0
Tải bản đầy đủ (.doc) (124 trang)

Các nhà nho bàn về sự chi phối của tư tưởng Nho giáo

Một phần của tài liệu CÁC NHÀ NHO VIỆT NAM TIẾP NHẬN TRUYỆN KIỀU (Trang 72 -76 )

Truyện Kiều

Chúng ta nhận thấy, một trong những luận đề trung tâm của văn học thời đại Nguyễn Du là luận đề “tạo vật đố tài” và “tài mệnh tương đố” được triển khai thành hai vế “hồng nhan bạc mệnh” và “tài tử đa cùng”. Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã phát biểu tư tưởng đó dưới hai luận đề “tài mệnh tương đố” và “hồng nhan bạc mệnh”. Nguyễn Du đã nhắc đi nhắc lại 16 lần về tư tưởng đó và xem nó như một định mệnh của tư tưởng Nho gia. Tư tưởng này là tấn bi kịch của loài người :

Rằng hồng nhan tự thuở xưa, Cái điều bạc mệnh có chừa ai đâu?

Trong cuốn Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều, Phan Ngọc đã cho rằng: “Nguyễn Du đã chuyển từ chủ đề tình và khổ sang chủ đề tài và mệnh” [50,44]. Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã nhiều lần nhắc đến trời, đến mệnh như ở trong kinh điển Nho gia. Ở đoạn kết thúc Truyện Kiều, Nguyễn Du viết:

Ngẫm hay muôn sự tại trời, Trời kia đã bắt làm người có thân. Bắt phong trần phải phong trần, Cho thanh cao mới được phần thanh cao.

Và Nguyễn Du lại triết lí:

Có tài mà cậy chi tài, Chữ tài liền với chữ tai một vần.

Khi bàn về sự chi phối của tư tưởng Nho giáo trong Truyện Kiều, các nhà nho đã bàn về chữ tài, chữ mệnh. Như trong bài Tựa Truyện Kiều, nhà nho

Mộng Liên Đường chủ nhân cho rằng Thuý Kiều có tài nên gặp chuyện bất trắc và nỗi khổ nàng Kiều do căn nguyên từ hai chữ Đoạn trường: “Trong trời đất đã có người tài tình tuyệt thế tất thế nào cũng có việc khảm kha bất bình. Tài mà không được gặp gỡ, tình mà không được hả hê, đó là cái căn nguyên của hai chữ Đoạn trường vậy” [9,32]. Chính vì Thuý Kiều có tài nên tạo hoá đố kị, ghen ghét “Trong một tập thuỷ chung lấy bốn chữ “tạo vật đố tài” tóm cả đời Thuý Kiều: khi lai láng tình thơ, người tựa án khen tài châu ngọc, khi nỉ non tiếng nguyệt, khách dưới đèn đắm khúc tiêu tao; khi duyên ưa kim cải, non bể thề bồi; khi đất nổi ba đào, cửa nhà tan tác, khi lầu xanh, khi rừng tía, cõi đi về nghĩ cũng chồn chân, khi kinh kệ, khi can qua, mùi từng trải nghĩ mà tê lưỡi. Vui, buồn, tan, hợp, mười mấy năm trời, trong cuốn văn tả ra như hệt, không khác gì một bức tranh vậy. Xem đến chỗ giấc mộng Đoạn trường tỉnh dậy mà căn duyên vẫn gỡ chưa rồi, khúc đàn Bạc mệnh gảy xong, mà oán hận vẫn còn chưa hả” [9,33].

Trong bài Thánh Tổ Nhân hoàng đế ngự chế tổng thuyết, vua Minh Mệnh bàn về chữ tài, chữ tình: “Tài làm cho người phải lầm lỗi, tình vì cảnh ngộ phải đổi đời; Đã có người tài tình hơn đời, mới có cái việc tài tình hơn đời” [48,47].

Đến tập Kim Vân Kiều án, khi xét án Thuý Kiều, Nguyễn Văn Thắng đã đánh giá “Tạo vật đố tài”, “Tài hoa bạc mệnh”. Ông xét: “Hiếu tình có một - Tài sắc gồm hai; Hoa ghen thắm, liễu hờn xanh… Kiếp má phấn đến khi lấy mệnh bạc” [54,57].

Trong Truyện Kiều, Đạm Tiên là người phát ngôn cho tư tưởng định mệnh của Nho giáo, ở bài Vịnh Thuý Kiều lưu lạc, Chu Mạnh Trinh phẩm bình về sự báo mộng của Đạm Tiên đối với cuộc đời gian truân của Thuý Kiều và kiếp “Tài hoa bạc mệnh” và “ Tạo vật đố tài”:

So tài tình Thuý Kiều đệ nhất,

Tiết Thanh minh tảo mộ Đạm Tiên… Mối tơ vương xẩy cuộc tang thương, Người má phấn bên trời lưu lạc.

Phận hồng nhan nhiều nỗi gian truân, Trêu ngươi chi mấy Tạo nhân.

Trong bài Vịnh Kiều bằng chữ Nôm, Hà Tôn Quyền đã thấy được kiếp “mệnh bạc” là kiếp chung của kẻ hồng nhan:

Má đào mệnh bạc lời chung cả, Xin mượn lời xưa viếng kẻ nay.

(Điếu Đạm Tiên)

Ngán nổi trời xanh ghen má phấn, Bao giờ kể lại chuyện đầu đuôi.

(Ngộ gia biến)

Đến bài họa lại bài Vịnh Kiều lấy Mã Giám Sinh của Hà Tôn Quyền, Nguyễn Văn Chi cũng phẩm bình về kiếp “Hồng nhan bạc mệnh”:

Người đâu phong cách lạ ghê, Một đêm hoa tủi bốn bề trăng trêu.

Thân lươn bao quản bùn rêu, Ai hay bạc mệnh vẫn theo người tài.

Trong bài hát nói Vịnh Kiều II, Nguyễn Công Trứ bàn về kiếp “Hồng nhan bạc mệnh” của Thuý Kiều và “Tạo vật đố tài”:

Này con tạo ghét ghen chi lắm bấy, Cái hồng nhan ngẫm lại cũng nực cười… Thấu tình hay chẳng hỡi người Liêu Tây, Trăng già khéo quấy ai chi.

Đến bài Vịnh Kiều, Bùi Hữu Nghĩa bình về kiếp “Hồng nhan bạc mệnh”, “Tạo vật đố tài”:

Nghĩ Thuý Kiều tài kém chi ai, Sắc có một mà tài biết mấy. Bởi kiếp trước nợ nần chi đấy, Mà trời xanh khéo ghét má hồng… Trời có mắt làm thinh sao đành nhẽ, Duyên nguyệt lão xe dây chỉ đỏ. Vương nợ nần đến thế phải can, Thương Kiều một kiếp hồng nhan.

Trong bài Vịnh Kiều đi Thanh minh, Nguyễn Khuyến bình luận về “Tạo vật đố tài”:

Trong khuôn tài sắc trời hay ghét, Trăng gió xưa nay chẳng một mình.

Như vậy, mặc dầu các nhà nho không trực tiếp bàn về sự chi phối của tư tưởng Nho giáo trong Truyện Kiều, nhưng thông qua các lời phẩm bình, đánh giá về chữ “tài”, chữ “mệnh”, thông qua việc nhắc đến “trời”, đến “hồng nhan”, chúng ta thấy họ hoàn toàn ý thức được sự chi phối này:

- Đoạn trường mộng lí căn duyên liễu, Bạc mệnh cầm chung oán hận trường.

(Đoạn trường tân thanh đề từ - Phạm Quý Thích)

- Số kiếp bởi đâu mà lận đận, Sắc tài cho lắm cũng lôi thôi.

(Tổng vịnh nàng Kiều - Nguyễn Khuyến)

- Trong khuôn tài sắc trời hay ghét, Trăng gió xưa nay chẳng một mình.

- Má đào mệnh bạc lời chung cả, Xin mượn lời xưa viếng kẻ nay.

(Điếu Đạm Tiên – Hà Tôn Quyền) - Phận hồng nhan nhiều nỗi gian truân, Trêu ngươi chi mấy Tạo nhân.

(Vịnh Thuý Kiều lưu lạc – Chu Mạnh Trinh) - Này con tạo ghét ghen chi lắm bấy,

Cái hồng nhan ngẫm lại cũng nực cười.

(Vịnh Kiều II - Nguyễn Khuyến)

Một phần của tài liệu CÁC NHÀ NHO VIỆT NAM TIẾP NHẬN TRUYỆN KIỀU (Trang 72 -76 )

×