3. Trí tuệ và tri thức 1 Giá trị của tri thức
3.5 Đảng phải là Đảng của trí tuệ 1 Dùng hiền tà
3.5.1 Dùng hiền tài
Đảng "phải là Đảng của dân tộc", muốn vậy, Đảng phải là Đảng của trí tuệ. Đây không là một áp đặt của suy đoán chủ quan hay là sự biểu đạt một ước vọng. Đây chỉ là sự diễn dịch cái tất yếu logic của vận động thực tiễn và cũng là của chính nhu cầu tồn tại và phát triển của Đảng, nếu Đảng muốn làm trọn sứ mệnh cao quý của mình, sứ mệnh "soi đường chỉ lối cho nhân dân ta vững bước trên con đường thắng lợi" như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra.
Ánh sáng của ngọn đuốc "soi đường, chỉ lối" đó không thể là gì khác ánh sáng của trí tuệ. V.I. Lênin cũng từng khuyến cáo "chỉ đảng nào được một lý luận tiền phong hướng dẫn, thì mới có khả năng làm tròn vai trò chiến sĩ tiền phong". Làm thế nào để có được "lý luận tiền phong" nếu không đứng ở tầm cao của trí tuệ thời đại?
Đây là một chân lý quá đơn giản, bất kỳ ai cũng có thể hiểu được. Còn nếu cần đề cập đến chủ đề này trên bình diện lý luận, thì xin nhắc lại sự dẫn giải của V.I Lênin: "Lịch sử tất cả các nước chứng tỏ rằng chỉ do lực lượng độc của bản thân mà thôi thì giai cấp công nhân chỉ có thể đi đến ý thức công liên chủ nghĩa...Còn học thuyết xã hội chủ nghĩa thì phát sinh từ các lý luận triết học, lịch sử kinh tế, do những người có học thức trong các giai cấp hữu sản, những trí thức xây dựng nên. Mác và Ăngghen, những người sáng lập ra chủ nghĩa xã hội khoa học hiện đại, do địa vị của các ông, nên chính bản thân các ông cũng thuộc lớp trí thức tư sản".
"Những người có học thức" nói đây là ai nếu không phải là những người tích lũy được vào mình trí tuệ của thời đại họ đang sống? Nếu Đảng Cộng sản là kết quả của sự kết hợp giữa lý luận cộng sản với phong trào công nhân của thời đại C.Mác, thời đại của tích luỹ công nghiệp hoá, chiến tranh thuộc địa và khủng hoảng chu kỳ, thì khi được chuyển về phương Đông, chủ nghĩa
Mác đã trở thành vũ khí tư tưởng cho cuộc đấu tranh giải phóng của những người nghèo khổ, bị áp bức bóc lột trong chế độ phong kiến hoặc chế độ thực dân, mở đầu bằng cách mạng XHCN tháng Mười Nga năm 1917.
Khẩu hiệu "giai cấp vô sản và các dân tộc bị áp bức liên hiệp lại" do V.I Lênin đề xướng thể hiện rõ nội dung đó. Nhưng, như Lênin đã chỉ ra: "lịch sử tất cả các nước chứng tỏ rằng chỉ do lực lượng độc của bản thân mà thôi thì giai cấp công nhân chỉ có thể đi đến ý thức công liên chủ nghĩa", cho nên, theo Hồ Chí Minh "phải có chủ nghĩa làm cốt, trong đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy", mà chủ nghĩa thì lại do chính "những người có học thức trong các giai cấp hữu sản, những trí thức xây dựng nên" như Lênin đã dẫn giải trong trích dẫn nói trên!
Hành trình tìm đường cứu nước của Hồ Chí Minh, nói cho cùng, cũng là hành trình đi tìm "ngọn đuốc soi đường", đi tìm vũ khí tư tưởng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc ra khỏi đêm đen nô lệ. Và Hồ Chí Minh đã tìm thấy ở Luận cương của V.I Lênin "ngọn đuốc soi đường" ấy. Cho nên, "ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: "Hỡi đồng bào bị đọa đầy đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta".
Vậy là, "Điều mà tôi muốn biết hơn cả - và cũng chính là điều mà người ta không thảo luận trong cuộc họp là: vậy thì cái "quốc tế " nào bênh vực nhân dân các nước thuộc địa?" {3} , điều ấy giải thích vì sao Hồ Chí Minh "vui mừng đến phát khóc lên" khi đọc "Luận cương Lênin về các vấn đề dân tộc và thuộc địa".
Với Hồ Chí Minh vào thời điểm đó, "luận cương Lênin" chính là ánh sáng trí tuệ giúp "người yêu nước" ấy tìm ra con đường cứu nước kể từ khi bôn ba khắp năm châu bốn biển để kiếm tìm. Sẽ hiểu thêm điều này nếu lưu ý rằng, trước và sau khi đọc "Luận cương Lênin", Hồ Chí Minh đã từng tìm đến những đỉnh cao trí tuệ loài người để tự trang bị cho mình những kiến thức cần thiết nhằm phục vụ cho mục tiêu trước sau như một của mình là giải phóng dân tộc, đem lại độc lập cho đất nước, tự do hạnh phúc cho nhân dân.
H1.5 Bác Hồ cùng đồng bào
Như đã trình bày ở phần trước, Hồ Chí Minh tìm thấy ở Khổng Tử "sự tu dưỡng đạo đức cá nhân", ở Giêsu "lòng nhân ái cao cả", ở chủ nghĩa Mác "phương pháp biện chứng", ở chủ nghĩa
Tôn Dật Tiên "chính sách phù hợp với điều kiện nước ta". Theo Hồ Chí Minh, họ gặp nhau ở điểm chung là "muốn mưu cầu hạnh phúc cho loài người, phúc lợi cho xã hội". Chính vì thế mà Người "cố gắng làm người học trò nhỏ của các vị ấy".* Làm thế vì Khổng Tử, Giêsu, Các Mác, Tôn Dật Tiên...chính là những người có học thức nhất của thời đại họ đã sống. Họ vừa là sản phẩm của nền văn minh mà thời đại của họ đạt được, vừa là những đồng tác giả góp phần tạo ra nền văn minh đó.
Thật ra thì tôn vinh và tìm mọi cách để quy tụ và phát huy trí tuệ và tài năng của những người có học thức, nói theo lời người xưa, đó là "nguyên khí quốc gia", thì tự cổ chí kim, bất cứ thể chế chính trị nào nào muốn tồn tại và phát triển đều phải ra sức vun đắp, gây dựng. Nhìn vào lẽ thịnh suy của những triều đại tiếp nối nhau trong lịch sử, chỉ ở vào ngày tàn, một triều đại mới bạc đãi kẻ sĩ và dung dưỡng gian thần theo lối "ngưu tầm ngưu, mà tầm mã".
Mọi người đều biết ông cha ta đã trân trọng và ra sức hun đúc, đào luyện "hiền tài", bồi đắp "nguyên khí quốc gia", như thế nào. Công luận nhìn vào đó mà luận suy về thời cuộc, về lẽ hưng phế của một triều đại, một chế độ chính trị. Thậm chí, là căn cứ để phán đoán về một chính khách tầm cỡ, một nhân vật lãnh đạo dày dạn.
Hãy đọc lại "Đại Việt Sử ký toàn thư", Kỷ Nhà Lê, chép chiếu chỉ của Lê Thái Tổ về tiến cử hiền tài: "Nay trẫm gánh vác trách nhiệm nặng nề, sớm khuya kính cẩn lo sợ, như đứng bờ vực thẳm, chỉ vì chưa tìm kiếm được người hiền tài giúp đỡ trị nước...Nhân tài ở đời cố nhiên là không ít, nên đường lối tìm người cũng không phải chỉ có một phương. Nếu có ai ôm ấp tài lược kinh bang tế thế nhưng phải chịu khuất ở hàng quan thấp, không có người tiến cử cho, cùng là những hào kiệt bị vùi dập ở bụi bờ, hay lẫn lộn trong quân ngũ, nếu không tự đề đạt thì trẫm làm sao biết được?...Khi chiếu này ban ra, các quan hãy đem hết lòng thành, lo việc tiến cử. Còn như kẻ hàn vi ở chốn hương thôn, cũng chớ cho thế là phải đem ngọc bán rao mà hổ thẹn, để trẫm phải thở than vì thiếu nhân tài". Trong lịch sử, chiếu chỉ này không là duy nhất!
Từ những ngày đầu của chính quyền cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có công thư "Tìm người tài đức" đăng báo. Đăng báo, vì sợ rằng "không thiếu người có tài có đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những người tài đức không thể xuất thân" {4}. Như vậy là Bác Hồ làm công tác cán bộ, công tác tổ chức một cách công khai, minh bạch, dựa vào thành ý và minh tâm của dân để phát hiện, tuyển chọn, tôn vinh và sử dụng người tài. Chỉ bằng cách đó thì Đảng mới có thể là Đảng của trí tuệ.