Tác phẩm nghệ thuật bao gồm nhiều yếu tố, nhiều thành phần phức tạp. Tất cả các bộ phận khác nhau được nhà văn sắp xếp, tổ chức theo một hệ thống, một trật tự nhất định gọi là kết cấu. Công việc chủ yếu của kết cấu là tổ chức mối liên hệ giữa các yếu tố thuộc nội dung của tác phẩm (tính cách và hoàn cảnh, hành động và biến cố trong cốt truyện) và các yếu
tố khác thuộc hình thức (bố cục, hệ thống ngôn ngữ, nhịp điệu). Nếu kết cấu được lý giải như một yếu tố thuộc về hình thức thì cốt truyện được xem là yếu tố thuộc nội dung của tác phẩm. Cốt truyện là một hệ thống cụ thể những sự kiện, biến cố, hành động trong tác phẩm tự sự, thể hiện mối quan hệ qua lại giữa các tính cách trong một hoàn cảnh xã hội nhất định, nhằm thể hiện chủ đề tư tưởng của tác phẩm.
Có thể kể lại sườn truyện một cách dễ dàng nhưng khó có thể kể lại đầy đủ cốt truyện của một tác phẩm, nhất là một tác phẩm lớn. Khi có người đề nghị kể lại cốt truyện của một tác phẩm, L.Tônxtôi cho rằng cứ đọc toàn bộ tác phẩm sẽ khắc biết cốt truyện là gì. Còn Đôxtôiepxki nhấn mạnh vai trò của cuộc sống trong việc xây dựng cốt truyện đại ý rằng: đừng bao giờ bịa ra các cốt truyện, anh hãy lấy những cái do bản thân cuộc sống cung cấp. Không một trí tưởng tượng nào nghĩ ra được những điều mà đôi khi cuộc sống bình thường quen thuộc nhất đưa lại. Hãy tôn trọng cuộc sống.
Xung đột xã hội mới chỉ là cơ sở khách quan của cốt truyện, vì vậy, không thể đồng nhất xung đột xã hội với cốt truyện. Khi nói đến cốt truyện, cần chú ý rằng, đó luôn luôn là sản phẩm sáng tạo của người nghệ sĩ. Thông qua cốt truyện, nhà văn vừa khái quát những xung đột xã hội, vừa thể hiện tâm hồn, tình cảm và sự đánh giá chủ quan của họ đối với cuộc sống. Vì vậy, không thể bê nguyên xi những chuyện có thật ngoài cuộc đời vào tác phẩm. Những xung đột xã hội phải được đồng hóa một cách có nghệ thuật nhằm loại trừ những yếu tố ngẫu nhiên, thứ yếu để xây dựng cốt truyện theo hướng điển hình hóa. Vì vậy, cùng xuất phát từ một xung đột xã hội giống nhau, những nhà văn khác nhau lại xây dựng những cốt truyện khác nhau, nhằm thể hiện quan điểm, thái độ, ý đồ tư tưởng, phong cách nghệ thuật, cá tính sáng tạo của nhà văn đối với cuộc sống. Những xung đột
giữa nông dân, địa chủ, quan lại được thể hiện qua nhiều cốt truyện khác nhau trong các tác phẩm của các nhà văn Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Nam Cao, Nguyên Hồng,... là những ví dụ.
Quá trình xây dựng cốt truyện là một quá trình lao động phức tạp và gian khổ. Timôfiép có nhận xét về quá trình xây dựng cốt truyện của L.Tônxtôi như sau: Tất cả các cốt truyện của Tônxtôi đều được thai nghén nhiều năm và mỗi cốt truyện đều có một lai lịch phức tạp và một số phận riêng của nó. L.Tônxtôi lo lắng về các cốt truyện, giận dỗi đối với chúng như người sống vậy, đôi khi ông chán, mệt mỏi vì chúng, vật lộn với tài liệu và ngôn từ để không ngừng hoàn thiện từng cốt truyện, từng tác phẩm. Trong đầu óc thiên tài của ông, trong các phòng thí nghiệm tuyệt diệu ấy, bao giờ cũng có nhiều cốt truyện luôn luôn sống và vật chọi với nhau, làm cho ông phải lần lượt chú ý tới chúng lúc nhiều hơn, lúc ít hơn.
Nguyễn Công Hoan là người đã để lại những kinh nghiệm bổ ích và quý giá về kỹ thuật viết truyện ngắn và tiểu thuyết. Có thể nói, ở lĩnh vực nào Nguyễn Công Hoan cũng có những thành công nhất định. Nhà văn cho rằng: “Tôi viết tiểu thuyết chỉ cho là mình phụng sự nghệ thuật. Những truyện tôi đã viết là do tôi nghĩ ra, nhưng cũng là do bạn hữu kể lại, cho mình nghệ thuật hóa để thành tiểu thuyết. Nhất là những lúc óc nghĩ lắm phải cạn, mà được anh em gợi cho ý, hiến cho một cốt truyện thì lấy làm sung sướng lắm” [28, 417].
Tuy vậy, chúng ta vẫn nhận ra ông là người trăn trở rất nhiều, là người đầy ý thức trách nhiệm với ngòi bút của mình. Một trong những kinh nghiệm viết văn, tạo sự thành công cho tiểu thuyết, là ông ý thức được vai trò và tầm quan trọng của cốt truyện. Ông coi cốt truyện chính là bộ xương của truyện. Cách tạo dựng cốt truyện của Nguyễn Công Hoan thường là sắc nhọn, ở đấy như đang có gì xảy ra và bao giờ ông cũng giản dị, tự nhiên, có vẻ như được nảy sinh một cách dễ dàng, như một cái gì tự thân vốn có chứ
không đòi hỏi một sự cố gắng nào hết. Nhưng nói như thế, không có nghĩa là không cần một sự tìm tòi, phát hiện, một khả năng sáng tạo của người viết.
Ban đầu quan niệm của Nguyễn Công Hoan về cốt truyện tiểu thuyết khá đơn giản. Khi ông nhận ra việc làm thơ rất khó, chỉ dành cho những người đặc biệt có tài thì ông cho rằng, nói chuyện, viết truyện bằng văn xuôi thì nhiều người làm được: “Tôi từng thấy biết bao nhiêu người kể những chuyện rất hay cho tôi nghe. Những người ấy chỉ là những người tầm thường thôi. Tôi tầm thường, tôi cũng kể được chuyện như họ. Tôi cũng viết được truyện bằng văn xuôi” [28, 98]. Sau đó ông nhận ra rằng: “Vì quan niệm thô sơ, ngây thơ về tiểu thuyết như vậy, cho nên tôi mới là con ếch ngồi đáy giếng coi trời bằng vung, mà dám liều lĩnh cầm bút viết tiểu thuyết. Giả sử ngày ấy, có người dạy tôi về những lý luận về tiểu thuyết, nào tư tưởng, nào nghệ thuật, nào trăm thứ bà dằn tính, thì chắc chắn hôm nay tôi không có mặt ở đây” [28, 98].
Và Nguyễn Công Hoan đã áp dụng lối suy nghĩ ấy cho sáng tác đầu tay của mình với đề tài về nữ quyền. Cốt truyện nhằm chế nhạo một hạng phụ nữ ở tỉnh thành, những người học hành dở dang, nội trợ không biết, đức hạnh coi khinh, thấy báo động nữ quyền, tuy không hiểu nữ quyền là gì nhưng cứ vin vào cớ ấy, để tự do ăn chơi. Vì cốt truyện hoàn toàn tưởng tượng, bịa ra những chi tiết rất vô lý để đả kích táo bạo bọn phụ nữ rởm hợm, nên tác giả phải đặt ra là truyện chiêm bao, lấy tên là Phải gió. Rồi chính tác giả cũng nhận ra đứa con tinh thần ban đầu của mình, cốt truyện còn rườm rà, mang nặng thuyết triết lý, giảng đạo đức. Tóm lại, là mắc bệnh khoe khoang văn chương và tư tưởng của người mới cầm bút. Người mới cầm bút chưa bao giờ nghĩ rằng mình còn viết về lâu về dài, còn nhiều dịp để bày tỏ ý kiến mình bằng những cách khác, chứ không phải chỉ có một lần.
Nhà văn đã rút được kinh nghiệm cho thời kỳ hoạt động, sáng tác và trải nghiệm ban đầu, là thời kỳ chập chững đi (theo nhận định của Nguyễn
Công Hoan). Những truyện viết ra không nói lên được điều gì, cốt truyện xa rời thực tế, lối kể rườm rà, tham lam. Nguyễn Công Hoan tự nhận thấy mình trưởng thành hơn nhờ các sự kiện chính trị lớn lao, dồn dập xảy ra ở trong nước và ngoài nước. Bởi vậy, ở thời kỳ sáng tác sau, ông tập trung khá nhiều tâm trí vào việc sáng tác tiểu thuyết. Đọc tiểu thuyết của nước ngoài của Alêchdăng Đuyma rồi quay về tiểu thuyết của Việt Nam: Kim Anh lệ sử và ông nhận ra rằng: “Một truyện dài muốn hấp dẫn phải dựa vào minh họa bằng nhiều truyện ngắn. Tác giả phải khéo làm cho những truyện phụ vào ấy có liên quan với nhau. Và sắp xếp sao cho đúng mộng mẹo để truyện dài ấy có mở đầu và kết cục” [28, 138].
Nguyễn Công Hoan đưa ra quan niệm của mình về cốt truyện tiểu thuyết: “Một tiểu thuyết dài cần có nội dung tốt, thể hiện bằng một hay vài nhân vật chính làm cái cột, không những để toàn thân tiểu thuyết là đại thể truyện của nhân vật chính ấy, mà còn để những truyện phụ, những chi tiết nhỏ trong truyện dài, tựa vào đó mà có đất hoạt động để xây cho cái cột đứng vững, khỏe và ưa nhìn. Hay nói cách khác, nếu tiểu thuyết ví như cái cột gạch, thì cột gạch ấy đã được dựng lên bằng từng hòn gạch dính chắc vào nhau. Ngược lại, muốn cho cái cột ấy được tốt, thì trước hết gạch phải làm bằng đất sét tốt và nung cho già. Cho nên, ở trong truyện dài, cần trước hết là phải có truyện (tức cốt truyện). Và truyện phải minh họa bằng nhiều chi tiết” [28, 139]. Cốt truyện của Nguyễn Công Hoan rất giàu kịch tính, khá hấp dẫn. Một số truyện được chuyển thể bằng kịch bản cải lương (Tấm lòng vàng, Lá ngọc cành vàng, Tắt lửa lòng,…).
Có thể nói, bàn về một vấn đề lý luận phức tạp, tốn không ít giấy mực của nhiều nhà lý luận vậy mà Nguyễn Công Hoan nói một cách giản dị, mộc mạc. Chỉ với những “cột gạch”, “đất sét” mà ông cũng dựng lên được cuốn tiểu thuyết chứa đựng trong đó nhiều vấn đề lớn lao của đời sống xã hội, thể hiện chủ đề, tư tưởng của nhà văn.
Trong quá trình sáng tác, có sự trải nghiệm và cọ xát với thực tế, Nguyễn Công Hoan nghiệm ra rằng: “Lối xây dựng truyện dài bằng nhiều truyện ngắn như kiểu Alêchdăng Đuyma không phải là lối duy nhất làm kiểu mẫu. Đành rằng, cái cột xây bằng gạch thì người thợ nề đặt từng hòn gạch nằm ngang. Nhưng không phải cái cột nào cũng bằng gạch. Còn có những cái cột bằng gỗ, bằng xi măng. Cột gỗ sở dĩ cứng và chắc là do nó được cấu tạo bằng những sợi gỗ xếp dọc thành thớ dính chặt với nhau. Cột xi măng thì lại kết hợp bằng những hạt xi măng nhỏ. Ngoài cái cột lấy làm ví dụ, tôi còn thấy tấm vải dệt bằng sợi ngang đan vào sợi dọc. Thế thì xây dựng truyện dài không chỉ có một cách, mà còn có nhiều cách” [28, 177]. Với quan niệm về cốt truyện của tiểu thuyết như vậy, nhà văn đã thí nghiệm trong khi viết Tắt lửa lòng (1933).
Nguyễn Công Hoan rất tự hào vì là người ít đọc sách để học tập kinh nghiệm mà chỉ mò mẫm một mình, tự mình tìm ra sáng kiến mới, hướng đi riêng. Điều này được thể hiện rõ trong tiểu thuyết Tắt lửa lòng. Truyện có hai nhân vật chính xuất hiện từ đầu cho đến cuối, nhưng xoay quanh hai nhân vật ấy, và làm nổi hai nhân vật ấy nhà văn đã tạo ra một số nhân vật phụ. Ở nhân vật phụ nhà văn cố gắng sắp đặt tình tiết sao cho chặt chẽ để mọi sự việc khớp đúng với mộng. Muốn những cá tính điển hình chính được nổi, nhà văn đã thu xếp các nhân vật và sự việc xen kẽ, trà trộn với nhau, nâng đỡ nhau. Sự sắp đặt hợp lí của cốt truyện ấy tạo điều kiện thuận lợi cho sự thành công của tiểu thuyết Nguyễn Công Hoan. Với qua niệm ấy, ông đã áp dụng và viết nhiều truyện dài khác. Nguyễn Công Hoan quan niệm: “Tiểu thuyết muốn hay phải có sức hấp dẫn. Vậy điều cần thiết cho một cuốn tiểu thuyết là phải hấp dẫn người đọc” [28, 207]. Ông cho rằng: “Tiểu thuyết hấp dẫn không phải ở riêng chủ đề tư tưởng, hoặc nhân vật sống. Nếu ở tiểu thuyết mà chỉ trình bày một tư tưởng, thì một bài luận thuyết có thể làm thay và làm gọn hơn. Cho nên phải có sự việc, tức là truyện để minh hoạ cho nó khác với văn luận thuyết” [28, 207]. Nghĩa là,
theo Nguyễn Công Hoan, sau khi đã tìm được chủ đề tư tưởng rồi, phải biết cách tạo dựng một cốt truyện. Cũng giống như A.Tônxtôi quan niệm về những truyện hay: “Những cốt truyện đó giống như một thứ giai thoại truyền miệng còn “ướt át”, “sống sít” và “run rẩy” sự sống. Nhưng chính vì thế nó trở thành dễ hiểu, nó là một thứ chìa khóa giúp ta lột trần các mâu thuẫn xã hội” [17, 114]. Nguyễn Công Hoan lại biết cách tìm ra những cốt truyện rất ngắn, đôi khi chỉ xảy ra trong vài giây thôi nhưng giống như một “thứ thuốc thử đậm đặc”, có khả năng khiến cho những tư tưởng, những quan sát và những hiểu biết đang chồng chất hỗn loạn bỗng hiện ra thành lớp lang rành mạch.
Sau Cách mạng tháng Tám, khi viết Hỗn canh hỗn cư (xuất bản 1961) Nguyễn Công Hoan lại nhận thức: “Phải xây dựng cốt truyện kiểu khác. Bởi vì, đã là truyện một làng thì không có nhân vật nào là chính hay phụ. Nó là hoạt động của nhiều người, những hoạt động ấy tụ lại với nhau, xoay quanh chủ đề là đi đến chỗ theo cách mạng, theo Đảng” [28, 268]. Nguyễn Công Hoan cho rằng đây là một kiểu khác với cách ông vẫn làm. Ông tự nhận thấy rất đúng là truyện kém hấp dẫn.
Từ những chuyển biến trong nhận thức về quá trình sáng tạo, cho thấy Nguyễn Công Hoan là người luôn luôn cố gắng tìm tòi, đổi mới. Điều này thể hiện rõ trong cách ông xây dựng cốt truyện của tiểu thuyết. Xét trên phương diện cốt truyện, một số tiểu thuyết như Lá ngọc cành vàng, Bước đường cùng, Ông chủ, Bà chủ,… nhà văn xây dựng tương đối thành công. Cốt truyện gọn, ít lan man, dài dòng, có sự phát triển tương đối hợp lý trong toàn bộ câu chuyện, tạo được sức hấp dẫn, lôi cuốn.
Khi trình bày những quan niệm của mình về tiểu thuyết, trong Đời viết văn của tôi, Nguyễn Công Hoan còn nhấn mạnh tới vai trò của chi tiết. Chi tiết đóng một vai trò rất quan trọng trong việc cấu tạo truyện, và viết truyện không khác gì đánh cá bằng lờ ở chỗ nước chảy, “trong việc viết tiểu thuyết, cách cắm đăng, chăng lưới là cách trình bày bằng chi tiết, tiếng
gõ là câu văn để dẫn tư tưởng của độc giả” [28, 370]. Có thể nói, khi viết truyện nhà văn chỉ mượn hiện tượng làm ý chính. Còn cấu tạo nên truyện là do những chi tiết nhặt nhạnh ở đó đây, dàn sao cho gọn và chặt chẽ để làm nổi được ý chính. Theo cách nói của nhà văn: “Từng loại bánh xe lẻ chiếc không dùng làm gì được, nhưng biết lắp vào nhau cho đúng khớp và đúng cách, thì thành bộ máy. Tiểu thuyết chính là bộ máy chạy bằng chi tiết chắp nối hợp lý và hợp tình” [28, 370]. Và: “Xây dựng truyện, mà không có chi tiết thì không có chuyện sinh động, không gây được cảm xúc. Nó là cảnh, là người, là ý nghĩ, tiếng nói, giọng nói, việc làm của nhân vật. Chi tiết thu lượm được trong đời sống sâu và rộng của người viết văn” [28, 370].
Nhà văn so sánh viết văn giống như đánh trận, quân là chi tiết: “Thế trận dàn ra sao, đã hình thành trong đầu óc tôi, đâu là tiền quân, hậu quân, đâu là tả quân, hữu quân, đâu là trung quân chủ lực, toán nào đánh mạnh, toán nào đánh nhẹ… Đặt thế trận là trình bày cốt truyện. Xuất quân là dàn chi tiết. Cho quân hoạt động là kể chuyện. Và như vậy, nhà văn xây dựng truyện bằng cách chắp nối chi tiết, hình ảnh, để cuối cùng ở câu kết, làm nổi bật được vấn đề muốn đặt ra hoặc đã giải quyết” [28, 140].
Nguyễn Công Hoan tập trung sức mạnh của ngòi bút vào việc thể hiện những chi tiết trong khi xây dựng cốt truyện. “Bớt cái thừa, thêm cái thiếu, nhấn mạnh cái cần ở trong sự việc có thật” [27, 45]. Chi tiết đối với ông như một phương tiện hữu hiệu, chiếm một vị trí quan trọng, đôi khi lấn át cả tâm lý nhân vật. Những chi tiết ấy được xâu chuỗi, sắp xếp một cách hợp lý, các sự vật hiện ra rõ nét. Chẳng hạn, trong truyện Đào kép mới, ta thấy có rất nhiều chi tiết thú vị. Đó là bà chủ rạp tuồng An Lạc bán vé nhưng ế khách, “ngồi thừ mặt ra, vạch vú ra cho con bú”. Là bọn vua quan trên sân khấu, “vai vua gầy gò ngồi trên cao, trước cái phông sơn thuỷ, vuốt bộ đuôi ngựa làm bức rèm mồm, nhìn hai dãy bá quan, hát những câu