Sự biến đổi chính trị xã hội.

Một phần của tài liệu Chính sách thực dân và tác động của nó đối với tình hình kinh tế xã hội inđônêxia (từ đầu thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX) (Trang 78 - 86)

Việc thực dân phương Tây xâm lược và đặt ách cai trị bóc lột trên đất nước Inđônêxia không chỉ làm cho nền kinh tế của Inđônêxia có nhiều biến đổi khác trước mà nó còn kéo theo sự chuyển biến sâu sắc trong đời sống chính trị - xã hội mà trước hết là sự thay đổi tính chất của xã hội cổ truyền.

Dưới tác động của chủ nghĩa thực dân, Inđônêxia từ một nước phong kiến độc lập đã bị biến thành một nước thuộc địa, nền chính trị xã hội phụ thuộc hoàn toàn vào bọn thực dân. Bộ máy chính quyền cai trị của người bản xứ đã bị vô hiệu hóa hoàn toàn, tất cả mọi hoạt động kinh tế - chính trị đều bị chi phối bởi chính quyền thực dân.

Một trong những chuyển biến rõ nét nhất về mặt xã hội ở Inđônêxia mà chúng ta nhận thấy đó là sự biến đổi của cơ cấu giai cấp trong xã hội. Dưới tác động của chủ nghĩa thực dân, các giai cấp trong xã hôi Inđônêxia đã biến đổi sâu sắc, bên cạnh những giai cấp cũ đã xuất hiện những giai cấp, tầng lớp mới. Ngay trong chính bản thân những giai cấp cũ trong nông thôn Inđônêxia là nông dân và địa chủ đã có sự phân hóa.

Giai cấp nông dân, là một bộ phận chính trong cơ cấu dân cư của Inđônêxia thường chiếm 95% dân số, đến khoảng cuối thế kỉ XIX đầu XX là

90% dân số ở Inđônêxia. Dưới tác động của chủ nghĩa thực dân cùng quá trình phân hóa nông thôn diễn ra từ trước đó đã làm cho giai cấp nông dân bị phân hóa thành những tầng lớp khác nhau: Tầng lớp phú nông - đại diện cho thành phần kinh tế tư bản chủ nghĩa ở nông thôn Inđônêxia. Họ có nguồn gốc là những người nông dân bình thường nhưng lại nhạy bén trong quá trình sản xuất với sự xâm nhập của quan hệ hàng hóa - tiền tệ và phương thức sản xuất mới, nhờ biết cách làm ăn mà trở nên giàu có. Họ chỉ chiếm một số lượng rất nhỏ nhưng có thế lực kinh tế và vị trí đáng kể trong nông thôn Inđônêxia, một số trong tầng lớp này có tinh thần dân tộc sâu sắc.

Tầng lớp trung nông, bao gồm những người nông dân được sở hữu một số lượng ruộng đất tương đối dư để sản xuất làm ăn nuôi sống bản thân chứ không phải đi làm thuê mướn cho nơi khác.

Bộ phận còn lại trong giai cấp nông dân là tầng lớp bần cố nông, đây là bộ phận chiếm số đông đảo nhất và chịu nhiều thiệt thòi nhất trong xã hội. Họ thường có rất ít hoặc không có ruộng đất trong tay, phải đi làm thuê cuốc mướn hoặc mướn ruộng của bọn địa chủ sản xuất và chịu thuế. Dưới chính sách của chính phủ Hà Lan buộc người nông dân phải giao nạp từ 1/5 đến 2/3 ruộng đất cho chính quyền thực dân để làm đồn điền thì tình trạng của tầng lớp này ngày càng khốn khó. Đầu thế kỉ XX, tình trạng mất đất của người nông dân Inđônêxia tăng lên ngày một nhiều, họ thiếu tiền để nộp thuế và mua các thứ tiêu dùng cần thiết nên phải sống trong cảnh khổ cực - nghèo đói triền miên.

Như vậy, dưới tác động của chủ nghĩa thực dân phương Tây giai cấp nông dân đã phân hóa thành những tầng lớp khác nhau nhưng nói chung đại đa số nông dân đều có cuộc sống cực khổ. Trước đây, họ chỉ phải chịu sự áp bức của bọn phong kiến bản địa, nay phải gánh trên mình 2 tầng áp bức của phong kiến và thực dân. Số thuế họ phải nộp không bao giờ dưới 50% sản

lượng thu hoạch. Vừa phải đi làm thuê vừa phải chịu những khoản lao dịch nặng nề, họ ngày càng bần cùng hóa đi đến phá sản hàng loạt, phải bỏ quê hương bản quán đi đến các nhà máy xí nghiệp, hải cảng hay các đồn điền làm thuê. Một bộ phận không kiếm được việc làm phải quay về quê cũ tiếp tục cuộc sống khổ sở không lối thoát,chính lực lượng này trở thành gánh nặng trong xã hội Inđônêxia. Bản thân giai cấp nông dân là những người có tinh thần cách mạng triệt để nhưng họ lại không đại diện cho một phương thức sản xuất mới nên không thể là những người lãnh đạo cuocj cách mạng giải phóng của Inđônêxia. Tuy nhiên, họ lại đóng vai trò là lực lượng đông đảo nhất trong phong trào giải phóng dân tộc của Inđônêxia.

Trong chính sách của bọn thực dân phương Tây ở Inđônêxia cả Hà Lan và Anh đều chỉ nắm chính quyền từ cấp tỉnh trở lên, còn cấp huyện trở xuống chúng vẫn duy trì bộ máy thống trị cũ của người bản xứ. Trong đó thì giai cấp địa chủ phong kiến đã trở thành lực lượng tay sai đắc lực nhất của bọn thực dân, chính quyền thực dân rất chú ý nâng đỡ giai cấp này nên nó ngày càng phát triền lớn mạnh cả về thế lực chính trị và kinh tế. Chỉ chiếm một lượng nhỏ không quá 10% dân số nhưng lại nắm trong tay số lượng ruộng đất - của cải lớn trong xã hội, chúng nắm trong tay khoảng 1/2 diện tích canh tác. Giai cấp địa chủ phong kiến đã sử dụng tài sản này vào việc bóc lột nhân dân bằng cách cho tầng lớp bần cố nông lĩnh canh ruộng đất và thu tô thuế (có thể bằng tiền hoặc bằng hiện vật), từ khi có bọn thực dân phương Tây ủng hộ che chở các hoạt động này ngày càng được đẩy mạnh và hống hách hơn. Lực lượng này ngày càng trở nên giàu có nắm ưu thế rất lớn trong kinh tế nông thôn, tầng lớp bần cố nông phụ thuộc hoàn toàn vào giai cấp này. Bọn địa chủ còn được nắm hầu hết các chức vụ ở hương thôn, không ngừng bóc lột nhân dân. Có địa vị ngày càng cao trong kinh tế và chính trị trong quá trình phát triển phân hóa thành 3 tầng lớp: Đại, trung và tiều chủ nhưng về bản chất là một.

Bên cạnh sự tồn tại và phân hóa của giai cấp cũ, dưới tác động của những chính sách thực dân trong xã hội của Inđônêxia cũng xuất hiện những tầng lớp, giai cấp mới đại diện cho phương thức sản xuất mới được du nhập vào đất nước Inđônêxia như: giai cấp công nhân, tư sản, tầng lớp trí thức, tiểu tư sản…

Đầu tiên là sự ra đời của giai cấp công nhân. Giai cấp công nhân được xem là sản phẩm trực tiếp - là con đẻ của chủ nghĩa thực dân. Nghĩa là nó ra đời cùng với sự có mặt của tư bản và phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa ở Inđônêxia. Giai cấp công nhân ở Indonesia hình thành trước giai cấp tư sản dân tộc. Ngay từ thời thực dân Hà Lan thực hiện chế độ cưỡng bức trồng trọt, khi các đồn điền cây công nghiệp ra đời cũng là thời điểm xuất hiện của giai cấp công nhân.

Đầu năm 1840, ở Inđônêxia đã có khoảng 20 vạn công nhân làm trong 749 xưởng chàm. Tiếp đó, lần lượt là công nhân trong các xưởng đường, chè, thuốc lá. Số lượng công nhân ngày càng tăng cùng với quá trình phát triển sản xuất, đồn điền mở ra càng nhiều công nhân càng tăng. Đến khoảng đầu thế kỉ XX, số lượng công nhân ở Inđônêxia tăng nhanh, bởi số lượng các đồn điền khái thác ngày càng tăng. Tổng số công nhân trong các đồn điền khoáng sản, các xưởng chế biến nông phẩm, tiểu thủ công đã tăng lên đến 2,3 triệu. Đến thời kì 1938 - 1940, tổng số công nhân trong các đồn điền, công xưởng của Inđônêxia là 5 triệu. Đa số công nhân phân bố ở khu vực đảo Giava - nơi tập trung nhiều ngành sản xuất, đồn điền công nghiệp. Phần lớn giai cấp công nhân Inđônêxia đều có xuất thân từ nông dân và thợ thủ công bị phá sản. Họ không có việc làm đã phải bỏ quê hương đi làm thuê ở các đồn điền xí nghiệp của bọn thực dân và vô hình chung họ trở thành giai cấp công nhân. Họ thường phải chịu 2 tầng áp bức của bọn lãnh chúa phong kiến chủ xưởng và bọn tư bản thực dân (mang trên mình cả 2 mâu thuẫn dân tộc và giai cấp).

Giai cấp công nhân ở Inđônêxia thường phải lao động trong những điều kiện lao động nặng nhọc, không đảm bảo an toàn lao động cũng như điều kiện vệ sinh nhất là ở các đồn điền. Họ thường phải lao động 12 tiếng/ 1 ngày đến 14 tiếng/ 1 ngày với đồng lương vô cùng rẻ mạt. Các công nhân làm việc trong các mỏ thiếc và đồn điền chỉ từ 10xu/ ngày đến 15xu/ ngày. Hợp đồng lao động kí thường là 3 năm nhưng vì tiền phạt và tiền nợ lãi chồng chất họ phải chịu thân phận vô sản suốt đời.

Phần nhiều công nhân ở Inđônêxia không cố định, như năm 1938 ở Giava trong các xưởng sản xuất có 54.148 công nhân thì chỉ có 1/4 trong số đó là cố định, còn lại là công nhân mùa vụ. Họ có quan hệ dính với nông thôn, họ vào xưởng lúc mùa vụ nông nhàn, công việc đồng áng đã xong và trở về nông thôn phụ giúp gia đình lúc bắt đầu mùa màng. Có khi là sáng họ vào làm việc trong công xưởng hoặc đồn điền tối trở về nông thôn. Khi trở về nông thôn họ mang theo những tư tưởng mới xã hội chủ nghĩa góp phần mở rộng tầm nhìn và khơi dậy ý thức về vai trò của mình với những người nông dân. Họ đã trở thành cầu nối bền chặt giữa công nhân và nông dân.

Tuy nhiên, giai cấp công nhân ở Inđônêxia còn mang một đặc điểm nữa là không sống tập trung, họ sống ở cách xa nhau, trước chiến tranh thế giới thứ hai, trong số 239 xưởng với tổng số công nhân là 50.168 người thì chỉ có một xưởng thuốc lá của người Hà Lan ở Giava tập trung 12.000 người. Còn lại họ không có điều kiện tiếp xúc nhau. Họ ở các đảo xa nhau như công trường khai thác dầu hỏa, chế biến dầu hỏa ở 3 đảo khác nhau: Calimanta, Xumatora, Giava…. Những trở ngại về khoảng cách đã làm cho họ khó có thể đoàn kết một cách chặt chẽ. Tuy nhiên, những điều kiện lao động, hoàn cảnh sống giống nhau đã làm cho giai cấp công nhân gần gũi nhau hơn. Đến cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX họ bắt đầu tiếp thu những luồng tư tưởng mới xã hội chủ nghĩa và dân tộc chủ nghĩa. Nó đã đi sâu và kích động nhiệt tình cách

mạng của giai cấp này. Giai cấp công nhân đã sớm trở thành một lực lượng chính trị độc lập, thống nhất tự giác trong cả nước và nhanh chóng vươn lên nắm ngọn cờ lãnh đạo trong phong trào cách mạng của dân tộc.

Cũng dưới tác động của chủ nghĩa thực dân, giống như ở các nước Đông Nam Á khác, ở Inđônêxia đã xuất hiện giai cấp tư sản và ngay từ khi ra đời nó đã phân hòa thành 2 bộ phận: tư sản dân tộc và tư sản mại bản.

Tầng lớp tư sản mại bản có quyền lợi gắn liền với chủ nghĩa thực dân. Bọn tư bản phương Tây sang Inđônêxia vì không thông hiểu tiếng nói và tập quán của những người dân địa phương nên chúng đã mua chuộc sử dụng một số lực lượng xuất thân từ bọn địa chủ quan lại phong kiến làm trung gian giữa chúng với nhân dân và chính quyền bản xứ - đó chính là bọn tư sản mại bản. Chúng trở thành tay sai đắc lực của bọn thực dân phương Tây trên tất cả các lĩnh vực: kinh tế - chính trị - văn hóa - xã hội…. Chính vì vậy, bọn tư bản phương Tây rất chú ý để phát triển lực lượng này phục vụ cho quyền lợi của chúng trong việc tiêu thụ hàng hóa cũng như vơ vét nguyên liệu. Chính vì được hưởng những đặc quyền thực dân nên tầng lớp tư sản mại bản có thế lực kinh tế rất lớn và cả địa vị về chính trị. Lợi dụng mối quan hệ này với thực dân mà chúng đã cướp đoạt tài sản, ruộng đất của nông dân phục vụ việc kinh doanh buôn bán. Nhờ việc làm thuê cho bọn đế quốc nên tầng lớp này làm giàu rất nhanh. Hàng năm chúng đều nhận được những khoản thù lao cũng như hối lộ của bọn tư bản nước ngoài. Chúng là cầu nối giữa tư bản nước ngoài với sản xuất địa phương hoặc giữa những người tiêu dùng và thương nhân nước ngoài, vậy nên không chỉ hưởng lợi từ một phía thực dân mà còn được chính quyền bản xứ rất tạo điều kiện để làm ăn. Quyền lợi của chúng gắn liền với chế độ thực dân và phong kiến nên là một tầng lớp rất phản động muốn gắn bó và duy trì chế độ thực dân để kiếm lợi. Chúng tất yếu trở thành đối tượng của phong trào cách mạng trong nước.

Bộ phận phân hóa còn lại của giai cấp tư sản Inđônêxia là tầng lớp tư sản dân tộc. Ra đời vào những năm 50 - 60 của thế kỉ XIX do quá trình xâm nhập kinh tế TBCN của bọn thực dân phương Tây. Do chính sách thống trị của bọn thực dân mà con đường phát triển của giai cấp này gặp nhiều khó khăn. Bị chèn ép của bọn phong kiến trong nước và tư bản phương Tây trong quá trình sản xuất kinh doanh nên ít nhiều họ vẫn có tinh thần dân tộc, muốn đấu tranh chống bọn phong kiến thực dân. Giai cấp tư sản dân tộc ở Inđônêxia chỉ được phép hoạt động trong một phạm vi hạn chế trong các ngành như: đan chiếu, rổ rá, vải hoa Bantich, thuốc điếu cosotech, đồ gốm xứ…nhưng họ phải phụ thuộc vào các nhà nhập khẩu nước ngoài. Mặt khác, chỉ được lập ra các xưởng công nghiệp, xí nghiệp sản xuất nhỏ qui mô không quá 50%. Có thế lực kinh tế nhưng họ ít được đầu tư vào sản xuất trong nước.

Thường xuất thân từ các tâng lớp trên trong xã hội: đó là từ một số quan hệ lại địa chủ và thương nhân lớn có địa vị chính trị và có thế lực kinh tế, bỏ vốn ra kinh doanh công thương nghiệp trở thành tầng lớp trên của giai cấp tư sản. Hay từ các chủ xưởng công trường thủ công, tiểu chủ, tiểu thương do thức thời biết cách buôn bán kinh doanh mà thành, bản thân họ ít nhiều có mối quan hệ kinh tế, thân thuộc với bọn phong kiến, đế quốc, được sống trong điều kiện vật chất và văn hóa khác hơn nhiều những giai cấp tầng lớp khác trong xã hội nên giai cấp này đã nhanh chóng nắm lấy những tư tưởng mới và sớm bước vào hoạt động chính trị. Nhưng do nguồn gốc xuất thân và quyền lợi giai cấp họ thường có tinh thần không triệt để, dễ thỏa hiệp. Khi bị chèn ép thì vùng lên đấu tranh, nhưng khi bọn chính quyền phong kiến và đế quốc có chút thay đổi, cải cách thì giai cấp nà sẵn sàng bắt tay từ bỏ. Nhưng dẫu sao, như Lênin nhận xét: “giai cấp tư sản dân tộc vẫn đóng một vai trò nhất định trong phong trào giải phóng dân tộc”.

Như vậy, đến đầu thế kỉ XX giai cấp tư sản dân tộc ở Inđônêxia còn non yếu trong quá trình phát triển còn thể hiện tính chất 2 mặt, nhưng dù sao họ vẫn là một lực lượng có tư tưởng tiến bộ, có tư tưởng đổi mới tiếp thu những luồng tư tưởng mới sớm nhất. Chính họ đã trở thành lãnh đạo của phong trào đấu tranh theo tư tưởng mới làm tiền đề cho cuộc cách mạng giải phóng dân tộc sau này.

Một hệ quả nữa dưới tác động của chủ nghĩa thực dân tại Inđônêxia là sự ra đời và lớn mạnh của tầng lớp tiểu tư sản. Họ bao gồm những thành phần trung lưu như thị dân công chức, nhân viên, thợ thủ công giới trí thức học sinh, địa bàn chủ yếu ở thành thị và những vùng duyên cảng phát triển. Cùng quá trình phát triển về kinh tế - xã hội tầng lớp này lớn mạnh và tăng nhanh về số lượng. Thường được đào tạo trong hệ thống giáo dục tư sản nên tư tưởng của họ thường gắn liền với tư tưởng tư sản, khi có những luồng tư tưởng mới họ cũng nhanh chóng chuyển nhanh tư tưởng sang tiếp thu.

Một phần của tài liệu Chính sách thực dân và tác động của nó đối với tình hình kinh tế xã hội inđônêxia (từ đầu thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX) (Trang 78 - 86)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(103 trang)
w