0
Tải bản đầy đủ (.doc) (124 trang)

Các nhà nho bàn về sự kí thác tâm sự của Nguyễn Du

Một phần của tài liệu CÁC NHÀ NHO VIỆT NAM TIẾP NHẬN TRUYỆN KIỀU (Trang 81 -84 )

Truyện Kiều

Ký thác là sự gửi gắm nỗi niềm, tâm sự của tác giả trong tác phẩm. Vấn đề tâm sự Nguyễn Du đã được nhiều nhà phê bình nghiên cứu bàn luận như các nhà nho, Hoài Thanh, Xuân Diệu, Trương Chính, Phạm Thế Ngũ, Trương Tửu, Nguyễn Lộc. Nhưng trong số đó phải kể tới sự phẩm bình, nhận xét của các nhà nho thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX.

Trong Lời bình, Vũ Trinh - Nguyễn Lượng đã bàn về tâm sự Nguyễn Du thể hiện qua các câu 677, 678 trong Truyện Kiều:

Thà rằng liều một thân con, Hoa dù rã cánh lá còn xanh cây.

Phận sao đành vậy cũng vầy,

Cầm như chẳng đậu những ngày còn xanh.

Hai nhà nho phê: “Tình rốt ráo, bút pháp rốt ráo không biết tác giả lúc hạ bút viết đến đây có bỏ sách mà gào khóc lên một tiếng chăng?” [54,15]. Với câu 695 trong TruyệnKiều:

Một mình nàng, ngọn đèn khuya, Áo đầm giọt lệ, tóc se mái đầu.

Hai nhà nho phẩm bình: “Nếu luận về văn tự, mấy lời ấy đều là lệ máu rưới thành, tiếng khóc và nước mắt cùng ra một lượt” [54,16]. Đọc đến câu 2569 của Truyện Kiều:

Một cung gió thảm mưa sầu, Bốn dây nhỏ máu năm đầu ngón tay.

Nhà nho Nguyễn Lượng phê: “Chỉ một câu thơ này mà lòng thương cảm vô hạn, tưởng như ngày ấy tiếng đàn đẫm máu trên năm đầu ngón tay của Thuý Kiều do từ tâm huyết của tác giả mà trào ra đầu ngọn bút” [54,25].

Trong bài Tựa Truyện Kiều, nhà nho Mộng Liên Đường chủ nhân cũng bàn về tâm sự Nguyễn Du. Ông nhận xét: “Thuý Kiều khóc Đạm Tiên, Tố Như tử làm Truyện Thuý Kiều, việc tuy khác nhau mà lòng thì là một, người đời sau thương người đời nay, người đời nay thương người đời xưa, hai chữ tài tình thật là thông lụy của bọn tài tử trong gầm trời và cả xưa nay vậy” [9,34], và “Lời văn tả ra hình như máu chảy ở đầu ngọn bút, nước mắt thấm trên tờ giấy, khiến ai đọc đến cũng thấm thía ngậm ngùi, đau đớn như đứt ruột” [9,33]. Từ các lời phẩm bình đó, chúng ta thấy: mặc dầu các nhà nho

không dùng đến cụm từ “kí thác tâm sự” nhưng họ đã cảm nhận được sâu sắc tâm sự, nỗi đau của Nguyễn Du gửi gắm vào nhân vật chính Thuý Kiều.

Đáng chú ý là bài viết Tâm sự Nguyễn Du của Trần Trọng Kim. Tác giả đã cho rằng Truyện Kiều là sự ký thác tâm sự cá nhân. Ông lập luận: “Tại làm sao trong tiểu thuyết Tàu thiếu gì truyện hay mà tiên sinh không dịch, lại dịch bộ tiểu thuyết Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân? Là vì tiên sinh thấy cái cảnh của Thuý Kiều đối với cảnh ngộ của tiên sinh hình như là “cũng người một hội, một thuyền đâu xa”. Cho nên tiên sinh mới dụng tâm lấy

Truyện Thuý Kiều mà bày ra cho hết mọi tình, mọi ý của mình. Tiên sinh với nàng Kiều tuy sinh không đồng thời, ở không đồng xứ, nhưng cũng một thanh, một khí. Cho nên đọc đến truyện nàng Kiều là động mối thương tâm “Hữu tình ta lại gặp ta”. Tiên sinh là một người trung thần mà gặp buổi Lê suy. Cũng như nàng Kiều là một người trinh nữ gặp cơn gia biến. Bạch diện đối với hồng nhan đã chịu chung một kiếp, thì Truyện Kiều có phải là để than người bạc mệnh mà thôi, hay là để cho tác giả nhân đó mà tự than mình nữa? Thiết tưởng tiên sinh cũng nghĩ “Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”. Cho nên than người bạc mệnh, tức là than thân mình. Vậy lấy Truyện Kiều mà xét tâm sự của Tố Như tiên sinh thì tưởng không lầm được” [30,164]. Như vậy, theo như Trần Trọng Kim thì Nguyễn Du viết Truyện Kiều là để gửi gắm tâm sự riêng của mình.

Tóm lại, các nhà nho nhận xét Nguyễn Du viết Truyện Kiều là để gửi gắm tấm lòng hay viết Truyện Kiều để gửi gắm tâm sự cá nhân. Nếu tìm hiểu trực tiếp tâm sự của tác giả thông qua tác phẩm thì nhiều lúc không tránh khỏi phỏng đoán. Vì sáng tạo tác phẩm, tác giả đã xây dựng cuộc sống và con người theo qui luật riêng của nó, mặc dầu, nhà văn nào viết văn cũng muốn gửi gắm tâm sự gì đó. Trong khi đó Truyện Kiều là tác phẩm như nhà nho Mộng Liên Đường chủ nhân nhận xét: “Lời văn tả ra hình như máu chảy đầu

ngọn bút, nước mắt thấm trên tờ giấy” thì làm sao không gửi gắm một tâm sự nào đó. Nhưng đối với một kiệt tác như Truyện Kiều chứa đựng bức tranh rộng lớn về cuộc sống thời đại nhà thơ đang sống, thì không thể coi Truyện Kiều chỉ là tâm sự riêng của tác giả. Trước hết, chúng ta phải xem Truyện Kiều là sự phản ánh của cuộc sống, là nhận thức khách quan của Nguyễn Du về cuộc sống, chứ không phải chỉ thể hiện những tâm sự, những cảnh ngộ của riêng một cá nhân.

Một phần của tài liệu CÁC NHÀ NHO VIỆT NAM TIẾP NHẬN TRUYỆN KIỀU (Trang 81 -84 )

×