Các nhà nho bàn về cảm hứng nhân đạo

Một phần của tài liệu Các nhà nho việt nam tiếp nhận truyện kiều (Trang 66 - 71)

Cảm hứng nhân đạo có thể hiểu là tình thương yêu, đồng cảm, chia sẻ với số phận con người, được các tác giả phản ánh trong tác phẩm văn học. Khi bàn về cảm hứng nhân đạo trong Truyện Kiều, các nhà nho như Vũ Trinh, Nguyễn Lượng, Mộng Liên Đường chủ nhân, Phong Tuyết chủ nhân, Phạm Quý Thích, Chu Mạnh Trinh, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Thượng Hiền, Bùi Viện đã đứng trên lập trường nhân sinh để đánh giá những vấn đề có liên quan. Họ đã có mối đồng cảm sâu sắc với tấm lòng nhân đạo của Nguyễn Du trong Truyện Kiều, như nhà nho Nguyễn Lượng đã thấy được tấm lòng của Nguyễn Du trong cảnh Thuý Kiều đánh đàn hầu rượu Hồ Tôn Hiến:

Một cung gió thảm mưa sầu, Bốn dây nhỏ máu năm đầu ngón tay.

Nguyễn Lượng đã hiểu được nỗi đau đứt ruột của Thuý Kiều cũng như nỗi lòng của Nguyễn Du nên mới có sự đồng cảm sâu sắc: “Chỉ một câu thơ mà lòng thương cảm vô hạn, tưởng như ngày ấy những tiếng đàn đậm máu trên năm đầu ngón tay của Thuý Kiều đều do từ tâm huyết của tác giả mà trào ra đầu ngọn bút” [54,25].

Trong bài Tựa Truyện Kiều, Mộng Liên Đường chủ nhân chia sẻ nỗi khổ cuộc đời nàng Kiều nên ông đã cắt nghĩa: “Tài mà không được gặp gỡ, tình mà không được hả hê. Đó là cái căn nguyên của hai chữ đoạn trường vậy” [9,32]. Và ông thấy được tấm lòng thương xót, đồng cảm của Nguyễn Du đối với số phận “hồng nhan bạc mệnh” của người phụ nữ: “Thuý Kiều khóc Đạm Tiên, Tố Như tử làm Truyện Kiều, việc tuy khác nhưng lòng lại là một, người đời sau thương người đời nay, người đời nay thương người đời xưa, hai chữ

tài tình thật là thông lụy của bọn tài tử khắp trong gầm trời và suốt cả xưa nay vậy” [9,34]

Trong bài Tựa Truyện Kiều, Phong Tuyết chủ nhân đã lấy lời dạy Khổng Tử để nói lên mối đồng cảm đối với Truyện Kiều: “Tiểu tử sao không học

Kinh Thi, Kinh Thi có thể xem xét được biến cố, có thể hứng khởi của lòng người, có thể biết lẽ ở đời, có thể hả hê được nông nổi uất ức ở trong lòng. Ai đọc được Truyện Kiều mà hiểu được những lời nói ấy, thì cái người mà ta gọi là Truyện Kiều sớm tối lúc nào cũng gặp được vậy” [54,39].

Khi nhắc đến nhà nho say mê Truyện Kiều thì Chu Mạnh Trinh là kẻ số một. Ông đã làm một bài Bình Kiều, hai bài hát nói Vịnh Kiều và hai mươi mốt bài thơ Nôm Vịnh Kiều. Chu Mạnh Trinh là nhà nho không chỉ say mê văn chương Truyện Kiều, mà còn say nàng Kiều như một giai nhân có thực như ghi tên nàng Kiều vào biêng áo, biêng quần, tay áo. Chép Truyện Kiều

đối với Chu Mạnh Trinh là làm cái việc “nghìn thu sau nhặt cái phấn hương thừa” [78,84]. Trong bài Thanh Tâm Tài Nhân thi tập tự, Chu Mạnh Trinh mơ tưởng sẽ dựng một ngôi nhà vàng cho nàng Kiều, mơ tưởng mượn cỏ thơm gọi hồn Thuý Kiều về và ông tưởng như nàng Kiều về thật: “Đã toan đúc sẵn nhà vàng, chờ người quốc sắc, lại muốn mượn chùm phương thảo, hú vía thuyền quyên… Hỡi ôi! hồn có biết chăng, bóng hoàn bội tưởng ra vào Lạc Phố” [78,85]. Ông cho rằng tất cả những khổ đau, đắng cay của nàng Kiều là do sự bất công của xã hội phong kiến gây nên:

“Quan lại công bằng, án Viên ngoại tỏ ngay tình oan uổng. Thì đâu đến nỗi:

Son phấn mười mấy năm lưu lạc, Đem thân cho thiên hạ mua cười. Mà chắc rằng:

Nhà nho tài tử Chu Mạnh Trinh ca ngợi và hết lời bênh vực Thuý Kiều trước sự lên án nàng. Ông đã ca ngợi cái tài tình hơn ai hết của nàng Kiều như trong bài Vịnh Kiều, ông viết: “So tài tình Thuý Kiều đệ nhất” [54,218]. Còn để bênh vực cho cái việc Thuý Kiều thề nguyện với Kim Trọng trước khi được phép của cha mẹ. Ông đã mượn ý hai câu thơ cổ, tả một cái vườn đóng kín thì có một cành hạnh đỏ vươn ra ngoài vườn nở hoa: “Xuân sắc mãn viên bất trú - Nhất chi hồng hạnh xuất tường lai” [71,1752]. Chu Mạnh Trinh cho rằng việc nàng Kiều tự tình với chàng Kim cũng như bông hoa hạnh không nở trong vườn mà lại vươn ra ngoài tường để nở hoa. Vì thế, đừng khắt khe với bông hoa hạnh đó, nhất là khi nó vẫn giữ được tiết hạnh, trinh tiết: “Bông hạnh nở ngoài tường, chưa để con ong qua tới” [78,83]. Và Chu Mạnh Trinh còn ca ngợi tấm lòng của nàng Kiều như tuyết như gương: “Ngọc kia không vết, giá liên thành không xiết so bì” [78,83]

Trong bài Đoạn trường tân thanh đề từ, Phạm Quý Thích lại tỏ lòng đau xót trước số phận của nàng Kiều:

Giọt nước Tiền Đường chẳng rửa oan, Phong ba chưa trắng nợ hồng nhan… Cho hay những kẻ tài tình lắm,

Trời bắt làm gương để thế gian.

Trong bài Vịnh Thuý Kiều, Bùi Hữu Nghĩa đã cảm thông, thương xót cho kiếp “Tài hoa, bạc mệnh” của người phụ nữ:

- Nghĩ Thuý Kiều tài sắc kém chi ai, Sắc có một mà tài biết mấy.

- Vương nợ nần đến thế phải cam, Thương Kiều một kiếp hồng nhan.

Trong bài Vịnh Kiều bằng chữ Nôm, Hà Tôn Quyền đã cảm thông, đồng cảm với số phận của người phụ nữ. Và ông cảm nhận được số kiếp chung của người phụ nữ là “mệnh bạc”:

Má đào mệnh bạc lời chung cả, Xin mượn lời xưa viếng kẻ nay.

Từ số phận nàng Kiều, các nhà nho cũng thấy được hình bóng của mình ở trong đó. Như trong bài Thanh Tâm Tài Nhân thi tập tự, Chu Mạnh Trinh đã có mối đồng cảm: “Ta cũng nòi tình, thương người đồng điệu; Cái kiếp hoa không lẩm cẩm, còn hồn xuân mộng buâng khuâng” [78,85]

Trong bài Tựa Truyện Kiều, Mộng Liên Đường chủ nhân cũng có mối đồng cảm sâu sắc: “Ta lấy một thiên mực nhạt, xa viếng nàng Kiều, tuy lời văn quê kệch, không đủ sánh với bức dao thiên, song đủ tỏ ra rằng cái nợ sầu của hai chữ tài tình, tuy khác đời mà chung một dạ. Mong được nối đằng sau quyển Tân thanh của Tố Như tử, cùng làm khúc Đoạn trường để than khóc người xưa” [9,34].

Cũng như Nguyễn Du, khi bàn về cảm hứng nhân đạo trong Truyện Kiều, các nhà nho còn lên tiếng tố cáo các thế lực quan lại, đồng tiền và nhà chứa xấu xa, tàn nhẫn “đổi trắng thay đen”, đẩy Thuý Kiều vào cuộc đời khổ nhục, đắng cay (trong phần các nhà nho bàn về cảm hứng thế sự, chúng tôi đã đề cập vấn đề này).

Nhìn chung, khi bàn về cảm hứng nhân đạo trong Truyện Kiều, các nhà nho đã đứng trên lập trường nhân sinh để phẩm bình, đánh giá. Họ là những nhà nho sống cùng thời với Nguyễn Du. Nên họ cũng thấy những bất công, tàn nhẫn của xã hội phong kiến đối với số phận con người, trong đó có số phận người phụ nữ. Họ có hiểu được nỗi đau khổ của Thuý Kiều, cũng như hiểu được tấm lòng nhân đạo cao cả của Nguyễn Du thì mới có mối đồng cảm sâu sắc như vậy. Như Mộng Liên Đường chủ nhân đánh giá: “Tố Như tử dụng

tâm đã khổ, tự sự đã khéo, tả cảnh đã hệt, đàm tình đã thiết, nếu không phải có con mắt trông thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời, thì tài nào có bút lực ấy” [9,34]. Nhà nho Mộng Liên Đường chủ nhân đã có mối đồng cảm thấm thía với tấm lòng nhân đạo của Nguyễn Du trong Truyện Kiều: “Văn tả ra hình như máu chảy đầu ngọn bút, nước mắt thấm trên tờ giấy, khiến ai đọc đến cũng phải thấm thía ngậm ngùi, đau đớn như đứt ruột” [9,33]. Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã xây dựng lên hình tượng người phụ nữ rất mực tài hoa, nhan sắc nhưng gặp một cuộc đời đầy sóng gió “ba chìm, bảy nổi”. Nguyễn Du đã cất lên tiếng kêu:

Đau đớn thay phận đàn bà,

Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung.

Chúng ta có thể cảm nhận, tiếng kêu đó không chỉ dành riêng cho nỗi đau của người phụ nữ mà cho mọi kiếp người đau khổ, không chỉ cho một thời mà cho muôn đời. Từ số phận nhân vật chính Thuý Kiều, Nguyễn Du đã đặt ra một vấn đề bức thiết, bao quát là quyền sống cho con người. Đặc biệt, đòi lại quyền bình đẳng đối với người phụ nữ sống dưới chế độ phong kiến. Nguyễn Du đã tố cáo sự bất công của xã hội và lên tiếng đòi quyền sống, quyền tự do yêu đương và nhu cầu hạnh phúc lứa đôi. Chính vì thế, Nguyễn Du đã ca ngợi tình yêu tự do vượt ra ngoài khuôn khổ lễ giáo phong kiến của Thuý Kiều và Kim Trọng. Đó là tấm lòng nhân đạo cao đẹp của Nguyễn Du đối với số phận bất hạnh của con người. Truyện Kiều đã thể hiện nỗi đau đớn của Nguyễn Du về “nhân tình thế thái”. Khi chọn cuốn Kim Vân Kiều truyện

của Thanh Tâm Tài Nhân, dựa vào đó để sáng tạo theo quan điểm của mình, chắc chắn Nguyễn Du đã tìm thấy ở đó những điều phù hợp với tâm sự và hoàn cảnh xã hội Việt Nam. Nguyễn Du đã bắt gặp ở cuộc đời chìm nổi, lênh đênh của Thuý Kiều niềm đau khổ của chính mình. Vì thế, mở đầu Truyện Kiều, Nguyễn Du đã cất lên tiếng kêu thương chua xót, đau lòng:

Trăm năm trong cõi người ta, Chữ tài chữ mệnh, khéo là ghét nhau. Trải qua một cuộc bể dâu,

Những điều trông thấy mà đau đớn lòng. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Vũ Trinh và Nguyễn Lượng nhận xét: “Mạo đầu sổ ngữ cảm khái hệ chi. Khai quyển sổ cú tận chi (ở đây mấy câu mở đầu quyển truyện niềm cảm khái đã vang theo. Mấy câu mở đầu đã nói trọn cốt truyện)” [54,13]. Truyện Kiều

là bức tranh rộng lớn về cuộc sống thời đại Nguyễn Du, mà ở đó, Nguyễn Du đã đặt ra một vấn đề cấp thiết, nóng bỏng, gay gắt về quyền sống của con người, trong đó có quyền sống của người phụ nữ chịu nhiều trái ngang, bất hạnh do sự bất công của xã hội phong kiến. Đó là tấm lòng nhân đạo sâu sắc của Nguyễn Du đã thấm nhuần trong tác phẩm.

Như vậy, trên vấn đề lớn là các nhà nho bàn về cảm hứng chủ đạo trong

Truyện Kiều, chúng ta có thể nói tới ba vấn đề nhỏ hơn. Thứ nhất, mặc dầu không dùng hai chữ “thế sự” nhưng các nhà nho rất đồng cảm với vấn đề thế sự trong Truyện Kiều như lên án các thế lực quan lại, thế lực đồng tiền, thế lực nhà chứa và thấy được nàng Kiều là nạn nhân của xã hội phong kiến mục nát đương thời. Thứ hai, khi các nhà nho bàn về cảm hứng đạo đức trong Truyện Kiều, dù khen hay chê, họ đều đứng trên lập trường quan điểm của đạo đức phong kiến. Thứ ba, khi bàn về cảm hứng nhân đạo, các nhà nho đã cảm nhận được giá trị nhân đạo của Truyện Kiều, cho nên, họ đã có mối đồng cảm sâu sắc với Nguyễn Du.

Một phần của tài liệu Các nhà nho việt nam tiếp nhận truyện kiều (Trang 66 - 71)