Nguyễn Công Hoan là một trong những nhà văn xuất sắc nhất của dòng văn học hiện thực phê phán, ông được người đọc yêu mến và trân trọng không chỉ bởi những truyện ngắn mà còn bởi quan niệm của ông về nghệ thuật viết truyện. Tác phẩm in đầu tay Kiếp hồng nhan(viết năm 1920, được Tản Đà thư điếm xuất bản năm 1923), là một đóng góp cho nền văn xuôi Việt Nam bằng chữ quốc ngữ. Đến Kép Tư Bền (viết năm 1927, xuất bản năm 1935), thì ông thực sự trở thành “một nhà văn bậc thầy về truyện ngắn và nghệ thuật trào phúng”.
Là một nhà văn tài ba và tâm huyết với đời, với nghề, Nguyễn Công Hoan độc đáo từ cách nhìn rọi vào cuộc đời, ông lắng nghe và lọc từ trong đó ra những tấn bi kịch và đưa nó vào tác phẩm bằng một giọng văn giễu cợt, mỉa mai. Với tài năng Nguyễn Công Hoan đã tạo nên phong cách
truyện ngắn vô cùng độc đáo, một phong cách rất riêng làm cho ông khác hẳn những nhà văn hiện thực cùng thời.
Quan niệm về ngôn ngữ truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan có nhiều điểm khả thủ. Một phần do ông chịu ảnh hưởng của văn Pháp, nhất là sau những năm học ở trường Sư phạm, một phần do chịu ảnh hưởng của văn Tản Đà, thơ Tú Xương, văn học dân gian, truyện tiếu lâm và văn báo chí đương thời… Nhưng căn bản là Nguyễn Công Hoan tiếp nhận phần lớn những ảnh hưởng hay, tốt, gạn lọc lấy những phần tinh túy, nhuần nhuyễn vào ngòi bút, tạo thành một phần máu thịt trong câu văn của ông. Bởi vậy, nhà nghiên cứu Lê Thị Đức Hạnh đã nhận xét về quan niệm ngôn ngữ của Nguyễn Công Hoan: “Đặc điểm của ngôn ngữ truyện, đặc biệt là truyện ngắn phải gọn gàng, sáng sủa, thiết thực và linh hoạt” [17, 149].
Quan niệm về ngôn ngữ truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan đối lập với quan niệm của các nhà văn lãng mạn đương thời. Là một cây bút hiện thực sắc sảo, nhà văn luôn mong muốn ngôn ngữ của mình phải là thứ vũ khí lật được mặt trái của xã hội, phơi bày hết bản chất xấu xa của nó. Quan niệm này của Nguyễn Công Hoan rất gần gũi với quan niệm của nhà văn hiện thực Nam Cao: “Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật chỉ có thể là tiếng đau khổ kia thoát ra từ kiếp lầm than” [5, 125]. Nếu như ngôn ngữ văn chương thời kỳ này nói chung còn dài dòng, rườm rà hoặc cầu kỳ, hoa mỹ, hoặc vụng về, đơn giản, hoặc thô thiển, kém hấp dẫn, thì quan niệm về văn chương, truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan là một quan niệm đúng đắn và tiến bộ, góp phần đóng góp tích cực vào sự phát triển của ngôn ngữ văn xuôi tiếng Việt. Với quan niệm về đặc điểm của ngôn ngữ truyện ngắn như vậy người đọc nhận thấy trong truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan một thứ ngôn ngữ sinh động, có nhiều sắc thái, nhiều cung bậc khác nhau, thể hiện những thái độ khác nhau của tác giả.
Soi vào trong tác phẩm của Nguyễn Công Hoan ta thấy đặc điểm ngôn ngữ truyện ngắn giống như quan niệm của nhà văn. Người đọc nhận thấy đằng sau câu chữ là một bức tranh sinh động, phản ánh chân thực bộ mặt, bản chất thật đê hèn của quan lại, chức sắc đương thời. Những câu văn nóng hổi tính hiện thực, và gần gũi với cuộc sống. Chẳng hạn, nhà văn tả một tên tư sản tự hào về con chó của mình: “Ông chủ đắc ý cười ha hả, vuốt ve, vỗ mãi má nó, rồi bế nó vào lòng, hôn lấy hôn để, vui thú như được cậu con hay chữ vậy” [29, 36]. Hoặc khi ông tả cái béo của quan phụ mẫu, huyện Hinh,… để dần dần bóc trần bản chất của chúng. Hay như khi ông tả cảnh chợ đông đúc, ồn ào, náo nhiệt: “Người ta chen nhau, đẩy nhau, cản nhau. Một tốp người đi. Một tốp người lại. Tranh nhau đi lại, rồi mắc ngẵng ở lối hẹp. Ủn lại. Người ta đẩy nhau. Một bà đương chổng mông, mặc cả bìa đậu, bị giúi ngã sấp xuống mẹt hàng. Một chuỗi của chẳng ngon bày ra để hiến các ông bà ông vải. Nheo nhéo” [29, 256].
Nguyễn Công Hoan quan niệm, dung lượng truyện ngắn nhỏ nên ngôn ngữ của truyện ngắn cũng phải ngắn. Ông hết sức chú ý tới đặc điểm ngôn ngữ của truyện ngắn. Trong Đời viết văn của tôi, ông nhấn mạnh: “Trong nghề viết văn, cách đặt câu là việc khá quan trọng. Tôi thường cố gắng cho câu của tôi được gọn và rõ. Cho nên tôi chỉ thường đặt câu ngắn. Phải để một câu quá dài dòng là điều vạn bất đắc dĩ, là sự khổ tâm của tôi. Câu văn ngắn thì nó nhẹ. Người đọc nó được nghỉ, được thở luôn sẽ không thấy mệt và không thấy oán người viết. Dù truyện của tôi không hay thì tôi cũng được điểm ấy để vớt lại tình cảm của độc giả” [28, 396]. Câu ngắn là câu có số lượng tiếng ít, thường có kết cấu cú pháp đơn giản. Khi dùng câu văn ngắn làm cho mạch văn đi nhanh, chuyển tải được lượng thông tin lớn, giúp người đọc dễ tiếp nhận tác phẩm. Quan niệm về việc sử dụng câu văn ngắn của Nguyễn Công Hoan có điểm gặp gỡ, tương đồng với các nhà văn hiện thực như Nam Cao, Vũ Trọng Phụng. Dường như họ gặp nhau ở một điểm nhìn về cách chọn những câu văn ngắn để diễn tả hành động nhanh,
mạnh, liên tiếp… Đây cũng là một trong những đặc điểm làm nên sức sống truyện ngắn của các nhà văn hiện thực.
Nguyễn Công Hoan khẳng định sức diễn tả của ngôn ngữ dân tộc: “Khi văn chương mà viết đúng tiếng nói và lối nói của dân tộc thì nó hay, nó đứng vững mãi” [28, 131]. Từ kinh nghiệm ấy, Nguyễn Công Hoan luôn có ý thức trong việc “đặt câu”, “dùng tiếng”. Cũng vì thế mà ngôn ngữ trong tác phẩm của ông luôn trong sáng, giản dị và sống động. Vì vậy mà nhà phê bình Vũ Ngọc Phan đánh giá: “Những truyện ngắn của ông tiêu biểu cho thứ văn vui, thứ văn mà có lẽ từ ngày nước Việt Nam có tiểu thuyết và viết theo lối mới người ta chỉ thấy ở ngòi bút ông thôi” [18, 63]. Nhận xét của giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh trong Con đường đi vào thế giới nghệ thuật của nhà văn cũng khá thú vị: “Bí quyết kể chuyện của Nguyễn Công Hoan khá tài tình, phương thức kể chuyện biến hóa, tài vẽ hình, vẽ cảnh sinh động, khả năng dựng đối thoại có kịch tính, giọng kể chuyện tự nhiên, hoạt bát, lối ví von, so sánh độc đáo, cách chơi chữ dí dỏm” [44, 107].
Quan niệm như của Nguyễn Công Hoan chỉ có ở những bậc thầy ngôn ngữ mà thôi. Nguyễn Công Hoan quan niệm: Ở truyện ngắn, mỗi câu chữ, mỗi dấu chấm, phẩy đều phải được chọn lọc tới mức tinh xảo, hoàn mỹ. Ngôn ngữ của truyện ngắn phải là thứ ngôn ngữ tuân theo những quy luật khắc nghiệt. Cho nên, ta sẽ dễ dàng tìm thấy không ít những ý kiến bàn về đặc trưng của thể loại truyện ngắn gần với quan niệm trên. Ngắn gọn là qui luật của việc cấu tạo truyện ngắn. Nhờ có khả năng phản ánh hành động một cách ngắn gọn, truyện ngắn có khi cũng có thể đạt tới trình độ điêu luyện của nó. Trong Đời viết văn của tôi, ông nhấn mạnh: “Tôi chú ý nhất là làm sao cho câu văn giản dị, sáng sủa, dễ hiểu cho lỗ tai bình thường của người Việt Nam. Nghĩa là làm thế nào đặt câu văn viết như lời nói chuyện, và phải cố làm thế, dù đó là một khó khăn cho người cầm bút mang cố tật ăn nói bằng văn chương” [28, 99].
Có được sự phong phú trong trong quan niệm về ngôn ngữ truyện ngắn bởi trong quá trình dạy học, viết văn, Nguyễn Công Hoan được đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều hạng người. Điều này đã giúp ông có một vốn sống phong phú, một sự hiểu biết sâu sắc về ngôn ngữ, lời ăn tiếng nói của nhiều hạng người trong xã hội. Ông từng tâm sự: “Nghề dạy học là một nghề gần gũi, vì người ta tin rằng làm thầy không phải là nghề làm hại người. Bao nhiêu phụ huynh đến với tôi là từng ấy người sẵn sàng cho tôi biết đời sống của họ. Nghề dạy học là một nghề hiền lành, không làm hại ai, nên người dạy học được người đời không nghi kị mà sẵn sàng bộc lộ tất cả những uẩn khúc của đáy lòng. Thế là 20 năm trong giáo giới, tôi lại được học thêm ở cuốn sách thiên nhiên những điều rất hay trong những trang rộng lớn và vô tận. Tôi được biết thêm nhiều nhân vật từ cách ăn mặc, cử chỉ đến các sinh hoạt thường hoặc bất thường cho đến cách nghĩ ngợi và ăn nói” [28, 306].
Những vốn sống thu lượm, tích lũy đó đã giúp ông có một cách nhìn linh hoạt, tự nhiên trong quan niệm về đặc điểm ngôn ngữ của truyện ngắn. Ông cho rằng, ngôn ngữ của truyện ngắn phải là ngôn ngữ của đời sống, là lời ăn tiếng nói của quần chúng lao động một cách tự nhiên, có chọn lọc khiến văn chương mất hết vẻ đài các, xa vời, trở thành thứ ngôn ngữ tự nhiên, thoải mái, gần gũi với đời sống. Chính bởi quan niệm về ngôn ngữ truyện ngắn chân thành giản dị như vậy nên khiến cho truyện ngắn của ông mang sắc thái sinh động, đặc biệt và gần gũi. Ngay từ khi ấu thơ, Nguyễn Công Hoan đã tiếp nhận và chịu ảnh hưởng của văn học dân gian với những truyện thơ, những bài hát dân gian qua lời ngâm nga kể chuyện của bà. Vốn văn học dân tộc ấy đã thấm dần trong ông, và trở thành một hành trang không thể thiếu trong sự nghiệp sáng tác của nhà văn. Trong các truyện ngắn của ông ta đều thấy thấp thoáng ngôn ngữ của ca dao, tục ngữ, khẩu ngữ,… được vận dụng một cách linh hoạt, hiệu quả. Yêu quý và trân trọng vốn văn học dân tộc, Nguyễn Công Hoan trở thành một trong những
nhà văn tiêu biểu, góp phần làm phong phú và bảo tồn văn hóa truyền thống. Nguyễn Công Hoan tâm sự: “Thói quen viết truyện của tôi là nghĩ thế nào để nói thế nào, thì viết ra lời thế. Tôi cố gắng làm sao cho câu văn bình thường, tự nhiên, giản dị như lời nói, không có vẻ gọt giũa, không có vẻ cầu kì. Nhiều lần tôi phải sửa đi sửa lại cách đặt câu, cách dùng tiếng, cho lời văn giữ vững bản sắc dân tộc, không lẫn với văn dịch. Tôi còn cố gắng dùng cho hết tiếng nói Việt Nam, dùng cho đúng lối nói Việt Nam mà câu văn vẫn sinh động, sáng sủa, gãy gọn” [27, 51].
Ngôn ngữ truyện ngắn Nguyễn Công Hoan phản ánh quan niệm của nhà văn, đó là ngôn ngữ của quần chúng được chọn lọc và nâng cao, đậm hương vị của ca dao, tục ngữ. Đôi khi, ngôn ngữ rất giản dị, giàu hình ảnh, cụ thể, hay so sánh ví von làm người đọc dễ có những liên tưởng thú vị. Từ những kinh nghiệm trong sáng tác, ông cho rằng: “Người viết văn Việt Nam phải có nhiệm vụ là khai thác cái tính chất văn vẻ của tiếng nói và lối nói dân tộc, phải làm sao cho ngôn ngữ Việt Nam ngày một văn vẻ hơn, và làm sao biểu dương được giá trị văn vẻ của ngôn ngữ Việt Nam với quốc tế” [21, 203]. Bởi vậy, khi viết truyện ngắn, Nguyễn Công Hoan luôn giữ cho lời văn trong sáng, chính xác, mang bản sắc của tiếng nói dân tộc. Nguyễn Công Hoan cho rằng, truyện không nên dùng nhiều chữ Hán, nhất là chữ Hán chưa thông dụng: “Thà nói dài một tý mà được sáng sủa như hai người Việt Nam trung bình nói với nhau thì hơn, sẽ tránh được bệnh dùng nhiều chữ Hán chưa thông dụng” [21, 130]. Nhà văn luôn cho rằng người viết văn nên tránh dùng những chữ mượn của nước ngoài còn mới lạ, chưa phổ biến rộng rãi. Nếu sính dùng chữ nước ngoài sẽ bị xem là hợm chữ, khinh tiếng mẹ đẻ, thích ăn sẵn, lười biếng. Không chịu tìm tòi, làm cho tiếng nước mình nghèo đi hoặc xấu đi.
Một vấn đề mà Nguyễn Công Hoan quan tâm khi viết truyện ngắn là đặc điểm của ngôn ngữ nhân vật. Ông quan niệm: “Khi viết tác phẩm, tác giả nên luôn luôn nhớ rằng người đọc của mình là ai, nhân vật của mình
thuộc tầng lớp nào trong xã hội” [21, 204]. Vì vậy, ông phê phán những người viết truyện không nhớ nhân vật của mình là ai, nên khi cao hứng thì nhập ngay hồn mình vào nhân vật ấy. Có khi viết truyện một em bé lên ba mà ăn nói khôn ngoan như người lớn. Hay có truyện tả một người nông dân mà nghĩ ngợi, ăn nói như một trí thức tiểu tư sản ở thành thị. Từ sự phê phán đó mà ông nhấn mạnh quan điểm của mình: “Ngôn ngữ các loại nhân vật phải mang sắc thái riêng, bộc lộ được tâm lý xã hội của từng nhân vật, trộn cũng không lẫn” [17, 117]. Chị nông dân có cái lối nói của chị nông dân, anh phu xe có cách nói của phu xe, anh văn sĩ nghèo có cách nói của văn sĩ, ngôn ngữ của lí trưởng, tri huyện đều bộc lộ được được giọng điệu riêng của từng nhân vật. Chẳng hạn, lời của chị nông dân: “Thưa thầy, giá nhà cháu khỏe khoắn thì nhà con chả dám kêu. Nhưng thưa thầy, từ đây lên huyện, những chín cây- lô - mếch, sợ nhà con đi nắng thì cảm, rồi phải lại thì oan gia” [29, 523]. Về vấn đề ngôn ngữ nhân vật được nhà văn minh họa rất kỹ trong Đời viết văn của tôi. Ngoài ra, có rất nhiều ý kiến đánh giá về quan niệm này của Nguyễn Công Hoan. Ý kiến đánh giá của tác giả Trần Đình Hượu về quan điểm này khá xác đáng: “Câu văn của ông gọn, sáng sủa. Đọc ông độc giả phân biệt được rõ đâu là ngôn ngữ của tác giả, đâu là ngôn ngữ của nhân vật, và mỗi ngôn ngữ nhân vật đều có ngôn ngữ của riêng mình. Với Nguyễn Công Hoan có thể nói, truyện ngắn hiện đại và ngôn ngữ nghệ thuật hiện đại đã hình thành” [35, 263].
Viết truyện ngắn, Nguyễn Công Hoan rất chú trọng tới nhạc điệu của ngôn ngữ lời văn. Ông từng tự hào nhạc điệu của thơ đã được tôi luyện vào óc từ khi còn bé, nên ông áp dụng vào văn xuôi hết sức tự nhiên, không có vẻ gì là khiên cưỡng, áp đặt. Có thể thấy chỉ có các bậc thầy về ngôn ngữ mới có khả năng thể hiện chất thơ trong văn xuôi. Nguyễn Công Hoan là người điều khiển ngôn từ hết sức chủ động: “Tùy trường hợp, để cho câu cứng, khỏe hoặc êm dịu, tôi hay nắn cho chữ cuối đuổi theo giọng bằng trắc, trắc bằng” [21, 204]. Khi viết câu thường được tác giả đặt theo
luồng hơi tình cảm: “Kinh nghiệm cho tôi thấy rằng khi tác giả hòa được luồng hơi viết của mình vào luồng hơi của độc giả, thì dù câu đặt ngoài mẹo luật chung, nhưng khi anh được đồng tình thì không những mọi khuyết điểm của anh được xí xóa hết, mà còn được công nhận là có nghệ thuật nữa” [21, 204-205]. Để giọng nói và lối nói trở thành nét riêng biệt của mình, nhà văn Nguyễn Công Hoan luôn hết sức cố gắng: “Sự cố gắng của tôi khi viết là làm sao để nói thế nào thì viết làm vậy, nói cho đúng giọng tôi và lối tôi nói, không thể lầm với giọng nói và lối nói của người khác” [28, 130]. Nhiều lúc nhà văn dành nhiều thời gian cho việc tìm tiếng và ươm giọng, công việc này đã trở thành thói quen và giúp cho nhà văn gặt hái được nhiều thành công.
Thông thường, người ta chỉ chú ý đến tính chất tự sự (kể chuyện) của truyện ngắn, tệ hơn là coi truyện ngắn như một thứ văn xuôi nôm na mánh khóe. Đó là một quan niệm sai lầm. Truyện ngắn đích thực không bao giờ là những chuyện vặt vãnh, mà mỗi chi tiết dù nhỏ bé cũng ẩn tàng hơi thở của thời đại, nỗi đau, niềm vui của nhân thế.