1.2.2. Sự khác biệt giữa cái thực trong cuộc sống và cái thực trongvăn chương văn chương
Nhà văn vốn được xem là “người thư ký trung thành của thời đại” nhưng không có nghĩa là người bê nguyên xi những bộn bề, phức tạp của cuộc sống vào văn chương một cách không chọn lọc. Trái lại, những chất liệu, tài liệu của cuộc sống khi nhà văn đưa vào trong tác phẩm đều được thẩm thấu qua lăng kính thẩm mỹ của nhà văn. Hơn ai hết, là người tâm huyết với nghề văn, Nguyễn Công Hoan ý thức rất sâu sắc về những vấn đề của cuộc sống khi đưa vào tác phẩm văn chương. Bởi vậy, trong sáng tác và đặc biệt là khi viết lý luận, Nguyễn Công Hoan là người đã dành nhiều tâm huyết để thể hiện những quan niệm của mình về vấn đề này.
Đương thời, nhà văn Vũ Trọng Phụng từng nhấn mạnh đến chức năng cơ bản của tiểu thuyết chan chứa một cái nhìn vị nhân sinh: “Các ông muốn tiểu thuyết cứ là tiểu thuyết còn tôi và những nhà văn cùng chí hướng với tôi muốn tiểu thuyết là sự thực ở đời”. Trên cơ sở sự thực đó,
nhà văn Nguyễn Công Hoan có những ý tưởng sáng tạo, ông cho rằng: “Tiểu thuyết là một truyện bịa y như thật, nhà tiểu thuyết là người biết bịa truyện” [28, 146]. Ông nhấn mạnh, “bịa” là sáng tạo ra nội dung không để sự việc như nguyên nó. Phải làm cho nó bổ ích. Đó là do lao động bằng trí óc. Còn “y như thật” là đúng như mọi người nhìn thấy, đúng ở chi tiết, đúng ở toàn thể các sự việc. Tức là, nhà văn đã có sự quan sát cuộc sống để lựa chọn những cái gì đáng chú ý, nhào nặn những cái đó, xây dựng thành nội dung cụ thể để tái hiện cuộc sống.
Quan niệm của Nguyễn Công Hoan đã có sự gặp gỡ với một số tác giả khác, đặc biệt là Nguyễn Đình Thi. Trong cuốn Công việc của người viết tiểu thuyết, nhà văn Nguyễn Đình Thi quan niệm: “Tiểu thuyết, đó là một trong những sáng tạo kỳ diệu của con người, đó là một đồ dùng, một vũ khí của con người để tìm hiểu, chinh phục dần thế giới và để tìm hiểu nhau và sống với nhau”. Ông nhấn mạnh: “Viết tiểu thuyết là sáng tạo lại cuộc sống, nhưng mục đích của việc sáng tạo ấy lại là để truyền đạt tình cảm, truyền đạt những sự nhận xét và đánh giá về cuộc sống, truyền đạt kinh nghiệm sống” [57, 113].
Hai nhà văn, thuộc hai thế hệ, có phong cách nghệ thuật khác nhau nhưng giữa họ có sự gặp gỡ nhau trong quan niệm: Tiểu thuyết là một sự sáng tạo kỳ diệu của nhà văn trên tinh thần, ý thức sự tôn trọng sự thật khách quan của đời sống. Cả hai tác giả, hai nhà văn lớn ấy càng có ý thức trong công việc sáng tác văn học và đều cho thấy rõ mối liên hệ giữa văn chương và hiện thực cuộc sống trên cơ sở những khác biệt giữa chúng. Dù không tự nhận là “người thư ký trung thành của thời đại” nhưng các nhà văn đều ý thức rất rõ vai trò, thiên chức của mình trong sáng tạo nghệ thuật. Theo Nguyễn Công Hoan: “Một hình ảnh, hoặc gọi là một cảnh, một việc thật, thể hiện được ra bằng lời nói hay bằng chữ viết là trải qua ít nhiều sáng tạo, do mình cảm xúc. Họ đi từ chỗ không có hồn đến chỗ có hồn, từ chỗ không có nội dung đến chỗ có nội dung” [27, 26]. Và: “Nếu nhà văn không
sáng tạo mà bê nguyên si hiện thực chẳng khác nào cho người ta ăn thịt sống”. Trên cơ sở đó, ông nhấn mạnh vai trò của nhà văn trong quá trình sáng tạo nghệ thuật: “Là người viết truyện, chúng ta đừng cho độc giả của chúng ta ăn thịt sống. Chúng ta không nên viết truyện đặt. Từ một việc thật đến một truyện đặt, cảm xúc làm chúng ta phải lao động mà sáng tạo” [27, 26].
Nhà văn Nguyễn Công Hoan từng kể câu chuyện: Có một lần đi dạo phố với bạn. Đến một chỗ thấy có đám đánh nhau, người đứng xúm xít xem rất đông. Người ngoài xông vào can ngăn. Hai người không đánh nhau nhưng đều kể tội và đổ trách nhiệm cho đối phương, tỏ rằng mình vẫn là người tốt. Người nghe cố ý giảng giải, hai người thôi không cãi nhau, và cũng thôi không phân trần phải trái để tranh thủ sự đồng tình của số đông nữa. Đám người giải tán. Sự việc cả hai người đều trông thấy cuộc ẩu đả đã diễn biến và kết thúc như thế nào. Riêng với tác giả sự việc này cũng bình thường, không có gì đáng phải bận tâm nên sự việc bị ông nhanh chóng quên đi. Nhưng có lẽ do anh bạn cảm xúc, về đến nhà anh ta thuật lại đám đánh nhau cho mọi người nghe. Thì chính tác giả cũng cảm thấy lạ quá. Dù đã nghe, đã nhìn thấy cảnh đó rồi nhưng khi nghe bạn kể lại tác giả thấy như một việc mới lạ.
Thì ra, do anh bạn cảm xúc, óc anh ta làm việc. Anh ta biết cái nào nên nói trước, cái nào nên nói sau, cái nào thừa không cần nói thì bỏ đi, cái nào thiếu không có trong đám đánh nhau đó thì anh ấy linh động sáng tạo thêm vào, và nhấn mạnh bằng giọng nói, bằng nét mặt, những cái cần làm người nghe phải chú ý. Chính cảm xúc và sự sáng tạo đã khiến cho cái không có hồn trở nên có hồn, không có nội dung trở nên có nội dung. Với cách diễn đạt giản dị, mộc mạc, và dễ hiểu Nguyễn Công Hoan đã trình bày một hệ thống các bước của quá trình sáng tạo văn chương.
Trước hết, ta nhận thấy những đề tài trong tác phẩm mà Nguyễn Công Hoan khai thác khá dồi dào, phong phú. Nhưng cái thực tế muôn hình muôn vẻ của cuộc sống trở thành tác phẩm văn chương như thế nào? Ông
sử dụng nhiều cách. Chúng ta có thể nhận thấy: Bước đầu tiên và quan trọng trong quá trình sáng tạo để những vấn đề của cuộc sống trở thành vấn đề của tác phẩm văn chương là tìm ra được ý của truyện. Nguyễn Công Hoan quan niệm: “Trước khi cầm bút viết một câu truyện, điều cần thiết là tác giả phải có ý định là viết truyện này để làm gì. Theo ý tôi quan niệm, nó là mục đích, yêu cầu của truyện, là tinh thần của truyện. Tôi gọi việc tác giả phải định cho một truyện ấy, là việc lập ý” [27, 27]. Trong bước này, Nguyễn Công Hoan cho rằng có nhiều cách:
Cách thứ nhất: Từ một chuyện thật mà ta biết, không có nội dung, ta làm sao cho nó có nội dung. Ví dụ, truyện Người vợ lẽ bạn tôi, một người thời Pháp thuộc đi làm ông phán để vợ cả ở quê, sinh ra chơi bời nên có nhân tình với cô đầu rồi có con với cô đầu, vợ cả, vợ lẽ ghen nhau sinh ra lục đục. Đối với Nguyễn Công Hoan đó là truyện ngoài đời, là lẽ tất nhiên không có gì đáng để viết thành truyện. Vậy, để thành truyện, thành tác phẩm văn chương, nhà văn phải biến nó từ chỗ không có chuyện thành có chuyện bằng cách kể lại rằng: “Tôi có anh bạn như vậy và đã đến thăm anh ta nhiều lần. Lần nào cũng thấy ở người vợ lẽ sự đổi khác, từ len lén, ngượng nghịu, sợ sệt tất cả mọi người, như một kẻ ăn gửi nằm nhờ trong những ngày mới về, đến bây giờ nghiễm nhiên trở thành bà chủ nhà. Mắng mỏ kẻ ăn, người ở, đánh đập con chồng, đuổi người giúp việc thân tín của chồng để đem tay chân thay vào. Đưa mẹ đẻ đến ở, nắm tay hòm chìa khóa trong nhà, ngăn cản không cho chồng đi chơi với bạn bè thân cũ. Tóm lại, anh chồng mất hết quyền làm chủ nhân ông” [27, 28]. Để truyện mang tầm khái quát nhà văn còn lồng vào truyện một nội dung bằng một câu kết luận: “Thì ra ở đời, mỗi khi nước nọ xâm chiếm nước kia, cuộc chinh phục về mặt kinh tế, về mặt chính trị, cũng đi dần dần từng bước nguy hiểm như vậy” [27, 29].
Cách thứ hai: Truyện đã có sẵn một ý, một truyện có thật, một ý trào phúng, nhà văn chỉ còn việc tìm chi tiết hài hước để minh họa sao cho xứng
đáng với nội dung hài hước của truyện. Như truyện Thày cáu, một ông giáo đi đường vô ý dẫm phải cứt, khi vào lớp ông thấy thối, ông ngờ cho học sinh rồi điều tra, khám xét ráo riết. Sau cùng, một học sinh khám phá ra ở giày thày có cứt. Truyện này, bản thân nó đã có cái ý trào phúng: anh thối mà không biết, còn dùng quyền lực đổ cho người khác là thối.
Cách thứ ba: Truyện do hoàn toàn tưởng tượng, dựng lên cũng thành truyện. Nhưng để thành truyện phải trên cơ sở thực tế khách quan được phản ánh vào đầu óc nhà văn qua những dạng phức tạp hoặc lẻ tẻ, rồi được hội tụ lại hoặc sàng lọc qua lăng kính của người viết. Chẳng hạn, khi Nguyễn Công Hoan viết Chiếc quan tài ông kể lại: “Một năm lụt, tôi đọc báo hàng ngày, thấy in tấm ảnh chụp chiếc quan tài đặt trên chiếc bè chuối. Tôi mới tự hỏi chỗ nước lụt, thì người ta chôn người chết thế nào? Tôi tưởng tượng ra một cảnh là chiếc quan tài này được đưa đến một cái vườn của làng mới bị nước láng vào. Vì huyệt đào đã đầy nước nên người ta phải hết sức ấn quan tài xuống, mới có thể lấp đất lên được. Nhưng rồi, nấm mồ mới đắp bị sóng vỗ vào, làm lở dần đất. Rồi chiếc quan tài nổi bềnh lên. Nó theo chiều gió, nó đi, sau hết, nó lọt qua kẻ hở của lũy tre làng, nó lao ra ngoài theo luồng nước chảy của cái lạch để đi mất” [27, 29-30].
Dẫu chưa thống kê được số lượng những truyện như vậy có bao nhiêu phần trăm là truyện có thật, bao nhiêu phần trăm là truyện nửa thật, nửa hư cấu, nhưng nhà văn khẳng định những truyện tương tự như Chiếc quan tài chiếm số lượng không nhỏ. Trên cơ sở đó, Nguyễn Công Hoan nhấn mạnh: “Đối với truyện tưởng tượng, thì chỉ cần tưởng tượng ra cái cốt, cái chủ đề, chứ còn chi tiết, cảnh để minh họa truyện, thì phải là chi tiết, cảnh tôi đã biết, hoặc trông thấy” [27, 30].
Cách thứ tư: khi thấy một hiện tượng gì, thì tùy theo ý đối lập mà sử dụng nó. Nếu nó có thể làm thân truyện thì tôi thêm vào nó cái kết truyện. Nếu nó có thể làm kết truyện, thì tôi thêm vào nó cái thân truyện. Truyện
con đi bán trong năm đói, ông liền lấy đó làm thân truyện, thêm vào cái cốt truyện (sự khốn nạn của thằng nhà giàu). Hoặc ngược lại, có thể lấy một hiện tượng nào đó làm kết truyện, rồi thêm vào đó cái thân truyện, như trường hợp truyện Báo hiếu: trả nghĩa cha, do tác giả nhìn thấy một đám ma mà trong linh sa có ảnh người quá cố, áo gấm, hột vàng và có một người chống gậy đi sau, khiến ông mường tượng đến tên tri huyện Thanh Hà, tên là Nguyễn Ngọc Chung, là chúa bất hiếu với mẹ. Tác giả lấy ý đó làm kết truyện, rồi thêm vào thân truyện. Nguyễn Công Hoan từng nghe kể về hắn, ngày giỗ cha, nó làm một chuyến buôn thịt lợn để lấy lãi. Mổ một con lợn to, mời thân hào trong hạt đến ăn, ai đến cũng phải sắm lễ, tri huyện thu được lãi kếch xù. Nhưng có một sự việc trớ trêu đã bộc lộ bản chất đê hèn, bất hiếu của hắn. Hôm đó trời mưa, đường trơn, mẹ nó ở nhà quê, lần mò đến nơi, bà cụ ăn mặc quê mùa, rách rưới, nên nó xấu hổ, quát mắng, đuổi mẹ về, vứt cho hai hào nhưng ra lệnh cấm xe ở phố không ai được kéo bà cụ. Nó phạt bà cụ phải đi bộ cho nhớ, để lần sau chừa, đừng bén mảng đến chỗ nó làm quan.
Sự việc thật trần trụi như thế, nhà văn có thể viết thành truyện, kể lại mẩu truyện về tri huyện Chung lợi dụng ngày giỗ bố để buôn thịt và đối xử tệ bạc với mẹ ra sao, kết hợp với đám ma linh đình. Rồi bịa ra về mẹ nó, vì uất ức với đứa con bất hiếu nên bà cụ tự tử, rồi nó làm ma to để che mắt thế gian, thì truyện cũng được. Nhưng nó sẽ dài. Vì ba ý lồng vào một truyện. Thế nào cũng có hai ý khá nổi bật.
Vì vậy, nhà văn đã không sử dụng hết các chi tiết khi xây dựng truyện. Ông đã “bớt cái thừa, thêm cái thiếu”, tức là bỏ chi tiết việc buôn thịt của huyện Chung. Chỉ tập trung xoay quanh việc thằng con xử với mẹ là đủ. Và ông đã tách ra thành hai truyện.
Truyện thứ nhất, ông tả một nhà giàu đương có khách khứa quan trọng đến ăn giỗ bố. Nhưng ông không lấy vai bất hiếu là một tri huyện mà là một tên nhà giàu, chủ hãng ô-tô. Rồi ông tả cảnh mẹ nó ở quê lần ra nhà
nó. Nhưng cửa đóng bằng khóa tây, bà cụ không biết mở, mới ngồi chờ ở bực hè. Bỗng anh người nhà ra, vì tối không trông rõ, tưởng là ăn mày, mới mắng là lại đằng cổng sau mà xin. Bà cụ đến cửa sau, thằng con được báo là có mẹ đến, nó ra gặp. Thấy mẹ nó làm nó xấu mặt, nó tức giận, hầm hầm mắng nhiếc, rồi quẳng cho hai hào và đuổi đi. Truyện viết đến đây thôi đã đủ gợi được tình cảm người đọc. Nhưng để ý nghĩa chua chát hơn nhà văn đã đặt câu truyện là Báo hiếu: trả nghĩa cha.
Truyện thứ hai, ông kể nốt về “lòng hiếu thảo” của thằng con quý tử. Vì bà cụ không về, nên thằng con bất hiếu bắt mẹ ở dưới bếp với đầy tớ. Không chịu nổi đứa con bạc bẽo, bênh vợ khinh mẹ, bà cụ thắt cổ tự tử. Thế là thằng khốn nạn làm ma rất linh đình. Để tả đám ma này, nhà văn đã phải huy động vốn sống của mình để viết. Ông lấy những đám ma thật to mà ông đã trông thấy ở Hà Nội để tả đám ma ấy. Cờ quạt, câu đối, tam sinh, kiệu bát âm, vân vân, rất dài. Riêng cái táng kết toàn hoa sen, tốn đến hàng trăm bạc. Mụ con dâu, thỉnh thoảng theo tục lệ, lại lăn ềnh ra để tỏ rằng mình thương mẹ. Còn thằng con trai thì áo xô, mũ nùn rơm, lưng thắt dây chuối, tay chống gậy, đi lòng còng như người thương mẹ đến hết cả sức lực. Với truyện thứ hai này, nhà văn chỉ lấy lại những tiếng chua chát của truyện trên để đề tên, chỉ thay có một chữ, là: Báo hiếu: trả nghĩa mẹ.
Như vậy, từ những câu chuyện ngoài đời có thật đã được nhà văn thổi vào đó một cái hồn, một cảm xúc chân thành, khiến nó trở nên hết sức sinh động và có sức lôi cuốn. Nhà văn đã dẫn giải sự hư cấu nghệ thuật từ những trường hợp cụ thể của chính mình.
Sở dĩ Nguyễn Công Hoan có một sức sáng tạo mãnh liệt là bởi ông có bí quyết của riêng mình, đó là ông “biết ăn dè, biết để dành đề tài”. “Mỗi truyện của tôi chỉ có thể thâu tóm bằng một câu, nêu lên một ý. Nhiều truyện không thể tóm tắt được. Phải đọc toàn bài mới thấy đậm đà. Vì truyện ngắn của tôi chỉ là sự chắp nhặt những chi tiết để mô tả một việc, một cảnh, một nỗi lòng” [27, 34]. Kinh nghiệm ăn dè, để dành đã giúp cho
nhà văn viết được rất nhiều truyện, từ sự thật trong cuộc sống nhà văn đã sáng tạo những truyện trong văn chương, thật đến mức sinh động như ngoài cuộc đời. Nhà văn quan niệm: “những truyện mà cứ cứng đờ, thẳng thừng như sự thật, thì nó là sự thật, không là tiểu thuyết, có gì là hay, là thú vị. Nó sẽ nhạt như nước ốc, đề tài mà viết nhạt, thì phí cả đề tài” [27, 36]. Cho nên, bao giờ cũng vậy, ông luôn chờ thời, đến khi gặp cảnh, gặp việc để giáng cho chúng một đòn thật trúng và thật đau.