Quyển II: SƠN XUYÊN CHÍ [chép về núi sông] (tiếp)
PHỤNG NGA CHÂU (CÙ LAO PHỤNG NGA) ([104][276])
Ở bờ phía bắc sông Sa Đéc, vừa cong vừa dài 10 dặm. Phía đông là cù lao Phụng (tục gọi là cù lao Tân Phụng), phía tây là cù lao Nga (tục gọi là cù lao Cái Nga), có dân của 4 thôn Tân Phụng, Sùng Văn, Tân Lâm và An Tịch sinh sống ở đó. Đất nầy chỉ thuộc một khu nhưng có ngòi nhỏ ở giữa nên chia ra làm hai, như hai nửa viên ngọc bích ghép lại vậy. Ở đấy vườn xanh rậm, tàu cau rủ đuôi chim phụng, bến sông tắm đàn nga, đó là nguyên nhân ban đầu đưa đến gọi tên là Phụng Nga. Nơi đây tuy là nhà cửa chốn lâm tuyền nhưng lại gần thành thị. Kẻ ưa nhàn tĩnh thì đến bến phía bắc thả thuyền qua Tiền Giang để giặt dải mũ ở sông Thương Lang ([105][277])
[66a]. Người ưa phồn hoa thì đến bến phía nam đưa chân xuống Sa Đéc vui chơi thú chợ Lạc Dương ([106][278]). Có ruộng để cày nên làm nông phu cũng tốt, có sông để câu nên làm ngư phủ cũng hay, đủ cả thú vui cho mọi giới, đáng gọi là một cù lao giàu có đầy đủ vậy.
DINH CHÂU ([107][279])
Tục gọi là cù lao Giêng, ở thượng lưu Tiền Giang, cách trấn về phía tây 117 dặm. Trước kia là đất thuộc đạo Tân Châu, ở đây có dân cư của 4 thôn: Toàn Đức, Mỹ Hưng, Toàn Đức Đông và Phú Hưng.
Phía tây nam có cù lao nhỏ dân cư của 3 thôn: Tân Phước, Phú An và Tân Tịch ở đấy. Phía đông nam có cù lao nhỏ dân cư của thôn Tân Thới ở đó.
Ba cù lao này đứng sóng vai nhau, bốn phía đều sóng nước, nghiễm nhiên trở thành dáng dấp ba đảo tiên Bồng Lai, Phương Trượng, Doanh Châu vậy. Từ đấy lên phía bắc có rừng tre xanh um, thân tre cao lớn khác thường, cành rễ quấn nhau rậm rịt khắp phía. Bên trong lắm hồ ao, cá đồng chen chúc, dân bắt cá kéo đến từng nhóm 5, 10 người, họ sục bùn, vạch cỏ tìm bắt cá đem ướp mắm hoặc phơi khô, rồi chặt tre kết bè chở bán khắp các ngả, cùng nhau cậy nhờ mối lợi của thiên nhiên.