3. Trí tuệ và tri thức 1 Giá trị của tri thức
3.5.2 Tôn vinh dân chủ
Những bài học thành bại trong sự nghiệp cách mạng từ ngày có Đảng đã cho thấy rõ điều ấy.
Chính ở đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu một tấm gương chói sáng trong việc quy tụ và sử dụng người tài. Chính phủ Kháng chiến do Bác Hồ đứng đầu đã tập họp được nhiều nhân sĩ, trí thức tiêu biểu, một nhân tố cực kỳ quan trọng để gọi dậy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, là một minh chứng đầy sức thuyết phục.
Hơn nữa, chính hình ảnh của "Chính phủ Kháng chiến" ấy đã làm nổi bật lên một nét độc đáo trong tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước: cơ sở xã hội của nhà nước ấy là dân tộc. Sức hấp dẫn của Chính phủ Kháng chiến là sự quy tụ được trí tuệ của dân tộc không phân biệt đảng phái, giai cấp, ý thức hệ, tôn giáo tín ngưỡng... Khi đi vào xây dựng lại đất nước "đàng hoàng hơn, to đẹp hơn" thì nét đặc sắc và sáng tạo trong tư tưởng Hồ Chí Minh lại là sự nhận thức sâu sắc về tổng thể con người, về văn hóa, một tầm cao mới của trí tuệ thời đại.
Nói tổng thể và văn hóa cũng tức là nói con người. Đó chính là tầm nhìn và cách tư duy để tìm kiếm con đường hiện đại, có thể rút ngắn đoạn đường để phát triển. Quán triệt điểm đặc sắc ấy của tư tưởng Hồ Chí Minh, thì về kinh tế sẽ tránh rơi vào nền kinh tế thị trường hoang dã, chộp giựt. Mà là, làm kinh tế, làm chính trị là để nhằm tôn vinh dân chủ, tức là người dân và con người.
Nếu làm kinh tế thị trường đơn thuần về chính trị với hàm nghĩa những mưu lược, thì mục tiêu dù đạt được cũng dễ làm mất văn hóa, dễ "nuốt trôi" mất văn hóa. Ngược lại, xuất phát từ văn hóa, tức là từ con người thì sẽ nâng cao kinh tế và chính trị lên với những nội dung văn hóa được đưa vào.
Nếu hiểu sâu sắc đặc điểm nổi trội ấy của tư tưởng Hồ Chí Minh, sẽ giúp hình thành một hệ thống giá trị chân chính của xã hội mới, ở đấy, trí tuệ của thời đại được thể hiện một cách nhuần nhuyễn và hài hòa nhất.