Mỗi con người như một hòn sỏ

Một phần của tài liệu Tìm hiểu 41 chuyện tầm phào của mạc ngôn luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 32 - 37)

Chiều sâu của một tác phẩm văn học, xét đến cùng không chỉ dừng ở chỗ nhà văn nói lên được điều gì đó trong hiện thực cuộc sống rất bộn bề và phức tạp mà điều quan trọng là tác phẩm đó khắc họa được con người cá nhân, những số phận cá thể trong cộng đồng, xã hội. Phát biểu về điều này Mạc Ngôn từng cho rằng : Điều mà nhà văn chú ý luôn luôn nên là số phận và tao ngộ của con người cũng như những biến dị trong tình cảm của con người và sự lạc mất lí tính của họ trong một xã hội đầy rối ren.

Quan tâm đến sự đổi thay của số phận và cá tính của con người trong sự va đập với cuộc sống, Mạc Ngôn đã dựng lên được những cá thể đầy ám ảnh và day dứt với người đọc. Trong Báu vật của đời là hình tượng Thượng Quan Lỗ Thị, người mẹ yêu thương con hết mực, chịu bao tủi cực đắng cay trong tám lần sinh nở và đau đớn nhìn những đứa con cùng mẹ khác cha của mình quay sang dẫm đạp lẫn nhau. Đó là Thượng Quan Kim Đồng, đứa con lai giữa hai nền văn hóa Đông - Tây, suốt đời không ăn thứ gì khác ngoài sữa mẹ, sống trong thế giới của vú, bạc nhược về tinh thần. Trong Đàn hương hình Tôn Bính chỉ là anh kép hát sống cuộc đời phóng đãng tự do tự tại nhưng cũng là một anh hùng khi có giặc ngoại xâm; vừa là thổ phỉ nhưng cũng là anh hùng hảo hán, nghệ sĩ, coi cái chết cũng chỉ là diễn trò trên sân khấu. Trong Cây tỏi nổi giận

là hình tượng Cao Mã, Thu Cúc, những người nông dân hiền lành chất phác bộc trực đã phải chết thảm dưới chính sách quan liêu của chính quyền… Đâu đâu trên trang viết của Mạc Ngôn ta cũng bắt gặp những trăn trở day dứt của nhà văn trước thân phận, đặc biệt là hiện tượng con

người biến dị trong tình cảm và lí tính do sự tác động của môi trường xã hội.

Trong 41 truyện tầm phào, Mạc Ngôn miêu tả cuộc sống bị sa mạc hóa và tầm thường hóa về mặt tinh thần, cùng với nó là con người ngày càng bị bào mòn về nhân tính, vô cảm trước đồng loại, khô cạn tình yêu thương, lòng trắc ẩn và sự cố kết cộng đồng ngày càng lỏng lẻo.

La Tiểu Thông và Kiều là hai đứa trẻ lớn lên ở thôn đồ tể. Tiểu Thông biết thôn cậu làm nghề sát sinh, máu me vương vãi, tính thiện con người bị mài mòn. Hai anh em cậu nhiều lần chứng kiến cảnh gia súc bị giết mổ tàn nhẫn. Để bơm nước vào thịt gia súc, Tiểu Thông đã cho luồn ống nhựa qua mũi vào tận dạ dày từng con vật, bơm vào hai trăm năm mươi cân nước, những con vật này sau khi được rửa thịt sẽ đem đi giết mổ. Những con chó bị bơm nước cho phình ra, mắt lõm vào, bị đánh vào đầu bất tỉnh nhân sự, bị lột da xẻ thịt. Ban đầu, khi chứng kiến những cảnh đó, Tiểu Thông thấy trong lòng xót xa :“khi trông thấy những con chó bị treo ngược , quả thật tôi thấy thương , hoặc có thể nói tôi cảm thấy bất nhẫn “, song sau đó cậu cho rằng đây là thứ tình cảm giả dối,” yếu đuối” và “đáng xấu hổ”.

Hiện tượng con người vì chạy theo lợi nhuận và tận sinh động vật không xuất hiện một lần trên trang viết Mạc Ngôn. Trong bài Chó, chim, ngựa ông viết: “Ở Trung Quốc, chim sẻ đang gặp nạn… Một quốc gia rộng lớn với hàng tỷ con người đang hợp sức với nhau để đối phó với một trong những loài chim nhỏ bé nhất trong tổng số các loài chim” [46, 90].

Điển hình cho con người nhẫn tâm tàn sát động vật trong tác phẩm chính là Lan Hữu Lý. Khi còn là trưởng thôn đồ tể, ông ta không ngừng kêu gọi mọi người trong thôn bơm nước vào thịt để tăng lợi nhuận. Bản thân ông ta không ngừng mở rộng quy mô xưởng giết mổ. Xưởng chế

biến thịt Hoa Xương là lò sát sinh ghê rợn, tập trung đủ loại gia cầm và súc vật. Bình thường, chúng được cho ăn thuốc tăng trọng nên chậm chạp và lờ đờ, nhưng trước khi giết mổ vài tuần, ông ta cho chúng uống máu tươi, ăn thịt sống, sau đó bỏ đói nên thú tính của chúng trở lại, chúng xâu vào cắn xé, ăn thịt lẫn nhau. Những cảnh tượng đó đôi khi lại là trò giải trí vui mắt cho những người công nhân giết mổ gia súc. Bản thân là đồ tể lão luyện, tinh thông trong mánh lới giết mổ và tiêu thụ thịt, lão Lan dường như không có chút xúc cảm và trách nhiệm gì với người thân, đồng nghiệp cộng đồng. Lão bỏ bê bà vợ ốm đau và đứa con gái, sau đó tìm cách giết vợ. Lão dùng chính đồng tiền và cách hành xử khôn ngoan của mình để quyến rũ được cả Phạm Chiêu Hà, Dương Tú Trân và vợ Hoàng Bửu. Lão phủi tay trước cái chết của Dương Tú Trân cũng như Hoàng Phi Vân sau đó. Rất nhiều lần lão Lan rơi nước mắt: khi vợ chết, khi gặp Tiểu Thông. Thẩm Dao Dao mất. Tuy nhiên đó chỉ là thứ nước mắt cá sấu che đậy tính cách lạnh lùng, trái tim vô cảm.

Dương Tú Trân và La Thông là cặp vợ chồng “đồng sàng dị mộng”. La Thông ban đầu là người đàn ông ích kỷ. Anh ta bỏ chạy theo nhân tình, để mặc vợ và con sống trong túng thiếu. Khi cùng đường trở về, anh ta đành chấp nhận lối sống “dĩ hòa vi quý” mặc vợ sắp xếp, giật dây. Bất mãn với vợ, bất lực trước con, anh ta dồn u uất của mình vào cây búa và giết vợ trong phút giây không thể kiềm chế. Chính môi trường phi nhân tính đã nuôi dưỡng một La Thông đớn hèn bạc nhược nhưng lại đủ can đảm để giết người. Dương Tú Trân là người đàn bà gia trưởng và ham hư vinh. Bà ta tìm đủ mọi cách để lái chồng và con đi theo con đường làm giàu của Lan Hữu Lý, bất chấp thủ đoạn. Dương Tú Trân ngày càng sa ngã trong mối quan hệ mờ ám với lão Lan và đẩy quan hệ vợ chồng tới mâu thuẫn đỉnh điểm. Chưa bao giờ Dương Tú Trân quan tâm tới suy nghĩ và tình cảm của chồng. Thực ra Dương Tú Trân không hiểu và cũng không muốn hiểu nội tâm của La Thông, chính điều đó mà

bà ta phải chịu cái chết đầy oan nghiệt, đầy bất ngờ không được báo trước. Cái chết của vợ lão Lan, của Tú Trân, sau đó là của Hoàng Phi Vân đều là những cái chết thê thảm và đầy bi kịch, chỉ trừ Tiểu Thông còn không ai trong cộng đồng người, từ thôn đồ tể mười năm trước đến thành phố phồn hoa mười năm sau mảy may thương cảm và đau đớn. Cái chết đó như hòn sỏi rơi giữa đại dương mà không làm gợn một con sóng, không một tiếng vang. Phải chăng Mạc Ngôn đang lên tiếng cảnh tỉnh về thái độ thờ ơ đến nhẫn tâm của con người trước sinh mạng của chính con người. Chính trong tạp văn của mình, Mạc Ngôn cũng đã lên án: “Con người là loài tàn nhẫn, bá đạo nhất trên địa cầu này” [46, 71], “Con người là lương thiện nhất nhưng cũng tàn bạo nhất, nhu nhược nhất nhưng cũng bá đạo nhất” [46, 89].

Không chỉ đau đớn trước hiện tượng con người ngày càng ích kỷ, trơ lì vô cảm trước sinh mạng và nỗi đau của đồng loại mà Mạc Ngôn còn rất day dứt trước lối sống thực dụng, sự hư rỗng về tinh thần của con người.

La Tiểu Thông và Kiều, hai đứa trẻ rất thơ ngây sinh ra trong nghèo đói chỉ có mơ ước duy nhất là được ăn thịt. Với chúng được ăn thịt và ăn no là thiên đường. Chúng không có nhu cầu đi học, không muốn đi học như lí luận của cậu với bố : “ chúng con không có cái chất học cũng như bố không có chất làm quan …không cần thiết phải đi theo cái gọi là con đường thành đạt của người khác “. Cậu cho rằng khả năng ăn thịt của mình là biệt tài : “ biệt tài của bố là ước lượng chính xác thịt thương phẩm trên mình con bò ; biệt tài của con và em Kiều ăn thịt . Nếu chuyện này không phải là biệt tài thì chuyện gì trên đời này mới được gọi là biệt tài “. Câu khẩu hiệu của Tiểu Thông là “tôi không biết chữ nhưng các con chữ biết tôi”. Với cậu xem ti vi là đủ có kiến thức : “ chiếc tivi đã nâng cấp gia đình con lên so với toàn thôn . Kiến thức của con tăng vượt bực …Trình độ hiểu biết của con chỉ

đứng sau lão Lan ở thôn đồ tể “. Do vậy , cậu ta nhất quyết không đến trường bởi “ trên đời có nhiều thứ không cần học , chí ít không cần học trong nhà trường “. Mười hai tuổi, Tiểu Thông đã vào làm quản đốc xưởng thịt, chiến thắng trong kỳ thi ăn. Tuổi thơ đầy vinh quang mà sau này khi kể lại cậu vừa đau xót vừa nuối tiếc, tự hào cũng chỉ gói gọn trong việc ăn mà thôi.

Lão Lan dù bước chân vào giới thượng lưu, ăn sang mặc sang, ở biệt thự, đi xe xịn nhưng vẫn giữ lối sống dung tục của anh đồ tể. Lão ăn nói như thổ phỉ, hành xử vô văn hóa, hưởng thụ dung tục. Khi cần xả stress thì làm tình với gái. Lão không có nhu cầu tình yêu, lão không yêu ai, chỉ thích làm tình, không quan tâm đến vợ con. Con trai mất, lão vui sướng mở tiệc vì con chết không bệnh tật, chết rất mãn nguyện vì được ăn no. Lão cũng có đời sống tâm linh, nhưng đến đền lại cầu khẩn những điều bỉ ổi. Đáng buồn là những người như lão đi đâu cũng có người đưa đón, cung phụng, lão còn lên ti vi để phát biểu về quốc kế dân sinh. Hiện tượng Lan Hữu Lý ngày càng nhiều trong xã hội thực dụng nơi đồng tiền làm đảo lộn mọi giá trị.

Không may mắn đổi đời như Lan Hữu Lý hay chí ít cũng như Bảy Diêu, vợ chồng La Thông trước cơn bão cải cách, sống cuộc đời quẩn quanh, bế tắc. La Thông thời trẻ ham vui, sống bạt mạng đến khi muốn trở về với gia đình, vun vén cho gia đình thì lối sống của anh nông dân vô sản không phù hợp với tư tưởng phóng khoáng của vợ. La Thông tìm mọi cách để thích nghi nhưng càng thay đổi càng thất bại, càng bất mãn và trầm uất. Có thể nói cuộc đời của La Thông trừ thời gian sống vơi cô đĩ La, còn lại rất tẻ nhạt, buồn chán và vô vị. Dương Tú Trân hoàn toàn ngược lại, đời sống nội tâm lúc nào cũng sôi sục. Khi chồng bỏ đi, bà luôn căm phẫn, không ngừng nguyền rủa, không ngừng kiếm tiền và chỉ biết đến kiếm tiền. Khi La Thông trở về, bà chăm chút cho chồng con hơn nhưng khát vọng làm giàu bằng mọi giá lại mạnh mẽ hơn. Bà theo

Lan Hữu Lý cùng làm ăn phi pháp, cũng đánh bạc, cũng cung phụng cấp trên, cũng gian manh... tất cả cũng chỉ vì muốn được mở mày mở mặt, không thua kém lão Lan.

Có thể nói, chỉ với vài nhân vật với chuyện kể tưởng như rất tầm phào của La Tiểu Thông. Mạc Ngôn đã dựng lên được phần nào chân dung của con người thời mở cửa - sản phẩm của xã hội đang ngày càng phát triển về kinh tế, mỗi người một tính cách, một số phận nhưng đều có điểm chung. Mỗi người như một hòn sỏi trơ lì, nhẵn nhụi, không sống động và lạc loài, không gắn kết, không xúc cảm, vô vị và tẻ nhạt. Bản tính chân thành giàu yêu thương đầy nhân tính- vốn là của riêng con người ngày càng bị mai một trong xã hội chạy theo vật chất.

Một phần của tài liệu Tìm hiểu 41 chuyện tầm phào của mạc ngôn luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 32 - 37)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(94 trang)
w