Giọng văn là yếu tố hàng đầu thể hiện phong cách nhà văn, là phương tiện biểu hiện quan trọng của tác phẩm văn học. Đồng thời, giọng văn là yếu
tố có vai trò thống nhất mọi yếu tố khác của hình thức tác phẩm thành một chỉnh thể. Truyện Kiều là một tác phẩm có giá trị đặc biệt, biểu hiện thái độ, cảm xúc của Nguyễn Du. Vậy muốn hiểu được Truyện Kiều, chúng ta không thể không tìm hiểu giọng văn Truyện Kiều qua các bài bàn luận của các nhà nho.
Truyện Kiều là tiếng kêu thương đau đớn, da diết. Đọc Truyện Kiều
không ai không cảm nhận được tiếng kêu thống thiết ở đâu đó trong tác phẩm. Như trong câu 2.569 trong Truyện Kiều:
Một cung gió thảm mưa sầu, Bốn dây nhỏ máu năm đầu ngón tay.
Nguyễn Lượng đã cảm nhận được giọng văn thống thiết, đau đớn của Nguyễn Du: “chỉ một câu thơ này mà lòng thương cảm vô hạn, tưởng như ngày ấy tiếng đàn đậm máu trên đầu ngón tay của Thuý Kiều đều do từ tâm huyết của tác giả mà trào ra đầu ngọn bút” [54,25].
Trong Việt Hán văn khảo (1918), Phan Kế Bính lại lập luận: “Giọng văn nhẹ nhàng, ý tứ lưu loát, tá dụng những điển tích cũng tài, mà nhất là những chỗ tả cảnh tả tình, tình cảnh nào như vẽ ra tình cảnh ấy… Lại như những chỗ tả ngón đàn mỗi chỗ tả một khác, mà chỗ nào cũng thần tình, những chỗ tả lòng thương nhớ, mỗi đoạn tả một tứ mà từ nào cũng não nùng” [52,226]. Rồi từ những câu 667 đến 668 trong Truyện Kiều:
Thà rằng liều một thân con, Hoa dù rã cánh, lá còn xanh cây.
Phận sao đành vậy cũng vầy,
Cầm như chẳng đậu những ngày còn xanh.
Vũ Trinh đánh giá: “Tình rốt ráo, bút pháp rốt ráo, không biết tác giả lúc hạ bút, viết đến đây có bỏ sách mà gào lên một tiếng chăng?” [54,15]
Đến nhà nho Mộng Liên Đường nhận xét về giọng văn cảm thương của Nguyễn Du đã làm rung động đến ngàn tâm trạng: “Lời văn tả ra hình như máu chảy ở đầu ngọn bút, nước mắt thấm trên tờ giấy, khiến ai đọc đến cũng phải thấm thía ngậm ngùi, đau đớn như đứt ruột” [9,33]. Rồi nhà nho này cắt nghĩa cái tài năng nghệ thuật của Nguyễn Du: “Tố Như tử dụng tâm đã khổ, tự sự đã khéo, tả cảnh đã hệt, đàm tình đã thiết, nếu không phải có con mắt trông thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời, thì tài nào có bút lực ấy” [9,34]. Còn Phong Tuyết chủ nhân đánh giá: “Đem bút mực tả lên trên tờ giấy nào những câu thơ vừa lâm ly, vừa uỷ mị, vừa đốn toả, vừa giải thư, vẽ hệt ra một người tài mệnh trong mười mấy năm trời, cũng là vì cái cảnh lịch duyệt của người ấy, có lâm li, uỷ mị, đốn toả, giải thư, mới có cái văn tả hệt ra như vậy” [54,39]. Vậy là viết Truyện Kiều, Nguyễn Du không phải chỉ thương cho một mình cô Kiều, mà thương chung cho cả mọi kiếp người đắm chìm trong bể khổ. Qua giọng văn thể hiện trong ngôn ngữ Truyện Kiều, các nhà đã cảm nhận được tiếng kêu thương thống thiết của Nguyễn Du, không chỉ dành cho một kiếp người, một thời đại mà cho cả kiếp người đau khổ của mọi thời đại nói chung.
Đến bài Văn chương Truyện Kiều, Vũ Đình Long cũng nhận xét về cái giọng văn đó: “Đến thơ Nguyễn Du viết thì hay quá; khi lên bổng, khi xuống trầm, êm đềm vui vẻ; khi mơn man như ngọn cỏ, khi cuộn cuộn như nước sông; khi nhẹ nhàng như cành trúc mùa xuân, khi nặng nề như trời đông mưa gió; khiến nên những bạn tri âm của Truyện Kiều đã công nhận Truyện Kiều là khúc đàn tuyệt diệu. Mà là khúc đàn tuyệt diệu” [52,295]. Truyện Kiều là tiếng kêu thương đẫm đầy nước mắt. Trong tiếng đàn của Thuý Kiều, khiến cho ai nghe cũng não nùng, đau đớn.
Như vậy, giọng văn là một hiện tượng nghệ thuật được tạo thành từ các yếu tố gắn kết, hô ứng nhau. Giọng văn Truyện Kiều được thể hiện qua ngôn
ngữ nghệ thuật điêu luyện, tinh tế. Qua các bài bàn luận của các nhà nho, chúng ta thấy giọng văn cơ bản của Truyện Kiều là giọng văn cảm thương, chia sẻ, đồng cảm.