3. Trí tuệ và tri thức 1 Giá trị của tri thức
3.2.1 Xác định triết học về nhân cách
Từ "nhân cách" bắt nguồn từ tiếng Latinh "Persona", nguyên ý là chỉ "mặt nạ", bắt đầu từ sự sùng bái totem và sùng bái tổ tiên của người nguyên thuỷ. Người sau mở rộng từ "nhân cách", liền xuất hiện rất nhiều định nghĩa và lý luận về nhân cách. Khái quát từ giác độ triết học, nhân cách là biểu hiện tập trung của tính chủ thể của con người ở chủ thể. Con người chỉ với tính cách là chủ thể hoạt động mới có nhân cách, con người chỉ có nhân cách độc lập mới có thể trở thành chủ thể đích thực. Xét theo ý nghĩa này, con người muốn có nhân cách độc lập thực sự, cần giữ tính tự chủ, tính năng động và tính sáng tạo của mình trong quan hệ với đối tượng.
Nhân cách cụ thể đều là hiện thực và biểu hiện ra thông qua cá thể. Marx nhấn mạnh: "tiền đề thứ nhất của bất kỳ lịch sử loài người nào rõ ràng cũng là sự tồn tại của cá thể có sinh mệnh". Cá nhân không chỉ là "tiền đề" của lịch sử loài người, thậm chí còn là mục đích của sự phát triển lịch sử, "lịch sử xã hội của người ta trước sau chỉ là lịch sử sự phát triển cá thể của họ". Do vậy, nếu không xét đến cá thể, nhân cách chẳng qua sẽ chỉ là "cái chung hư ảo". Nhìn từ quan hệ giữa con người và hoạt động giá trị, nhân cách biểu hiện tính chủ thể của con người. Chủ thể vừa có thể là cá nhân (chủ thể cá thể), quần thể (chủ thể tập thể), xã hội (chủ thể xã hội), cũng có thể là loài người (chủ thể loài). Nhưng hình thức của chủ thể tuy có thể đa dạng, nhưng cơ sở hoạt động của chủ thể lại chỉ có thể là con người cá thể, bởi tính năng cần thiết của hoạt động của loài người, xã hội, quần thể với tính cách là chủ thể chỉ có tính trực tiếp khi thể hiện ở cá thể có sinh mệnh, và chỉ có thông qua hành động của cá thể người có sinh mệnh mới có thể có được tính hiện thực.
Khẳng định nhân cách chỉ có thể là cá thể, tuyệt nhiên không phủ nhận tính chất xã hội có ở nhân cách cá thể. Bản chất của nhân cách chỉ có thể đạt được tính quy định hợp lý của nó từ trong xã hội, bởi cá thể chỉ có sinh mệnh thôi thì chỉ là cá thể sinh vật, dù là người cũng chỉ là một thực thể không có tính quy định - mọi tính quy định người của nó chỉ có thể lấy từ xã hội. Nhân cách cụ thể vừa do các nhân tố cụ thể như điều kiện sản xuất, môi trường xã hội và giáo dục văn hoá hun đúc nên, vừa phản ánh trầm tích của văn hoá truyền thống và đặc trưng bên trong, định hướng giá trị của chủ thể, đồng thời còn thông qua các hiện tượng như mô hình hành vi bên ngoài, cụ thể cảm tính để biểu hiện ra. Do vậy, nói chung, một khi hình thành, một nhân cách nhất định trước hết có tính ổn định tương đối, trong những điều kiện khác nhau vẫn thể hiện ra đặc trưng nhân cách tương đối ổn định. Thí dụ người có ý chí kiên cường, đứng trước mọi thứ khó khăn đều không dễ dao động; người tự tư tự lợi thì trong các tình cảnh sống luôn tính toán được mất. Nhưng tính ổn định tương đối của nhân cách tuyệt nhiên không gạt bỏ tính khả biến của nó. Giống như mọi sự vật đều không phải là tuyệt đối bất biến, trong hoạt động có tính đối tượng đang phát triển, sự vật mới, môi trường mới, quan niệm mới luôn cảm nhiễm, hun đúc, tác động tới chủ thể hoạt động và dần dà hoà vào, nội hoá thành trạng thái tâm lý của chủ thể, dần dà lọc thải nhân cách cũ, xây dựng nhân cách mới.