Sự khác biệt giữa ngôn ngữ văn chương và ngôn ngữ đời sống

Một phần của tài liệu Quan điểm của nguyễn công hoan về một số vấn đề văn học luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 81 - 88)

Ngôn ngữ là công cụ, là chất liệu cơ bản của văn học. Thông qua ngôn ngữ, các tác giả đã chuyển tải những thông điệp thẩm mĩ cũng như tâm tư tình cảm của mình đến với bạn đọc. Bởi vậy, văn học được xem là loại hình nghệ thuật ngôn từ. Edward Sapir khẳng định: ngôn ngữ là phương tiện của văn học cũng như đá, đồng hay đất sét là những vật liệu của nhà điêu khắc. Nhà văn Nguyễn Tuân thì định nghĩa về nghề văn như sau: Nghề văn là nghề của chữ - chữ với tất cả mọi nghĩa mà mỗi chữ phải có được trong một câu, nhiều câu. Nó là cái nghề dùng chữ mà sinh sự để sự sinh. M.Gorki khẳng định “Ngôn ngữ là yếu tố thứ nhất của văn học” [11, 185]. Trong khi đó: “ngôn ngữ nhân dân là cội nguồn của ngôn ngữ văn học, được chọn lọc, rèn rũa qua lao động nghệ thuật của nhà văn, đến lượt mình nó lại góp phần nâng cao, làm phong phú ngôn ngữ nhân dân” [11, 185].

Cùng với cốt truyện, nhân vật, ngôn ngữ là công trình sáng tạo vĩ đại nhất của con người trải qua hàng nghìn năm lịch sử. Ngôn ngữ tiêu biểu nhất cho bản chất và sức mạnh của con người. Với ngôn ngữ, con người có thể nhận thức thế giới, tự thể hiện mình và giao tiếp với nhau. Sử dụng ngôn ngữ để biểu đạt văn chương có những đặc điểm, những ưu thế khác mà nghệ thuật khác không có được. Mặt khác, trong tác phẩm văn chương, ngôn ngữ là một thành tố khá quan trọng. Nó thể hiện sự hiểu biết sâu sắc về ngôn ngữ nhân dân, sự lao động cần cù không mệt mỏi để chọn lọc, gọt giũa, mài sắc ngôn ngữ dân tộc, sự vận dụng một cách sáng tạo, làm phong phú thêm vốn ngôn ngữ toàn dân. Ngôn ngữ cũng là yếu tố góp phần tạo

nên giọng điệu riêng, diện mạo riêng không trộn lẫn giữa nhà văn này với nhà văn khác.

Từ điển văn học (bộ mới) cho rằng: “Ngôn ngữ văn học là “khái niệm chỉ dạng thức đã được chỉnh lý của ngôn ngữ toàn dân”, “ngôn ngữ văn học là kết quả của sự sáng tạo tập thể, là một trong những thành tựu văn hoá chung của dân tộc”. Phạm vi ứng dụng quan trọng của nó chính là văn học (nghệ thuật ngôn từ). Sự hình thành và phát triển của ngôn ngữ văn học gắn bó ở mức đáng kể với sự phát triển của văn tự (chữ viết). Bởi vậy, “ngôn ngữ văn học luôn luôn được phát triển và làm giàu, với điều kiện thiết yếu cho hoạt động chức năng của ngôn ngữ là các chuẩn mực của nó phải ổn định. Là thành tựu và sự phản ánh của văn hóa dân tộc, ngôn ngữ văn học phải là nơi gìn giữ tất cả các giá trị được biểu hiện bằng ngôn từ đã được tạo ra bởi các thế hệ từng sử dụng ngôn ngữ này” [55, 1090].

Văn học là nghệ thuật ngôn từ, chân lý giản dị ấy ai cũng biết. Bởi vậy, khi nghiên cứu một tác gia, quan niệm của một tác giả, hay một trào lưu văn học, không thể không quan tâm tới đặc điểm, sự sáng tạo, và quan niệm về ngôn ngữ nghệ thuật của của nhà văn. Theo Bakhtin: “Đối với người viết văn xuôi, đối tượng là tụ điểm những tiếng nói khác nhau, mà giữa chúng, anh ta phải cất lên tiếng nói của mình, những tiếng nói ấy tạo thành cái bè đệm cần thiết cho tiếng nói của anh ta, không có chúng thì những âm sắc nghệ thuật văn xuôi của anh ta không thể nào được người ta cảm thấy, không có sức vang vọng” [3, 199].

Người đọc có thể nhận ra, ngôn ngữ văn xuôi thời kỳ hiện đại gần với lời nói thường, với ngôn ngữ đời sống. Nếu văn chương của chủ nghĩa lãng mạn tinh tế, uyển chuyển, bay bổng, đúng như những quan niệm của các nhà lãng mạn chủ nghĩa, đó là thứ ngôn ngữ “có cánh”, đáp ứng nhu cầu của những tâm hồn đầy mộng mơ, nhưng xa rời đời sống, thì ngôn ngữ văn chương của các nhà văn hiện thực chủ nghĩa rất gần gũi với đời sống. Các nhà văn hiện thực từ Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất

Tố, Nguyên Hồng, Tô Hoài, Nam Cao,… đều có ý thức đưa vào tác phẩm của mình một lối nói rất Việt Nam, khai thác thứ ngôn ngữ dân tộc mộc mạc, bình dị, gắn liền với đời sống của nhân dân lao động. Nhưng mặt khác, chủ nghĩa hiện thực chỉ có thể ra đời khi ngôn ngữ của nền văn học dân tộc thực sự trưởng thành, có khả năng đáp ứng những yêu cầu cao, nghiêm ngặt của phương pháp sáng tác hiện thực chủ nghĩa.

Lời tâm sự của Nguyễn Công Hoan trong Đời viết văn của tôi cho thấy suy nghĩ của ông về ngôn ngữ văn chương khá mới mẻ: “Tôi thấy văn xuôi của Tản Đà, của Phạm Quỳnh, của Hoàng Tích Chu nghe rất lạ tai. Văn Tản Đà điêu luyện quá. Văn Phạm Quỳnh lắm chữ Hán quá, văn Hoàng Tích Chu lấc cấc quá. Mấy thứ văn lai Tầu và lai Tây ấy, đến nay, không còn hợp thời. Nhưng khi đọc văn của Phạm Duy Tốn trong truyện ngắn Sống chết mặc bay, trong các bài xã thuyết, nhất là trong bốn tập Tiếu lâm An Nam mà ông không giám ký tên, thì tôi rất ngạc nhiên, vì thấy cách dùng từ cho đến cách đặt câu, sao mà nó lọt tai và nó vẫn còn mới thế! Lọt vào tai và mới, tức là văn ấy cũng vẫn như văn chúng ta nói, chúng ta viết trong mấy năm nay. Nó không cũ tí nào. Thì tôi nghiệm ra rằng khi văn chương mà viết đúng như tiếng nói và lối nói của dân tộc, thì nó hay, nó đứng vững mãi. Bởi vì, ngôn ngữ dân tộc là trường cửu, ít đổi thay vì thời thế. Đặc điểm của ngôn ngữ Việt Nam là văn vẻ nhưng giản dị, là chững chạc nhưng sinh động. Đó là một bài học mà do tình cờ, không định, tôi đã theo ngay từ ngày mới vỡ lòng” [28, 131-132].

Ngôn ngữ đời sống hàng ngày có nhiều cái ngẫu nhiên và không bền vững, kiểu cách và bị xuyên tạc về mặt ngữ âm. Nhà văn khi sáng tác văn chương phải loại bỏ cả những yếu tố ấy ra khỏi ngôn ngữ nghệ thuật của mình. Cốt để làm sao cho ngôn ngữ nghệ thuật có nhiệm vụ để phản ánh những cái điển hình trong cuộc sống. Những lệch lạc trong tiếng nói hàng ngày của ngôn ngữ đời sống nếu bê nguyên xi vào tác phẩm sẽ làm cho ngôn ngữ dân tộc mất tính chất trong sáng và tính chính xác, sự biểu cảm.

Nguyễn Công Hoan luôn nhấn mạnh, ngôn ngữ trong tác phẩm văn chương không phải là thứ ngôn ngữ sao chép nguyên xi tiếng nói ngoài cuộc đời mà là thứ ngôn ngữ nghệ thuật đã được chắt lọc, mài giũa. Nếu trong đời sống, những câu chuyện hằng ngày chỉ nhằm mục đích chủ yếu là thông tin truyền đạt một điều gì đó, một cách chính xác, nội dung được giới hạn một cách chặt chẽ, thì ngôn ngữ văn chương bao giờ cũng tìm cách truyền các quan điểm của nhà văn vào đối tượng miêu tả. Ngôn ngữ văn chương truyền vào đấy cái lối nhìn sự vật, cách nhận thức và cảm quan về thế giới của nhà văn. Ngôn ngữ văn chương mang dấu ấn và phong cách của nhà văn. Chính điều này đã tạo ra sự rung cảm, thuyết phục và thu hút đặc biệt của ngôn ngữ nghệ thuật. Bởi vậy, những truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan thời bấy giờ đều bắt nguồn từ những câu chuyện thời sự hằng ngày, hoặc những việc có thật mà nhà văn biết, nhà văn chỉ cần thêm bớt chút ít chi tiết và gia cố ngôn ngữ để làm nổi bật được ý định mình trình bày.

Trong hồi ký Đời viết văn của tôi, Nguyễn Công Hoan cho rằng ngôn ngữ văn chương phải mộc mạc giản dị, dễ hiểu, gần gũi với lời ăn tiếng nói hằng ngày của nhân dân. Nói như vậy, nhưng nhà văn hết sức đề cao vai trò của việc sáng tạo. Phải làm sao để ngôn ngữ văn chương có tính nghệ thuật: Nhà văn không phải là người ghi tốc ký những câu nói của các nguyên hình ngoài cuộc đời. Dù cho những câu ngôn ngữ có mẫu mực hay ho đến bực nào đi chăng nữa thì trong đa số trường hợp nhà văn phải nhào nặn lại, chọn lọc trong mớ tài liệu đó cái gì là tiêu biểu, điển hình. Quan điểm này của Nguyễn Công Hoan cũng tương đối gần với quan niệm của L.Tônxtôi: “Sự khác biệt giữa ngôn ngữ nghệ thuật và ngôn ngữ không có tính nghệ thuật là ở chỗ, loại ngôn ngữ trên đã gợi lên được vô số ý tưởng, biểu tượng và cách giải thích, còn ngôn ngữ đời sống thì không” [9, 37]. Nghĩa là trong lĩnh vực ngôn ngữ, nhà văn cũng phải tiến hành công việc tổng hợp và khái quát hóa như khi xây dựng một nhân vật điển hình, từ

ngôn ngữ thô ráp của cuộc sống, chắt lọc, mài giũa để nó trở thành ngôn ngữ nghệ thuật, in dấu ấn phong cách và cá tính sáng tạo của nhà văn.

Nguyễn Công Hoan cho rằng để ngôn ngữ văn chương sinh động, và giàu sức sống thì nhà văn phải dùng ngôn ngữ dân tộc để viết. Người viết văn phải giàu tiếng, nếu không có sự phong phú về tiếng ta thì ngòi bút không thể tung hoành được. Dẫu ảnh hưởng ban đầu trong đời viết văn của Nguyễn Công Hoan chính là tiếng nói của làng Nghĩa Đô, người ta nói thế nào thì ông cứ xáo xào thành văn; các tiếng nói ở trong nhà, ở trong xóm, ở trong làng của bà con, bạn bè lúc bé, đã ăn sâu vào óc, nghe thành quen, dùng thành thạo. Tuy vậy, nhưng những tiếng nói nghe quen thuộc trong đời sống hàng ngày ấy khi đi vào trong tác phẩm văn chương phải thể hiện được đúng tinh thần, ý đồ, dụng ý nghệ thuật của nhà văn. Nghĩa là người viết văn phải có nhiệm vụ là khai thác được đúng cái tính chất văn vẻ của tiếng nói và lối nói dân tộc. Không nên cho là nôm na mà phải mượn tiếng nói và lối nói của người nước ngoài lạ với lỗ tai thông thường Việt Nam mới là văn vẻ. Người viết văn phải làm cho ngôn ngữ văn chương mỗi ngày một văn vẻ và phải biểu dương được giá trị văn vẻ của ngôn ngữ Việt Nam.

Cách dùng những từ nôm na, giản dị mà ông cho là văn vẻ kia chính là điều nhà văn muốn nhấn mạnh đến sự khác biệt giữa ngôn ngữ văn chương và ngôn ngữ đời sống. Quan điểm này của Nguyễn Công Hoan gần gũi với quan niệm của nhà văn Tô Hoài. Tô Hoài đặc biệt quan tâm đến quá trình sáng tạo ngôn ngữ văn chương. Ông cho rằng: “Người nông dân lao động sáng tạo ra đủ thứ để nuôi sống mình cũng sáng tạo ra chữ. Họ là kho chữ phong phú, có lối sống sáng tạo, không kiểu cách rập khuôn. Bởi trong làm ăn, vật lộn ngôn ngữ của họ cũng sinh động, luôn luôn biến đổi trong công việc” [21, 188]. Tú Mỡ nhấn mạnh: “Muốn làm thơ tôi cho việc đệ nhất cần phải học cho thuộc ngôn ngữ dân tộc và văn học dân gian. Là nhà văn, nhà thơ Việt Nam, anh phải có cái cảm nghĩ của người Việt Nam,

để nói bằng tiếng Việt Nam” [21, 142]. Từ việc thấm nhuần ngôn ngữ của nhân dân, của văn học dân gian với những phương ngôn, tục ngữ, Nguyễn Công Hoan luôn tâm niệm phải làm thế nào để văn chương của mình được gọn ghẽ, trong sáng và phong phú. Cũng theo Nguyễn Công Hoan, kể cả khi viết văn xuôi thì càng phải đọc văn vần, đọc văn thời nay, và nhất là học văn thời xưa, thì càng có vốn liếng về chữ nghĩa, về cách ăn nói để mà viết. Có như vậy thì mới thấy được ngôn ngữ văn chương là một sự sáng tạo, và sự sáng tạo đó dựa trên cơ sở của ngôn ngữ đời sống, để làm phong phú, đa dạng thêm ngôn ngữ văn chương.

Nguyễn Công Hoan từng xấu hổ vì mang tiếng là người viết văn mà chưa biết hết nghĩa của tiếng nói Việt Nam, nhất là những phương ngôn, tục ngữ. Và chưa tận dụng hết được tiếng nói và lối nói đặc biệt dân tộc của Việt Nam. Tiếng nói Việt Nam vốn rất tinh vi và giàu có. Trong đó, ngôn ngữ quần chúng là kho của cải vô giá, là nguồn bổ sung vô tận cho vốn chữ của nhà tiểu thuyết. Nhà văn Tô Hoài đã từng phải thốt lên: “Tôi trọng cái tinh hoa ngôn ngữ, trọng đến mức bái phục. Nhân dân chính là ông thầy mình về tiếng nói” [27, 141]. Các nhà văn lớn cũng là những người thợ chắt chiu từ ngôn ngữ của đời thường, học tập ngôn ngữ của quần chúng. Sêkhốp thích ngồi ở toa tàu hạng ba để lắng nghe tiếng nói của nhiều loại người khác nhau, Puskin khuyên các nhà văn trẻ nên học tập chính xác và trong sáng ngôn ngữ của các bà làm bánh ở Maxcơva. Gôgôn say mê những truyện tiếu lâm của nông dân Ucraina... Các nhà văn đã học tập tiếng nói của quần chúng xây dựng lại, nâng cao hơn thành một tiếng nói riêng, đó là ngôn ngữ chân chính của văn học. Ngôn ngữ của họ là ngôn ngữ hằng ngày của đời sống đã được nghệ thuật hóa.

Về phương diện ngôn ngữ, tuy không học tập nhiều các nhà văn nước ngoài và những bài học mang tính chất lý luận, song có thể thấy sự tương đồng giữa quan niệm của Nguyễn Công Hoan và Maiacốpxki. Cả hai đều nhận thức rằng, ngôn ngữ của tác phẩm văn học cũng là ngôn ngữ của

đời sống, ngôn ngữ của toàn dân nhưng đã được nâng lên đến trình độ nghệ thuật, nói cách khác đó là ngôn ngữ toàn dân đã được trau dồi, mài giũa, đã được tinh luyện, như lời thơ của Maiacốpxki:

Phải phí tốn ngàn cân quặng chữ, Mới thu về một chữ mà thôi. Những chữ ấy làm cho rung động, Triệu trái tim trong hàng triệu năm dài.

Để có từng “chữ” như thế trong tác phẩm, người nghệ sĩ ngôn từ phải trải qua một quá trình lao động nghệ thuật hết sức công phu. Điều này, cũng giống như quan niệm của nhà văn Tô Hoài về chữ nghĩa của người viết văn: Ông học tất cả, học từ thực tế đời sống, học trong sách báo, rồi đọc thượng vằng hạ cám,...nhưng cũng chỉ nhặt được một hai chữ thôi. Còn phần nhiều là do vốn sống và sự sáng tạo của người nghệ sĩ để ngôn ngữ của đời sống ấy không lặp lại trong tác phẩm văn chương: “Tôi thường suy nghĩ rằng cuộc đời không bao giờ lặp lại, thì cái thể hiện cuộc đời, tức là chữ, là câu văn cũng không được phép lặp lại. Cho nên, cuộc đời là một mặt của vấn đề, câu văn cũng là một mặt của vấn đề. Trong khi cuộc sống, nhân vật, phong cảnh, vạn vật, biến chuyển không ngừng thì câu văn cũng không thể đứng yên tại chỗ” [21, 86]. Và khi viết truyện, nhà văn phải là người nghệ sĩ sáng tạo, tức là đem cái thực tế công phu mà sáng tạo lại, chứ không phải là sao chép lại một cách tự nhiên, mỗi câu, mỗi chữ là sự chắt lọc từ rất nhiều sự thật đã nhuần nhuyễn trong tâm trí nhà văn.

Tóm lại, văn học phản ánh cuộc sống phong phú và đa dạng bằng ngôn ngữ. Vì thế, ngôn ngữ cũng phải đa dạng và sáng tạo thì mới phản ánh hết mọi góc cạnh của đời sống, những phức tạp và phong phú của thời đại. Bắt nguồn từ đời sống và lời ăn tiếng nói của đại đa số quần chúng nhân dân, nhưng từ ngôn ngữ đời sống đến ngôn ngữ văn chương là một chặng đường tích lũy và sáng tạo. Trong lịch sử phát triển văn học Việt Nam, chỉ đến các nhà văn hiện thực lớn như Nam Cao, Ngô Tất Tố, Vũ

Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan, Tô Hoài,… với những chuyến đi thực tế đời sống họ đã chắt chiu ngôn ngữ của đời sống để từ đó mới có thể tha hồ tung hoành, chủ động sáng tạo ra những ngôn từ hay, hấp dẫn mang dấu ấn phong cách của mỗi người.

Một phần của tài liệu Quan điểm của nguyễn công hoan về một số vấn đề văn học luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 81 - 88)