Tính hình tượng của ngôn ngữ văn chương

Một phần của tài liệu Quan điểm của nguyễn công hoan về một số vấn đề văn học luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 88 - 94)

Bất cứ một loại hình nghệ thuật nào cũng sử dụng chất liệu tự nhiên để xây dựng hình tượng. Mối quan hệ giữa hình tượng và chất liệu là mối quan hệ hữu cơ, xuyên thấm, thâm nhập vào nhau. Hình tượng hội họa được xây dựng bằng đường nét, màu sắc; hình tượng âm nhạc được xây dựng bằng giai điệu, nhịp điệu; hình tượng văn học được xây dựng bằng ngôn từ. Khả năng của ngôn từ nghệ thuật là vô cùng to lớn, và được biểu hiện trước hết ở tính hình tượng của nó. Có thể nói, ngôn ngữ mang tính hình tượng từ trong bản chất. Từ ngữ không chỉ là những khái niệm trừu tượng mà còn là hình ảnh của thế giới khách quan, là hiện thực trực tiếp của tư duy. Khi được sử dụng bao giờ từ ngữ cũng hướng về đối tượng cụ thể nhằm tái hiện và gợi về đối tượng đó. Xét trong bình diện hoạt động ngôn ngữ, từ ngữ vừa có tính cụ thể, vừa có tính khái quát. Vì vậy, ngôn ngữ là cơ sở tất yếu để xây dựng hình tượng vừa mang tính cụ thể vừa mang tính khái quát.

Theo Từ điển thuật ngữ văn học, “Trong tác phẩm, ngôn ngữ văn học là một yếu tố quan trọng, thể hiện cá tính sáng tạo, phong cách, tài năng của nhà văn. Mỗi nhà văn lớn bao giờ cũng là một tấm gương sáng về mặt hiểu biết sâu sắc ngôn ngữ nhân dân, cần cù lao động để trau dồi ngôn ngữ trong quá trình sáng tác” [11, 186]. Do vậy, cùng với các thuộc tính khác, tính tạo hình là một trong những thuộc tính cơ bản của ngôn ngữ văn học. Tác giả từ điển còn nhấn mạnh: “Căn cứ chủ yếu để phân biệt ngôn ngữ văn học với các hình thái của hoạt động ngôn ngữ chính là ở chỗ, ngôn ngữ văn học là hình thái hoạt động ngôn ngữ mang ý nghĩa thẫm mĩ. Nó được sử dụng để phục vụ nhiệm vụ trung tâm là xây dựng hình tượng văn học và

giao tiếp nghệ thuật” [11, 186]. Vì vậy, tính hình tượng của ngôn ngữ là thuộc tính bản chất nhất, xuyên thấm và chi phối các thuộc tính khác của ngôn ngữ văn chương.

Các nhà văn thường quan niệm quá trình tích lũy vốn chữ phải đi song song với quá trình trau dồi cú pháp và các hình tượng ngôn ngữ. Ngôn ngữ nghệ thuật là một thứ ngôn ngữ có hình tượng, giàu chất tạo hình, đập ngay vào giác quan của người đọc. Nhà văn phải chọn những định ngữ cụ thể, chính xác, độc đáo, giàu sức biểu hiện để tạo nên tính hình tượng của ngôn ngữ văn xuôi. Nguyễn Công Hoan sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh đất nước đang bị kìm kẹp dưới chế độ thực dân phong kiến thối nát, đang đi đến chỗ sụp đổ hoàn toàn. Đứng trước hiện thực đó, nhà văn có tinh thần yêu nước, ý thức dân tộc, sự khinh ghét những gì bất công, tàn bạo không thể không đề cập đến những vấn đề lớn của xã hội. Nguyễn Công Hoan đã dùng ngòi bút của mình phê phán mạnh mẽ, sâu cay bọn phong kiến, phần nào bọn thực dân, phơi bày nỗi cực khổ của những người lao động, những người nghèo khổ; phê phán những thói hư tật xấu của nhiều hạng người trong xã hội lúc đó. Chính vì vậy mà ngôn ngữ là công cụ đắc lực giúp cho nhà văn xây dựng những hình tượng nghệ thuật, những sự vật, sự việc cụ thể.

Với cái nhìn về cuộc đời như vậy, Nguyễn Công Hoan quan niệm, để tạo ra những hình tượng của ngôn ngữ văn chương, nhà văn phải sử dụng lối ngụ ngôn, bóng gió để đả kích, châm biếm, giễu cợt. Nhà văn không cần mô tả nhiều, tả cụ thể, tỉ mỉ, chi tiết, chỉ cần bóng gió xa xôi, tác phẩm của ông vẫn thể hiện được cái nhìn phê phán đối với thực dân Pháp. Chẳng hạn, chỉ qua một vài từ ngữ, tác giả đã cho người đọc nhận thấy bản chất của ông chủ người Pháp (Sáng, chị phu mỏ) không chỉ là một con quỷ dâm dục, đầy thú tính mà còn bộc lộ được cả cái tâm địa khốn nạn, bần tiện của một thằng chủ mỏ. Nhà văn tả hắn “tươi tỉnh”, “mừng rỡ” không phải vì sức khỏe của Sáng mà vì hắn đỡ mất 5 đồng đền vết thương cho Sáng. Hay như

đến truyện Lại chuyện con mèo, tác giả nói thẳng ra đó là một người Pháp sống bên thuộc địa, là nhà doanh nghiệp khá to và nhằm giễu cợt lối sống rởm của hắn.

Tính tạo hình là một trong những đặc trưng cơ bản của ngôn ngữ văn xuôi. Mục đích của ngôn ngữ nghệ thuật là biểu hiện hình tượng. Ngôn ngữ là hình thức, tương ứng với hình tượng là nội dung. Hệ thống hình tượng của tác phẩm quy định cách lựa chọn những phương thức sử dụng từ ngữ, cú pháp, ngữ điệu, âm thanh… Nói rộng ra ngôn ngữ nghệ thuật gắn liền với phong cách, phương pháp sáng tác, thể loại, cốt truyện và hệ thống hình tượng của nhà văn. Có thể nói, trước Cách mạng, điều kiện sống và viết của nhà văn Nguyễn Công Hoan còn hạn chế, cả về chủ quan và khách quan, nên ngôn ngữ cũng chưa tạo nên được những hình tượng thực dân cỡ lớn. Ông mới chỉ phác họa được những tên như Tây đoan đi bắt rượu lậu (Bước đường cùng). Đến sau Cách mạng, nhà văn mới thoải mái tung hoành ngòi bút xây dựng một loạt những tên thực dân đầu xỏ, cực ký tàn ác, nham hiểm, khốn nạn. Những công xứ, thống xứ, luật sư, cha đạo, mật thám,… hiện lên bằng xương, bằng thịt, khua môi, múa mép, hành động ra sao, chúng ta đều thấy rõ trong một số truyện Tranh tối tranh sáng, Hỗn canh hỗn cư, Đống rác cũ,…

Nguyễn Công Hoan với sự hiểu biết phong phú, sâu sắc về giới quan lại, ngôn ngữ đã giúp ông xây dựng được nhiều hình tượng đặc sắc, nổi bật. Với quan niệm, lột tả nhẹ nhàng, từ từ, dần dần phanh phui bản chất quan lại, Nguyễn Công Hoan dùng hình thức tả dần dần như vẽ, mỗi lúc một rõ thêm những thủ đoạn, tâm địa của một tên quan. Chẳng hạn, trong Thịt người chết, tác giả mô tả ngắn gọn một việc làm bình thường như cơm bữa, hằng ngày của bọn chúng, tức là việc xoay tiền của dân. Ở phần trên tác giả mới hé cho người đọc biết lí do quan về khám xét tử thi chậm, bởi cả buổi hầu sáng quan không ra công đường, vì đêm trước ngài nhảy đầm trên tỉnh, ba bốn giờ sáng mới về. Ở phần dưới tác giả để cho quan xuất hiện với

tiếng còi ô tô từ đằng xa “thét váng” làm cho đàn quạ hết vía, vừa bay vừa kêu xa xả. Lũ ruồi nhặng cũng hốt hoảng vội trốn cho xa. Sau đấy quan huyện tư pháp cùng với lục sự, lính lệ cùng làm việc, cùng “trịnh trọng khạc nhổ”. Khi cho khám tử thi xong, quan cho đuổi những người tò mò ra xa, “ôn tồn” hỏi về gia tư người có con bị nạn. Trước đó theo ngôn ngữ của tác giả, quan đã biến thành pho tượng bằng sắt đá lạnh lùng, nhưng tới khi khổ chủ tiến tới gần, “nhỏ nhẹ” xin “hậu tạ” thì lập tức hắn “nhìn ông Cửu bằng đôi mắt dịu dàng của một người có trái tim dễ cảm”… Như vậy, từ lúc quan xuất hiện đến lúc hắn xoáy xong tiền, chỉ vẻn vẹn trên ba trang sách, nhà văn phơi bày được cả một tâm địa dã man, tàn nhẫn, mất hết nhân tính của một tên quan. Tác giả đã dùng những hình ảnh châm biếm, độc địa, rất thích đáng với tên mặt người dạ thú này, khi hắn xoay xong tiền rồi thì ruồi, nhặng, cú quạ, lại “tiếc ngẩn ngơ”, vì chúng bị quan huyện tư pháp tranh mất miếng mồi ngon.

Thấy được ngôn ngữ có sức mạnh trong việc thể hiện tính hình tượng của văn chương, Nguyễn Công Hoan rất quan tâm đến những hình tượng sao cho thật chân thực từ ngoại hình đến bản chất. Đặc biệt trong các truyện dài, ông miêu tả đám quan lại một cách kỹ càng. Nếu như trong truyện ngắn ông mới dùng ngòi bút đột phá vào một khía cạnh, một nét tâm lý độc đáo nào đó của một tên quan này hay tên quan kia thì đến truyện dài ông xây dựng nó thành những hình tượng phong phú và đa dạng. Nhà văn rất nhanh nhạy trong việc nắm bắt những nét đặc sắc, độc đáo, có hiệu lực lớn trong việc thể hiện trực tiếp hoặc gián tiếp tính chất cơ bản của chúng là bóc lột, là ăn tiền một cách trắng trợn của người của người cùng đinh. Từ cách nhìn đó chúng ta có thể quan sát sự “ra trò” trong chốc lát của tên quan trong Bước đường cùng. Hắn xuất hiện trước mắt người đọc với đầy vẻ đáng ghét một cái thân hình phì nộn đến nỗi: “đứng trước ngài, người ta có cảm tưởng như lại phải ăn một bữa cỗ đầy ăm ắp những thịt mỡ khi người ta đã no nê” [22, 72]. Tiếp theo, bằng ngôn ngữ giàu hình tượng, nhà văn thể hiện sự oai phong, bệ

vệ của viên quan phụ mẫu từ hình hài cho đến những thứ phụ kiện đi kèm. Duy chỉ có nhân cách thì nhỏ nhen, đểu giả và suy đồi đến không thể tin nổi. Ngôn ngữ tả hành động của hắn khiến người đọc không khỏi không ngơ ngác trước việc làm và nhân cách của một vị thần công lý.

Nguyễn Công Hoan có sự gặp gỡ nhà văn Tô Hoài. Cả hai tác giả đều đề cập đến tính hình tượng của ngôn ngữ văn chương, Tô Hoài cho rằng: “Trước tiên và khi viết văn, bao giờ tôi cũng nghĩ là mỗi câu văn do từng hình ảnh xuất hiện liên tiếp, từng chữ nó nối vào nhau. Chữ của câu văn phải gõ vào, nó kêu được. Chữ phải làm nổi hình ảnh liên tiếp. Cho nên tôi cố gắng, cố gắng để tạo cho người đọc thấy được hình tượng của ngôn ngữ, đọc bằng mắt nhưng chữ vào trong óc để tạo hình ảnh” [27, 138].

Nguyễn Công Hoan vốn hiểu nhiều hạng người, từ lời ăn, tiếng nói, đến hành vi, cử chỉ, bụng dạ và tâm tình của họ. Mặc dầu hay dùng thủ pháp cường điệu, phóng đại, là thủ pháp thường phá vỡ tỉ lệ hiện thực, nhưng truyện của ông lại rất chân thực. Ông đã xây dựng thành công nhiều điển hình phản diện. Chỉ cần một số nét phác thảo cũng đủ gợi lên được một cách sống động, dí dỏm, đậm chất trào phúng về những hình tượng mà ông miêu tả. Chẳng hạn, để giễu cợt, châm biếm cái ti tiện, keo kiệt của cụ Chánh Bá, tác giả đã dựng hắn thành một nhân vật quyền uy, hống hách, “thét ra lửa”, song, lại mang đôi giày “nói theo lời văn cổ điển đẹp lời” thì là “mới nguyên kiểu Gia Định, đế cờ-lếp”, nhưng theo giọng “tả chân” thì “nó xấu đến nỗi không có chữ mà tả”. Bởi lẽ, cụ mua từ Khải Định mấy niên, đến bây giờ đóng đế là lần thứ tư mà nó vẫn hoàn toàn không đế. Mũi thì nứt rạn, vá nhiều nơi. Lượt da thì ải, bật dây gần hết…” [29, 175]. Và để tỏ rõ lối hay uy hiếp người của cụ, tác giả viết: “Bọn thợ khâu giày phải trốn như trạch, vì lỡ ra không nhẹ tay mà chọc mạnh cái mũi dùi vào, thì nó toác ra, thì oan gia” [29, 175]. Dù đôi giày đã rách nát, cụ vẫn chưa tính đến việc mua đôi mới, và nghĩ ra nhiều cách để phạt đầy tớ vì “tội kiệt”. Đến khi cụ bảo nhỏ đầy tớ cách xoáy khéo nhà chủ mời cụ ăn cỗ đôi giày

mới tinh, mới thấy hết thực chất con người cụ. Rồi hình tượng một tên nghị viện ở nông thôn, hay tên tri huyện,…tất cả những điển hình ấy đều hiện lên rõ nét qua sự đối lập giữa hai sự vật bản chất khác nhau, giữa bản chất với hiện tượng, nội dung và hình thức.

Trong quan niệm của mình, Nguyễn Công Hoan luôn cho rằng: “Hình tượng và sự vật tự nói lên điều mà tác giả muốn nói. Nếu người viết tự đứng ra nói thay cho nhân vật hoặc cứ phải bình luận, giải thích thêm vào thì truyện sẽ trở nên nhạt nhẽo, vô duyên” [17, 142]. Trong sáng tác của Nguyễn Công Hoan, người đọc cảm thấy hứng thú khi thấy những lời bình luận của tác giả. Ngôn ngữ bình luận của nhà văn không chỉ làm sáng tỏ vấn đề mà còn tạo ấn tượng sâu sắc về hình tượng nhân vật. Chẳng hạn, lập luận của nhà văn về một tên tri huyện vừa dí dỏm, vừa ác độc: “Tôi cực lực công kích sách vệ sinh đã dạy ta ăn uống sạch sẽ, nếu ta muốn khỏe được mạnh, béo tốt. Thuyết ấy sai. Trăm lần sai! Nghìn lần sai! Vì tôi thấy sự thực, ở đời này, bao nhiêu những anh béo, khỏe, đều là những anh thích ăn bẩn cả” [29, 459].

Bên cạnh đó, Nguyễn Công Hoan nắm bắt được sự tinh túy của ngôn ngữ dân tộc: “Đặc điểm của lối nói Việt Nam là mạnh dạn dùng thẳng hình ảnh, chứ không cần ví von lắm” [28, 393]. Cho nên tiếng nói dân tộc đã tạo ra những giá trị của nó kết tinh ở hình tượng. Bằng những hình tượng xuất phát từ thực tế sinh động, với những chi tiết nóng bỏng hơi thở của cuộc sống, nên vượt lên trên các hiện tượng, các chi tiết là cả một sự sống rộng lớn ẩn náu bên trong. Vì thế, tính hình tượng của ngôn ngữ văn chương trở thành một thuộc tính bản chất của sáng tạo nghệ thuật. Nhà văn Tô Hoài cho rằng: “Câu văn là hình ảnh liên tiếp, cho nên phải xoay đi đặt lại cho kỹ hình ảnh được gọn ghẽ, nổi bật lên” [21, 99].

Nguyễn Công Hoan chỉ rõ: “Lời văn bình thường không gây cười. Phải có sự bất thường trong lời văn để gây ấn tượng” [51, 181]. Với cách hiểu này ta thấy ngôn ngữ văn chương Nguyễn Công Hoan đặc biệt chú ý

tới tính hình tượng, đó là sử dụng lối so sánh để tạo nên những tiếng cười khác nhau. Gần như trong hầu khắp sánh tác của Nguyễn Công Hoan ngôn ngữ mang tính hình tượng nằm trong bản chất của nó. Có khi ngôn ngữ gợi ấn tượng, giàu sức liên tưởng, mỉa mai, châm biếm, lột mặt nạ, bóc trần bản chất của nhân vật. Chẳng hạn, “cái hố sâu thăm thẳm”, “sâu như bụng dạ đàn bà” (Đàn bà là giống yếu), hay “hai con mắt quan sáng quắc như hai ngọn đèn trời” [29, 55].

Ý thức được tầm quan trọng của ngôn ngữ của văn chương, Nguyễn Công Hoan đã có những sáng tạo độc đáo về ngôn từ, đóng góp đáng kể vào sự phát triển của nền văn xuôi hiện đại Việt Nam. Nhà nghiên cứu Lê Thị Đức Hạnh khẳng định: “Những chữ dùng của ông thường giản dị, giàu hình ảnh, cụ thể hay ví von làm cho người đọc dễ có liên tưởng thú vị” [17, 117]. Những quan niệm của ông về đặc điểm ngôn ngữ văn chương nói chung và tính hình tượng nói riêng hết sức gần gũi và linh hoạt, khẳng định được tài năng và phong cách nghệ thuật của nhà văn.

Một phần của tài liệu Quan điểm của nguyễn công hoan về một số vấn đề văn học luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 88 - 94)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(118 trang)
w