Vai trò của tình huống trong truyện ngắn

Một phần của tài liệu Quan điểm của nguyễn công hoan về một số vấn đề văn học luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 53 - 58)

Truyện ngắn thường chỉ tập trung vào một tình huống, một chủ đề nhất định. Trong khi đó, tiểu thuyết chứa được nhiều vấn đề, phủ sóng được một diện rộng lớn của đời sống. Do đó, truyện ngắn thường hết sức hạn chế về nhân vật, thời gian và không gian trong truyện ngắn cũng không trải dài như tiểu thuyết. Đôi khi truyện ngắn chỉ là một khoảnh khắc của cuộc sống.

Phát huy sở trường tư duy bằng hình ảnh hình tượng, có người sáng tác đã coi tình huống là “cái tình thế nảy ra truyện”, là “lát cắt” của đời sống mà qua đó có thể thấy được cả trăm năm của đời thảo mộc, là “một khoảnh khắc mà trong đó sự sống hiện ra rất đậm đặc”, “khoảnh khắc chứa đựng cả một đời người, thậm chí cả một đời nhân loại” (Nguyễn Minh Châu). Hiểu truyện ngắn như vậy, tức là xoáy vào nghịch lí thú vị sau đây của tình huống: qua cái ngắn mà thấy được cái dài, qua một khoảnh khắc ngắn ngủi mà thấy được diện mạo toàn thể. Nghĩa là tính “đặc biệt điển hình” của cái tình thế cuộc sống chứa đựng trong đó. Đây là một tố chất thẩm mĩ tiềm ẩn của tình huống.

Bởi vậy, tình huống đóng một vai trò quan trọng bậc nhất trong truyện ngắn. Tình huống trong tác phẩm văn học không chỉ thể hiện sự sáng tạo, tài nghệ của tác giả mà tình huống còn là cách thức tổ chức tình tiết làm nổi bật mâu thuẫn, thúc đẩy cốt truyện. Tình huống giữ một vai trò quan trọng, quyết định sự thành công của một tác phẩm văn chương. Ý thức được tầm quan trọng của tình huống, Nguyễn Công Hoan khi kể về kinh nghiệm viết văn của mình, nhà văn đã rất chú ý quan tâm đến yếu tố này.

Nguyễn Công Hoan quan niệm: Viết văn để thể hiện, để phơi bày những cái mình biết cho mọi người cùng biết. Hơn nữa, với cái nhìn bi quan và sẵn tố chất trào phúng Nguyễn Công Hoan mong muốn trong các truyện ngắn của mình đều phải thể hiện được ý nghĩa châm biếm đả kích

những mặt trái của xã hội. Nhà văn muốn thông qua hiện thực đó, phản ánh thực trạng rối ren của một thời kì lịch sử đầy nhố nhăng, phức tạp cần lên án, phê phán.

Vì quan niệm, truyện ngắn thường có một ý, đơn giản và dễ hiểu nên trong nhiều trường hợp cần có nhiều ý hoặc nhiều nhân vật, hay những trường hợp phức tạp của tình huống thì nhà văn truyền lại kinh nghiệm của mình đó là do biết ăn dè, để dành, không tham lam phô trương, khoe khoang kiến thức hay vốn sống. Vì vậy, khi gặp những tình huống phức tạp nhà văn thường tách ra làm hai hay ba truyện tiếp nhau, nhưng vẫn có sự hoàn chỉnh riêng của từng truyện. Trong Đời viết văn của tôi Nguyễn Công Hoan chia sẻ: có những truyện tác giả lấy cùng một tên như ba truyện

Samandji (có thêm một truyện lấy tên khác: Một bài tính đố), hai truyện Tôi cũng không hiểu tại làm sao, ba truyện Chiếc quan tài, hai truyện Thằng Quýt. Có khi tác giả lấy tên khác tạo thành cụm ba truyện như Ai khôn, Đàn bà là giống yếu, Một tấm gương sáng, hay cụm hai truyện như: Công dụng của cái miệng, Người thứ ba v.v...

Theo quan niệm của Nguyễn Công Hoan, việc tách thành nhiều truyện từ những sự kiện có cùng cốt truyện và nhân vật, có một ý nghĩa vai trò rất quan trọng trong việc sâu chuỗi các vấn đề, sự kiện, chi tiết. Nó giúp cho nhà văn thể hiện được nhiều vấn đề xã hội, đồng thời giúp nhà văn chiếu ống kính, soi rọi nhân vật ở nhiều góc độ khác nhau. Qua đó bản chất và tính cách nhân vật được bộc lộ rõ nét.

Từ quan niệm đó, soi vào tác phẩm của nhà văn ta thấy: Cụm ba truyện Vẫn còn trịch thượng, Chiếc đèn pinNạn râu là ba góc độ nhà văn tạo những khía cạnh khác nhau trong con người tên quan tri huyện oai phong, hét ra lửa. Bản chất sự thật của hắn bị bóc trần dần dần qua từng truyện, khi thì dâm đãng, trơ trẽn: Nạn râu, Vẫn còn trịch thượng; khi thì tham lam, vô liêm sỉ: Chiếc đèn pin. Với cấu tạo tình huống trong từng truyện như vậy đã giúp độc giả tiếp cận với nhân vật qua nhiều lăng kính,

hiểu rõ hơn bản chất xấu xa, đê tiện của tầng lớp quan lại ăn trên ngồi trốc, lợi dụng quyền lực, ức hiếp dân lành. Vì thế mà sức mạnh tố cáo của tác phẩm càng tăng, gây sự căm phẫn trong lòng độc giả.

Dưới ảnh hưởng của môi trường sống và quan niệm về cuộc đời của nhà văn thì ta có thể thấy phần lớn những tình huống trong truyện của Nguyễn Công Hoan là tình huống hài kịch, gây cười. Theo quan niệm của nhà mỹ học Nga Tsecnưsepxki, thì bản chất của hài kịch là sự trống rỗng, hèn kém bên trong được che đậy bằng một vẻ bề ngoài có tham vọng làm thành cái có nội dung và ý nghĩa thực tế. Điều này được minh chứng rất rõ trong những tình huống truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan.

Trong mỗi truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan, các vấn đề đạo đức xã hội đều được phản ánh rõ rệt dưới nhiều hình thức, nhiều góc độ khác nhau. Trong truyện ngắn Đồng hào có ma, vẻ bề ngoài của huyện Hinh là một ông quan đầy uy quyền, nhưng bản chất lại là một thằng ăn cắp vặt. Hành động của huyện Hinh thật đáng khinh và đáng buồn cười khi hắn cúi xuống “nhặt đồng hào đôi sáng loáng,… bỏ tọt vào túi”. Đó là hành động hết sức đê tiện, lố bịch và bởi vì hắn ăn chặn cả của những kẻ khốn cùng có việc phải đến cửa quan. Dưới ngòi bút châm biếm của Nguyễn Công Hoan, người đọc không khỏi bật lên một tiếng cười khinh bỉ.

Tình huống trong tác phẩm của Nguyễn Công Hoan còn rất nhiều sự đối lập trong sân khấu hài kịch mà nhà văn dựng lên. Hẳn chúng ta không thể quên được trong truyện ngắn Đào kép mới, về hình thức quảng cáo thì mới, nhưng nội dung lại là cái đã cũ rồi. Đây là một trò giả dối, bịp bợm đáng khinh trên sân khấu cuộc đời, truyện này khiến ta nhớ đến truyện ngắn

Bệnh lao chữa bằng mồm, Thầy lang bất hủ của Vũ Trọng Phụng, câu truyện cũng xoay quanh vấn đề bịp bợm, giả dối của bọn lang băm lợi dụng quảng cáo mà lừa tiền. Nhưng cái đáng tởm hơn, đáng khinh bỉ hơn cả là sự giả dối trong đạo đức, trong lối sống của những hạng người coi đồng tiền là tất cả. Trong hai truyện ngắn liên hoàn Báo hiếu: trả nghĩa cha, Báo hiếu: trả nghĩa

mẹ, Nguyễn Công Hoan đã ghi lại một cách chân thực, chi tiết sự xuống cấp băng hoại, suy đồi đạo đức của những đứa con, bề ngoài là đại hiếu khi làm giỗ, làm ma cho cha mẹ thật to tát, nhưng ẩn bên trong lại là những kẻ đại bất hiếu. Chúng đã diễn rất thành công như những vai hài xuất sắc trên sân khấu cuộc đời.

Nguyễn Công Hoan là nhà văn có sở trường xây dựng những tình huống rồi đẩy mâu thuẫn lên đến cao trào và có những kết thúc hết sức bất ngờ. Ông tạo ra nhiều tình huống khác nhau, nhưng có thể xét tình huống hài kịch trên hai phương diện cơ bản là hài hước và châm biếm đả kích.

Mỗi cảnh, mỗi người, mỗi việc mà Nguyễn Công Hoan dựng nên với những tình huống éo le khác nhau gây nên tiếng cười phẫn nộ và chua chát. Người đời không thể không cảm thông sâu sắc trước những kiếp người bất hạnh hoặc phải chịu sự đối xử tàn nhẫn, bất công của những kẻ có tiền dư dật (Quyền chủ, Phành Phạch, Thằng Quýt I, Thằng Quýt II, Mua bánh,…).

Có những nhân vật chính không phải là nạn nhân của xã hội, mà lại chính là nạn nhân của những người thân của chúng. Nỗi vui sướng của thằng bé khốn nạn đã khắc họa rõ tình huống này. Thằng bé vui sướng trong sự ngây thơ mà không biết rằng nó đang là nạn nhân của sự trăng hoa, đú đởn, dâm đãng của mẹ nó. Thằng bé ngây thơ vui sướng trong giấc ngủ êm đềm vì sự dọa nạt, dỗ dành của mẹ nó. Còn người đời thì bật lên một tiếng cười chua xót và cảm thông.

Ở Vũ Trọng Phụng, tính trào phúng thể hiện ở sự hài hước đến mức gai góc. Ở Nam Cao chất bi làm nên những màn kịch đầy nước mắt. Ở Nguyễn Công Hoan, chất trào phúng là cái cười đa sắc điệu, đa thanh qua mọi cung bậc. Tiếng cười trong truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan lúc dí dỏm, hài hước, lúc tinh quái, châm biếm sâu cay, lúc cay đắng xót xa, cười ra nước mắt. Đó là chỗ độc đáo, là sự thành công của Nguyễn Công Hoan

khi xây dựng những vở kịch vừa bi, vừa hài. Thêm vào đó là sự kết hợp hài hòa giữa cái bi và cái hài đã tạo nên nội dung phản ánh sâu sắc qua mỗi tác phẩm của ông.

Nguyễn Công Hoan thể hiện linh hoạt những tình huống bi hài lẫn lộn nên đằng sau tiếng cười thường là những giọt nước mắt. Đúng như lời nhà phê bình Nga Bêlinxki đã từng nói: kết hợp giữa cái bi với cái hài là biết thể hiện cuộc sống theo bản chất của nó.

Về tình huống truyện ngắn, Nguyễn Công Hoan quan niệm, yếu tố quan trọng góp phần tạo sự thành công trong sáng tác của mình là việc xây dựng những tình huống kết thúc bất ngờ, thú vị. Trong Đời viết văn của tôi, Nguyễn Công Hoan viết: “Viết truyện không khác gì đánh cá bằng lờ ở chỗ nước chảy. Chủ đề câu chuyện bao giờ tôi cũng gửi vào câu kết. Câu kết chuyện của tôi là cái lờ. Nó thường làm cho độc giả đột ngột như đến chỗ nước hẹp, nước chảy mạnh thì cá bất thình lình nhảy vào hom” [28, 24]. Đây là một quan niệm nghệ thuật độc đáo, đưa ra một lối thắt nút, mở nút hiệu quả, nhằm đạt kịch tính cao, gây hứng thú nhiều trong truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan. Tạo cho truyện có sự li kỳ, hồi hộp, dồn nén sự kiện rồi dẫn độc giả loanh quanh đoán nhầm hết cái nọ đến cái kia và cuối cùng đẩy tình huống lên cao, khiến cho kết thúc bất ngờ, bật ra tiếng cười sảng khoái.

Đúng như quan niệm của Nguyễn Công Hoan, không có kết thúc đột ngột không thể có tiếng cười. Đây chính là nét độc đáo trong việc xây dựng tình huống truyện của Nguyễn Công Hoan. Trong các nhà văn hiện thực phê phán Việt Nam giai đoạn 1930 - 1945, Vũ Trọng Phụng và Nguyễn Công Hoan có nhiều điểm tương đồng ở mặt này. Cùng diễn trò trên sân khấu, chủ yếu là bối cảnh xã hội, nhân vật diễn trò của Vũ Trọng Phụng và Nguyễn Công Hoan thường thông qua cử chỉ, hành động và ngôn ngữ để phản ánh một vấn đề xã hội nào đó, thông qua sự kết thúc đột ngột của tác phẩm, bản chất xã hội được vạch trần. Tuy vậy, sự kết thúc đột ngột trong

sáng tác của Vũ Trọng Phụng lại được lí giải theo thuyết số mệnh. Còn kết thúc đột ngột trong sáng tác của Nguyễn Công Hoan lại khác, nhà văn không hề lí giải, mà chỉ tỏ ra đó là một sự “vỡ lẽ” trước thực tế của một màn kịch để độc giả tự phán xét. Đây chính là điểm khác nhau cơ bản, là nét riêng biệt, độc đáo trong quan niệm về việc xây dựng tình huống truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan.

Tóm lại, những ý kiến của Nguyễn Công Hoan về tình huống cho thấy quan niệm của ông. Tình huống là hạt nhân của cấu trúc thể loại truyện ngắn. Nghĩa là nó quyết định đến sự sống còn của một truyện ngắn. Mất tình huống thì truyện ngắn có thể trở thành tản văn, thành tuỳ bút, thành thơ văn xuôi, thành kí, nghĩa là thành gì gì khác… chứ không còn là truyện ngắn. Mất tình huống tức là mất tính cách truyện ngắn. Vì thế mà có thể thấy vai trò của tình huống hết sức quan trọng đối với người viết truyện ngắn như Nguyễn Công Hoan. Trong sáng tác, Nguyễn Công Hoan thường chú ý tạo cho truyện những tình huống, những kết thúc đột ngột như kiểu đánh đố. Sự bất ngờ còn ở thái độ của tác giả đối với nhân vật. Có khi nhà văn như đồng tình với nhân vật, sau thì lại phê phán, đả kích. Theo quan niệm của nhà văn thì khi viết truyện ngắn tạo được một tình huống đặc sắc, xem như đã có một tiền đề khá chắc chắn cho thành công của tác phẩm.

Một phần của tài liệu Quan điểm của nguyễn công hoan về một số vấn đề văn học luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 53 - 58)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(118 trang)
w