Sử dụng ám ảnh quá khứ tạo ra các giá trị thực và ảo

Một phần của tài liệu Tìm hiểu 41 chuyện tầm phào của mạc ngôn luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 78 - 83)

Có nhiều nhân vật đã thừa nhận có mối quan hệ giữa kinh nghiệm tuổi thơ và sáng tác của mình. Pauxtopxki nói: “Sự hiểu biết đối với cuộc sống đối với mọi ý thơ chung quanh ta, là món quà tặng những đại nhất mà thời thơ ấu đã cho chúng ta. Nếu một người trong những năm rộng tháng dài nghiêm túc không bị mất đi món quà tặng đó, thì đó sẽ là nhà thơ cũng như nhân vật” [ 43, 344]: Heminuê có câu danh ngôn: “tuổi thơ bất hạnh là cái nôi của nhà văn”. Đối với Mạc Ngôn, quê hương và tuổi thơ có cả ảnh hưởng và in dấu ấn sâu đậm trong các sáng tác của mình. Viết về điều này, nhà văn Thượng Hải Trình Đức Bồi cho rằng: “Đây là một sự du đãng tinh khôn liên hệ nhưng quá khứ xa xăm, một sự bay lượn của tinh thần được hình thành bởi vô vàn cảm giác đan xen nhau, va đập nhau, một thế giới bị vây bọc bởi kí ức”. “Tác giả thường dùng khung cảnh hiện tại để phản ánh đời sống nông thôn trước kia, mà trong cái kiểu ảnh lồng “tâm linh hóa đó”, tác giả lại làm cho những khổ đau và vui sướng trong thời thơ ấu của mình được sống lại”. [43, 346].

Có thể nói, những ám ảnh quá khứ chính là nguồn tư liệu sống để Mạc Ngôn hư cấu thành các tác phẩm và tạo nên những giá trị thật và ảo.

Mạc Ngôn từng trải qua một tuổi thơ nghèo đói: “lúc đó thân hình chúng tôi gầy như một que củi nhưng cái bụng thì chẳng khác gì cái vại nước. Lớp da bụng của chúng tôi dường như trong suốt, có thể nhìn thấy cái dạ dày lép kẹp đang cuộn lên, cái cổ dài ngoằng dường như không

mang nổi cái đầu to nặng... Ngày nào chúng tôi cũng chỉ nghĩ đến cái ăn và làm thế nào để kiếm được cái ăn”. Tuổi thơ và cái đói ám ảnh dai dẳng đã khiến Mạc Ngôn sáng tạo nên hình tượng La Tiểu Thông, một cậu bé háu ăn, lúc nào cũng cảm thấy đói khát: “hồi đó con là thằng không tim không phổi, thèm thịt đến khốn khổ. Bất kể ai chỉ cần cho con một cái đùi dê thơm phức hoặc bát thịt ngầy mỡ là con không chút chần chừ, gọi người đó là bố...”. Những ám ảnh về cái đòi triền miên của bản thân nhà văn không chỉ được tái hiện trong cuộc sống thường nhật của La Tiểu Thông, cảm giác thèm thịt, chỉ nghĩ đến thịt, coi được ăn thịt là điều duy nhất có ý nghĩa trên đời mà cón giúp tác giả sáng tạo nên thế giới bên trong của nhân vật Tiểu Thông với- một thế giới mang màu sắc của không gian huyền ảo. Trong không gian hiện thực, khát vọng va ham muốn của con người không được đáp ứng khiến con người muốn thoát li thực tại, tìm đến cuộc sống khác trong một không gian khác của hoài vọng, của giấc mơ, phi thực tại. La Tiểu Thông khát vọng điên cuồng được ăn thịt: “con không cần nhà gạch, không cần xe ô tô, không vợ con gì hết, con chỉ muốn được ăn thịt một bữa thịt căng bụng”. Khát vọng đó đã ám ảnh khiến cậu có một năng lực kì lạ: nghe được tiếng nói của thịt, nghe được chúng nói chuyện: “tôi nhẹ nhàng cầm miếng thịt lên, trong khoảnh khắc tôi nghe thấy nó rên lên vì sung sướng, tôi còn cảm thấy nó run rẩy trong tay tôi. Tôi biết, nó không phải vì sợ mà run. Nó run lên vì hành phúc... Tôi hiểu vì sao thịt xúc động đến thế. Trong khoảnh khắc ngắn ngủi đưa thịt lên miệng, ánh mắt của thịt lấp lánh như lửa lân tinh nhìn tôi không chớp , tình cảm vô cùng thân thiết… Trong một thoáng nó mang ý nghĩa một cuộc trùng phùng giữa những người tri kỉ “. Sự tương thông giữa người và thịt lúc này đã trở thành huyền hóa - cái mà chỉ tồn tại trong tâm tưởng nhân vật. Có thể nói bằng việc kì ảo hóa ngôn ngữ miêu tả cảm giác, mạc Ngôn đã thể hiện được sự tương thông vi

diệu giữa con người và vạn vật. Mạc Ngôn chỉ ra rằng bằng sự mẫn cảm thần diệu, con người có thể trở thành tri âm của những vật vô tri.

Tuổi thơ của Mạc Ngôn không chỉ đói khát mà còn cô đơn. Trong khi những đưá trẻ khác đang học trên lớp thì Mạc Ngôn làm bạn với con trâu ngoài đồng, với chim, bầu trời trong xanh… Ông tâm sự về khoảng thời gian đó: “Nằm trên thảm cỏ tôi hiểu thế nào là tình yêu, thế nào là lương thiện. Sau đó tôi lại học được cách tự nói một mình. Lúc đó tôi thực sự là tài hoa, xuất khẩu thành văn, thao thao bất tuyệt” [43,102]. Hình ảnh Mạc Ngôn với khả năng tự nói một mình thao thao bất tuyệt phải chăng là cơ sở để ông sáng tạo hình tượng Tiểu Thông - cậu bé Pháo chuyên nói chuyện tầm phào trong mắt mọi người . Bản thân Tiểu Thông cũng rất hay nói chuyện, suy tư một mình, đó thường là cảm nghĩ về mẹ, về thịt, về những hiện tượng trong cuộc sống mà cậu vô tình bắt gặp, về “lôgic quỷ quái” do cậu tự nghĩ ra. Chẳng hạn lúc bỏ ra khỏi lớp học, đứng trên cầu Hàn Lâm, nhìn con cá lớn nuốt đàn cá bé , cậu nghĩ: “ Muốn khỏi bị nuốt, mình phải lớn lên. Tôi cảm thấy mình đã rất lớn nhưng vẫn chưa đủ. Tôi phải lớn thật nhanh …Tôi càng nghĩ càng rối rắm, càng nghĩ càng thấy chuyện đời phức tạp. Nhưng tôi cũng biết , chỉ những đứa trẻ hiểu biết như tôi mới suy ngẫm những vấn đề phức tạp, tôi gặp nhiều chuyện không phải vì tôi thất học, trái lại là vì tôi có học ,trình độ học vấn của tôi đã khá”.Những đoạn suy tư kiểu này khiến hình ảnh Tiểu Thông hiện lên rất sinh động, vừa trẻ con, vừa già dặn. Có nhiều suy nghĩ của Tiểu Thông về cuộc sống không tầm phào chút nào, đó đánh giá của cậu về lão Lan, về Bảy Diêu: “lão Lan là con người cơ trí, không thể coi thường. Bảy Diêu là con người dám tự hạ mình , cũng không thể coi thường “; về đồng tiền đẫm máu người, về sự bất công bằng giữa kẻ giàu và người nghèo, về cuộc đời trần tục đầy dục vọng. Những suy nghĩ đó làm hiện lên cuộc sống phức tạp, đầy bất trắc, con

người vô tình, vô cảm. Đó là thế giới quan của Tiểu Thông cũng là thế giới quan của Mạc Ngôn, là chất hiện thực của tác phẩm.

Mặc dù 41 chuyện tầm phào không lấy bối cảnh và không gian của thôn Đông Bắc Cao Mật nhưng những hình ảnh thiên nhiên - dù xuất hiện không nhiều vẫn thấp thoáng những nét quen thuộc của quê hương Cao Mật của Mạc Ngôn. Đó là bầu trời đầy sao trong đêm tiệc đãi lão Lan của gia đình Tiểu Thông với “làn gió heo may nhè nhẹ”, “con đường Hàn Lâm sáng lên dưới ánh sao”. Hơi men cộng với không khí dịu nhẹ đêm hôm ấy khiến Tiểu Thông có cảm giác linh hồn mình thoát xác. Ban ngày, thôn đồ tể của Tiểu Thông đầy máu me vương vãi với tiếng gia súc bị giết mổ ầm ĩ, nhưng về đêm, khi hoạt động giết mổ tạm ngưng, khung cảnh thôn hiện lên rất thơ mộng và huyền ảo. Đây là khung cảnh đêm Tiểu Thông cùng vợ chồng ông lão đưa đạn về chuẩn bị cho kế hoạch trả thù: “đêm ấy trăng sáng, không khí trong lành, những cành đào như được thoa một lớp dầu ngô đồng… Mới chớm đông, trời không có gió, trăng lạnh, gió heo may, đã có sương, cỏ dại bên đường mốc tráng… trên cánh đồng xa xa, ai đó đang đốt cỏ khai hoang, lửa cháy thành hình vòng cung, trông như sóng biển liếm bờ cát… “Đoạn văn miêu tả cảnh thiên nhiên rất mực trữ tình này làm dịu đi không khí đau thương bao trùm lên tác phẩm sau bi kịch của mẹ Tiểu Thông. Đây cũng là phút giây yên bình cuối cùng của cậu tại quê hương. Những hình ảnh thiên nhiên trong tác phẩm làm cho không gian sinh hoạt, không gian xã hội của những người dân tại một miền quê Trung Quốc hiện lên rất gần gũi, quen thuộc.

Những kí ức về truyền thuyết của quê hương cũng là vốn sống để Mạc Ngôn hư cấu nên những tình tiết đậm chất ảo trong tác phẩm. Quê hương Mạc Ngôn cách quê Bồ Tùng Linh không xa. Những câu chuyện yêu ma quỉ quái ở quê ông cũng vô cùng phong phú. Ông viết: “nhiều truyện quê tôi rất giống với những truyện trong Liêu trai, có khác chăng chỉ khác chút ít… những chuyện ma quỉ nghe hồi còn nhỏ, đã làm nảy

sinh những ảnh hưởng hết sức sâu sắc đối với tôi “ [43, 363-364]. Trong tác phẩm yếu tố ảo gắn với thế giới tâm hồn , tâm linh của nhân vật La Tiểu Thông, huyền thoại về Thần thịt và ngôi miếu thờ Ngũ Thông thần , hình tượng quan lớn Lan. La Tiểu Thông là đứa bé có đời sống tâm linh rất nhạy cảm. Tiểu Thông có thể nghe được tiếng nói của thịt, cảm nhận được thế giới tinh thần của thịt. Không những thế, ở giây phút thăng hoa tâm hồn, linh hồn cậu có thể thoát xác, bay ra ngoài cơ thể để cảm nhận cuộc sống bên ngoài. Cậu có thể thấy ma, tưởng tượng ra chuyện ma quỉ, thấy linh hồn người chết (vợ lão Lan). Chợ ẩm thực mở trong đêm khiến cậu liên tưởng tới chợ âm phủ mà ở đó người bán và kẻ mua đều là ma.

Chất ảo trong tác phẩm còn thể hiện ở cách nhà văn huyền thoại hóa nhân vật. Tiểu thông là nguyên mẫu của thần thịt. Sau khi trả thù lão Lan, bỏ quê đi phiêu bạt, cuộc đời cậu đã được người dân trong thôn huyền thoại hóa. Với khả năng ăn thịt siêu phàm, cậu trở thành thần trong mát mọi người, thành một nhân vật trong tích “Nhục hài thành tiên kí “được diễn trong Tết ẩm thực hằng năm, được tạc tượng, được lập miếu thờ. Hình tượng lão Lan ở cuối tác phẩm cũng nhuốm màu huyền ảo. Trên sân khấu, lão Lan làm tình với bốn mươi mốt cô, lão biến thành ngựa, “cơ bắp phát triển, tứ chi rắn chắc, họng hí vang, đúng là con ngựa giống vào loại xịn, dáng vẻ đài các, sức sống ngồn ngộn, cái đầu kiêu hãnh… phong thái đẹp mê hồn… bốn chân thon mà dài, móng guốc gọn gẽ sáng sủa, ánh lên màu xanh nhạt...”. Thực ra mô hình nhân vật người hóa vật, con vật không phải mới trong văn học, tuy nhiên trong tác phẩm này, đặt trong cảm quan hiện thực, nó không chỉ mang lại cảm giác ảo, cảm giác lạ. Điều Mạc Ngôn muốn nói ở đây là với lối sống bản năng dung tục, con người đang làm một cuộc tiến hóa ngược, trở về với lối sống hoang dã bầy đàn thuở hồng hoang. Đó là một hiện tượng đáng buồn của nhân loại. Phải nói rằng kí ức tuổi thơ về truyền thuyết quê hương và những câu chuyện hoang đường hoàn toàn do ông nội Mạc

Ngôn tưởng tượng ra để kể cho cháu không phải là cơ sở duy nhất để Mạc Ngôn tạo ra chất ảo cho tác phẩm , nó phải kết hợp với trí tưởng tượng vô cùng phong phú, đầy mẫn cảm của tác giả và những điều mà ông học tập, chắt lọc được từ các nhà văn tiền bối của văn học phương Tây và châu Mĩ - La tinh.

Một phần của tài liệu Tìm hiểu 41 chuyện tầm phào của mạc ngôn luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 78 - 83)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(94 trang)
w