Do bị quy định bởi điểm nhìn trần thuật- trần thuật ở điểm nhìn nhân vật ngôi thứ nhất đã hình thành nên trong tác phẩm cách thể hiện thời gian hồi tưởng, thời gian được kể lại. Những sự kiện của truyện được trình bày từ điểm mốc hồi tưởng này theo một chiều thời gian ngược với chiều kim đồng hồ. Thời gian kể truyện trong tác phẩm chỉ có bốn ngày đêm nhưng thời gian của truyện là hơn mười lăm năm (từ lúc nhân vật năm tuổi đến khi trở thành chàng thanh niên hai mươi tuổi). Các sự kiện được nhân vật “tôi” kể lại có vai trò quan trọng đối với tiến trình phát triển của cốt truyện chứ không chỉ là sự hồi tưởng để làm sáng rõ cho một sự kiện, tình tiết truyện. Chính bởi vậy cả quãng đời thơ ấu của La Tiểu Thông không xuất hiện liên tục đều đặn mà được kể theo một hồi ức đứt đoạn.
Chẳng hạn từ tầm phào 1 người kể chuyện khi La Tiểu Thông năm tuổi, lối sống siêng ăn nhác làm của ông bố khiến cả nhà luôn lâm vào cảnh túng thiếu. Tầm phào 2 và 3 trở lại thời điểm Tiểu Thông mười tuổi, mẹ Tiểu Thông thắt chặt chi tiêu để xây nhà, mua xe, lối sống tằn
tiện của mẹ khiến cậu thèm thịt đến khổ sở, chính điều đó làm cậu nhớ về bố, quãng thời gian tuy nghèo nhưng thỉnh thoảng vẫn có thịt ăn. Vì vậy, tầm phào 4, tầm phào 5, tầm phào 6, tầm phào 7 lại là dòng hồi tưởng về năm năm trước khi bố Tiểu Thông bỏ đi, cậu nhớ đến chị bán gia súc, cuộc đụng độ giữa bố cậu và lão Lan.
Từ tầm phào 8 đến tầm phào 21 tiếp tục là mạch kể theo thời gian tuyến tính từ khi bố Tiểu Thông trở về đến khi cả nhà nhờ lão Lan được ăn một cái tết sung túc, nhưng tầm phào 22, Tiểu Thông nhớ lại những chuyện xảy ra trước tết, cậu lau khẩu pháo, lão Lan cử người đến mắc điện cho gia đình cậu.
Nhịp độ của truyện trong tác phẩm cũng phụ thuộc vào cảm xúc chủ quan của Tiểu Thông. Có nhiều sự kiện Tiểu Thông chỉ kể lướt qua nhưng có những sự kiện cậu dừng lại rất lâu, kể rất chi tiết, thường đó là những sự kiện có ấn tượng rất sâu đậm với tuổi thơ của cậu.
Quãng thời gian năm năm sống với bố và năm năm sống với mẹ sau khi bố bỏ đi được lướt nhanh, cậu chỉ kể về cảm xúc thèm thịt đến khốn khổ và lối sống tiết kiệm dè xẻn thái quá của mẹ. Nhưng sau khi bố trở về, cậu đã dừng lại rất lâu để kể về cái tết hạnh phúc và no đủ. Cái tết đó được Tiểu Thông miêu tả kĩ, từ lúc chuyện cậu đi mời lão Lan đến ăn tết đến bữa tiệc thịnh soạn, cậu được uống rượu cùng bố mẹ và lão Lan, cả gia đình cậu đến nhà lão Lan chúc tết, Thẩm Cương đem tiền đến trả nợ, Bảy Diêu sang thuyết phục bố cậu ký vào đơn tố cáo lão Lan...
Ở tầm phào 28, Tiểu Thông đã miêu tả rất chi tiết tâm trạng của mình trước thịt và miếng thịt khi gặp cậu. “Tôi cứ nhìn vẻ mặt tỉnh bơ của lũ thịt trong đĩa, nhìn sắc thái tinh thần và những ngón tay bé xíu như những súc tu của chúng, nghe chúng thì thầm như lũ ong mật trong tổ mà trong lòng cảm động. Tuy nói thầm nhưng tôi nghe rõ từng lời vì chúng nói năng khúc chiết âm sắc rõ ràng. Tôi nghe thấy chúng gọi tên tôi, tự giới thiệu chúng ngon lành cỡ nào, an toàn cỡ nào, xuân sắc cỡ
nào. Mũi tôi cay sục vì những lời tâm tình của lũ thịt, tôi cảm động chỉ muốn khóc nhưng chưa kịp thì lũ thịt đã òa khóc... Tôi rớt nước mắt, ướt đẫm cả những miếng thịt trên đĩa. Thấy tôi khóc, lũ thịt càng xót xa, khóc rũ rượi khiến chiếc đĩa run lên bần bật, khiến tôi càng bất nhẫn” .
Tiểu Thông cũng dành khá nhiều thời gian để kể lại cuộc thi ăn giữa cậu và Lưu Thắng Lợi, Vạn Tiểu Giang, Phùng Thiết Hán. Đó là kỷ niệm sâu sắc khó quên như cậu nói “những năm tháng sau đó, tôi luôn nhớ chuyện này. Và mỗi khi nhớ lại, tôi như xuất thần quên bẵng chuyện đang làm, điều đang nghĩ. Toàn bộ con người tôi trở về cái hôm đó” .Cuộc thi ăn được Tiểu Thông miêu tả sinh động, hấp dẫn, gay cấn li kì như cuộc tỉ thỉ võ lâm giữa các cao thủ. Cũng có thăm dò thái độ, mỗi người có một “chiêu” ăn: Vạn Tiểu Giang, Lưu Thắng Lợi “dùng xiên sắt lấy miếng thịt đưa lên miệng, ngoặm một miếng rõ to rồi nhuồm nhoàm nhai như khỉ”, Phùng Thiết Hán lại “ăn chậm rãi, hít thở điều hòa”. Tiểu Thông thì “nhẹ nhàng cầm một miếng thịt lên, trong khoảnh khắc nghe thấy nó rên lên vì sung sướng”. Cậu cũng miêu tả rất chi tiết tâm trạng sung sướng của lũ thịt khi được Tiểu Thông ăn, tâm trạng của cậu khi ăn thịt như là sự trùng phùng với người tri kỉ, tâm trạng sung sướng của cậu khi chiến thắng được lão Lan tâng bốc là thiếu niên anh hùng, trạng nguyên ăn thịt.
Tuổi thơ Tiểu Thông xảy ra những chuyện khác thường mà không phải đứa trẻ bình thường nào cũng kinh qua và nếm trải. Cùng với cuộc thi ăn, Tiểu Thông cũng kể cho sư cụ Cả Lan nghe rất tỉ mỉ về chuyện cậu trở thành quản đốc phân xưởng rửa thịt, cậu sáng chế ra dây chuyền bơm nước vào dạ dày con vật khi đang sống đem lại hiệu quả cao hơn, chuyện cậu phát giác ra hai phóng viên giả làm người bán súc vật. Đó là những chiến tích vẻ vang của một đứa trẻ thích được làm người lớn. Có những nỗi đau mà cậu cũng không thể kể lướt qua như cái chết của mẹ
trong đám tang vợ lão Lan, chuyện hai anh em trả thù, cậu bắn 41 phát đạn đại bác nhưng không giết được Lan Hữu Lí.
Với đặc điểm thời gian hồi tưởng như trên, có thể nói với Tiểu Thông, quãng đời ấu thơ mười năm rất sâu đậm, kể cho sư cụ nghe về quá khứ chính mình là hành trình Tiểu Thông trở về tuổi thơ của mình hay nói cách khác kể lể chỉ là cách để cậu quay trở lại quá khứ mà thôi.