- Hộ tự bỏ vốn
4.7.1. Tác động đến người dân địa phương
• Thay đổi tập quán canh tác của người dân trên địa bàn
Từ trước đến nay người dân huyện Quỳ Hợp chủ yếu sản xuất lúa bằng cấy tự do, bón phân tự do, không cần sự đầu tư, chăm sóc nhiều; tốn ít công lao động nên năng suất và hiệu quả kinh tế của cây lúa còn rất thấp (năng suất TB toàn huyện Quỳ Hợp là 2,5 tạ/sào/vụ; của xã Châu Đình, Châu Lộc là 2,5tạ/sào/vụ; vụ Hè Thu 2007). Qua các buổi tập huấn kỹ thuật mô hình, các cuộc hội thảo giúp cho bà con nông dân có thể trao đổi với nhau những kiến thức, những kinh nghiệm quý báu trong sản xuất nông nghiệp; rèn luyện được những kỹ năng xã hội và làm thay đổi cách nghĩ, cách làm cho người dân, áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất nhằm tăng năng suất, tăng thu
nhập cho nông hộ. Qua đó họ có thể cùng chia sẻ những kinh nghiệm mới trong sản xuất và cùng nhau phát triển kinh tế.
• Nâng cao nhận thức trong sản xuất nông nghiệp cho người dân
Việc thực hiện mô hình bón phân viên nén dúi sâu cho lúa có sự đầu tư các loại đầu vào một cách phù hợp, tiết kiệm sẽ mang lại hiệu quả so với trước đây việc trồng lúa thiếu sự đầu tư chăm sóc. Từ đó người dân sẽ nhận thức được rằng: Nếu có sự đầu tư mạnh hơn về các yếu tố đầu vào sẽ mang lại năng suất cao hơn trong sản xuất.
Bên cạnh đó việc sản xuất nông nghiệp cũng chịu ảnh hưởng khá lớn của điều kiện tự nhiên, khi người dân có thể nắm bắt được hai yếu tố này thì việc sản xuất nông nghiệp của họ sẽ gặp nhiều thuận lợi hơn. Ở những vùng cao dân tộc ít người tình hình sản xuất nông nghiệp vẫn còn trông chờ vào môi trường thiên nhiên và không đầu tư cho sản xuất nhiều, mặt khác đất đai và khí hậu ở những vùng này rất bất lợi cho trồng lúa. Vì vậy cần áp dụng những kỹ thuật tiên tiến nhằm tăng năng suất, nâng cao phẩm chất và hiệu quả kinh tế. Qua mô hình phần nào giúp họ nhận thấy được phương thức sản xuất có sự đầu tư về các chi phí đầu vào, và tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật gieo cấy thì hiệu quả mang lại sẽ cao, đồng thời qua mô hình giúp cho người dân chủ động hơn trong sản xuất tránh tình trạng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của dự án, của cán bộ khuyến nông.
Hộp 4.5. Sự tác động đến người dân
Vẫn làm nếu Dự án không tiếp tục hỗ trợ
“Tôi làm mô hình này được 3 vụ rồi, khi đó được dự án CBAET hỗ trợ kỹ thuật, giống, phân bón và đã cho kết quả rất tốt.Gia đình tôi quyết định áp dụng kỹ thuật bón PVNDS cho ruộng của mình cho dù phải tự bỏ chi phí, qua các vụ đều cho kết quả tốt. Vì gia đình đất ruộng ít, giờ với mô hình này chúng tôi sẽ có thêm thu nhập hơn, mà còn tiết kiệm được chi phí giống, phân bón.”
Chị Lữ Thị Hoa, Xóm Rồng, Xã Châu Lộc. “Dự án đã kết thúc, nhưng những thành quả mà Dự án đem lại là rất quan trọng và cần thiết, bà con nông dân có điều kiện học hỏi để tăng thêm các kiến thức về khoa học kỹ thuật mới áp dụng vào sản xuất nông nghiệp; xây dựng được mô hình mới, các cách làm hay và hiệu quả, giúp cho những người dân tăng thêm nguồn thu nhập và làm giàu chính đáng trên mảnh đất 2 vụ lúa”.
Anh Lô Văn Hà, KNV xã Châu Lộc .
(Nguồn: Điều tra thực địa)