3. Mục tiêu nghiên cứu
3.1.2.1. Huyện Tương Dương
Tương Dương là một huyện miền núi vùng cao nằm ở phía Tây Nam tỉnh Nghệ An, cách thành phố Vinh gần 200km và cách cửa khẩu Nậm Cắn 90km, có quốc lộ 7A đi qua. Huyện Tương Dương có đường biên giới dài 58km tiếp giáp với nước Lào. Vị trí địa lý của huyện có: Phía Bắc và Tây Bắc giáp với huyện Quế Phong và nước Lào; phía Nam và Tây Nam giáp Lào; phía Đông và Đông Nam giáp với huyện Con Cuông; phía Tây giáp huyện Kỳ Sơn. Toàn huyện có 18 đơn vị hành chính xã, thị trấn, trong đó có một thị trấn là thị trấn Hòa Bình.
- Diện tích, địa hình:
Huyện có diện tích tự nhiên là 281.179,37ha (chiếm 17% diện tích toàn tỉnh), trong đó diện tích đất nông nghiệp chỉ có 901,09ha (chiếm 0,32% diện tích tự nhiên của huyện), còn lại là đất lâm nghiệp và các loại đất khác. Toàn bộ huyện nằm trong vùng địa hình có độ cao trung bình từ 65 -75m so với mực nước biển, địa hình phức tạp, núi non hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn.
- Dân số, dân tộc:
Tương Dương có tổng số dân là 75.993 người, gồm 6 dân tộc chủ yếu là Thái: 54.815 nhân khẩu; Mông: 3.083 nhân khẩu; Tàypọong: 549 nhân khẩu; Ơ Đu: 604 nhân khẩu; Kinh 7.805 nhân khẩu; Khơ Mú: 8.979 nhân khẩu; dân tộc khác: 158 nhân khẩu ( Tổng điều tra dân số và nhà ở 2009). Dân cư phân bố không đều, chủ yếu tập trung ở dọc quốc lộ 7A, đặc biệt là ở thị trấn Hòa Bình. Mật độ trung bình là 27 người/km2. Trình độ dân trí không cao. Huyện có cơ cấu dân số trẻ, nguồn lao động dồi dào nhưng chủ yếu là lao động phổ thông, lao động có trình độ kỹ thuật và tay nghề ít.
- Kinh tế - xã hội:
+ Tốc độ tăng trưởng bình quân: 13,8%
+ Thu nhập bình quân đầu người: 8,9 triệu đồng + Thu ngân sách trên địa bàn: 189.000 triệu đồng
+ Tỷ trọng Nông nghiệp – Công nghiệp – Thương mại Dịch vụ: 43,49% - 21,34% - 35,17% (số liệu thống kê cuối năm 2009).
Tính đến cuối năm 2009, toàn huyện còn 8500 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 57,8% so với tổng số hộ dân trên địa bàn huyện.
- Văn hóa, giáo dục, y tế:
Với các chương trình của chính phủ như: Chương trình 135, Chương trình 134, Chương trình 30A đã làm thay đổi bộ mặt kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế của Tương Dương trong những năm gần đây. 100% số trẻ được đến trường, 100% trường học được kiên cố hóa, số lượng học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp ngày càng cao. Huyện có 1 trường THPT, 1 trường THPT Dân tộc nội trú, 20 trường THCS, 37 trường Tiểu học, 21 trường Mầm non. Các cơ sở y tế ngày càng được đầu tư, trang bị, 100% số xã có trạm xã, 1 bệnh viện đa khoa với 50 dường bệnh, 1 trung tâm y tế dự phòng, 3 cơ sở trạm xá đa khoa khu vực.