0
Tải bản đầy đủ (.doc) (124 trang)

Các nhà nho bàn về sự chi phối của tư tưởng Phật giáo

Một phần của tài liệu CÁC NHÀ NHO VIỆT NAM TIẾP NHẬN TRUYỆN KIỀU (Trang 76 -81 )

Truyện Kiều

Tư tưởng Phật giáo đã chung sống với người Việt Nam trên hai mươi thế kỉ và ảnh hưởng sâu sắc đến văn hoá, văn học dân tộc. Quan niệm về luật nhân quả của Phật giáo đã góp một phần quan trọng vào việc hình thành, phát triển thế giới quan, nhân sinh quan của nhà văn. Đạo Phật cho rằng luật nhân quả dựa trên ba đời: “quả quá khứ, quả hiện tại và quả vị lai. Con người không phải một kiếp mà nhiều kiếp nối tiếp nhau” [74,1039]. Phật giáo quan niệm con người ta gây nhân lành được quả lành, gây nhân dữ bị quả dữ, cũng như trong dân gian thường có câu “ở hiền gặp lành”, “ác giả ác báo”, “gieo nhân nào gặp quả ấy”. Trong Truyện Kiều, thế giới quan của Nguyễn Du đã đi từ tư tưởng Nho giáo đến tư tưởng Phật giáo. Mở đầu Truyện Kiều, thế giới quan của Nguyễn Du bị chi phối bởi tư tưởng tài - mệnh:

Trăm năm trong cõi người ta, Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau.

Nhưng kết thúc Truyện Kiều, thế giới quan của Nguyễn Du chi phối bởi tư tưởng Phật giáo khi nhắc đến chữ tâm - tài:

Thiện căn ở tại lòng ta, Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.

Sở dĩ Nguyễn Du đã kết hợp cả hai tư tưởng Nho giáo và Phật giáo nhằm lí giải những vấn đề cuộc sống đương thời như mâu thuẫn xã hội, bất công của xã hội đối với kiếp người đau khổ, trong đó có số phận người phụ nữ. Mà vấn đề đó như một định mệnh trói chặt kiếp người đau khổ. Vì chữ “nghiệp” trong quan niệm Phật giáo cũng là một kiểu tư tưởng định mệnh. Nhưng cái khác nhau là trong tư tưởng Nho giáo, định mệnh do lực lượng siêu nhiên bên ngoài chi phối như tư tưởng Nho giáo quan niệm “Trời” đấng tối cao, linh thiêng nhất quyết định “mệnh” con người. Còn đối với tư tưởng Phật giáo quan niệm định mệnh nằm ngay trong bản thân con người, chi phối con người bằng luật nhân quả, luân hồi. Nho giáo chú trọng ở chỗ xử thế, Phật giáo chú trọng ở chỗ xuất thế. Trong Truyện Kiều, ngôn ngữ của bóng ma Đạm Tiên vừa có tư tưởng Nho giáo vừa có tư tưởng Phật giáo. Trong Truyện Kiều, Đạm Tiên như là định mệnh đối với cuộc đời nàng Kiều. Như từ câu:

Nào hay chưa hết trần duyên, Trong mê dường đã đứng bên một nàng.

Vũ Trinh - Nguyễn Lượng phẩm bình: “Xứ xứ Đạm Tiên, xứ xứ oan nghiệt (chỗ nào có Đạm Tiên là chỗ ấy có oan nghiệt)” [54,19].

Trong bài họa Mộng thấy Đạm Tiên, Nguyễn Văn Chi cũng phẩm bình về bóng ma Đạm Tiên:

Ả Đạm qua đời đã mấy đông, Bỗng dưng gặp gỡ giấc mơ mòng… Nỗi niềm e ngại càng chan chứa, Cái kiếp chung tình có hại không?

Và bài Nước sông Tiền Đường rửa oan:

Đạm Tiên lời mộng rành rành, Bến sông đâu tá thân mình là đây.

Lòng băng đem gửi nước mây, Nghiệp sau thôi quá từ rầy sạch lâng.

Trong bài Tổng từ, vua Tự Đức bàn duyên kiếp của Phật giáo chi phối trong Truyện Kiều:

- Lối Lam Kiều tường đông ngập nghé, Kiếp này không xá để kiếp sau. - Phải đây hết kiếp Đoạn trường,

Gửi mình dưới đáy tràng giang cho rồi.

Trong bài Vịnh Ngộ Kim Trọng, Hà Tôn Quyền cho rằng sự gặp gỡ giữa Thuý Kiều và Kim Trọng là do nhân duyên:

Hai chữ nhân duyên những đợi chờ, Kể từ gặp gỡ đến bây giờ.

Và bài Vịnh Ngộ Bạc Hạnh, Hà Tôn Quyền bàn đến “nghiệp chướng” “nhân quả” đã trói buộc đời Thuý Kiều:

Cái kiếp phong trần khéo đọa đày, Cởi ra rồi lại buộc vào ngay.

Chẳng là ác nghiệt trên chưa hết, Còn nhớ chêm bao giấc mộng say.

Trong bài Vịnh Kiều gặp Từ Hải, Chu Mạnh Trinh cho đó là cái duyên kiếp, nhân quả:

Quả kiếp còn đeo nợ má hồng, Bể khổ nào ai hay tế độ.

Nếu như các nhà nho như Vũ Trinh - Nguyễn Lượng, Tự Đức, Nguyễn Văn Chi, Hà Tôn Quyền, Chu Mạnh Trinh bàn về sự chi phối của tư tưởng

Phật giáo trong Truyện Kiều thông qua các bài vịnh, bài bình, thì Bùi Kỷ - Trần Trọng Kim lại trực tiếp viết bài lí luận để bàn về vấn đề đó. Trong bài

Lý thuyết Phật học trong Truyện Kiều, Bùi Kỷ - Trần Trọng Kim đã khẳng định: “Truyện Kiều lấy thuyết phổ thông của đạo Phật nói về nhân quả làm tôn chỉ” [31,846]. Rồi hai nhà nho diễn giảng một số nguyên lí trong kinh Phật và đem đối chiếu với những câu thơ tương tự ở trong Truyện Kiều để kết luận Truyện Kiều có triết lí Phật giáo. Bùi Kỷ - Trần Trọng Kim đặt ra ba vấn đề: cái thuyết nhân quả, cái thuyết nhân quả trong Truyện Kiều và giá trị

Truyện Kiều. Đối với vấn đề thứ nhất, hai nhà nho cho rằng: “cái thuyết nhân quả cốt ở chữ “nghiệp” [31,846]. Chữ “nghiệp” trong đạo Phật là những việc đã làm kiếp trước kết thành quả kiếp sau. Theo lí thuyết ấy, thì sự sống và cái chết của vạn vật chỉ là sự ẩn hiện. Rồi đưa ra câu thơ trong Truyện Kiều để chứng minh và lí giải: “Thác là thể phách, còn là tinh anh”. Bởi thế, mà có chữ luân hồi, cái nghiệp là quả của kiếp trước và lại là cái nhân cho kiếp sau, rồi cứ như thế mãi. Ông trời là đấng linh thiêng, công bằng quyết định họa hay phúc con người [31,846]. Hai nhà nho này đưa ra câu thơ trong Truyện Kiều để chứng minh:

Đã mang cái nghiệp vào thân, Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa.

Từ đó, Bùi Kỷ - Trần Trọng Kim diễn giảng cái thuyết nhân quả trong

Truyện Kiều. Hai nhà nho cho rằng: “nếu đưa cái thuyết nhân quả của Phật giáo mà đối chiếu với cuộc đời Thuý Kiều thì thấy không có chỗ nào là không đúng. Cuộc đời nàng Kiều gặp nhiều sóng gió, bất hạnh như thế, là vì nàng Kiều có cái nghiệp rất nặng. Trong sổ Đoạn trường, Thuý Kiều đã có tên đứng đầu. Cái nghiệp ấy, nằm sẵn trong mình, cho nên từ lời nói đến tiếng đàn cất lên đều đau đớn, sầu khổ. Người có cái nghiệp ấy, tất là đa tình, đa cảm. Đó như sợi dây vô hình thắt chặt cuộc đời nàng Kiều vào cái nghiệp” [31,847].

Đến vấn đề thứ ba, giá trị Truyện Kiều, Bùi Kỷ - Trần Trọng Kim tiếp tục khẳng định: “Truyện Kiều bày tỏ một cách rất rõ ràng cái lí thuyết nhân quả của nhà Phật” [31,850].

Còn đến bài viết Tâm lý cô Kiều, Phạm Quỳnh cho rằng: “Cuộc đời của Thuý Kiều gặp những khổ sở long đong là vì nàng tin rằng muôn sự tại trời, tin vào định mệnh. Cho nên dẫu phải cực khổ đau đớn cũng phải chịu. Thành ra người hy sinh cho vận mệnh, vận mệnh khiến sao được vậy” [57,1046]. Tác giả bài viết đưa ra dẫn chứng:

Cũng liều nhắm mắt đưa chân, Mà xem con Tạo xoay vần đến đâu.

Như thế thì người chủ động truyện tức là người thụ động của vận mệnh mà thôi. Chỉ khác cái vận mệnh nó làm khổ hơn người thường. Nhưng khi nó làm khổ quá, không biết giải duyên cớ ra làm sao, thì lấy cái lý thuyết của đạo Phật mà chứng minh cho là tiền oan nghiệp chướng, cái duyên kiếp đã khiến như vậy:

Kiếp xưa đã vụng đường tu,

Kiếp này chẳng kẻo đền bù mới xuôi… Lấy thân mà trả nợ đời cho xong.

Cuối cùng, Phạm Quỳnh kết luận tâm lí Thuý Kiều: “Tính cách là tính cách Nho mà tinh thần là tinh thần Phật” [57,1047]. Qua bài viết của Phạm Quỳnh, chúng ta hiểu ông đã nhận thấy mâu thuẫn trong tư tưởng Nguyễn Du, khi giải quyết vấn đề Nho giáo và Phật giáo trong Truyện Kiều. Nhưng sự lập luận của Phạm Quỳnh không rõ ràng và có nhiều sai lệch, chưa nhìn được bản chất vấn đề Nguyễn Du đặt ra. Vì thế, ông đã bị nhiều nhà nghiên cứu phê phán.

Nhìn chung, khi bàn về sự chi phối của tư tưởng Phật giáo trong Truyện Kiều, các nhà nho đã bàn đến chữ “duyên”, “kiếp”, “nghiệp” đến thuyết “nhân

quả”, “luân hồi”. Tức là họ cảm nhận theo tinh thần ý niệm của đạo Phật. Nhưng trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã xây dựng triết lí đạo Phật không còn giữ nguyên hình thức thuần ý niệm lí thuyết như các nhà nho phẩm bình, đánh giá, nhận xét. Mà triết lí Phật giáo đã thấm vào cả nội dung và nghệ thuật cũng như hoà lẫn hay đối lập trong tư tưởng, tình cảm của tác giả.

Như vậy, trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã đi từ luận đề “tài mệnh tương đố” của Nho giáo đến thuyết “nhân quả”, “nghiệp chướng”, “luân hồi” của đạo Phật. Từ luân lí “trung, hiếu, tiết, nghĩa” của Khổng Tử tới lòng “từ bi, bác ái” và “tu nhân tích đức” của Thích Ca. Bạc mệnh hay nghiệp chướng phản ánh trong Truyện Kiều như định mệnh. Nguyễn Du đã xây dựng thành những lực lượng siêu nhiên vùi dập cuộc đời Thuý Kiều. Thực ra, Nguyễn Du đã sử dụng tư tưởng Nho giáo và đạo Phật như một nghệ thuật, để phản ánh những vấn đề nóng bỏng của xã hội đương thời. Đặc biệt là quyền sống của những kiếp người đau khổ, mà nỗi thống khổ của họ như một định mệnh không thể nào cưỡng lại được. Nguyễn Du đã lên tiếng tố cáo xã hội và đòi quyền bình đẳng cho họ, trong đó có quyền sống của người phụ nữ. Đó là tấm lòng nhân đạo cao cả của Nguyễn Du. Khi bàn về sự chi phối của Nho giáo cũng như đạo Phật, các nhà nho mới nhìn thấy ở mặt hình thức, chưa đi sâu vào nội dung để lí giải những vấn đề, mà Nguyễn Du đã đặt ra trong TruyệnKiều.

Một phần của tài liệu CÁC NHÀ NHO VIỆT NAM TIẾP NHẬN TRUYỆN KIỀU (Trang 76 -81 )

×