Các nhà nho bàn về nhân vật phản diện trong Truyện Kiều

Một phần của tài liệu Các nhà nho việt nam tiếp nhận truyện kiều (Trang 101 - 109)

Trong cuốn Từ điển thuật ngữ văn học, các tác giả đã định nghĩa: “Nhân vật phản diện còn gọi là nhân vật tiêu cực. Nhân vật phản diện mang những phẩm chất xấu xa, trái với đạo lí và lí tưởng của con người, được nhà văn miêu tả trong tác phẩm với thái độ lên án, chế giễu, phủ định. Do đó, nhân vật phản diện và nhân vật chính diện là hai loại hình nhân vật luôn luôn đối lập với nhau. Nhân vật phản diện là một hiện tượng lịch sử. Nó xuất hiện trong văn học muộn hơn nhân vật chính diện. Nhân vật phản diện nguyên phiến, đơn nhất về phương diện phẩm chất. Vì thế, trong nhiều trường hợp, nhân vật phản diện thường mang tính chất qui phạm và không tránh được sự đơn giản, một chiều [12,198].

Như cách bàn về nhân vật chính diện, các nhà nho lớp cũ khi bàn về nhân vật phản diện cũng chỉ chú ý đến phương diện khách thể: nhân vật mang phẩm chất gì? Tính cách nhân vật như thế nào? Họ thiên về cảm nhận chung chung chứ chưa phân tích cụ thể xem Nguyễn Du đã xây dựng nhân vật bằng hình thức nào. Thông qua các bài bình, bài tựa, bài vịnh, có thể họ xem đó cũng là hình thức bàn về nghệ thuật xây dựng nhân vật. Trước hết, các nhà nho bàn về nhân vật phản diện thuộc thế lực nhà chứa như Tú Bà, Mã Giám Sinh, Sở Khanh. Chúng đều là bọn buôn thịt bán người, hám tiền. Vì tiền mà chúng có thể làm những đều xấu xa, bỉ ổi, nhất là buôn bán sắc đẹp của phụ nữ. Thuý Kiều là một trong những nạn nhân của tệ nạn đó. Chúng hợp thành một tuyến nhân vật không lẫn lộn được, như đúc ra từ đời sống hiện thực lúc bấy giờ. Tiêu biểu như các lời phẩm bình sau:

- Một ổ bợm già, vốn nghề hành viện, Mừng được khách son phai phấn lợt. Tìm đường hung hiểm ép tơ đào, Dòm dõi khuôn vốn một lời mười.

(Bạc Hạnh, Bạc Bà án - Nguyễn Văn Thắng) - Hơi đồng mụ vốn say mê,

Ghét người phận bạc xanh kia nỡ nào.

(Bạc Bà buộc tái giá – Hà Tôn Quyền)

- Cho biết tay già là tổ bợm, Dù ai bóp méo cũng vo tròn.

(Tú Bà khuyên Kiều – Chu Mạnh Trinh) - Sở Khanh kế mới tay gian độc,

Mã Giám ăn quen lối bịp đời. Thân tựa chim lồng khôn nỗi thoát, Trống khuya hoa nỡ giục liên hồi.

Lạ chi mụ Tú làm treo giá,

Nghề nghiệp lầu xanh mãi thế thôi.

(Mắc lừa Sở Khanh – Hà Tôn Quyền)

- Mã Kiều thôi chớ rườm lời nữa! Sở, Mã xem ra cũng một nòi.

(Lầu xanh gặp TúBà - Nguyễn Văn Chi) - Xỏ lá ai bằng cậu Sở Khanh,

Kiếm ăn lại ở đám lầu xanh.

Mảnh tiên “tích việt” vừa khô mực, Con ngựa truy phong đã phụ tình.

(Sở Khanh - Tản Đà)

Vậy là thông qua các bài bình, bài vịnh, các nhà nho như Nguyễn Văn Thắng, Hà Tôn Quyền, Nguyễn Văn Chi, Chu Mạnh Trinh, Tản Đà đã khắc họa tính cách cũng như bản chất của các nhân vật phản diện.

So với cách bàn luận về nghệ thuật xây dựng nhân vật phản diện, thì các nhà nho lớp mới đã có những lời bình cụ thể, khoa học hơn các lớp nhà nho cũ. Điều đó đã được chứng minh trong bài viết Văn chương Truyện Kiều của Vũ Đình Long. Tác giả bài viết đã nhận xét về nghệ thuật miêu tả các nhân vật phản diện như Thúc Sinh, Mã Giám Sinh, Tú Bà một cách rõ nét. Đối với nhân vật Thúc Sinh, tác giả bài viết đánh giá: “là một cậu công tử, con nhà giàu, ham chơi, dại gái, tính lại hay khoe khoang hão” [40,309]. Ví như câu:

Thúc Sinh quen thói bốc rời,

Trăm nghìn đổ một trận cười như không.

Vũ Đình Long nhận xét: “Tả như thế thì khéo quá, đúng quá, nên tiếng “cười Thúc Sinh” đã thành tục ngữ” [40,309].

Đối với nhân vật phản diện Mã Giám Sinh, Vũ Đình Long đánh giá: Mã Giám Sinh cũng là một tay phong tình, mà cụ lại tả một cách khác. Ví dụ như câu:

Quá niên trạc ngoại tứ tuần, Mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao.

Từ cách miêu tả nhân vật Mã Giám Sinh, tác giả bài viết đã thấy được nghệ thuật độc đáo của Nguyễn Du trong việc khắc họa ngoại hình để lột tả bản chất ma cô dắt gái của nhân vật này. Vũ Đình Long nhận xét: “Con người như thế mà đến sánh vai với người tài tình như cô Kiều thì có rõ một tiên, một cú không? Cụ Nguyễn Du cố ý đem cái não cảnh ấy ghép vào cho nàng Kiều, để khiến cho người đời thêm thương xót người bạc mệnh. Lối văn tả Mã Giám Sinh này là lối văn giễu, khen để chê, tức là văn có dùng phản ngữ vậy” [40,310]. Đến cảnh Mã Giám Sinh ngả giá thì hắn đã lộ rõ bản chất một con buôn:

Cò kè bớt một thêm hai,

Giờ lâu ngã giá vàng ngoài bốn trăm.

Vũ Đình Long khen cái tài tình của Nguyễn Du trong cách xây dựng nhân vật này: “thì ta biết ngay Mã Giám Sinh là phường mạt hạng trong xã hội, ấy là văn tả hình dung khéo, phải khiến cho người đọc biết được cái địa vị người ấy trong xã hội” [40,310].

Còn đối với ngoại hình mụ trùm nhà chứa Tú Bà, mà Nguyễn Du đã miêu tả trong Truyện Kiều:

Thoắt trông nhờn nhợt màu da, Ăn chi cao lớn đẫy đà làm sao?

Trước xe lơi lả han chào…

Vũ Đình Long đã đánh giá: “Có mấy nét bút mà như vẽ ra mụ chủ lầu xanh. “Nhờn nhợt”, “cao lớn đẫy đà”, “lơi lả” là những chữ dùng đúng lắm” [40,310].

So với cách xây dựng các nhân vật phản diện như Tú Bà, Mã Giám Sinh, Sở Khanh, thì hai vợ chồng Thúc Sinh - Hoạn Thư là hai nhân vật được xây

dựng gần với lối điển hình hoá của chủ nghĩa hiện thực hơn cả. Hoạn Thư là nhân vật phản diện nhưng không hoàn toàn xấu xa, trái với đạo lí, lí tưởng của con người. Trong số những nhân vật phản diện vùi dập, hành hạ Thuý Kiều, Hoạn Thư là người duy nhất biết đến tài, đến tình của Thuý Kiều. Trong bài

Bàn về nhân vật Truyện Kiều, Tùng Hoa cũng bàn về cách xây dựng nhân vật Hoạn Thư như vậy. Nhà nho này đã đánh giá tài năng của Nguyễn Du trong việc khắc họa nhân vật này: “Hoạn Thư là vợ Thúc Sinh nhưng tính khí lại khác hẳn chồng. Nàng thực là người sâu sắc, cương nghị; một anh chàng nhu nhược phóng đãng như Thúc Sinh cũng phải có chị vợ ấy mới xong. Thực ra, ở vào khuôn phép nói ra môi giường, nàng có phải là người ghen tuông thói thường đâu:

Ví bằng thú thực cùng ta,

Cũng dong kẻ dưới mới là lượng trên.

Chẳng qua là tại vì Thúc Sinh vụng xử mới nên chuyện ấy thôi. Mà nàng có lòng độ lượng bao dung thật. Tùng Hoa đã đưa ra dẫn chứng:

Rằng tài nên trọng mà tình nên thương.

Rồi y như lời xin của Thuý Kiều, Hoạn Thư đã cho nàng ra ở Quan Âm các:

Thôi thì thôi cũng chiều lòng, Cũng cho thoát khỏi trong vòng mà ra.

Không dám giận chồng, không phạm gì đến chồng, mà tự nhiên chồng phải chịu bó tay, thế mới là gái có đảm lược. Huống chi lại là người có tri thức, gươm đã kề cổ, chỉ nói mấy câu:

Rằng “Tôi chút phận đàn bà,

Ghen tuông thì cũng người ta thường tình. Nghĩ cho khi các viết kinh,

Với khi khỏi cửa dứt tình chẳng theo. Lòng riêng, riêng những kính yêu,

Chồng chung ai dễ ai chiều cho ai”.

Vừa nhận lỗi, vừa kể ơn, câu nào cũng hợp lí, khiến cho Thuý Kiều phải tha. Đàn bà như thế tưởng đáng khen lắm” [18,1036-1038]. Tùng Hoa đã thấy được phần nào thiên tài Nguyễn Du về nghệ thuật xây dựng nhân vật Hoạn Thư.

Vũ Trinh - Nguyễn Lượng cũng bàn về nghệ thuật khắc họa nhân vật Hoạn Thư một cách tinh tế, độc đáo. Đó là một người đàn bà gian ngoan và đầy bản lĩnh. Về câu 1.533 trong Truyện Kiều:

Ở ăn thì nết cũng hay,

Nói điều ràng buộc thì tay cũng già.

Vũ Trinh đánh giá: “Thật đúng là một mệnh phụ đảm đương việc nhà. Ta với nàng sinh không cùng thời, ở không cùng chỗ mà nay đọc đến hai câu này như cảm thấy không rét mà run” [54,22]. Với câu 2.371 trong Truyện Kiều:

Trót lòng gây việc chông gai, Còn nhờ lượng bể thương bài nào chăng.

Vũ Trinh phê: “Hoạn Thư nói câu nào, câu nấy lý lẽ điều chính trực cả” [54,24]. Hoặc về những câu 1.537, 1.538 trong Truyện Kiều:

Lửa tâm càng dập càng nồng, Trách người đen bạc ra lòng trăng hoa.

Ví bằng thú thật cùng ta,

Vũ Trinh - Nguyễn Lượng nhận xét: “So sánh lời phân tỏ rõ ràng của Thuý Kiều với điều nghĩ của Hoạn Thư thì thấy sở kiến của hai người giống nhau. Giả sử Thúc Sinh khó phân xử điều đình thì Thuý Kiều và Hoạn Thư hai người sẽ là đôi tri kỉ trong khuê phòng. Tiếc thay lại không được như thế” [54,22]. Hay từ những câu 1.615 và 1.616 trong Truyện Kiều:

Dọn thuyền lựa mặt gia nhân, Hãy đem dây xích buộc chân nàng về.

Làm cho đau đớn ê chề cho coi.

Vũ Trinh - Nguyễn Lượng nhận xét: “Đấy là lòng nghĩ ngợi kỹ càng và lớn gan của bậc anh hùng, đáng sợ và cũng đáng yêu. Giả sử Hoạn Thư làm Hồ Tổng đốc thì ắt không có lối quỷ quyệt giả dụ hàng rồi đánh úp. Giả sử Hoạn Thư là Từ Hải thì ắt không có việc tin người dễ dàng, đề phòng sơ hở và tính toán sai lầm. Đồng thời, hai bậc ấy làm sao khỏi bị Hoạn Thư chê cười” [54,22-23].

Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du khắc họa nhân vật Thúc Sinh cũng có những nét đa dạng như Hoạn Thư về phương diện điển hình hoá. Tuy Thúc Sinh là nhân vật phản diện nhưng không phải hoàn toàn tiêu cực. Đó là ý đồ nghệ thuật xây dựng nhân vật của Nguyễn Du. Ở Thúc Sinh có sự mâu thuẫu giữa động cơ hành động và kết quả của hành động. Thúc Sinh là nhân vật mà Nguyễn Du đã kết hợp nhiều màu sắc thẩm mĩ đa dạng, nên bút pháp của Nguyễn Du cũng hết sức đa dạng. Nguyễn Du đã sử dụng bút pháp trữ tình khi miêu tả những phút giây êm đềm Thúc Sinh với Thuý Kiều. Nhưng khi làm nổi rõ bản chất bạc nhược của Thúc Sinh, thì Nguyễn Du lại sử dụng bút pháp châm biếm, trào phúng. Như từ câu 1.971 trong Truyện Kiều:

Liệu mà xa chạy cao bay, Ái ân ta có ngần này mà thôi.

Vũ Trinh - Nguyễn Lượng đánh giá cái tài của Nguyễn Du trong việc xây dựng nhân vật Thúc Sinh: “Rất hay là chỗ kể Thúc Sinh tỏ tình với ni cô Trạc Tuyền hoàn toàn không có một điều gì là ngôn ngữ của bậc trượng phu” [54,23]. Hoặc về câu 1.797 trong Truyện Kiều:

Tìm đâu cho thấy cố nhân,

Lấy câu vận mệnh khuây dần nhớ thương.

Vũ Trinh - Nguyễn Lượng nhận xét: “Có thể thấy lòng chung tình của Thúc Sinh không bằng lòng trung hậu của Kim Trọng” [54,23]. Bản chất nhu nhược

của Thúc Sinh được nhà nho Hà Tôn Quyền phẩm bình trong bài Hầu rượu Thúc Sinh và Hoạn Thư:

Thoắt trông đã lạnh gáy rồi, Chồng tuy lạnh toát vợ thời hân hoan.

Tỉnh say cười nói lan man, Riêng ai thực khó thở than nên lời.

Trong bài Bàn về nhân vật Truyện Kiều, Tùng Hoa cũng bàn về bút pháp trào phúng của Nguyễn Du trong việc khắc họa tính cách nhu nhược, đớn hèn nhân vật Thúc Sinh: “Thúc Sinh là con nhà giàu, lại kết duyên với Hoạn Thư là con quan Lại bộ, thì chắc dòng dõi cũng trâm anh, mà không có tài cán gì đáng kể, tính khí thì nhu nhược, lại hay chơi bời lêu lổng, phung phí tiền nong, say hoa đắm nguyệt, đổ một trận cười, thật là khá bỉ. Khi Hoạn Thư làm ra phép thì thúc thỉ ngồi nhìn, đến nổi phải mở miệng bảo với Thuý Kiều rằng:

Liệu mà xa chạy cao bay, Ái ân ta có ngần này mà thôi.

Ôi! Khí khái một bậc tu mi nam tử” [18,1036].

Khi xây dựng nhân vật phản diện từ Tú Bà cho đến Hồ Tôn Hiến, Nguyễn Du đã khắc họa rõ nét bản chất giai cấp cũng như bản chất xã hội, chứ không như khi xây dựng nhân vật chính diện. Như từ câu trong

Truyện Kiều:

Có quan Tổng đốc trọng thần, Là Hồ Tôn Hiến kinh luân gồm tài.

Tùng Hoa nhận xét: “Chức ngài làm đến Tổng đốc, là một ông quan to, vua lại sai ngài đi dẹp giặc to như thế, chắc ngài là một người mưu lược lắm” [18,1038].

Nhìn chung, qua cách bàn luận về nghệ thuật xây dựng nhân vật chính diện cũng như nhân vật phản diện trong Truyện Kiều, các nhà nho đã nhất trí công nhận Nguyễn Du là một thiên tài về nghệ thuật khắc họa, miêu tả ngoại hình, tính cách và nội tâm nhân vật. Điều đó được khẳng định trong các bài bình luận, đặc biệt là các bài phân tích, đánh giá, nhận xét khá cụ thể của các nhà nho tân học như Bùi Kỷ - Trần Trọng Kim, Tùng Hoa, Vũ Đình Long.

Một phần của tài liệu Các nhà nho việt nam tiếp nhận truyện kiều (Trang 101 - 109)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(124 trang)
w