Đặc điểm ngôn ngữ tiểu thuyết

Một phần của tài liệu Quan điểm của nguyễn công hoan về một số vấn đề văn học luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 105 - 114)

Số lượng truyện dài của Nguyễn Công Hoan không phải không lớn (hơn 30 truyện) và số trang lại càng nhiều, một số truyện trên dưới 500 trang, riêng tiểu thuyết hai tập Đống rác cũ đã lên tới trên một nghìn trang. Nếu viết truyện ngắn, ông viết một cách thoải mái, dường như không mấy khó khăn còn khi viết truyện dài ông có chuẩn bị kỹ hơn. Điều đáng quan tâm không chỉ là sự thành công trong sáng tác mà còn ở những kinh nghiệm và kỹ thuật viết truyện nhà văn truyền lại cho các thế hệ sau mình. Với những ghi nhận ấy, chúng ta có cơ sở vững vàng hơn trong việc tìm hiểu quan niệm của Nguyễn Công Hoan về đặc điểm của ngôn ngữ tiểu thuyết.

Những nhà văn lớn bao giờ cũng tạo cho mình một hệ thống phong cách ngôn ngữ riêng, trở thành người nghệ sĩ của ngôn từ. Những nhà viết tiểu thuyết lớn đều là những nghệ sĩ bậc thầy về ngôn ngữ. Để trở thành người nghệ sĩ, bậc thầy ngôn ngữ, họ phải trải qua một quá trình rèn luyện lâu dài và gian khổ để nắm bắt và làm chủ phương tiện biểu hiện bằng ngôn ngữ. Cũng giống như các nhà tiểu thuyết khác, Nguyễn Công Hoan quan niệm, muốn trở thành người thợ cả trong lĩnh vực ngôn ngữ, trước hết, nhà viết tiểu thuyết phải trau dồi, tích lũy vốn ngôn ngữ phong phú, sinh động và giàu có trong cuộc sống, của nhân dân. Nguyễn Công Hoan rất coi trọng việc tìm hiểu nguồn gốc của ngôn từ và một số cách nói trong tiếng việt. Ông cất công nghiên cứu và tìm hiểu rất nhiều từ, nhiều chữ trong kho ngôn ngữ dân tộc và trở thành nghệ sỹ ngôn từ của kho ngôn ngữ ấy. Chỉ với một từ “nhà” thôi, nhà văn cũng đã tìm ra được hàng trăm nghĩa của nó. Ông kết luận: “Tôi đố một thứ tiếng nước ngoài có một chữ để dịch cho lọn ý nghĩa nên thơ của chữ “nhà” trong tiếng nói Việt Nam” [28, 358]. Rồi

những chữ như: “Đánh”, “Được”, “Lái”, “Phó”,v.v... thì phải sử dụng như thế nào để đúng nghĩa của nó, và đặc biệt phải đúng với tiếng ta, không lai căng, không mất gốc, giản dị, thuần khiết, dễ hiểu. Với việc tìm tòi, nghiên cứu, phát hiện ra những ý nghĩa khác nhau của từ, Nguyễn Công Hoan đã tạo cho mình một vốn ngôn ngữ phong phú, đa dạng. Theo cách nói của nhà văn thì: “Nên tùy sở thích, mỗi người chịu khó tìm hiểu về một mặt lịch sử, địa lý, phong tục, tập quán, ngôn ngữ cũ và mới của từng vùng nhỏ, và ghi chép cẩn thận, với ý nghĩa, lý do của nó thì từng cái nhỏ ấy, được khớp với nhau, sẽ thành một cái lớn đầy đủ và vô cùng quý giá” [28, 364].

Theo Nguyễn Công Hoan, mỗi nhà tiểu thuyết cũng đều học tập, trau dồi ngôn ngữ từ những điều nhỏ nhất, và nhận thấy đó là một việc làm nên thường xuyên của các nhà văn. Và để thực hiện được nhiệm vụ đó thì mỗi người viết phải tự mình học hỏi, lắng nghe, để ý mà học tập. Có thể học tập ngôn ngữ ở khắp mọi nơi, từ thành thị đến nông thôn, từ dân gian đến các nơi làm nghề mới. Chính điều này đã giúp cho Nguyễn Công Hoan trưởng thành rất nhiều trong cuộc đời làm nghệ thuật của mình.

Có mặt trên văn đàn ngay từ khi câu văn quốc ngữ còn đang chập chững, non trẻ, là người viết tiểu thuyết, Nguyễn Công Hoan ý thức được rằng ngoài việc xây dựng hình tượng ngôn ngữ, nhà tiểu thuyết còn phải trau dồi cú pháp trong tác phẩm của mình. Nhà văn nhận thấy một thực tế, những người mới bước vào nghề viết văn thường chưa có một phong cách riêng, và chịu ảnh hưởng về ngôn ngữ, cách đặt câu, của những người đi trước là điều không thể tránh khỏi. Nguyễn Công Hoan tâm sự trong Đời viết văn của tôi, cũng tự nhận mình thời kỳ đầu có bắt trước lối văn chương nhịp nhàng của thi sĩ Tản Đà. Cho nên những truyện dài, tiểu thuyết ban đầu: Phải gió, Quyết chí phiêu lưu, Tắt lửa lòng,… Nguyễn Công Hoan còn viết những câu văn du dương trầm bổng, xen lẫn văn vần. Nhưng rồi, quá trình sáng tác của Nguyễn Công Hoan đã phản ánh sinh động sự trưởng thành nhanh chóng đến kỳ diệu của ngôn ngữ văn xuôi quốc ngữ. Nhà văn

đã phải trải qua một quá trình lao động nghệ thuật khổ hạnh và nghiêm túc thì câu văn mới có dáng dấp, vẻ đẹp riêng, mang dấu ấn phong cách nhà văn không dễ trộn lẫn.

Trên cơ sở đó, có thể khẳng định rằng: “Không có nhà tiểu thuyết nào không trải qua “nỗi đau khổ của từ ngữ”. Những nhà tiểu thuyết lớn trên thế giới, Flaubert thường xuyên khổ sở vì câu, bị dằn vặt về âm điệu, hình ảnh của từ, có khi cả tháng nhà tiểu thuyết không viết nổi năm sáu câu; Balzăc có lúc viết đi viết lại một câu hàng trăm kiểu khác nhau” [9, 739]. Nhà văn Nguyễn Tuân cũng là một người rất khó tính về mặt ngôn ngữ, ông cho rằng sau khi viết xong phải sử dụng cả năm giác quan để kiểm nghiệm lại câu văn của mình: “Đọc thầm bằng mắt, nhưng cặp mắt chưa đủ để lọc hết mọi bụi bặm vẫn còn bám theo cái thứ tiếng vừa mới phát biểu của mình. Cho nên phải dùng cả tai mình nữa. Và để phát huy tột cùng hiệu năng của tiếng nói mình, có khi phải dùng tới cả năm giác quan. Ngoài việc soi, lắng, hình như còn phải ngửi lại, nếm lại, cái lời mình viết ra kia, trước khi bưng cho người khác thưởng thức. Có khi lại như chính lòng bàn tay mình, phải sờ lại những góc cạnh câu viết của mình, xem lại có nên cứ gồ ghề chân chất như thế, hay nên gọt nó hoàn chỉnh đi thì nó dễ vào lỗ tai người tiêu thụ hơn” [56, 25]. Và như vậy, phải trải qua một quá trình lao động nghệ thuật công phu thì nhà văn mới trưởng thành, bản lĩnh, vững vàng hơn, ngôn ngữ văn chương cũng vì thế mà có được sức mạnh và vẻ đẹp chân chính của nó: “giản dị, chính xác, rõ ràng, tiết kiệm” [9, 739].

Nguyễn Công Hoan quan niệm ngôn ngữ tiểu thuyết không theo hướng bác học hóa mà theo hướng sử dụng tiếng nói của quần chúng nhân dân. Chúng tôi tán thành quan điểm của giáo sư Nguyễn Hoành Khung khi đánh giá về ngôn ngữ tiểu thuyết Nguyễn Công Hoan: “Về mặt nghệ thuật, Nguyễn Công Hoan tỏ ra khá già dặn, độc đáo. Ông giỏi phát hiện ra những tình huống mâu thuẫn đáng cười, và cách kể chuyện thật tự nhiên, có

duyên, hấp dẫn với một ngôn ngữ sinh động, rất gần với khẩu ngữ hàng ngày không chút gì sách vở” [37, 127]. Về điều này, đứng trên phương diện phong cách học chúng ta thấy thực ra viết và nói chỉ là những dạng tồn tại khác nhau của sự diễn đạt theo một phong cách diễn đạt nhất định. Vấn đề là ở chỗ nhà văn viết hay nói theo phong cách nào? Bác học hay bình dân, sách vở hay khẩu ngữ. Điều này phải ghi nhận ở văn chương Nguyễn Công Hoan qua hàng nghìn trang tiểu thuyết của ông là: ông viết tiểu thuyết bằng tiếng của quần chúng. Lẽ tự nhiên ai cũng hiểu, đó là tiếng Việt, tiếng mẹ đẻ, giống như nhận xét về đặc điểm ngôn ngữ tiểu thuyết Nguyễn Công Hoan: “Truyện An Nam, của người An Nam, viết bằng văn An Nam, cho người An Nam đọc” [28, 133]. Bởi lẽ, ông đã dùng trí tuệ để học trong cuốn sách thiên nhiên của xã hội Việt Nam, trong đó có nhiều người, nhiều cảnh huống, nhiều tâm lý, nhiều ngữ ngôn khác nhau. Vốn sống và nếp sống đã có lợi cho nhà văn, làm kho tài liệu cho ông sáng tác dần sau này. Nguyễn Công Hoan bộc bạch: “Nếu tôi không dùng sự hiểu biết về xã hội Việt Nam của tôi vào việc viết tiểu thuyết, thì chắc chắn rằng, một là tôi sẽ trở nên một thằng chúa đại ngôn. Hai là, nếu tôi dùng cái vốn sống hiểu đời lắm mặt, nhiều khóe của tôi vào việc sinh nhai, tôi sẽ trở nên một thằng đại lừa lọc, đại bịp bợm, đại gian ác” [28, 87].

Đặc điểm của ngôn ngữ tiểu thuyết như Nguyễn Công Hoan quan niệm, về cơ bản gần với quan niệm của các tiểu thuyết gia hiện thực đương thời như Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao… Với khẩu ngữ đồng bằng Bắc Bộ, mà trung tâm là Hà Nội ngàn năm văn vật, cộng với vốn Tây học, chút ít Hán học, các nhà văn đã tạo nên những áng văn bất hủ như Tắt đèn, Bước đường cùng, Sống mòn, Giông tố, Số đỏ…

Trên thế giới, những văn hào nổi tiếng như A.Puskin, L.Tônxtôi, H.Bandắc, V.Huygô,… đều sử dụng chất liệu khẩu ngữ của dân chúng một khu vực dân cư mà tạo lập cho mình ngôn ngữ tác phẩm, để lại cho đời sau những áng văn bất hủ. Nguyễn Công Hoan quan niệm “Người viết văn chịu

ảnh hưởng về mặt nào nhiều nhất, thì có khả năng sáng tác về mặt ấy nhiều nhất” [28, 316].

Nguyễn Công Hoan cho rằng: “Không ai dám tự phụ là biết hết và hiểu hết tiếng mẹ đẻ, nên cần phải học. Nhà văn càng cần nghiêm chỉnh mà học. Học để hiểu tiếng khó, thêm tiếng mới. Đọc bài mà người viết không “hay chữ”, tôi cứ thấy như ăn phở không thịt, mà bây giờ gọi là “phở không người lái”,… Người viết văn không chỉ cần có về vốn sống, mà còn cần có về vốn văn hóa nữa. Bất cứ làm nghề gì, anh ít văn hóa, hoặc không có văn hoá thì anh chỉ biết bắt chước đúng như cái mà người khác đã làm” [18, 394].

Trong Đời viết văn của tôi Nguyễn Công Hoan cho biết ông viết tiểu thuyết bằng lời văn mỉa mai, đùa nghịch: “Khi viết bằng thái độ của tôi, giọng nói của tôi, là tôi nhìn thẳng vào những hiện tượng tinh thần của đời sống của tôi. Tôi cũng không gặp khó khăn” [28, 314]. Từ đó, với quan niệm như vậy, chuyện chủ động của nhân vật tôi, hay chuyện buồn cười kết hợp với giọng kể thì nhà văn viết thành tiểu thuyết. Cho nên: “Khi viết tiểu thuyết, tôi chỉ làm một việc là nắn lại bằng văn một câu chuyện tôi được nghe kể bằng miệng, nắn lại cho chính tôi là người viết nó, phải là người đầu tiên bị cảm xúc” [28, 315]. Nhà văn phải biết dùng lời văn hấp dẫn để đưa tâm trí của độc giả dõi theo câu chuyện để độc giả hiểu được ý định của tác giả.

Viết tiểu thuyết Nguyễn Công Hoan thường sử dụng bút pháp trào phúng quen thuộc như ông vẫn dùng khi viết truyện ngắn. Nhà văn quan niệm: “Cười để lúc buồn thì được giải, lúc vui thì thêm vui” [28, 395]. “Đau thương mà phải cười thì đau thương thấm thía, ăn ngọt vào trong người. Nó sống lâu dài. Mà cái cười khẩy, cười lạt càng nhẹ bao nhiêu thì ý nghĩa của nó càng mạnh bấy nhiêu” [28, 395]. Vì vậy “Viết lối văn hài hước và trào phúng, tôi muốn độc giả đọc mỗi truyện của tôi, đều có tiếng cười chua chát, để khinh, để ghét, để thù những kẻ đáng khinh, đáng ghét,

đáng thù” [28, 396]. Tuy nhiên ngôn ngữ tiểu thuyết hài hước giảm đi so với lĩnh vực sở trường của ông là truyện ngắn.

Nguyễn Công Hoan luôn trăn trở, suy nghĩ, tìm cách viết thế nào cho hay, bởi nghệ thuật luôn là sự sáng tạo, tìm tòi, đổi mới. Nguyễn Công Hoan cũng chú ý sử dụng ngôn ngữ để biểu hiện nội tâm của nhân vật. Nguyễn Công Hoan chú ý tới ngôn ngữ miêu tả nội tâm con người trong những truyện dài. Có thể nói, nhà văn rất hiểu tâm lý nhân vật của mọi hạng người trong xã hội, và trong quan niệm của nhà văn, ông rất hiểu họ, chỉ cần một cái nhếch mép, một cử chỉ, một từ ngữ của họ,… thì người đọc hiểu họ là hạng người như thế nào. Chính vì vậy mà bằng ngôn ngữ, ông đã biểu hiện được nội tâm của con người. Đó là tâm lý của vợ chồng anh Pha (Bước đường cùng), vợ chồng đĩ nuôi (Ông chủ),… gây ấn tượng khá sâu, làm xúc động người đọc. Rồi tâm lý của những nhân vật phản diện như Nghị Lại (Bước đường cùng), Ông chủ (Ông chủ), Bà chủ (Bà chủ),…là những hình tượng tâm lý sống động, tạo sự căm ghét, khinh bỉ trong lòng người đọc.

Tóm lại, do tài năng và liên tục sáng tác, Nguyễn Công Hoan tự rút ra được những kinh nghiệm tốt, từ đó đạt được những thành công nhất định. Quan niệm của Nguyễn Công Hoan về ngôn ngữ truyện ngắn nói chung và ngôn ngữ tiểu thuyết nói riêng không chỉ ảnh hưởng đến tác phẩm của chính nhà văn mà còn bổ ích cho những tác giả khác.

KẾT LUẬN

Nguyễn Công Hoan là một trong những tác giả xây đắp nền móng cho văn xuôi hiện thực phê phán Việt Nam. Ông là nhà văn tiêu biểu cho sức sáng tạo mãnh liệt, người góp phần hiện đại hóa văn học Việt Nam. Ông là một người lao động nghệ thuật đích thực, và là một nhân cách trung thực, chân thành và giản dị. Ông là tấm gương của một người miệt mài lao động sáng tạo nghệ thuật văn học một cách nghiêm túc.

1. Nguyễn Công Hoan đã để lại những ý kiến quý báu về văn học. Những ý kiến về nghề văn, về bản chất của sáng tạo văn chương, về truyện ngắn và tiểu thuyết, về ngôn ngữ văn chương,… tất cả đều được đúc kết từ chính sự trải nghiệm của ông về nghề văn. Quan niệm của ông bộc lộ trực tiếp chủ yếu qua ba cuốn sách Đời viết văn của tôi (1971), Hỏi chuyện các nhà văn (1977), và Với nghề văn (2003). Tuy là một cây bút trào phúng bậc thầy, Nguyễn Công Hoan vẫn khiêm tốn viết những bài phỏng vấn, điều tra ý kiến của bạn đọc, đồng nghiệp qua đó bộc lộ ý kiến riêng của mình về văn chương và truyền lại kinh nghiệm viết văn quý báu cho thế hệ trẻ.

Hồi ký Đời viết văn của tôi (1971), mang tính chất tự thuật, đã tổng kết dù chưa xong đời văn của ông nhưng qua đó những thế hệ viết văn trẻ có thể rút ra cho mình nhiều kinh nghiệm quý giá về văn học. Ông đem cái bộn bề, phức tạp của sự sống cũng như cái phong phú, đa dạng của nghề văn hòa quyện, đúc kết như con tằm nhả tơ để lại cho ta những ý kiến, kinh nghiệm hay, thành thử những trang viết dù mang tính lý luận mà không khô khan.

2. Bàn về bản chất của quá trình sáng tạo văn chương ông rất quan tâm đến vai trò và bản chất của hư cấu trong sáng tạo nghệ thuật. Ông cho rằng hư cấu chính là chất của sáng tạo nghệ thuật. Theo ông “Tiểu thuyết là truyện bịa y như thật. Bịa hay đặt, cũng đều là do lao động sáng tạo. Mà sáng tạo cũng không thể ngoài thực tiễn của lao động” [27, 11]. Ở ông có

sức sáng tạo mãnh liệt và sự sáng tạo ấy luôn luôn gắn liền với thực tế cuộc sống. Theo nhà văn, hư cấu tức là sáng tạo trên cơ sở sự thực. Hư cấu có vai trò rất quan trọng trong sáng tạo nghệ thuật và luôn được Nguyễn Công Hoan cũng như những người sáng tác đề cao.

3. Bàn về cái thực trong cuộc sống và cái thực trong văn chương, Nguyễn Công Hoan dựa trên sự trải nghiệm, sở trường, phông văn hóa, vốn sống của mình. Nguyễn Công Hoan vốn sinh trưởng trong gia đình quan lại và tiếp xúc với chốn quan trường từ nhỏ nên rất am hiểu lĩnh vực này. Nhà văn đã lĩnh hội được bản chất của quá trình sáng tạo, tìm ra mối liên hệ giữa văn chương và cuộc sống. Ông nhận thấy nghề văn cần phải luôn sáng tạo và người viết văn phải có vốn sống phong phú. Vốn sống đó phải được trải nghiệm một cách sâu sắc và quan trọng hơn cả là nhà văn phải có tình cảm với cuộc sống. Theo Nguyễn Công Hoan, từ truyện thật đến truyện đặt phải trải qua quá trình sáng tạo. Trong quá trình sáng tạo, bước đầu tiên và rất quan trọng là tìm được ý của truyện. Phải làm cho truyện từ chỗ không có truyện đến có truyện, truyện từ chỗ có một ý thật cần tìm chi tiết minh họa để cho câu truyện có ý nghĩa lớn hơn.

4. Trong đời viết văn của mình, Nguyễn Công Hoan nhiều lần viết

Một phần của tài liệu Quan điểm của nguyễn công hoan về một số vấn đề văn học luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 105 - 114)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(118 trang)
w