Đạo đức là những tiêu chuẩn, nguyên tắc ứng xử được dư luận xã hội thừa nhận, qui định hành vi, quan hệ của con người đối với nhau và đối với xã hội. Nói tới cảm hứng đạo đức là nói tới thái độ của nhà văn đối với các vấn đề được đặt ra trong tác phẩm, đánh giá mọi hiện tượng đời sống, con người từ góc nhìn đạo đức theo những chuẩn mực ứng xử nhất định.
Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du không đứng trên lập trường đạo đức phong kiến để vẽ nên bức tranh thời đại, mà ông đã đứng trên lập trường nhân sinh. Thông qua khuynh hướng khách quan của tác phẩm, Nguyễn Du đặt ra những vấn đề thuộc về bản chất đạo đức chế độ phong kiến xưa. Bàn về cảm hứng đạo đức, các nhà nho lại đứng trên lập trường đạo đức chính thống. Cho nên, quan niệm đạo đức của các nhà nho không nằm ngoài khuôn khổ của nội dung đạo đức phong kiến, đạo đức của các “thánh hiền” thời cổ đại Trung Quốc. Các nhà nho quan niệm chức năng văn học “văn dĩ tải đạo” nghĩa là văn học dùng để chở đạo, đề cao chức năng giáo huấn, thuyết lí đạo đức và trong nhiều trường hợp trở thành cái loa phát ngôn tư tưởng đạo đức phong kiến. Vì thế, khi bàn về cảm hứng đạo đức trong Truyện Kiều, các nhà nho đã
lấy thước đo của giá trị đạo đức Nho gia để đánh giá, phẩm bình. Họ muốn tìm trong đó, xem có những tấm gương đạo đức nào để giáo huấn xã hội. Tuy các nhà nho cùng đứng trên lập trường đạo đức phong kiến nhưng có những ý kiến bất đồng nhau. Đúng như ý kiến nhận xét của Đào Duy Anh: “Hai bên (khen và chê) đều lấy tư tưởng luân lí mà phê bình, phán đoán một tác phẩm nghệ thuật” [8,17]. Các nhà nho đứng trên lập trường phong kiến “tam cương, ngũ thường” hay “trung, hiếu, tiết, nghĩa” để khen ngợi hay chê bai Truyện Kiều gồm có Vũ Trinh, Nguyễn Lượng, Minh Mệnh, Tự Đức, Nguyễn Văn Thắng, Chu Mạnh Trinh, Nguyễn Công Trứ, Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Trọng Kim. Họ chỉ ca ngợi nhân vật khi nhân vật thực hiện đúng luân lí đạo đức phong kiến và phê phán khi nhân vật làm trái với luân lí đó. Vũ Trinh - Nguyễn Lượng khi đọc câu 1239 trong Truyện Kiều:
Mặc người mưa Sở mây Tần, Những mình nào có biết xuân là gì?
đã ca ngợi phẩm chất của Thuý Kiều: “Nhất trinh tự nhiên - một lòng trinh tự nhiên (tuy thất thân nhưng lòng Thuý Kiều vẫn trinh bạch tự nhiên)” [54,20]. Đọc đến câu 857: Giận duyên tủi phận bời bời,
Cầm dao nàng đã tính bài quyên sinh.
hai nhà nho cũng ca ngợi tấm lòng nàng Kiều: “Thuý Kiều tuy thân dĩ thất, nhi nhất điểm trinh tâm vị thương hoặc thất, dương ư thử đẳng xứ kiến chi (Thuý Kiều tuy thất thân nhưng tấm lòng trinh ngờ chưa từng mất, có thể thấy như thế ở những đoạn này)” [54,18].
Về câu 3115: Xưa nay trong đạo đàn bà, Chữ trinh kia cũng có ba bảy đường.
hai nhà nho đánh giá: “Kim Trọng giải rõ chữ trinh ra, chàng thật là tri kỉ của Thuý Kiều. Này, song trinh cả tâm hồn lẫn thể xác mới thật đáng quí chuộc vậy” [54,26].
Với câu 1253: Nhớ ơn chín chữ cao sâu, Một ngày một ngả bóng dâu tà tà.
hai nhà nho khen Thuý Kiều là người con luôn giữ đạo hiếu: “Một niềm hiếu nghĩa của Thuý Kiều nhớ cha mẹ ở mọi nơi đều không quên bỏ, thật là đáng thương, đáng kính” [54,20-21].
Nếu hai nhà nho đề cao, ca ngợi Thuý Kiều bao nhiêu thì lại hạ thấp Thuý Vân bấy nhiêu, vì họ cho rằng Thuý Vân không làm trọn đạo hiếu. Đọc đến câu 713:
Thuý Vân chợt tỉnh giấc xuân, Dưới đèn ghé lại ân cần hỏi han.
Nguyễn Lượng phê: “cha bị tù, chị phải bán mình mà cứ việc ngủ say. Đến đây, Thuý Vân hai lần xuất hiện mà xem ra thân phận cô ta khác với Thuý Kiều. Còn Vũ Trinh phê: “Thuý Vân xuất hiện ba lần mà lần nào cũng trơ như hòn đá. Trong hội Đoạn trường sao có của ngu xuẩn như vậy? Cô Đạm Tiên còn làm gì được nàng nữa! Nàng chỉ đáng cho theo thói giàu sang mà làm bà quan là phải” [54,16-17].
Trong bài Thánh Tổ Nhân hoàng đế ngự chế tổng thuyết, vua Minh Mệnh đã đứng trên quan niệm “trung, hiếu, tiết, nghĩa” để ngợi ca Thuý Kiều và Từ Hải: “Vì tiền vàng phá phép công bằng, phải bán mình giữ trọn đạo hiếu; mượn giấy đỏ để tả sầu li biệt, đành cậy em chắp mối thân tình. Dùng dao nhọn sát thân, lòng trinh nữ giữ tiết lớn; khuyên áo gấm qui thuận, bậc trượng phu vì nước lòng ngay. Mười lăm năm bướm lại ong qua, không từng để ý; nghìn muôn dặm mưa dồn gió dập, vẫn giữ lòng” [48,47]. Vì thế, Thuý Kiều đã có được sự đồng cảm:
“Nên chi:
Khách bút nghiên hồi trước; bạn Tao Đàn đời sau.
Sạch mình mà không đến chết, nuốt tiết sánh với Tô Lang; tránh nạn chứ đâu phải gian; thổi tiêu ví cùng Ngũ Tử” [48,48].
Trong bài Dực Tông anh hoàng đế ngự chế tổng từ, vua Tự Đức xem
Truyện Kiều là thước đo giá trị của đạo đức phong kiến, cái loa phát ngôn cho đạo đức đó:
Xưa nay những anh hào kiệt sĩ, Gánh cương thường luân lí trên vai. Cùng thông hơn thiệt chẳng nài,
Phòng khuê khúc nhật một vài khúc ngâm.
Đến tập Kim Vân Kiều án, Nguyễn Văn Thắng cũng xem TruyệnKiều là cuốn sách giáo huấn đạo đức phong kiến. Cho nên, ông đã tuyên bố dựa vào bản Hoàng triều luật lệ để đánh giá các nhân vật trong Truyện Kiều: “Nhận thấy lời chảy, văn hay, thật quả trong 1575 câu Quận công, Long Lĩnh hầu cũng không hơn được. Huống hồ như tôi dám vạch từng đoạn, tính từng câu mà bình luận. Tuy nhiên, xét các nhân vật trong Truyện Kiều, có những người thì tài đáng yêu, nghĩa đáng khen, nết đáng trọng, tình đáng thương, cũng có người tính đáng răn, ác đáng ghét, pháp luật không riêng ai, tình tội không thể bàn chung lỗi nghị luận. Nay tôi xin theo bản Quốc triều luật lệ xét đoán cho thấy chân tình” [41,466]. Chính vì thế, trong tập Kim Vân Kiều án, Nguyễn Văn Thắng đã nêu công, tội của từng nhân vật, rồi đem về Quốc pháp xét án và đề nghị thưởng phạt các nhân vật trong truyện như một phiên toà vậy. Nhưng có lẽ, Nguyễn Văn Thắng muốn triều đình xét xử công minh cho mình, như ông đã làm với các nhân vật trong Truyện Kiều. Khi xét Án Thuý Kiều, Nguyễn Văn Thắng khen ngợi: “Xét sau trước đủ nhân trinh hiếu nghĩa - Thương lâu nay làm tuyết nguyệt phong hoa” [54,58]; đối với Án Kim Trọng: “Ấy tâm đức cũng là tuồng quân tử - Tình nên thương mà đắc cách
cũng ơn” [54,64]; đối với Bạc Hạnh, Bạc Bà án “Thằng buôn son kể đà hai mươi mốt - Tội nạn dung ưng nghị trạm kêu” [54,66].
Trong bài Tổng vịnh Truyện Kiều, Chu Mạnh Trinh đã xem nàng Kiều là tấm gương của thước đo giá trị đạo đức:
Cuốn rèm xuân trải mấy sương, Sắc tài chi lắm để làm gương… Hai bên vẹn tình cùng hiếu,
Đem bắc đồng cân đáng mấy vàng.
Trong bài Vịnh Kiều, Tôn Thọ Tường đã bênh vực phẩm tiết Thuý Kiều. Ông cho rằng, cuộc đời chìm nổi của Thuý Kiều là do hoá công gây ra, nên đừng trách nàng mà trách hoá công. Ông đã viết:
Mười mấy năm trời nợ trả xong, Sông Tiền Đường đục lại trong… Tấm lòng thiên cổ thương mà trách, Chẳng trách chi Kiều, trách hoá công.
Nhưng thực ra, ông muốn mượn Thuý Kiều để bào chữa cho việc mình đầu hàng thực dân Pháp là do hoàn cảnh, không phải do mình.
Trong bài Viếng Kiều, Tản Đà ca ngợi Thuý Kiều là tấm gương cho đời: Lấy thân mà trả nợ đời,
Nghĩ thân mà lại ngẫm ngùi cho thân. Phong lưu rất mực hồng quần,
Mười lăm năm, bấy nhiêu lần làm gương.
Trong bài Diễn thuyết đọc trong lễ kỉ niệm cụ Tiên Điền, Phạm Quỳnh đã đề cao thái quá văn chương Truyện Kiều: “Văn chương mình chỉ độc có một quyển, vừa là kinh vừa là truyện, vừa là thánh thư, phúc âm của cả dân tộc. Một nước không thể không có quốc hoa, Truyện Kiều là quốc hoa của ta; Một
nước không thể không có quốc tuý, Truyện Kiều là quốc tuý của ta; Một nước không thể không có quốc hồn, Truyện Kiều là quốc hồn của ta” [55,1082]. Trong bài Truyện Thuý Kiều, Trần Trọng Kim ca ngợi Truyện Kiều là cuốn sách: “Gồm đủ nhân, nghĩa, trí, tín, thật là quyển sách rất có luân lí” [79,1667].
Trong bài Văn chương Truyện Kiều, Vũ Đình Long cũng xem Truyện Kiều là cuốn sách luân lí, giáo huấn đạo đức phong kiến “Trung, hiếu, tiết, nghĩa”, “Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”. Cho nên, ông đã ca ngợi: “Cụ dạy đời cái cách thờ vua giúp nước, cái cách vợ thờ chồng, con thờ cha, cái cách làm người cho xứng đáng, cái luân lí cao quí vô cùng ấy, thực ra là lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu. Truyện Kiều là một truyện phong tình nhưng gồm cả trung, hiếu, tiết, nghĩa, thật là tấm gương luân lí sáng suốt vô cùng. Truyện Kiều đáng là một nền văn chương bất hư, một là vì cái giá trị văn chương, hai là vì cái giá trị luân lí” [76,1667].
Cùng đứng trên lập trường đạo đức phong kiến nhưng lại có những ý kiến đối lập. Điểm gây tranh luận đầu tiên là tư cách đạo đức của nhân vật. Ta từng gặp những lời răn đe nghiêm ngặt:
Đàn ông chớ kể Phan Trần, Đàn bà chớ kể Thuý Vân, Thuý Kiều.
Nhà nho Chu Doãn Trí được xem như là người đầu tiên phê phán Thuý Kiều. Trong bài Vịnh Thuý Kiều, ông đã viết:
Lão thiên bất thị đố chu nhan, Chỉ vị tình căn khởi trái…
Thanh lâu đáo xứ giai Kim Trọng, Hồng phấn tàn thời hữu Thổ Quan.
Đến nhà nho tài tử Nguyễn Công Trứ là người sống cùng thời với Nguyễn Du, cuộc sống của ông có phần phóng túng hơn so với các nhà
nho cùng thời. Nhưng ông lại là nhà nho lên án, phê phán gay gắt nhân vật Thuý Kiều. Nếu các nhà nho Vũ Trinh, Nguyễn Lượng, Minh Mệnh, Nguyễn Văn Thắng, Chu Mạnh Trinh, Trần Trọng Kim ca ngợi nàng Kiều là “trung, hiếu, tiết, nghĩa”, thì Nguyễn Công Trứ phê phán Thuý Kiều chẳng có hiếu hạnh, tiết nghĩa gì cả, mà cho nàng là con đĩ, là kẻ phụ tình. Việc nàng bán mình chuộc cha, ông cho rằng đó là chuyện thường của đạo làm con. Thuý Kiều chẳng phải là tấm gương đạo hiếu gì cả. Ví như trong bài Vịnh Kiều, Nguyễn Công Trứ đã kịch liệt lên án:
Đã biết má hồng thời phận bạc,
Trách Kiều nhi chưa vẹn tấm lòng vàng… Bạc mệnh chẳng lầm người tiết nghĩa, Đoạn trường cho đáng kiếp tà dâm. Bán mình trong bấy nhiêu năm, Đố đem chữ “Hiếu” mà lầm được ai,
Nghĩ đời mà ngán cho đời.
Sở dĩ Nguyễn Công Trứ lên án Thuý Kiều như vậy là vì ông đã đặt Thuý Kiều vào khung của giá trị đạo đức phong kiến. Đặt trong hệ qui chiếu đó, ông xét thấy nàng Kiều không đủ những phẩm chất của người phụ nữ phong kiến “trung, hiếu, tiết, nghĩa”, “tam tòng, tứ đức”.
Đến bài thơ họa lại bài thơ Vịnh Kiều của Tôn Thọ Tường, Phan Văn Trị lên tiếng trách nàng Kiều không giữ phẩm tiết:
Tài sắc chi mi, hỡi Thuý Kiều?
Cũng thương yêu nhắc một hai điều,… Cái nghĩa chàng Kim là đáng mấy,
Thoi vàng họ Mã giá bao nhiêu? Liêu Dương ngàn dặm xa chi đó, Nỡ để Lâm Tri bướm dập dìu.
Thực chất bài thơ họa đó, Phan Văn Trị muốn đả kích và vạch rõ ý đồ của Tôn Thọ Tường dùng thơ để bào chữa cho hành động hèn hạ đầu hàng giặc Pháp của mình. Như vậy, Truyện Kiều đã mang màu sắc đấu tranh chính trị. Nhưng trong những nhà nho phê phán Truyện Kiều, thì có lẽ phải kể tới Ngô Đức Kế và Huỳnh Thúc Kháng. Đó là hai nhà nho tân học có lí luận đanh thép, tiêu biểu hơn cả. Nguyên nhân dẫn đến việc hai nhà chí sĩ này có những lí luận đanh thép, là Truyện Kiều đã được đề cao một cách thái quá bởi ông chủ bút Nam Phong tạp chí (1919 - 1924). Trong bài Diễn thuyết bằng quốc văn đọc tại buổi lễ kỷ niệm cụ Tiên Điền, Phạm Quỳnh tán dương “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn”. Từ đó, lớp nhà nho tân học thi nhau phê bình Truyện Kiều, xem Truyện Kiều như một cuốn Phúc âm, có sức mạnh “vạn năng” cứu dân tộc ra khỏi nạn ngoại xâm. Trước tình hình đó, Ngô Đức Kế đã viết bài Luận về chánh học cùng tà thuyết - Quốc văn - Kim Vân Kiều truyện, Nguyễn Du, đăng trên báo Hữu Thanh, năm 1924. Trong bài viết, Ngô Đức Kế đã lên án gay gắt Thuý Kiều và văn chương
Truyện Kiều: “Kim Vân Kiều là gì? Chưa nói sự tích thiệt không, chưa kể văn hay dở, chỉ nhắc đến cái tên sách thì nghe đã không thể nào ngửi được. Mà dù sự tích ấy có thiệt đi nữa, thì một đôi thiếu niên nam nữ, đêm thanh người vắng, trèo tường trổ ngõ, ước hội chuyện trò với nhau, đối với phong hoá đạo đức là việc bất chính, mở đầu quyển sách như thế, dù sau có tô vẽ hiếu nghĩa gì đi nữa, cũng không đủ làm gương tốt cho đời. Văn tuy hay, mà truyện là truyện phong tình, thì cái vẻ ai dâm sầu oán, đạo dục tăng bi, tám chữ ấy không tránh đàng nào cho khỏi” [23,1710]. Thực chất, bài viết của Ngô Đức Kế chủ tâm phản đối việc tán tụng Truyện Kiều của Phạm Quỳnh. Mà ông quan niệm, Truyện Kiều là văn phẩm “ai dâm sầu oán, đạo dục tăng bi” [23,1710]. Tầng lớp thanh niên đọc phải sẽ làm nhụt chí và quên đi trách
nhiệm cứu nước, mà đắm vào con đường hoang lạc. Đến bài Vịnh Kiều, Ngô Đức Kế đã lên án kịch liệt:
Trộm cắp trăng hoa đủ mọi trò, Giá ba trăm lạng tính so cò. Hiếu vờ may gặp cơn gia biến, Nhân hão vì tham cái gói to. Mượn giấc chiêm bao mơ đĩ Đạm, Vào dinh Tổng đốc gạ lão Hồ. Khen cho mụ Hoạn tinh đời thật, Mèo mả gà đồng rõ mặt mo.
Ý kiến đó đã được Huỳnh Thúc Kháng tiếp tục khẳng định, hưởng ứng và minh định. Trong bài Vịnh Kiều, Huỳnh Thúc Kháng lên tiếng mạt sát cay độc. Tiêu biểu như các câu:
- Muôn ác tà dâm ấy sự đầu, Tình đâu đâu mà hiếu đâu đâu? Theo cha gác xó lời cha mẹ,
Làm đĩ đành thân tiếng ngựa trâu.
Nghiêng nước trầm cười riêng mấy kiếp, Đắc người để sắc tội ngàn thu.
Tiên Điền cụ nghĩ mua vui vậy, Biết nỗi người sau dại thế ru! - Sách dạy thời nay đĩ đứng đầu,
Xúm nhau sùng bái gái nhà Ngô.
Trong bài Chánh học cùng tà thuyết có phải là vấn đề quan hệ chung không? Huỳnh Thúc Kháng đã biện luận: “ông Ngô thấy người ta hoan nghinh Kiều mà có ý căm tức viết bài phản đối, phải căm tức là chính phải. Con đĩ Kiều kia có giá trị gì? Người vẽ Kiều kia có công đức gì hoan nghing?
Ông đã đề xướng chánh học thì phản đối sự bất chánh ấy chính là vì nhân tâm, thế đạo mà sinh lòng công phẫn, chớ có cái gì gọi là thù riêng?” [25,1727]. Qua hai bài viết của hai nhà nho chí sĩ này, chúng ta thấy họ đứng trên lập trường đạo đức phong kiến, đem Truyện Kiều vào mục đích đấu tranh chính trị, nhằm vạch trần âm bịp bợm của thực dân Pháp đã lợi dụng Phạm Quỳnh để cướp nước. Tấm lòng hai nhà chí sĩ này là đáng ca ngợi. Nhưng đưa tác phẩm văn học nghệ thuật dùng vào mục đích chính trị là việc làm sai lầm. Hai nhà nho này còn đặt ra những vấn đề như quan hệ giữa nghệ thuật và nhân sinh, quan hệ giữa nghệ thuật và luân lí xã hội, quan hệ giữa nội dung và hình thức trong tác phẩm văn học. Vì thế, khi đặt câu hỏi: Một văn phẩm (như