7. Cấu trúc của luận văn
3.3. Đổi mới về giọng điệu
Giọng điệu là một trong những yếu tố hàng đầu của phong cách nhà văn, là phương tiện biểu hiện quan trọng của tác phẩm văn học, đồng thời cũng là nhân tố đóng vai trò thống nhất các thành phần khác của tác phẩm trong một chỉnh thể. Các tác giả của Từ điển văn học định nghĩa giọng điệu trong tác phẩm văn học như sau: “Giọng điệu là thái độ, tình cảm, lập trường, tư tưởng, đạo đức của nhà văn với hiện tượng được mô tả”[ 52;111].
Giọng điệu là yếu tố nghệ thuật quan trọng của tác phẩm văn chương. Nó không chỉ đóng vai trò tổ chức, liên kết các yếu tố khác của tác phẩm trong một chỉnh thể thống nhất mà còn là yếu tố quan trọng góp phần làm nên phong cách một nhà văn. Đối với người đọc, giọng điệu là phương tiện giúp họ khám phá chiều sâu tác phẩm, từ đó thấy được giá trị tiềm ẩn của tác phẩm cũng như nét đặc trưng độc đáo của tác giả.
Một nhà văn tài năng phải có giọng điệu riêng, giọng điệu ấy thể hiện không chỉ ở một tác phẩm mà còn thể hiện trong toàn bộ sự nghiệp của họ. Hơn thế nữa, nhà văn đa tài không thể chỉ duy trì một giọng điệu duy nhất
mà còn có thể tổ chức nhiều giọng điệu khác nhau trong các sáng tác của mình. Tuy nhiên, trong các giọng điệu đó phải xác định được đâu là giọng điệu chủ đạo không thể lẫn với ngưòi khác.
Nhà văn Tuốc - ghê - nhép đã từng khẳng định tầm quan trọng của giọng điệu trong việc quyết định tài năng của nhà văn: “Cái quan trọng trong tài năng văn học … và trong bất kỳ một tài năng nào mà cái tôi muốn gọi là tiếng nói của mình. Đúng thế, cái quan trọng là tiếng nói của mình, cái quan trọng là giọng riêng biệt của chính mình, không thể tìm thấy trong cổ họng của bất kỳ một người nào khác… Đó chính là đặc điểm phân biệt chủ yếu của một tài năng sống độc đáo”[68;105].
Giọng điệu không phải là yếu tố ngôn ngữ thông thường trong tác phẩm, nó không phải là phép cộng đơn giản giữa các câu chữ. Ngược lại, nó được tạo thành do sự kết hợp hài hòa, cộng hưởng của những yếu tố ngôn ngữ cùng với sự thăng hoa cảm xúc của chủ thể. Do đó, để nhận diện giọng điệu, gọi tên nó, người đọc phải căn cứ vào hệ thống từ ngữ, cú pháp, những mô típ hình tượng được sử dụng trong tác phẩm dưới sự chi phối của một cảm hứng chủ đạo nào đó và sự quy chiếu của một điểm nhìn cụ thể. Giọng điệu ấy lặp lại nhiều lần ở nhiều tác phẩm khác nhau sẽ tạo ra giọng đặc trưng của một nhà văn. Giọng điệu biểu hiện tình cảm thái độ của nhà văn đối với đối tượng miêu tả, quy định cách xưng hô, gọi tên, dùng từ, sắc điệu tình cảm, cách cảm thụ xa gần, thân sơ, thành kính hay suồng sã, ngợi ca hay châm biếm. Giọng điệu là một yếu tố đặc trưng của hình tượng tác giả trong tác phẩm. Nếu như trong đời sống, ta thường chỉ nghe giọng nói nhận ra con người thì trong văn học giọng điệu giúp ta nhận ra tác giả.
Như vậy, giọng điệu là hiện tượng siêu ngôn ngữ, gắn liền và chịu sự chi phối của chủ thể sáng tác, liên quan tới đối tượng phản ánh, được thể hiện qua sự giao hòa của các yếu tố thuộc ngôn ngữ trong tác phẩm. Chúng
tôi căn cứ vào cách hiểu về giọng điệu trên để vận dụng vào việc tìm hiểu, nhận diện, lý giải, đánh giá giọng điệu nghệ thuật trong truyện ngắn 2008 - 2009.