Đã có một thời kỳ ở Việt Nam và Trung Quốc, do đặc thù lịch sử, văn học gánh trên vai mình sứ mệnh phục vụ chính trị. Không chỉ phản ánh không khí đấu tranh chống giặc ngoại xâm và xây dựng cuộc xã hội chủ nghĩa, các tác phẩm thời kì này còn tập trung xây dựng hình tượng những con người lí tưởng dũng cảm chiến đấu, hy sinh và cống hiến trong lao động. Đó là những nhân vật mang trong mình tính cách lí tưởng tiêu biểu cho cả một thế hệ, cả một cộng đồng dân tộc. Trong văn học Việt Nam có thể kế đến hình tượng anh hùng Núp (Đất nước đứng lên, Nguyên Ngọc), Tnú (Rừng xà nu, Nguyễn Trung Thành), Chị Sứ (Hòn đất, Anh Đức), Người lái đò sông Đà (Người lái đò sông Đà,
Nguyễn Tuân)...Văn học Trung quốc cũng đã xây dựng hình tượng người lao động bình thường, nhỏ bé nhưng đều là những tấm gương điển hình như Vương Lão Đại (Người đần Vương Lão Đại, Cẩm Vân và Vương Nghi), Hứa Mậu (Hứa Mậu và các con gái của ông, Chu Khắc Cần), Kiều Quang Phác (Bangàn vạn, Kha Vân Lộ)...
Bước vào thời kỳ đổi mới, cuộc sống phức tạp đầy biến động của nền kinh tế thị trường khiến văn học không thể không chuyển mình để
bắt kịp với những đổi thay của hiện thực. Ở Việt Nam, Nguyễn Minh Châu được xem là nhà văn mở đường tinh anh cho nền văn xuôi mới. Trong các tác phẩm của mình, ông đã phản ánh con người với bản chất nguyên sơ của nó. Không còn tính cách lí tưởng tuyệt đối như văn học chiến tranh, con người hiện lên như sự giao thoa cả phần tốt và phần xấu, thiện và ác, thiên thần và ác quỷ, cao cả và thấp hèn ti tiện. Các cây bút như Phạm Thị Hoài, Tạ Duy Anh, Nguyễn Huy Thiệp... cũng nỗ lực đưa ra cách nhìn đầy trách nhiệm của mình về cuộc sống bề bộn, đầy bất trắc, con người hiện đại ngày càng bị bào mòn cá tính, bản ngã thậm chí có thể sơ đồ hóa, mô hình hóa, ngày càng cạn kiệt khả năng yêu thương.
Ở Trung Quốc, các nhà văn như Vương Mông, Giả Bình Ao, Cao Hiểu Thanh, trong tác phẩm của mình đã phát hiện ra mâu thuẫn của thể chế kinh tế, chính trị không phù hợp với yêu cầu của hiện đại, lên tiếng cảnh báo về sự suy thoái đạo đức, chuẩn mực truyền thống văn hóa của con người.
Mạc Ngôn là nhà văn luôn trăn trở về số phận con người, đặc biệt quan tâm đến “những biến dị trong tình cảm của con người và sự lạc mất lí tính của họ trong một xã hội đầy rối ren”. Phát biểu về các nhân vật của mình, Mạc Ngôn cho biết: “Trong tiểu thuyết của tôi không có người toàn diện, dù là đàn ông hay đàn bà cũng đều có khuyết điểm”.
Các nhân vật trong tiểu thuyết của Mạc Ngôn thành phần xuất thân có thể khác nhau là người nông dân của thôn Đông Bắc Cao Mật hay cư dân thành thị, là người nông dân trong thời mở cửa hay tầng lớp trí thức...tất thảy đều được Mạc Ngôn miêu tả như là “sự tổng hòa các mối quan hệ xã hội” rất biện chứng. Không có nhân vật lí tưởng trong sáng tác của Mạc Ngôn, tất cả các nhân vật đều hiện lên rất chân thực, đậm chất đời thường, vừa là con người xã hội vừa là con người bản năng. Trong Đàn hương hình, Tôn Bính bình thường là người ngang tàng, lối sống tự do, suốt ngày đàn ca, đi hết hang cùng ngõ hẻm để lừa gạt những
trai mê gái hát, làm bạn với những “bạn cầy, bạn cáo”, nhưng khi giặc Đức đến xâm lược, chính Tôn Bính lại đi Lỗ Nam kết giao với nghĩa hòa quyền, tập hợp binh mã để đánh giặc. Tôn Bính kết tinh trong mình đặc điểm của người dân Cao Mật, ngang tàng hảo hán, có chút thổ phỉ nhưng vẫn rất nghệ sĩ. Quan huyện Tiền Đinh là vị tiến sĩ có nhân cách, có lòng yêu dân nhưng rơi vào chốn quan trường đầy cạm bẫy, dưới áp lực triều đình đành phải ra tay đàn áp dân lành. Tôn Mi Nương, con gái Tôn Bính vừa là cô gái lẳng lơ, vừa là liệt nữ. Trong tác phẩm Báu vật của đời,
Thượng Quan Lỗ Thị là người phụ nữ khỏe mạnh, chịu thương chịu khó, thương yêu con hết mực. Nỗi bất hạnh của đời bà là để có con trai nối dõi, bà đã phải ngủ với nhiều hạng đàn ông khác nhau từ thầy lang bán thuốc rong đến anh bán vịt dao, từ lão béo bán thịt cho đến nhà sư, tên lính Nhật thất trận và mục sư. Đứa con trai mà bà yêu thương nhất- Thượng Quan Kim Đồng, là đứa con lai giữa hai nền văn hóa Đông - Tây suốt đời không làm được chuyện gì xuất chúng, phi thường, trở thành nô lệ của bầu vú, sống trong thể giới của vú, không sao trưởng thành lên nổi.
Trong Rừng xanh núi đỏ, Lâm Lam là một cô gái xinh đẹp, thông minh có học, có triển vọng, từng có nhiều phẩm chất tốt, song dần dần thay đổi bản chất trở thành người đàn bà tham vọng, vô đạo đức, ăn chơi trác táng.
Xây dựng nhân vật bằng nhiều thủ pháp nghệ thuật đặc biệt là đi sâu vào tâm hồn và thế giới tâm linh của nhân vật để phơi bày những góc khuất, những mặt ưu và khuyết trong tính cách của nhân vật đó, Mạc Ngôn đã xây dựng được những hiện tượng nghệ thuật sinh động và đặc sắc. Khác với các tác phẩm khác, trong 41 chuyện tầm phào, các nhân vật hiện lên là những con người không có tính cách lí tưởng, hay nói cách khác chúng ta không tìm thấy mặt ưu, mặt tốt, tính thiện trong những nhân vật này.
Lan Hữu Lí là nhân vật được Mạc Ngôn xây dựng rất đặc sắc. Xuất thân trong một gia đình địa chủ, thế hệ trước từng có người làm quan to. Đến thời Lan Hữu Lí, hậu duệ họ Lan sống sót không nhiều chỉ còn lão ta là trưởng thôn đồ tể. Lão Lan là điển hình cho những kẻ thức thời, nhạy bén với thị trường và nhờ thủ đoạn nhẫn tâm nhanh chóng giàu lên, có tiền tài và danh vọng trong xã hội. Xét về tính cách, lão là người cơ trí hết sức thủ đoạn, biết cách thu phục và lợi dụng lòng người để có lợi cho bản thân mình. Là trưởng thôn, lão tỏ ra rất có trách nhiệm với sự sống còn, sự phát triển của thôn. Lão phổ biến kinh nghiệm bơm nước vào thịt cho nhiều hộ gia đình, thành lập xưởng chế biến thịt, kêu gọi liên hiệp các hộ kinh doanh cá thể. Nhờ vậy, thôn đồ tể dần phất lên, có nhiều nhà gạch được xây dựng khang trang, nhiều gia đình có điện... Bộ mặt thôn đồ tể cũng thay đổi, có đường bê tông Hàn Lâm, có cầu xi măng, có điện đường. Tuy vậy, lão vẫn giữ mánh làm ăn riêng cho mình. Thịt do lão giết mổ không bơm nước mà bơm phoocmalin chống thối, phun lưu huỳnh, nhờ vậy mà để lâu vẫn thơm ngon và bán rất chạy.
Để làm giàu, lão bất chấp mọi thủ đoạn, bất chấp sức khỏe và sinh mạng người tiêu dùng, nguồn gốc các sản phẩm chế biến của công ty lão thường rất nguy hiểm. Thịt gia súc bệnh, thịt thối rữa, thịt phế phẩm, tất cả đều được xử lý bằng hóa chất, tẩy trắng và tẩm gia vị và đưa ra thị trường. Để việc làm ăn thuận tiện, lão mua chuộc phóng viên, nhân viên kiểm định, thậm chí cả thị trưởng, tỉnh trưởng.
Xét về bản chất, lão Lan là người nhẫn tâm, máu lạnh. Lão sẵn sàng giết vợ, bức tử nhân tình. Ngay cả việc lão đầu độc người tiêu dùng bằng các sản phẩm độc hại, lão cũng không mảy may quan tâm. Là người có tham vọng kiếm tiền, lão Lan cũng hiểu được sức mạnh của nó và sử dụng nó để mua chuộc lòng người. Lão bằng bả vật chất đã làm lóa mắt Dương Tú Trân, khiến La Thông phải cúi đầu làm tay sai cho lão. Bảy Diêu từ chỗ kiện tụng lão cũng quay sang cung cúc làm tay chân.
Đám phóng viên không ngừng viết bài ca tụng lão, thị trưởng, tỉnh trưởng xem lão như anh em, lão đi đâu cũng có người xun xeo nịnh bợ. Hiện tượng Lan Hữu Lí là minh chứng hùng hồn cho việc đồng tiền có thể đổi trắng thay đen, đảo lộn mọi chuẩn mực giá trị xã hội.
Nếu như Lan Hữu Lí là nhân vật có thể sai khiến được đồng tiền thì ngược lại, Dương Tú Trân lại trở thành nô lệ của đồng tiền, bị đồng tiền và hư vinh làm cho lóa mắt. Trong những trang viết của mình, Mạc Ngôn luôn dành tình cảm ưu ái cho hình tượng người phụ nữ, đặc biệt là người mẹ. Điều này xuất phát từ tình yêu hết sức sâu sắc của ông với mẹ và sự tôn thờ thiên chức làm mẹ hết sức thiêng liêng của người phụ nữ. Trong Báu vật của đời , nhân vật Thượng Quan Lỗ Thị hiện lên là người mẹ thương yêu và hi sinh tất thảy cho những đứa con của mình. Mẹ Thu Cúc trong Cây tỏi nổi giận là người phụ nữ ghê gớm. Bà chấp nhận để chồng và con trai đánh đập Thu Cúc dã man, tìm mọi cách chia rẽ Thu cúc và Cao Mã, ép duyên Thu cúc với người khác nhưng sau đó chính bà vì thương con mà đón cô về, tạo cơ hội để cô và Cao Mã lấy nhau.
Hình ảnh người mẹ Dương Tú Trân hiện lên không giống như vậy. Tú Trân là người phụ nữ đanh đá, chua ngoa thái quá. Điều này một phần là do tính cách, một phần là do hoàn cảnh. Cuộc sống khó khăn túng thiếu, chồng lười nhác ham chơi, bỏ đi cùng nhân tình, bà một nách nuôi con, tất cả khiến bà hễ mở miệng là tuôn ra những lời chửi bới cay độc và tục tĩu. Không chỉ chua ngoa mà với trình độ nhận thức thấp lại chịu ảnh hưởng của lối sống vật chất, tham vọng trước đồng tiền và chuộng hư vinh, cộng với tính cách gia trưởng độc đoán, Tú Trân đã mắc nhiều sai lầm trong việc giáo dục con cái, ứng xử với chồng và đẩy gia đình tới bi kịch. Là người mẹ, Tú Trân có mong muốn chính đáng là xây nhà, tậu xe, cưới vợ cho con. Tuy nhiên, mong muốn đó lại quá thực dụng. Để có tiền, Tú Trân không cho con tới trường, bắt hai mẹ con thực thi lối sống khắc khổ, ăn không đủ no, mặc không đủ ấm khiến La Tiểu
Thông trong lòng luôn tràn đầy bất mãn với mẹ. Ngay khi Tiểu Thông đòi bỏ học để vào làm ở xưởng Hoa Xương, bà cũng phản đối rất yếu ớt. Tú Trân không nhận thức được môi trường làm việc ở xưởng chế biến thịt không phủ hợp cho sự phát triển về tâm lí và nhân cách của một đứa trẻ đang lớn, đơn giản vì Tú Trân là một phần của nó. Bởi vậy, Tiểu Thông sớm nhiễm thói tự mãn huyênh hoang, là đứa bé nhưng tự cho mình đã lớn, đã trưởng thành không cần học tập, không cần phấn đấu.
Là người vợ nhưng Tú Trân rất gia trưởng, ngay cả với chồng. Khi La Thông mới trở về, bà vừa thuyết phục vừa ép buộc chồng bắt tay làm việc với Lan Hữu Lí. Bà xem Lan Hữu Lí là tấm gương để chồng phấn đấu noi theo. Cùng làm một xưởng, trong khi La Thông ngày càng bất mãn trước những trò làm ăn của lão Lan thì Tú Trân không những không tán đồng với chồng mà còn chỉ trích, chê bai dẫn đến xung đột giữa hai vợ chồng ngày càng gay gắt, hố sâu tình cảm giữa hai người ngày càng bị khoét sâu thêm mãi. La Thông lên đài chúng sinh, chạy trốn thực tại. Tú Trân đòi đốt đài chúng sinh. Về cơ bản, Tú Trân và La Thông quá khác biệt về quan niệm và lối sống. Tú Trân là sản phẩm của cơ chế thị trường đang tràn về nông thôn, còn La Thông thì chưa kịp thích nghi với nó. Va chạm xảy ra và bi kịch Tú Trân phải gánh là cái chết thảm khốc.
Trong thôn đồ tể, La Thông là người sớm nhận ra những trò làm ăn phi pháp của lão Lan và phản đối những trò làm ăn đó. Tuy nhiên đây không phải là nguyên nhân dẫn đến thù hằn kéo dài suốt năm năm giữa hai người.
Về bản chất, La Thông mang trong mình nét tính cách hiền lành chất phác song cũng rất nóng nảy cục cằn của người nông dân. La Thông cũng là người biết tự trọng và có lòng trắc ẩn. Khi còn chưa bỏ đi cùng cô đĩ La, La Thông từng có cuộc chạm trán nảy lửa với lão Lan, bị lão Lan sỉ nhục. Kết cục anh ta bị lão Lan bẻ gãy ngón tay cái còn lão Lan bị
La Thông cắn đứt vành tai. Tuy nhiên khi lão Lan bị con trâu mộng tấn công, trong khi mọi người đều bỏ chạy, chỉ riêng La Thông là người đã tìm cách quật được con trâu để cứu lão Lan. Chỉ một chi tiết nhỏ cũng đủ thấy so với lão Lan, La Thông quân tử hơn nhiều. Sau năm năm trở về, nhân tình chết, đứa con gái mồ côi mẹ. Vì con, La Thông chấp nhận quay lại cùng Tú Trân với lòng hối cải thực sự. Và để có một gia đình, La Thông buộc phải từ bỏ lòng tự trọng. Biết bắt tay với Lan Hữu lý là bợ đỡ, nhưng Tú Trân bị lão Lan mua chuộc, La Thông không thể không nghe. Càng với làm việc với lão Lan, La Thông càng nảy sinh nhiều mâu thuẫn. Một mặt, La Thông phản đối việc bơm nước vào thịt, làm ăn phi pháp, mặt khác, dưới sự áp đặt của vợ, ông ta cũng không thể không nhúng tay vào những trò dơ bẩn đó. Ông ta bất lực nhìn con bỏ học vào làm việc ở xưởng Hoa Xương, bất lực vì không khuyên được con từ bỏ cuộc thi ăn, bất lực nhìn vợ ngày càng vì đồng tiền mà làm nhiều việc trơ trẽn. La Thông không nhập cuộc nhanh được như vợ, ông ta không có khả năng đổi trắng thay đen để rồi sau đó vẫn thản nhiên như không, cách duy nhất là trốn chạy sau bảy ngay trên đài chúng sinh nghiền ngẫm sự đời. Đó là tâm trạng đau đớn của người cha thấy con đi theo vết xe đổ của mình, ngày càng tiêm nhiễm thói hư tật xấu của người lớn nhưng không thể khuyên can, nỗi nhục của người chồng thấy vợ tằng tịu với người đàn ông khác, ngày càng khinh rẻ mình nhưng đành buông xuôi vì tình cảm vợ chồng đã quá rạn nứt và căn bản cả hai quá khác biệt vế lối sống, bất mãn trước những hành động vô lương tâm của cá nhân và tập thể của xưởng Hoa Xương song đành an phận không thể đấu tranh vì “một cây làm chẳng nên non”. Bao cái u uất dồn tụ lại và bùng nổ trước giọt nước làm tràn ly khi trong đám tang vợ Lan Hữu Lý, Tú Trân cho Tiểu Thông trực linh cữu. Danh dự của người đàn ông bùng dậy sau thời gian dài kìm nén. La Thông một lần nữa không đủ can đảm và bản lĩnh đối chọi với con sói lão luyện tinh ranh đến sõi đời như lão Lan. Cây búa
oan nghiệt trong tay La Thông chệch hướng về phía vợ. Có thể nói hành động giết vợ của La Thông là bột phát hoàn toàn nằm ngoài khả năng kiểm soát, tuy nhiên nó là kết cục tất yếu của một tính cách tự trọng song bạc nhược, không dám đấu tranh.
Nếu như trong tác phẩm, Lan Hữu Lí giải quyết mọi việc khôn ngoan như con sói, mất hết tính người, là “khỉ đội lốt người”, Dương Tú Trân quá tham vọng, quá chuộng hư vinh phù phiếm, La Thông nhu nhược đớn hèn trong cuộc sống thì Bảy Diêu hiện lên là kẻ tiểu nhân ti tiện, bất hiếu, mình ở nhà gạch nhưng bắt mẹ ở nhà tranh. Tô Châu Thẩm Cương là những kẻ bất nhân cơ hội. Hoàng Bưu - đầu bếp của xưởng Hoa Xương - hiện lên vừa khù khờ ngốc nghếch vừa dị hợm xấu xa. Hắn nguyên là anh đồ tể . Một lần giết con trâu trắng , khi sắp bị giết thịt, con trâu phủ phục trước mặt anh ta, hai mắt xanh biếc ứa ra hai giọt nước mắt to tướng. Hoàng Bưu cho đó là mẹ mình đầu thai nên phụng