Nghệ thuật phóng đại tạo ra các giá trị thực và ảo

Một phần của tài liệu Tìm hiểu 41 chuyện tầm phào của mạc ngôn luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 83 - 89)

Phóng đại là thủ pháp nghệ thuật được sử dụng phổ biến trong văn học. Đặc điểm của thủ pháp nghệ thuật này là tô đậm nói quá lên mức bình thường những hiện tượng, trạng thái, tính chất, đặc điểm... của sự vật, hiện tượng, con người nhằm tạo ấn tượng khác thường. Nghệ thuật phóng đại xuất hiện sớm nhất trong văn học dân gian ở các thể loại như thần thoại, sử thi, truyện cười. Trong văn học thành văn, chúng ta bắt gặp thủ pháp nghệ thuật này ở sáng tác của các nhà văn như Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, V. Huygô... Nhà văn Nam Cao phóng đại vẻ bề ngoài xấu xí đến độ ma chê quỉ hờn của Thị Nở (Chí Phèo) cũng như V. Huygô phóng đại hình dáng ghê sợ của thằng gù Quadimodo (Nhà thờ Đức bà Pari) để làm nổi bật sự tương phản giữa hình thức bên ngoài và vẻ đẹp thánh thiện, đầy nhân tính bên trong tâm hồn của hai nhân vật này. Trong tác phẩm Số đỏ, nhà văn Vũ Trọng Phụng sử dụng nghệ thuật phóng đại để tô đậm những tính cách, những hạng người vô nghĩa lí nhằm tạo ra tiếng cười phê phán. Nhà văn Moolie trong tác phẩm Lão hà tiện cũng sử dụng biện pháp nghệ thuật này để phê phán tính cách hà tiện thái quá của nhân vật Acpagong... Trong các tiểu thuyết của mình. Mạc Ngôn thường sử dụng bút pháp khoa trương, phóng đại kết hợp với thủ pháp kì ảo để tạo nên cảm giác rất mới lạ. Có khi Mạc Ngôn sử dụng nghệ thuật phóng đại trong hư cấu chi tiết như trong Đàn hương hình, râu Tiền Đinh và Tôn Bính cắm xuống nước không rối, trong Báu vật của đời, râu của Tư Mã Khố cứng như sắt khiến dao cạo sứt mẻ, có khi ông sử dụng nghệ thuật này để xây dựng những nhân vật khác thường

như nhân vật Dư Một Thước (Tửu quốc) tầm cao 90cm, 85 tuổi nhưng đã ngủ với 89 người đẹp thành phố, nhân vật Triệu Giáp (Đàn hương hình) giết 988 người với một bàn tay mềm và nhỏ nhưng khim bỏ vào nước thì “như thép nung đỏ, nước trong chậu đồng phát ra tiếng lóc bóc...” đặc biệt trong Đàn hương hìnhBáu vật của đời, Mạc Ngôn đã phóng đại cái chết và nâng cái khổ hình lên tầm mĩ học của bạo lực để tạo cảm giác ghê sợ trước bạo lực, đánh động con người hãy từ bỏ nó. Trong 41 chuyện tầm phào nghệ thuật phóng đại được ông sử dụng đắc địa. Tác giả chú ý nhặt ra những thói tật và sự lập dị của nhân vật, bơm phồng lên, tô đậm vào, biến nó trở thành một tồn tại bất bình thường, quái đản tạo nên những nhân vật nghịch dị đồng thời tạo ra giá trị thực và ảo cho tác phẩm.

Trước hết Mạc Ngôn phóng đại cảm giác đói khát và thèm thịt của Tiểu Thông. Với Tiểu Thông, thịt trở thành nỗi ám ảnh và khao khát thường trực đến độ cậu chấp nhận quỳ gối trước bất kì ai cho cậu ăn thịt, cậu sẵn sàng bỏ học, đến làm việc ở xưởng Hoa Xương để được ăn thịt, cậu đưa ra những triết lí riêng của mình về thịt... Mạc Ngôn cũng phóng đại khả năng ăn thịt siêu phàm của cậu bé, trong cuộc thi ăn thịt, Tiểu Thông đã ăn hết năm cân thịt một lúc. Với nghệ thuật phóng đại này Mạc Ngôn một mặt tạo nên ấn tượng về người kể chuyện hoạt ngôn, mồm mép tép nhảy, mặt khác cũng cho người đọc nhận cảm về cuộc sống phức tạp, bề bộn của gia đình Tiểu Thông nói riêng, thôn đồ tể nói chung.

Cùng với bút pháp miêu tả cảm giác kết hợp biện pháp nhân hóa, Mạc Ngôn phóng đại khả năng đặc biệt của Tiểu Thông, đó là có thể nghe được tiếng nói của thịt, giao lưu tinh thần với thịt: “ Tôi rớt nước mắt , ướt đẫm cả những miếng thịt trên đĩa. Thấy tôi khóc, lũ thịt càng xót xa, khóc rũ rượi,khiến chiếc đĩa rung lên bần bật, khiến tôi càng bất nhẫn. Rốt cuộc tôi đã hiểu, chuyện đời quả phức tạp. Người ta đứng

trước một sự vật, dù đó chỉ là miếng thịt, anh cũng nên yêu nó thật lòng mới mong được đền đáp, mới mong tìm thấy cái dẹp trong đó. Nếu anh không yêu thì anh cũng không tiếc, anh cũng không thể lĩnh hội được cái đẹp của nó”. Với những khả năng này, hình tượng Tiểu Thông được huyền thoại hóa thành nhục thần và như đã đề cập ở trên nó cho chúng ta thấy được thế giới tinh thần bên trong hết sức nhạy cảm, hết sức huyền hoặc của Tiểu Thông. Đó là không gian tâm linh huyền ảo mà ở đó con người có thể tương giao với những vật thể vô tri. Mạc Ngôn đã chỉ ra rằng, thế giới tâm linh của con người thật bí ẩn nhưng cũng rất huyền diệu, đó là “không gian bộc lộ con người trong con người”(Bakhtin), không gian rất đặc trưng của tiểu thuyết.

Chi tiết Tiểu Thông bắn bốn mươi mốt phát đại bác trả thù cũng hết sức phóng đại, mang nhiều yếu tố hoang đường nhiều hơn là có thực. Chuyện cậu mua được khẩu pháo trong đám phế liệu rồi sau khi mẹ mất, em Kiều mất, kế hoạch trả thù lão Lan nhiều lần thất bại , đang lúc bế tắc, cậu được ông bà lão tìm đến đưa cho cậu bốn mươi mốt viên đạn mà ông bà cất giữ mấy chục năm như là câu chuyện cổ tích mà trong đó ông bà lão giống như lực lượng siêu nhiên thần kì có khả năng giúp đỡ người bất hạnh đạt được ước mơ của mình. Tiểu Thông trở thành nhân vật đại diện cho chính nghĩa, bằng vũ khí lợi hại, quyết tâm trừ gian diệt bạo mà đối tượng cụ thể là lão Lan. Bốn mươi mốt phát đại bác được bắn ra với nhịp độ hết sức khẩn trương, theo sát từng bước đi của lão mà nhắm tới. Đó là những phát đạn biểu thị sự phẫn nộ của Tiểu Thông cũng là của tác giả trước cái ác, cái bất nhân, tàn bạo. Nó còn biểu thị khát vọng tạo lập lẽ công bằng cho xã hội. Nhưng cả bốn mươi mốt phát đại bác đều không trúng mục tiêu, lão Lan vẫn bình yên vô sự. Phát đạn cuối cùng do bà lão bắn, nhằm giữa lưng lão Lan, cắt lão ra làm đôi... Sau 41 phát đại bác, Tiểu Thông bỏ nhà đi biệt tích, phiêu bạt mười năm còn lão Lan ngày càng giàu có... Công bằng không được thiết lập, cái bất công vẫn tồn tại

và không dễ gì giải quyết trong ngày một ngày hai. Cuộc sống thực tại không giống truyện cổ tích, nó đầy rẫy những nghịch lí mà con người hiện đại phải đối mặt. Tiểu Thông đối mặt với cuộc đời khinh bạc ấy bằng hành trình trở về tuổi thơ, tìm an ủi sẻ chia trong quá khứ.

Trong tác phẩm, nghệ thuật phóng đại cũng được Mạc Ngôn sử dụng để xây dựng các nhân vật như Lan Hữu Lí và chú Ba nhà họ Lan. Cả hai nhân vật này đều có khả năng tình dục khác thường. Chú Ba nhà họ Lan, một công tử chu du thiên hạ, ba vạn gái đẹp đã qua tay, còn lão Lan có thể làm tình với bốn mươi mốt cô gái cùng một lúc. Nhấn mạnh khả năng đặc biệt này, Mạc Ngôn muốn đả kích lối sống trụy lạc, sa đọa của một bộ phận người lắm tiền nhiều của trong xã hội chạy theo lối sống đầy dục vọng bản năng thấp hèn. Chi tiết cuối tác phẩm khi lão Lan làm tình với bốn mươi mốt cô gái, Tiểu Thông thấy ông ta biến thành ngựa đầy kì ảo. Con người này tất cả đều tầm thường, chỉ có khả năng làm ngựa đực là khác người và hơn người, đó cũng chính là một khía cạnh tầm thường nữa của lão Lan.

Như vậy có thể thấy 41 chuyện tầm phào bên cạnh yếu tố thực nó cũng chứa đựng nhiều yếu tố huyền ảo. Làm nên chất huyền ảo đầy li kì cho tác phẩm, cơ sở nền tảng là những câu chuyện kí ức tuổi thơ làm nên một thế giới quan, nhân sinh quan mang màu sắc ảo giác đầy mới lạ của tác giả nhưng cái chính vẫn là bút pháp lạ hóa kì ảo trong hư cấu chi tiết, xây dựng nhân vật... kết hợp với nghệ thuật phóng đại. Điều đó đã làm nên nét đặc sắc về nghệ thuật cho tác phẩm.

KẾT LUẬN

1. Mạc Ngôn là cây bút tài năng trên nhiều thể loại văn học nhưng qua quá trình nghiên cứu đề tài, một lần nữa chúng tôi khẳng định tiểu thuyết là thể loại minh chứng cho bút lực dồi dào, khả năng sáng tạo phong phú nhất của nhà văn. Đây cũng là thể loại thành công nhất của Mạc Ngôn. 41 chuyện tầm phào là tác phẩm mới của Mạc Ngôn chứa đựng nhiều giá trị độc đáo cả về nội dung và nghệ thuật. Thông qua chuỗi chuyện kể đầy ngẫu hứng của nhân vật La Tiểu Thông về gia đình mình, ngôi làng mình từng sống... Mạc Ngôn đã khái quát hóa mô hình đời sống cộng đồng thời mở cửa : quan hệ người –người được xác lập dựa trên lợi ích đồng tiền. Đồng tiền là nguyên nhân số một của các rạn nứt trong mối quan hệ gia đình , làng xóm , cộng đồng…, làm đảo lộn chuẩn giá trị đạo đức truyền thống, làm con người tha hóa, vô cảm, nhẫn tâm, vì lợi nhuận mà coi thường tính mạng đồng loại. Đó còn là cộng đồng tôn sùng vật chất và lối sống hưởng thụ dung tục. Tác phẩm vì vậy lá hồi chuông cảnh báo cho sự xuống cấp về đạo đức , về văn hóa, về lối sống …cho toàn xã hội.

2. Bằng nhãn quan hiện thực sắc sảo Mạc Ngôn đã phản ánh trong tác phẩm sự tha hóa của các cá thể trong một cộng đồng người vừa vô đạo đức vừa vô văn hóa. Đó là những cá thể không có nét tính cách lí tưởng, những con người nghịch dị về tinh thần, méo mó xộc xệch về nhân cách, lối sống : kẻ bất nhân, tàn ác, thủ đoạn, dâm tục, người tham vọng hư vinh, người tiểu nhân, người đớn hèn bạc nhược…Đó là thế giới người không đại diện cho những tính cách lớn lao trong đời, tồn tại một cách trống rỗng và vô nghĩa. Xây dựng hình tượng những con người nghịch dị về nhân tính, Mạc Ngôn không chỉ muốn đả phá, phê phán, thông qua tác phẩm, nhà văn còn muốn bày tỏ nỗi đau xót lo lắng của mình trước sự tha hóa, sự mài mòn nhân tính của con người.

3. Thông qua hình tượng cộng đồng và con người cá thể trong tác phẩm, Mạc Ngôn gửi gắm quan niệm về cuộc sống và con người rất sâu sắc, phảng phất tư tưởng Phật giáo: cuộc sống phức tạp, đa chiều, bề bộn. Những chuyện xảy ở hiện tại là kết quả từ quá khứ, đó là một vòng luân hồi. Trong thế giới đó, con người là sự tổng hòa các yếu tố tự nhiên, xã hội và tâm linh. Thế giới tâm linh của con người là một tiểu thế giới vừa phức tạp vừa bí ẩn mà chỉ với sự mẫn cảm của tâm linh, người ta mới có thể thâm nhập, khám phá. Trong tiềm thức tâm linh, sự bất mãn với hiện tại sẽ khiến con người có nhu cầu trở về quá khứ, trở về tuổi thơ, mong muốn níu kéo thời gian đã qua. Hành trình trở về quá khứ là hành trình của tâm linh cũng là hành trình con người khám phá chính bản thân mình.

4. 41 chuyện tầm phào là tác phẩm có nhiều đặc điểm nghệ thuật độc đáo: hình thức tiểu thuyết như là sự xâu chuỗi nhiều truyện ngắn, cốt truyện mới lạ với kết cấu lồng ghép, bút pháp hiện thực, khoa trương kết hợp với nghệ thuật miêu tả cảm giác, sử dụng các yếu tố kì ảo khiến tác phẩm vừa bám sát các sự kiện đời sống vừa mới lạ hư ảo. Nghệ thuật phóng đại kết hợp với miêu tả ngoại hình, miêu tả tâm lí… giúp tác giả xây dựng những hình tượng nhân vật nghịch dị độc đáo. Có thể nói tác phẩm tiêu biểu cho phong cách tiểu thuyết của Mạc Ngôn.

Một phần của tài liệu Tìm hiểu 41 chuyện tầm phào của mạc ngôn luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 83 - 89)