Mỗi người xấu mỗi kiểu

Một phần của tài liệu Tìm hiểu 41 chuyện tầm phào của mạc ngôn luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 46 - 52)

Ở Việt Nam, nhà văn Nam Cao là người có biệt tài trong việc xây dựng và khắc họa tính cách nhân vật. Cùng là người nông dân, cùng một hoàn cảnh sống, tuy nhiên anh cu Lộ khác Trạch Văn Đoành, khác anh

cu Đức, khác Lang Rận, lão Hạc và không giống Chí Phèo. Nhân vật Chí Phèo được xem là điển hình cho bộ phận người nông dân bị lưu manh hóa. Cùng là người trí thức tiểu tư sản, cùng chung bi kịch vỡ mộng nhưng Hộ chìm vào men say đánh đập vợ con rồi ân hận, Điền chìm trong mơ tưởng về người phụ nữ đẹp để rồi ngồi viết giữa tiếng con khóc, vợ chửi và người đòi nợ léo xéo, San thì hàm hồ phàm tục, Thứ luôn nghiền ngẫm day dứt dằn vặt trước cuộc sống đang cùn mòn về tinh thần, Oanh ích kỷ nhỏ nhen...

Rõ ràng xây dựng các nhân vật với những nét tính cách vừa tương đồng mang tính giai cấp tầng lớp lại vừa khác biệt mang tính cá nhân không chỉ thể hiện tài năng, ngòi bút đầy sắc sảo của nhà văn mà nó là kết quả của con mắt rất tinh tường trước hiện thực, một trái tim nhạy bén có khả năng nắm bắt và khái quát cuộc sống cao độ. Sự khác biệt nhân vật càng tinh tế chứng tỏ sự thâm nhập đời sống của nhà văn càng sâu sắc bởi “chức năng của nhân vật là khái quát những quy luật của cuộc sống con người, thể hiện những hiểu biết, những ước ao kì vọng về con người. Nhà văn sáng tạo nhân vật là để thể hiện những cá nhân xã hội nhất định và quan niệm về các cá nhân đó” [53, 64].

Trong 41 chuyện tầm phào, nhân vật không nhiều, có thể đếm trên đầu ngón tay, thành phần xuất thân chủ yếu là nông dân, có thấp thoáng các vị chức sắc lãnh đạo, tuy nhiên với số lượng nhân vật không hề đông đảo ấy bằng ngòi bút khắc họa đặc điểm tính cách, chủ yếu ở đây là cái xấu, cái phản diện, Mạc Ngôn đã khái quát lên chân dung bản chất của một bộ phận người trong xã hội Trung Hoa thời mở cửa.

Có thể xếp Lan Hữu Lí, thị trưởng Hồ, phó tỉnh trưởng vào một trục, đó là trục quan chức. Lão Lan là trưởng thôn đồ tể, Tổng giám đốc kiêm chủ tịch hội đồng quản trị Công ty trách nhiệm hữu hạn chế biến thịt Hoa Xương, là anh em tay chân với thị trưởng Hồ và Phó tỉnh trưởng. Xuất thân trong một dòng họ có tiếng lão Lan có lẽ vì thế mà

được thừa kế sự cơ trí. Sở dĩ lão có thể lãnh đạo được thôn đồ tể, mua chuộc được Dương Tú Trân, thu phục được anh em Hoàng Bưu, sai khiến được đám phóng viên, kết tinh thân giao với các vị lãnh đạo chóp bu là nhờ vào sự cơ trí ấy. Lão hiểu uy lực của đồng tiền và sử dụng chính uy lức đó để mua chuộc lòng người. Chính sách dùng người của lão là “lấy đạo người để trị người”. Chính bởi vậy khi La Thông cầm búa bước về phía mình, lão Lan hết sức bình thản : “…lão gật đầu, nói : La Thông, trước kia tôi đánh giá cao về anh , kỳ thực anh không xứng với đĩ La , cũng không xứng với Dương Tú Trân “ . Lời nói và thái độ của lão Lan đã lung lạc được tinh thần La Thông. Cây búa trong tay anh ta chệch hướng bay về phía Tú Trân. Lão xảo quyệt đánh trúng bản chất nhu nhược và tự trọng thái quá của La Thông khiến anh ta không đủ can đảm để ra tay. Không chỉ đối phó với La Thông, cùng một chiêu bài đó, lão Lan dùng để “trị” phương thức trả thù rất trẻ con của Kiều và Tiểu Thông. Khi Tiểu Thông cầm kéo nhào tới, lão Lan ngồi xuống ghế, nước mắt thập thò, yêu cầu Tiều Thông đâm. Hành động đó như gáo nước ngay lập tức làm nguội lạnh trái tim và ý chí trả thù hừng hực của Tiểu Thông khiến cậu “trong lòng đau nhói, lại còn ý nghĩ đáng hổ thẹn là nhào vào lòng lão mà khóc”.

Nếu như trong đường lối kinh doanh và dùng người, lão Lan thủ đoạn, tàn nhẫn, xảo quyệt và thâm hiểm thì trong cuộc sống, lão rất bừa bãi trong quan hệ ứng xử và hành động thô tục bỉ ổi như thổ phỉ. Lão coi trọng tình dục và quan hệ bừa bãi, lão báng bổ thánh thần, một mặt bỏ tiền trùng tu miếu thờ Ngũ Thông, có lần lén lút đến đền khấn vái nhưng chính lão lại sát sinh trước cửa miếu, bức tử Hoàng Phi Vân ngay trên sân khấu vừa diễn tích “nhục hài kí” và làm tình với 41 cô chân dài để chứng minh sức mạnh đàn ông ngay trên sân khấu đó. Dáng vẻ bề ngoài với phục sức rất sang trọng đắt tiền hoàn toàn đối lập với lối ăn nói thô

tục, hành động hùng hùng hổ hổ phùng mang trợn má vốn là bản chất của tên đồ tể.

Có thể nói, Lan Hữu Lí là nhân vật tập trung trong mình tính cách tàn nhẫn máu lạnh của tên chuyên giết mổ gia súc, sự lọc lõi xảo quyệt thủ đoạn của tên cơ hội, thức thời nhạy bén trước thị trường và tham vọng làm giàu bằng mọi giá, sự thô lỗ vô học của một người có nền tảng văn hóa thấp. Lão tiêu biểu cho một bộ phận người nông dân Trung Quốc lợi dụng chính sách mở cửa, làm giàu nhờ phi pháp và do quan hệ mà ngoi lên.

Thị trưởng Hồ và phó tỉnh trưởng xuất hiện gần cuối tác phẩm. Chỉ qua vài lời đối thoại cũng như lời bình luận của mấy người thợ tạc tượng chúng ta cũng nhận ra bản chất của hai vị “cha mẹ của dân” này. Các vị rất mê tín. Đây là hiện tượng phổ biến trong xã hội hiện đại. Càng có chức quyền quan chức càng năng đi đền đi chùa để cầu xin phát tài phát lộc. Chính bởi vậy thị trưởng và phó tỉnh trưởng cùng bắt tay quyết tâm trùng tu miếu thờ Ngũ Thông và dựng miếu thờ Nhục Thần. Không chỉ ham tiền hai vị lãnh đạo còn chuộng chạy theo thành tích, năm nào cũng tổ chức tết ẩm thực tốn tiền của dân nhưng không thu được lợi lộc gì, chỉ là dịp để các công ty kinh doanh thịt phô trương thanh thế. Là cha mẹ của dân, nhưng các vị cũng tiểu nhân. Ngay sau khi thị trưởng rơi tóc giả một hôm, trên bàn làm việc của ông ta đã có ngay danh sách của những kẻ bưng miệng cười trộm. Là những quan chức điều hành một thành phố, một tỉnh nhưng trước những món tiền hối lộ của các nhà kinh doanh thịt, phó tỉnh trưởng và thị trưởng lờ tịt đi chuyện vi phạm an toàn thực phẩm đến mức khi Tết ẩm thực chưa kịp kết thúc cũng là lúc mấy chục thực khách phải vào viện cấp cứu vì ngộ độc thực phẩm. Với tác phẩm này một lần nữa cho thấy chính những người có

chức quyền nắm trong tay quyền điều hành lại là những kẻ cặn bã, thoái hóa biến chất nhất.

Bốn người tình có danh tính của lão Lan: Dương Tú Trân, Hoàng Phi Vân, Phạm Chiêu Hà, vợ Hoàng Bưu, vừa là người bị lão Lan quyến rũ đồng thời cũng lại là những người vì nhiều động cơ mà chấp nhận sự quyến rũ đó. Dương Tú Trân ham tiền, ham hư vinh, mơ ước có nhà cao cửa rộng để có thể ngồi lên đầu người khác, luôn coi lão Lan là mẫu người lí tưởng. Như Tô Châu tố cáo, việc bà ta gian díu với lão Lan là để mua chức giám đốc cho chồng, quản đốc cho con. Đây hoàn toàn không phải là sự hi sinh bản thân của một người mẹ người vợ vì chồng, vì con. Cơ bản nó là sự tự nguyện để thỏa mãn những ham muốn vật chất rất tầm thường của bà mà thôi. Phạm Chiêu Hà và vợ Hoàng Bưu giống nhau ở chỗ đều là những người phụ nữ rất lẳng lơ, quan hệ với lão chỉ vì lão có tiền, có quyền. Hoàng Phi Vân lại là người phụ nữ si tình thái quá. Mặc dù đã có chồng có con, có tiền, có danh tiếng nhưng vẫn sống chết với lão Lan. Đó là sự si mê của một con ngựa cái trước sức quyến rũ của con ngựa đực, hoàn toàn không phải tình yêu đích thực. Có thể nói mối quan hệ phức tạp của lão Lan với rất nhiều phụ nữ này một lần nữa cho thấy sự xuống cấp về đạo đức trong quan hệ giữa người với người. Những mối quan hệ kiểu này đầy rẫy và phổ biến trong xã hội hiện đại khi mà con người bị mài mòn trách nhiệm và lương tâm đối với gia đình, cộng đồng. Nó hoàn toàn đi ngược lại với quan niệm đạo đức và văn hóa truyền thống của người phương Đông.

Có thể nói không qúa rằng, ở đây nhiều con người đã thực sự bị vật hóa ở các mức độ khác nhau. Các nhân vật trong tác phẩm, mỗi người xấu mỗi kiểu nhưng chính sự tha hóa đã dẫn đến một thế giới người nghịch dị về tinh thần , méo mó về nhân cách, lối sống , tồn tại một cách trống rỗng và vô nghĩa .Đề cập tới cái xấu của cá nhân trong xã hội, Mạc Ngôn không nhằm đưa ra một nhân sinh quan bi quan và tiêu cực. Thiên

chức muôn đời của văn học vẫn là nâng đỡ tâm hồn con người, thanh lọc tâm hồn, hướng con người tới cái thiện. Mỗi nhà văn có thiên hướng riêng , hoặc xây dựng , hoặc đả phá . Ở tác phẩm này , Mạc Ngôn theo thiên hướng sau. Thẳng thắn chỉ ra cái xấu để thức tỉnh, lay tỉnh cộng đồng , để loại bỏ nó chính là trách nhiệm và tâm huyết của các nhà văn có lương tri, trong đó có Mạc Ngôn.

Chương 3

Một phần của tài liệu Tìm hiểu 41 chuyện tầm phào của mạc ngôn luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 46 - 52)