giả sử dụng độc thoại nội tâm. Đối với các nhân vật đàn ông thì hầu như các nhà văn đều ít sử dụng nghệ thuật này. Chỉ những nhân vật nữ - những người hay gặp khó khăn bi kịch trong đời sống mà không biết bày tỏ cùng ai thì độc thoại nội tâm mới là biện pháp hữu hiệu nhất, góp phần làm vơi đi những trăn trở, những khổ đau trong tâm hồn của họ. Nhân vật Phấn trong truyện ngắn cùng tên của Nguyễn Hiệp đã được thể hiện sinh động trong những diễn biến tâm lý chân thực. Xây dựng được nhân vật Phấn là một người đàn bà đã từng sống với tình yêu thương chờ đợi của mình. Chị đã lấy công việc để quên đi thời gian, chạy trốn tuổi thanh xuân đang đuổi sau lưng mình. Nhưng chị vẫn tin và hy vọng rằng sẽ có những người đàn ông đang chờ và sẽ yêu chị thật lòng: “Khi còn trẻ đôi lúc chị còn tưởng tượng bao nhiêu là phấn hoa khắp cùng trời đất đã tụ hội về mà tạo ra vóc dáng hình hài bằng xương bằng thịt của mình. Mình là phấn. Lớn lên, Phấn là kẻ lụy tình. Phấn chìm lặng trong bầu trời tình lụy. Phấn xáo trộn và đổ vỡ. Phấn khát khao thỏa mãn và mong muốn chìm ngập trong cảm giác được yêu…”[54;85]. Từ đây con người của chị bắt đầu dằn vặt giữa quá khứ và hiện tại với bao ý nghĩ miên man trong đầu: “Mắt hoa. Tai ù. Chị bắt đầu chao nghiêng. Chị bắt đầu mê man. Chị thấy rõ ràng bầy ong
đã bay lên rồi hội tụ lại đen kịt trước mặt, bầy ong đã sắp xếp thành hình khuôn mặt, rồi mặt rồi mũi… Đó là hình khuôn mặt người tình cũ của chị, khuôn mặt mà chị đợi chờ ngày ngày đêm đêm trong chín năm làm vợ” [54;97]. Lấy chồng chín năm chị đã nếm đủ mùi vị đắng chát của cuộc sống gia đình. Cái trạng thái “chờ đợi ngày ngày đêm đêm” của chị là một trạng thái hết sức đặc biệt trong nội tâm của con người. Với trạng thái đó, nhà văn như có dụng ý nhấn mạnh sự xót xa, đau đớn của chị khi người chồng luôn chìm trong những cơn say. Sự thật đã trở thành nỗi đau quá lớn đối với chị. Trong sự tuyệt vọng đó chị đã tìm cho mình một hướng đi mới, rời xa khỏi “vũng bùn” đau khổ kia nhưng số phận không hề mỉm cười với chị.
Ngòi bút của các nhà văn đã đi vào nội tâm của nhân vật với những bí ẩn sâu xa của tiềm thức để khám phá các mặt khác nhau trong suy nghĩ và tình cảm của con ngưòi. Thầy Hai trong truyện ngắn Gió lạ của Phan Đức Nam đã độc thoại nhiều lần: “Tui có hàng chục căn nhà lớn mà lúc ngủ chỉ cần vài mét vuông. Bữa ăn dư dã cũng chỉ ăn được vài chén. Trong khi nhiều người không có nhà phải chạy ăn từng bữa (…). Con người ta coi vầy cũng dễ sống, có khi thiếu thiếu một chút mới ráng đấu tranh, khát khao sống. Ai cũng biết con người ta tới thế gian này chỉ là ở tạm, vậy mà cũng tham - lòng tham và sự cầu kỳ làm con người trở nên phức tạp có khi làm khổ mình, và còn làm khổ người khác. Tôi là kẻ có tội đang sám hối” [53;21]. Đây là lời độc thoại mà thầy Hai đã giải thích vì sao cuộc sống của thầy đầy đủ. Một lời độc thoại mang tính triết lý về cuộc sống của con người. Khi cuộc sống đã an bài, mỗi người đều bị ràng buộc vào những vòng vây của nghĩa vụ và trách nhiệm với gia đình thì mối tình của người vợ xưa cũ bây giờ cũng chỉ là kỷ niệm. Nó sẽ là một ám ảnh đối với thầy Hai khi cuộc sống đầy đủ hơn. Qua lời độc thoại ta cảm nhận được màu sắc lý trí rất tỉnh táo để suy xét mọi việc của nhân vật mà đặc biệt đây là lĩnh vực tình
cảm, tình yêu - một lĩnh vực thật khó giải thích, khó nắm bắt. Đã có ý kiến cho rằng: “Đàn ông hơn phụ nữ ở chỗ triết lý về trái tim, nhưng phụ nữ hơn đàn ông ở chỗ nhìn thấu được trái tim con người” quả không sai. Sẽ là giả dối nếu như phủ nhận những gì đang tồn tại, đang diễn ra và người phụ nữ hơn ai hết họ hiểu được điều đó. Cho nên thay vào việc đi tìm những gì đã mất, họ biết cách chấp nhận thực tại, lấy những kỷ niệm đã qua làm chỗ dựa để tích thiện cho cuộc đời hơn. Do vậy đoạn độc thoại đã khuấy động tâm tư, khuấy động lòng trắc ẩn của tác giả.
Ở truyện ngắn Bến đàn bà của Nguyễn Mạnh Hùng cũng đã thâm nhập vào đời sống nội tâm của nhân vật Đông. Ở đây nội tâm nhân vật đã được nhà văn miêu tả trực tiếp vì người kể chuyện đứng ở ngôi thứ nhất giải bày tâm trạng, suy nghĩ của mình. Đông là người may mắn thoát chết ở bến phà năm xưa nhưng quá khứ vẫn cứ hiện về trong suy nghĩ và trong từng giấc mơ của chị. Chị sống trong những giấc mơ giữa quá khứ, hiện tại, những điều có thật và những điều tưởng tượng luôn hòa quyện vào nhau: “Chị đã khóc rất nhiều. hồi ấy, đêm nào chị cũng thấy họ hiện về trò chuyện cùng chị. Có một đêm, họ cười và bảo với chị rằng: ba đứa chúng tao đã hy sinh hết rồi. Chỉ còn mày! Phải cố mà sống. Sống để mai sau còn đẻ hộ chúng tao mỗi đứa một đứa con nhé”[55;130]. Sự sụp đổ về tinh thần đã khiến cho nhân vật triền miên mơ những giấc mơ về những đứa con, về những ngày họ đã phá thủy lôi: “Trong những giấc mơ chị cũng hay bắt gặp trong cái màn mỏng mờ ấy hai đóa sen. Hai ấu hồn nhẹ như sương khói. Chị tắm cho chúng bằng hương của những loài hoa dại, cho chúng ăn những giọt sương tinh khôi đọng trên cành lá. Chúng nhảy nhót, vui đùa. Chúng hát. Chúng gọi chị là mẹ và kể chuyện cho chị nghe hỏi chị những câu làm lòng chị như quặn lại. Mẹ ơi! Sao chúng con lại không có hình hài con người hả mẹ?”[55;132]. Những giấc mơ ấy đối với chị như là một thế giới khác. Đó là
thế giới của tâm linh, của linh cảm, của sự khát khao. Khi miêu tả diễn biến tâm lý của nhân vật Đông nhà văn như đã thật sự hóa thân vào nhân vật để bày tỏ những ước muốn cùng nhân vật.
Có thể nói, phân tích tâm lý nhân vật không chỉ là một phương diện cơ bản của nghệ thuật xây dựng nhân vật trong văn xuôi hiện đại mà đây còn là một ưu thế của truyện ngắn 2008 - 2009. Với biện pháp này, một mặt vừa giúp cho nhà văn khắc họa được nhân vật một cách đầy đặn, hoàn chỉnh, chính xác và chân thực những tâm tư, tình cảm. Mặt khác nó đem lại chiều sâu cho tác phẩm. Cùng với biện pháp nghệ thuật này các nhà văn đã đem đến cho độc giả những trang văn thấm đẫm tình người khi đi sâu vào khám phá tâm lý nhân vật.